Product Placement là gì?
Product Placement (PPL) hay còn được gọi là Embedded Marketing hoặc Embedded Advertising, là một hình thức quảng cáo mà sản phẩm của một thương hiệu được xuất hiện khéo léo trong một bộ phim, chương trình truyền hình, video âm nhạc hoặc nội dung giải trí khác. Mục đích của product placement là tăng sự nhận biết và tạo ấn tượng tích cực về sản phẩm đó cho người xem mà không cần phải xem một quảng cáo rõ ràng. Các công ty thường sử dụng hình thức quảng cáo này để nhắm đến tệp khán giả lớn và thường phải trả khá nhiều chi phí cho các công ty sản xuất phim.
Product Placement xuất hiện lần đầu vào thế kỷ 19 trong cuốn tiểu thuyết phiêu lưu “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” (1873) của nhà văn Jules Vernes. Với sự nổi tiếng của ông thời bấy giờ các công ty vận tải và tàu biển đã tìm mọi cách để được nhắc tên trong cuốn sách, đánh dấu sự có mặt Product Placement trên thế giới.
Đến năm 1896, Sunlight mở đầu cho sự phát triển của Product Placement trong lĩnh vực điện ảnh với sự xuất hiện trong bộ phim Auguste và Louis Lumière. Đây được xem là trường hợp đầu tiên đưa sản phẩm có trả phí vào phim, giúp rạp chiếu phim trở thành một kênh phổ biến để các thương hiệu giới thiệu sản phẩm của mình.
Nhận thấy được tiềm năng của Product Placement, các thương hiệu và nhà sản xuất đã bắt đầu hợp tác để đem lại lợi ích của cả đôi bên. Không chỉ đưa sản phẩm vào cảnh quay, nhà làm phim cũng linh động hơn khi tích hợp logo của sản phẩm và thương hiệu. Điển hình là là trong bộ phim The Garage (1920), logo của gas Red Crown đã thường xuyên được xuất hiện trong các cảnh quay. Điều này đã tạo nên ý kiến trái chiều về tần suất có mặt của logo trong thời điểm phim ra mắt.
Những ích lợi có thể nhìn thấy từ Product Placement
Product Placement vào phim ảnh không còn xa lạ trên thế giới. Khán giả có thể thấy rõ những quảng cáo đồng hồ, xe hơi, trang phục… được sắp xếp đầy ẩn ý trong những bộ phim của Hollywood hay Hàn Quốc. Nếu một công ty mỹ phẩm tài trợ cho một bộ phim nào đó, khán giả sẽ thấy toàn bộ diễn viên trong phim đều có một hoặc vài phân cảnh đánh son, thoa phấn, kẻ mắt… bằng sản phẩm của công ty. Thường thấy và dễ làm nhất là quảng cáo điện thoại. Người ta thường đùa vui, trong phim Hàn Quốc, “nhân vật nghèo nhất cũng có thể xài điện thoại cao cấp”, bởi vì nhà tài trợ cho phim là một công ty điện thoại đang cần quảng bá sản phẩm đời mới.
Các thương hiệu hiện nay ưa chuộng Product Placement bởi khả năng tiếp cận khách hàng và tạo sự uy tín rất hiệu quả. Khi thấy một ngôi sao yêu thích sử dụng các sản phẩm của thương hiệu trong phim, người tiêu dùng có xu hướng tin tưởng và mong muốn trải nghiệm sản phẩm nhiều hơn. Như vậy, Product Placement không chỉ có hiệu quả về tăng nhận diện thương hiệu, branding mà còn có thể tác động rất tích cực tới doanh số nhãn hàng.
Trong một cảnh phim của “Vì sao đưa anh tới”, nữ chính đã sử dụng son môi màu hồng san hô. Ngay lập tức, hồng san hô đã trở thành màu son hot trend được giới làm đẹp trên toàn thế giới săn đón và thậm chí xảy ra tình trạng “cháy hàng” với các sản phẩm có màu sắc tương tự. Hay trong phim “Hạ cánh nơi anh”, chiếc kính râm Dreamer của Gentle Monster đã được nhân vật chính Yoon Se Ri thường xuyên sử dụng. Ngay lập tức, với sự phủ sóng của bộ phim, những chiếc kính này đã trở thành xu hướng trong giới thời trang.
Đối với giới làm phim ai cũng biết một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của bộ phim là nhà tài trợ. Nhiều nhà làm phim cũng không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng những ông lớn này để giảm chi phí cho những đứa con tinh thần của mình. Khi các nhà quảng cáo và nhà làm phim bắt tay nhau vào một dự án hai bên cùng có lợi, nó đòi hỏi sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng từ cả hai phía bởi khi thiếu chuyên nghiệp, người lãnh đủ sẽ là khán giả - đối tượng mà họ nhắm đến. Và nghiễm nhiên, tài năng sáng tạo của nhà biên kịch và đạo diễn trở nên vô cùng quan trọng khi phải lồng ghép thật khéo léo và tự nhiên các sản phẩm quảng cáo vào phim.
>>> Xem thêm: 7 hình thức marketing truyền miệng 'kinh điển" bạn không ngờ tới
Cách thức sử dụng Product Placement
Product Placement có thể được sử dụng trong nhiều hình thức khác nhau:
- Product seen clearly but not used: Đây là hình thức đơn giản nhất của Product Placement. Các sản phẩm của thương hiệu sẽ được xuất hiện ngẫu nhiên trong cảnh quay mà không được diễn viên sử dụng. Trong phim “I, Robot” (2004), có một cảnh quay rõ ràng cho thấy đôi giày của Converse của nhân vật chính nhưng không có sự tương tác nào với sản phẩm.
- Product used on screen: Diễn viên sẽ cầm hoặc sử dụng sản phẩm của thương hiệu ngay trong phim hoặc giới thiệu công dụng của sản phẩm đó trực tiếp trong cảnh quay. Đây được coi là cách thức phổ biến và dễ thu hút người xem nhất. Một ví dụ điển hình là trong loạt phim “James Bond”, nơi 007 thường xuyên được thấy đang lái những chiếc xe Aston Martin và sử dụng các sản phẩm công nghệ cao.
- Music: Music là hình thức thể sử dụng đoạn nhạc quảng cáo sản phẩm của một thương hiệu bất kỳ trong nhạc nền của cảnh quay. Trong phim “Wayne’s World” (1992) có một cảnh quay hài hước nơi nhân vật chính hát một bài quảng cáo của Pizza Hut.
- Unbranded: Với Unbranded, mặc dù sản phẩm của thương hiệu không được xuất hiện trực tiếp trong các cảnh quay nhưng các nhãn hàng sẽ tài trợ cho đoàn làm phim địa điểm quay như nhà hàng, cửa hàng,...Trong phim “Cast Away” (2000), nhân vật chính do Tom Hanks thủ vai bị mắc kẹt trên một hòn đảo hoang và có một số lượng lớn các gói hàng của FedEx, mặc dù không có logo cụ thể nào được hiển thị.
- Verbal mention: Verbal mention là cách thức mà các sản phẩm của thương hiệu được nhắc tới trong phim qua lời thoại nhưng không được xuất hiện trực tiếp trên màn ảnh. Trong phim “The Social Network” (2010), có nhiều đề cập đến thương hiệu máy tính Apple, mặc dù không có sản phẩm cụ thể nào được hiển thị.
- Contextual: Poster sản phẩm của thương hiệu sẽ được xuất hiện trong một bộ phim hay một chương trình truyền hình, giải trí,...Trong phim “Minority Report” (2002), có các poster quảng cáo cho Lexus và American Express được hiển thị trong một số cảnh quay
Một số ví dụ về Product Placement nổi bật
Dưới đây là màn xuất hiện ấn tượng của các thương hiệu lớn trong các bộ phim.
Transformers - General Motors
Trong loạt phim Transformers, việc biến các mẫu xe của General Motors như Chevrolet Camaro (Bumblebee), GMC Topkick (Ironhide) và Pontiac Solstice (Jazz) thành những nhân vật robot biến hình đã tạo ra một chiến lược Product Placement hiệu quả. Đây không chỉ là cách để GM giới thiệu các mẫu xe của mình mà còn tạo ra một sự kết nối sâu sắc giữa sản phẩm và những nhân vật quen thuộc. Sự hợp tác này đã mang lại lợi ích đáng kể cho GM.
Bumblebee, chiếc Chevrolet Camaro màu vàng đã trở thành biểu tượng loạt phim và cũng là một trong những mẫu xe bán chạy nhất của GM sau khi phim được công chiếu. Qua đó giúp tăng doanh số bán hàng và cải thiện hình ảnh thương hiệu cho GM, đặc biệt là trong mắt khán giả trẻ tuổi và các fan của loạt phim này.
Cô Ba Sài Gòn - Vascara
Năm 2017, Vascara, một thương hiệu thời trang nữ hàng đầu tại Việt Nam với hơn 10 năm kinh nghiệm đã lựa chọn bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” làm sân khấu cho chiến dịch Product Placement của mình. Với việc tài trợ bối cảnh diễn xuất và sử dụng các sản phẩm bởi các nhân vật chính, Vascara đã triển khai chiến lược này một cách thông minh và hiệu quả. Các cảnh quay xuất hiện Vascara đã được xuất hiện đều khắp bộ phim, tạo ra sự nhận diện cho thương hiệu mà không gây cảm giác khó chịu cho người xem. Thậm chí, một số khách hàng của Vascara đã rất vui khi nhận ra sản phẩm của mình khi xuất hiện trong bộ phim.
Không chỉ dừng lại ở Product Placement trong “Cô Ba Sài Gòn”, Vascara lồng ghép thương hiệu vào MV “Tân Thời”, được phát hành cùng với bộ phim lúc bấy giờ gợi nhắc một số xu hướng thời trang đang thịnh hành như tất chân mang guốc (stock trend), họa tiết thêu (embroidery pattern),… Hiệu quả của chiến lược này đã được củng cố bằng các hoạt động truyền thông online và offline, giúp tăng cường nhu cầu của khách hàng và tăng doanh số bán hàng lên đến 55% trong tháng 11, vượt xa dự kiến ban đầu. Điều này là minh chứng cho sức mạnh của Product Placement khi được kết hợp một cách thông minh và sáng tạo.
YSL - Vì sao đưa anh tới
YSL Rouge Pur Couture No.52 trong bộ phim “Vì Sao Đưa Anh Tới” được coi là một ví dụ điển hình của việc áp dụng thành công chiến lược Product Placement trong các bộ phim Hàn Quốc.
Sau khi xuất hiện trong bộ phim Vì Sao Đưa Anh Tới, thỏi son được nhân vật nữ chính Cheon Song Yi (do nữ diễn viên Jun Ji Hyun thủ vai) sử dụng đã khiến cho giá của loại son này tăng lên từ 35 đô (hơn 700 ngàn đồng) lên 95 đô (khoảng 2 triệu đồng). Theo các báo cáo, dòng son này đã bán được 2,577 chiếc chỉ trong một tháng riêng tại thành phố Gangnam - Hàn Quốc. Ngoài ra, theo đại diện của YSL, dòng son Rouge Pur Couture No.52 đã xảy ra hiện tượng “cháy hàng” ngay sau khi ra mắt do hiệu ứng của bộ phim quá hấp dẫn.
>>> Xem thêm: Lý giải thành công của "Có chắc yêu là đây" - Sơn Tùng MTP qua góc nhìn Marketing
Kết luận:
Nhìn chung, Product Placement vẫn sẽ còn là phương thức Marketing hiệu quả và độc đáo giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng dễ dàng và tự nhiên hơn so với hình thức quảng cáo khác. Qua bài viết trên đây, hy vọng Marketing AI đã giúp bạn hiểu hơn về Product Placement để áp dụng một cách hiệu quả trong chiến lược tiếp thị của bạn.
Bình luận của bạn