Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt đời sống. Không có gì ngạc nhiên khi quảng cáo ngoài trời (OOH - Out-of-home advertising) cũng theo đó mà gặp nhiều ít nhiều khó khăn trong năm qua.
Theo WFA (Liên đoàn các nhà quảng cáo thế giới), chi tiêu cho quảng cáo ngoài trời đã giảm 49% trong nửa đầu năm 2020 và ngân sách chi tiêu cho hình thức này cũng giảm 39% so với kế hoạch đã đặt ra trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, chuyên gia Jean-Christophe Conti của VIOOH lạc quan cho biết, OOH đang cho thấy những dấu hiệu khởi sắc tích cực. Ngay cả trong suốt quá trình bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa đại dịch, các quảng cáo OOH vẫn được nhiều thương hiệu thực hiện theo cách linh hoạt nhất, sáng tạo nhất mà người ta không thể ngờ tới. Dưới đây là một số ví dụ nổi bật về quảng cáo OOH thành công trong năm 2020.
Vào tháng 9, Twitter đã cho chạy chiến dịch quảng cáo ngoài trời, nhắc nhở người dân tuân thủ nghiệm chỉnh lệnh giãn cách xã hội (social distancing) và đeo khẩu trang để chống lại sự lây lan của Corona virus.
Các chuyên gia nhận thấy, con người đang có xu hướng "caution fatigue" (tạm dịch: mệt mỏi vì lo lắng quá mức). Đây là một trạng thái tinh thần và cảm xúc, nó khác với sự mệt mỏi về thể chất như một triệu chứng của bệnh trầm cảm hoặc triệu chứng của COVID-19. Để giải tỏa điều này, Twitter đã biến một số tweet của người dùng về chủ đề này trên các biển quảng cáo, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang theo cách vui nhộn, giải trí nhất có thể.
7 quảng cáo OOH được hiển thị tại bảy thành phố của Hoa Kỳ, trong đó bao gồm cả các thành phố lớn như Florida, Chicago và LA. Các mẩu tweet là dòng đối thoại rất dễ thương của chiếc khẩu trang.
Paddy Power
Paddy Power (một nhà điều hành cờ bạc trực tuyến) từ trước tới nay vốn được biết tới là thương hiệu ít hướng tới các hoạt động xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên khi đại dịch xảy ra, Paddy Power đã khiến nhiều người bất ngờ khi công ty này kêu gọi mọi người "Ủng hộ NHS bằng cách ở nhà, tham gia cá cược" trên nền tảng này (NHS là viết tắt của National Health Service hay Dịch vụ Y tế Quốc gia, cơ quan cung cấp các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe do chính phủ Anh tài trợ). Lời kêu gọi này đã góp phần làm giảm bớt không khí căng thẳng của đại dịch và áp lực vô hình đè nặng lên đội ngũ cán bộ nhân viên y tế.
Outsmart
Trở lại vào tháng 4, hiệp hội thương mại quảng cáo ngoài trời OOH đã đồng loạt chạy chiến dịch "Grateful Britain - Biết ơn nước Anh", nhằm bày tỏ lòng trân trọng và sự biết ơn với những nhân viên chủ chốt trong tuyến đầu chống dịch của đất nước này.
Được điều hành bởi agency Mother London và khởi xướng bởi Outsmart, chiến dịch đã sử dụng một loạt các từ ngữ có vần điệu để làm nổi bật sự hài hước, tinh thần lạc quan, qua đó truyền tải thông điệp cổ vũ, động viên tới tất cả mọi người.
Có một sự thú vị đó là các nhân viên y tế chủ chốt ở Anh là những người duy nhất nhìn thấy các tấm biển quảng cáo này trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch (vì những người khác đã ở nhà do lệnh phong tỏa).
>> Xem thêm: Các nhà bán lẻ nên mong đợi điều gì trong ngày hội Black Friday 2020 và họ nên chuẩn bị như thế nào?
Emily Snack
Trong bài diễn thuyết của Tom Fishburne (hay còn gọi là The Marketoonist) tại sự kiện Festival of Marketing 2020, ông đã lấy ví dụ về Emily Snacks, thương hiệu đã làm rất tốt trong việc lồng ghép sự hài hước, dễ hiểu vào quảng cáo.
Fishburne cho biết: “Thương hiệu này đã cam kết thực hiện chiến dịch quảng cáo OOH của họ vào cuối năm 2019, tuy nhiên họ không lường trước được rằng, thời điểm khởi chạy chiến dịch lại diễn ra vào mùa hè ở Anh - thời điểm mọi người đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội vì Corona virus. Thay vì hủy hoặc chạy quảng cáo hoàn toàn chung chung, họ quyết định sáng tạo thông điệp theo một cách hài hước về tình huống họ đang gặp phải".
Chiến dịch của Emily Snack cũng là một ví dụ điển hình về "hài hước kiểu kết nối"(affiliative humor). Như chuyên gia Fishburne giải thích, đó là khi bạn tìm thấy sự hài hước, đồng cảm thông qua trải nghiệm được chia sẻ, trong trường hợp này là tác động của đại dịch coronavirus.
HUN Wine
Ra mắt một sản phẩm mới vào năm 2020 là một ý tưởng không khả thi, đặc biệt là khi sản phẩm đó được sử dụng trong các buổi party và sự kiện lễ hội lớn.
Đây là khó khăn mà HUN Wine tự nhận thấy vào đầu năm nay, bởi thương hiệu đã cam kết tung ra sản phẩm rượu vang mới và khởi chạy các chiến dịch quảng cáo đi kèm.
HUN Wine đã ăn theo ý tưởng của Emily Snack, tạo một thông điệp thú vị qua chiến dịch quảng cáo ngoài trời dù người dân đang ở nhà vì lệnh giãn cách xã hội.
May mắn thay, chiến dịch đã góp phần làm tăng "brand awareness" trên các phương tiện truyền thông xã hội, giúp HUN Wine đạt được tạo được sức hút vào đúng thời điểm mùa hè (khi người tiêu dùng có thể thưởng thức sản phẩm trong công viên và khu vực ngoài trời).
McDonald’s
McDonald’s là một trong những thương hiệu không cần đưa logo hay tên của mình vào quảng cáo bởi sự nổi tiếng của hãng đồ ăn nhanh này đã quá rõ ràng.
Đây là những gì chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đã làm vào tháng 9 với chiến dịch ‘Bitten Billboards’ của TBWA\Paris. Bảng quảng cáo gây ấn tượng mạnh với người dùng khi tạo hình miếng hamberger cắn dở. Trong khi nhiều thương hiệu khác thường lồng quảng cáo hướng tới Covid-19 thì McDonald lại đi ngược lại. Đây có lẽ là một quyết định khôn ngoan bởi trước đó McDonalds Brazil đã bị chỉ trích khi tách các vòm vàng trong logo McDonald biểu tượng cho lệnh giãn cách xã hội vào đầu năm 2020.
Skoda
Với việc người tiêu dùng Vương quốc Anh quay trở lại các trung tâm mua sắm vào cuối mùa hè khi Covid-19 có dấu hiệu suy giảm, Skoda đã quyết định khởi động chiến dịch DOOH để quảng bá dòng xe Skoda SUV mới của mình.
Chiến dịch do Clear Channel điều hành, cho phép người tiêu dùng tương với màn hình trong trung tâm thương mại chỉ bằng cử chỉ tay của họ (không phải cảm ứng). Khi làm như vậy, họ có thể khám phá các loại xe và thậm chí đăng ký lái thử ngay sau đó.
Màn hình tương tác kỹ thuật số thường được sử dụng để tăng tương tác và gắn kết trong các quảng cáo OOH. Bằng cách sáng tạo này, Skoda vẫn có thể gặt hái thành quả và thiết lập lại kết nối với người tiêu dùng, trong khi vẫn tuân thủ các quy định an toàn về phòng chống dịch.
The Guardian
The Guardian gần đây đã khởi động một chiến dịch OOH nổi bật ở trên 2 thành phố lớn bao gồm Dublin và Berlin nhằm thu hút nhiều người đăng ký hơn cho Guardian Weekly - tạp chí tin tức quốc tế của hãng.
The Guardian đã mời nghệ sĩ Rafael Alejandro vẽ ba bức tranh siêu thực, liên quan đến ba sự kiện tin tức toàn cầu đang được quan tâm nhất như coronavirus, Donald Trump và môi trường. Ba thiết kế được nhấn mạnh với các cụm: "Thế giới...", "khó hiểu", "vô lý, "khủng hoảng", đây đều là các từ khóa gắn với 3 sự kiện trên. Hãng cũng treo khẩu hiểu chiến dịch "Tìm sự rõ ràng" khi kết nối các từ khóa với các sự kiện này.
Trong khi nhiều người cảm thấy khó hiểu, bối rối thì nhiệm vụ của The Guardian đó là sẽ cung cấp thông tin báo chí nhanh chóng, đáng tin cậy nhất có thể. Như vậy mục tiêu của quảng cáo lúc này đã thành công.
Hải Yến - MarketingAI
Theo econsultancy
>> Có thể bạn chưa biết: Marketing ngành Mỹ phẩm: Cái bắt tay với Shopee giúp Olay vượt “bão” COVID-19 thành công
Bình luận của bạn