cover

Nối tiếp Starbucks, McDonald's đóng cửa chi nhánh lâu đời nhất sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam

18 Thg 09

Từ 16/9, trên fanpage McDonald's thông báo đóng cửa chi nhánh McDonald's Bến Thành - một trong những cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này tại Việt Nam vào ngày 19/9 tới đây.

McDonald's đóng cửa chi nhánh lâu đời bậc nhất tại Việt Nam sau 10 năm hoạt động

Mới đây, trên fanpage của McDonald's đã thông tin về việc đóng cửa chi nhánh Bến Thành tại địa chỉ số 2-2A Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM. Đây là một trong những chi nhánh đầu tiên của chuỗi tại Việt Nam. 

McDonald's đóng cửa chi nhánh lâu đời nhất sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam

Thông báo chính thức trên fanpage của McDonald's

“Dù không muốn nói lời chia tay, nhưng vào 2 giờ sáng ngày 19/9/2024, McDonald’s Bến Thành sẽ khép lại hành trình 10 năm đồng hành đầy cảm xúc. Cảm ơn bạn vì đã cùng nhau tạo nên một thập kỷ rực rỡ và ý nghĩa”, McDonald’s viết trong thông báo gửi khách hàng.

Tuy McDonald's không tiết lộ nguyên nhân đóng cửa chi nhánh đắc địa bậc nhất tại TP.HCM nhưng nhiều đồn đoán rằng chuỗi thức ăn nhanh đến từ Mỹ không kham nổi giá thuê mặt bằng. Được biết McDonald's Bến Thành hoạt động 24/7, nằm trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, và cách không xa chợ Bến Thành. Cửa hàng có quy mô 3 tầng, diện tích xây dựng 660m2, có sức chứa khoảng 260 khách. Việc đóng cửa một trong những nhà hàng lâu đời bậc nhất cũng khiến nhiều khách hàng bày tỏ sự tiếc nuối về một địa điểm thân quen.

McDonald's Bến Thành khi mới khai trương

McDonald's Bến Thành khi mới khai trương

McDonald's xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014 với cửa hàng đầu tiên tại số 2-6 Bis Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM. Đây cũng là trụ sở của McDonald's Việt Nam. McDonald's Bến Thành là chi nhánh thứ hai của chuỗi đồ ăn nhanh của Mỹ được khai trương vào tháng 5/2014, chỉ ba tháng sau khi gia nhập thị trường. Thời điểm đó, McDonald's tham vọng sẽ mở 100 cửa hàng trong 10 năm. Tuy nhiên, 1 thập kỷ trôi qua, McDonald's mới thực hiện được 1/3 tham vọng. Dù đạt được nhiều thành công lớn trên toàn thế giới nhưng McDonald's vẫn chưa thể phát triển vượt bậc tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, chuỗi có 35 cửa hàng trên toàn quốc và 17 cửa hàng tại TP.HCM.

Trước McDonald’s, một “ông lớn” ngành F&B khác là Starbucks cũng vừa tuyên bố đóng cửa chi nhánh Starbuck Reserve tại Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM từ 26/8. Lý do được thương hiệu này đưa ra là vì không đàm phán được vấn đề giá cả mặt bằng. Với mức giá quá cao, lên tới 757 triệu đồng/ tháng, tương đương gần 9 tỷ đồng/ năm cho diện tích 212,5m2. 

>>> Đọc thêm: McDonald's: những chiến dịch marketing thành công vang dội và thất bại ê chề

Cuộc "đại thanh lọc" của ngành dịch vụ ăn uống & bước tiến thay đổi của brands

Theo nghiên cứu thị trường của Ipos.vn, 2024 là năm khó khăn của ngành F&B với khoảng 30.000 cửa hàng đóng cửa trong 06 tháng đầu năm. Starbucks Reserve Hàn Thuyên mới thông báo đóng cửa nên McDonald's cũng không ngại được thông tin trên fanpage, vì không lo ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu mà còn là một dịp marketing, gây chú ý hiệu quả.

The chia sẻ từ ông Đỗ Duy Thanh, Giám Đốc Công ty FnB Director - Horeca Business School phân tích: "Khu vực Bến Thành (Quận 1) có giá thuê rất cao. Trong khi lợi nhuận từ các cửa hàng F&B ở khu vực này có thể không còn tỷ lệ thuận với mức đầu tư. Việc không gia hạn hợp đồng thuê có thể là một quyết định nhằm tối ưu hoá chi phí, đặc biết trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự chuyển dịch xu hướng tiêu dùng hiện đại".

Khi doanh số xuống thấp, việc làm đầu tiên của các chuỗi là cắt giảm chi phí để cân bằng thu chi. Trong đó, mặt bằng - chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí sẽ được xem xét trước tiên. Ngoài ra, các chi phí khác như nguyên vật liệu, quản lý cũng phải chặt chẽ hơn trước. 

Người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ và những gia đình có con nhỏ, bắt đầu ưu tiên các sản phẩm lành mạnh hơn. Họ cần những món ăn lành mạnh hơn nhưng giá cả hợp lý hơn. Điều này đặt ra thách thức cho các thương hiệu fast food. Đây là dấu hiệu cho thấy các chuỗi thức ăn nhanh đang chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết, và cần có những bước tiến thay đổi mới. 

Các thương hiệu đều phải tìm cách tối ưu hoá chi phí, sáng tạo hơn để đáp ứng nhanh và tốt hơn nhu cầu khách hàng Gen Z vốn luôn thay đổi. Các chuỗi đồ ăn nhanh có xu hướng chuyển dịch ra khỏi các trung tâm thương mại và ưu tiên mở mới điểm bán độc lập ở các khu dân cư nhằm tối ưu hoá chi phí và hoặc động hiệu quả. 

Việc đóng cửa một số chi nhánh lâu đời và quen thuộc của các thương hiệu lớn trong thời gian gần đây trong cộng đồng F&B cho thấy các thương hiệu đã có sự thay đổi về chiến lược, tối ưu hoá lại chi phí để thích nghi nhu cầu và thị hiểu tiêu dùng khách hàng Việt. Với thống kê doanh số đang nhích lên và cuối năm có thể đạt được tăng trưởng từ 5%-7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ kinh tế vĩ mô ấm lên thì đây là cú hích cho các thương hiệu chuyển mình.

>>> Có thể bạn quan tâm: Sự cạnh tranh của Burger King với McDonald's ảnh hưởng đến thị trường quảng cáo như thế nào?

Nguồn: Tổng hợp


TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.