1. Tổng quan thị trường bia Việt Nam hiện nay
1.1. Quy mô thị trường
Khi khảo sát thị trường bia Việt Nam, báo cáo của Vietdata cho biết đến năm 2022, mức tiêu thụ bia của Việt Nam đã đạt 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường bia toàn cầu. Với thành tích này, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN và xếp thứ ba tại châu Á về mức tiêu thụ bia, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Ngoài ra, theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam đạt 8,3 lít, tức là mỗi người tiêu thụ 170 lít bia/năm.
Tuy nhiên, theo các báo cáo thị trường bia Việt Nam, đến năm 2023, ngành bia không còn khởi sắc và chứng kiến sự sụt giảm chưa từng có. Cụ thể, doanh thu ngành bia đã giảm mạnh khoảng 11%, xuống gần mức 45.700 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận sụt giảm đáng kể, với tốc độ giảm lên đến hơn 23% và chỉ còn dưới mức 5.100 tỷ đồng.
1.2. Xu hướng tiêu dùng bia
Năm 2023, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu ở các mặt hàng không thiết yếu và bia cũng nằm trong số đó.
Báo cáo thị trường bia Việt Nam của Kantar cho biết tâm lý của người tiêu dùng đã có dấu hiệu cải thiện nhẹ, tuy nhiên vẫn giữ ở mức độ thận trọng. Do đó, các hộ gia đình vẫn tiếp tục cẩn thận trong việc quản lý chi tiêu, giảm thiểu hoạt động ăn uống và giải trí ngoài trời.
Bên cạnh đó, sau khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia số 44/2019/QH14, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được ban hành, người dân cũng có phần thận trọng hơn khi sử dụng bia rượu và chuyển sang các loại đồ uống không cồn hoặc ít cồn. Theo Công ty phân tích dữ liệu Nielsen IQ, doanh số bán các loại đồ uống không cồn đã tăng đáng kể, đạt mức tăng 33,2% trong năm 2022, với tổng doanh thu đạt 331 triệu USD. Trong đó, doanh số bán bia không cồn cũng ghi nhận sự tăng trưởng, tăng khoảng 31,7%.
1.3. Môi trường cạnh tranh
Là một trong những thị trường bia lớn nhất thế giới, Việt Nam trở thành mảnh đầu màu mỡ cho nhiều doanh nghiệp sản xuất bia trong và ngoài nước. Qua nhiều năm, các khảo sát thị trường bia Việt Nam cho thấy đây vẫn là sân chơi chủ lực của 4 “ông lớn”, gồm Heineken, Sabeco, Habeco và Carlsberg.
Các nghiên cứu thị trường bia Việt Nam cho thấy 4 doanh nghiệp này nắm giữ đến 94,4% thị phần của ngành công nghiệp bia Việt Nam vào năm 2021. Trong đó, Heineken và Sabeco cộng lại đã chiếm đến 78,3% thị phần, áp đảo không hề nhỏ hai hãng còn lại. Sự chênh lệch lớn về thị phần, sự phổ biến với người tiêu dùng, cùng với mạng lưới tiêu thụ phát triển mạnh mẽ đã khiến cho việc cạnh tranh về thị phần với Sabeco và Heineken trở nên khó khăn đối với các hãng bia khác.
Heineken chiếm thị phần lớn nhất, có hơn 3.000 nhân viên và sở hữu 6 nhà máy sản xuất trên toàn quốc. Ngoài bia Heineken, Heineken Việt Nam còn sản xuất và phân phối các nhãn hiệu khác như Tiger, Larue, BIVINA, Bia Việt, Strongbow và Edelweiss. Công ty này đứng đầu trong ngành về doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế, mặc dù có sự biến động qua từng năm. Năm 2023, hãng bia này đã đạt mức doanh thu kỷ lục, đạt 36.000 tỷ đồng, tuy nhiên mức tăng trưởng lợi nhuận giảm so với dự kiến.
Các nghiên cứu thị trường bia Việt Nam cho biết chiếm thị phần lớn thứ 2 là Sabeco - một công ty bia, rượu, nước giải khát có tuổi đời gần 150 năm. Hiện tại, Sabeco vận hành 26 nhà máy với tổng công suất sản xuất lên đến trên 2,2 tỷ lít bia mỗi năm. Sản phẩm bia của Sabeco được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó nổi bật có bia Sài Gòn và Bia 333. Năm 2023, doanh thu của Sabeco đạt 30,7 nghìn tỷ, giảm 4,5 tỷ so với năm 2022.
Xếp sau Sabeco, Habeco cũng là một thương hiệu lâu đời và gần gũi với người Việt. Habeco có tổng công suất sản xuất đạt hơn 800 triệu lít bia mỗi năm. Hiện nay, Habeco đứng ở vị trí thứ ba về thị phần tại Việt Nam và là số một tại thị trường bia Miền Bắc. Hai dòng sản phẩm nổi tiếng của Habeco là bia Hà Nội và bia Hải Dương được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2023, doanh thu thuần của Habeco là 7.757 tỷ đồng giảm 8% so với cùng kỳ.
Carlsberg, một trong những công ty đa quốc gia của Đan Mạch, đã đầu tư vào thị trường Việt Nam từ năm 1993. Nhà máy của Carlsberg tại Việt Nam nằm tại Huế, có công suất sản xuất lên đến 360 triệu lít mỗi năm. Các sản phẩm nổi tiếng của Carlsberg Việt Nam bao gồm Carlsberg, 1664 Blanc, và Huda. Năm 2023, doanh thu của hãng giảm 6% trong quý 2 do suy thoái kinh tế, tuy nhiên sản lượng vẫn tăng 8%.
Ngoài việc phải trụ vững trước cuộc tấn công của các hãng bia ngoại nhập, hai biểu tượng trong nước là Habeco và Sabeco còn phải đưa ra các chiến lược nhằm củng cố thị phần và mở rộng thị trường. Theo một số nghiên cứu thị trường bia Việt Nam, trong khi Habeco vẫn đẩy mạnh phân khúc giá rẻ, phù hợp với đa số người tiêu dùng thì Sabeco có xu hướng phát triển thêm phân khúc cận cao cấp.
Bên cạnh đó, hai hãng bia nội địa này cũng có sự cạnh tranh gay gắt. Sau khi thống trị thị trường miền Nam, Sabeco đặt mục tiêu mở rộng thị trường ra phía Bắc. Trong khoảng 5-8 năm trở lại đây, thị phần của Sabeco tại miền Bắc đã tăng lên gấp đôi. Điều này là nhờ vào mạng lưới phân phối rộng khắp của Sabeco, không chỉ ở các đô thị mà còn mở rộng đến khu vực nông thôn, nơi ít chịu ảnh hưởng của đại dịch.
>>> Xem thêm: Top 7 công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu Việt Nam
2. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường bia Việt Nam
2.1. Yếu tố vĩ mô
Năm 2023 là một năm đầy biến động với thị trường bia Việt Nam khi gặp phải nhiều khó khăn bủa vây. Lý giải về nguyên nhân khiến thị trường đi xuống, nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, bà Chu Thị Vân Anh - Phó chủ tịch hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết xung đột giữa Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến giá nguyên vật liệu như mạch nha, gạo, đường tăng lên khoảng 15-30%, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất bia.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2023 tăng 3.25% so với năm 2022, để bù đắp các chi phí tăng thêm, ngành bia đã phải tăng giá bán lên khoảng 8-10%, cao hơn tỷ lệ lạm phát trung bình là 4% và hơn mức tăng trung bình của ngành hàng tiêu dùng là 8%. Điều này đã khiến sức mua giảm và lượng sản xuất cũng giảm theo.
Các khảo sát thị trường bia Việt Nam cũng chỉ ra rằng một số chính sách như Nghị định 100/2019 cấm lái xe khi trong máu có nồng độ cồn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ các sản phẩm bia, rượu. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống có cồn không được hưởng các chính sách ưu đãi như giảm thuế VAT 2%, đồng thời phải đóng góp phí bảo vệ môi trường để tái chế bao bì.
Cuối cùng, đồ uống có cồn không chính thống chiếm tới gần 64% tổng lượng tiêu thụ cũng là một vấn nạn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bia và rượu.
2.2. Yếu tố vi mô
Trước tình hình kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất bia buộc phải áp dụng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” để xoay sở trong giai đoạn suy thoái.
Năm 2023, Habeco đã cắt giảm chi phí cho quảng cáo và khuyến mãi cả năm xuống còn 580 tỷ đồng, giảm 17%. Sabeco cũng có động thái tương tự khi thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, trong đó có ngân sách cho quảng cáo và khuyến mãi. Cụ thể, chi phí cho quảng cáo và khuyến mãi của Sabeco năm ngoái là 2.814 tỷ đồng, giảm 254 tỷ đồng so với năm 2022. Đây cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các hãng bia Việt Nam trong năm vừa rồi.
2.3. Yếu tố môi trường
Ngoài các nguyên nhân liên quan đến tình hình kinh tế và chính sách, sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng cũng là một yếu tố khác dẫn đến lượng tiêu thụ rượu, bia sụt giảm. Khi nghiên cứu thị trường, báo cáo phân tích của VIRAC chỉ ra rằng sức tiêu thụ rượu bia giảm là xu thế tất yếu của tương lai khi mọi người cắt giảm chi tiêu cho các đồ uống không tốt cho sức khỏe.
Thống kê từ tạp chí Forbes cũng cho biết hiện nay, thế hệ Gen Z tiêu thụ rượu bia ít hơn khoảng 20% so với thế hệ Millennials, dẫn tới sự giảm sút đáng kể trong nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn.
3. Nghiên cứu thị trường bia Việt Nam
3.1. Tiềm năng
Tuy bức tranh kinh tế nói chung và thị trường bia năm 2024 nói riêng vẫn có phần ảm đạm nhưng theo Sabeco, đây vẫn là năm có nhiều cơ hội cho ngành bia nhờ cơ cấu dân số vàng, tiềm năng về phân khúc bia không cồn và thị trường xuất khẩu. Theo đó, Bia Saigon của Sabeco đang được xuất khẩu đến nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Australia…
Nghiên cứu thị trường bia Việt Nam của Vietdata cũng tin tưởng triển vọng của ngành du lịch sẽ giúp thúc đẩy ngành bia, đặc biệt là khi Trung Quốc chính phủ Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách mở cửa du lịch vào ngày 15/3/2023.
Ngoài ra, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam ngày 12/12/2023 cũng là một nguồn động lực giúp thúc đẩy lượng khách du lịch Trung Quốc, mang lại lợi nhuận cho ngành đồ uống nói chung và ngành bia nói riêng.
3.2. Khó khăn
Khi nghiên cứu xu hướng tiêu dùng bia tại Việt Nam, các chuyên gia của SSI Research cho biết mức tiêu thụ bia có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng từ Nghị định 100 cũng như mức thu nhập của người tiêu dùng giảm trong năm nay.
Còn theo Vietdata, việc tăng giá của các nguyên liệu sản xuất cũng đang ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành. Ngoài ra, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi cũng đang đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp bia trong nước nếu được áp dụng chính thức.
3.3. Xu hướng tiêu thụ đồ uống của người tiêu dùng
Trong năm 2024, VIRAC dự đoán người Việt có xu hướng hạn chế tiêu thụ thức uống có hại cho sức khỏe, đồng thời tiêu dùng cá nhân hoá cũng sẽ lên ngôi.
Ngày nay, sức khoẻ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng, người tiêu dùng đang dần chú ý nhiều hơn đến thành phần và độ dinh dưỡng của các loại đồ uống. Vì vậy, việc tiêu thụ các sản phẩm tốt cho sức khỏe, không chứa đường, muối và chất béo bão hòa đang trở nên phổ biến. Đặc biệt, các loại đồ uống có nồng độ cồn cao cũng được hạn chế tối đa.
Tiêu dùng cá nhân hoá cũng là một xu hướng nổi bật trong thời gian tới. Trước đó, các thương hiệu đồ uống đã cho ra mắt nhiều lựa chọn hương vị khác nhau để người tiêu dùng có thể lựa chọn phiên bản ưa thích của mình. Dự kiến trong thời gian tới, nhiều sản phẩm mới với các hương vị mới lạ và lượng đường giảm tối đa sẽ được tung ra thị trường. Ngoài ra, các sản phẩm dinh dưỡng nhằm tăng cường sức khỏe cho từng đối tượng người tiêu dùng như trẻ em, người cao tuổi... cũng sẽ được đón nhận mạnh mẽ.
>>> Xem thêm: Nghiên cứu thị trường trà sữa Việt Nam: "mỏ vàng" của các doanh nghiệp
4. Khuyến nghị cho doanh nghiệp tăng trưởng thị trường bia Việt Nam
4.1 Đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng
Để thích ứng với bối cảnh hiện tại và thúc đẩy doanh số, theo VBA, các doanh nghiệp cần có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất và kinh doanh để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, ví dụ như phát triển các sản phẩm mới có nồng độ cồn thấp hơn, không cồn hoặc các loại cocktail và bia có hương vị trái cây. Chẳng hạn, Heineken đã tung ra sản phẩm bia có độ cồn 0.0%, còn thương hiệu Chill cocktail (Công ty Cổ phần Goody Group) đã ra mắt một loạt các dòng cocktail hoa quả được đóng chai.
4.2 Mở rộng các kênh bán với người tiêu dùng, đặc biệt là thương mại điện tử
Một số báo nghiên cứu thị trường bia Việt Nam cũng chỉ ra thương mại điện tử là một hướng đi mới cho ngành bia trong thời buổi sụt giảm doanh thu. Từ tháng 11/2023, Sabeco đã bắt đầu bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Mặc dù doanh thu từ các kênh này chỉ đóng góp một phần nhỏ vào tổng doanh thu 2023 nhưng công ty hy vọng năm 2024 sẽ có khởi sắc hơn. Không chỉ riêng Sabeco, hiện tại hầu hết các nhà sản xuất bia trong nước và các hãng bia ngoại hoạt động tại thị trường Việt Nam đều đã kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Doanh số bán hàng qua các kênh này chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ.
Báo cáo từ YouNet ECI về thị trường bia Việt Nam đã thống kê thấy có hơn 500 nhãn hàng bia và rượu đã có gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Chỉ tính riêng trên Shopee - nền tảng thương mại điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam, doanh thu ngành bia trong 6 tháng cuối năm ngoái đã tăng 154% so với nửa đầu năm. Doanh thu cả năm của các sản phẩm bia đạt mức 351 tỷ đồng.
Tổng kết
Nhìn chung, các nghiên cứu thị trường bia Việt Nam dự đoán rằng 2024 vẫn là một năm ảm đạm của ngành do chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế, các chính sách quản lý và biến động trong thị hiếu của người tiêu dùng. Để vượt qua thời kỳ khó khăn này, bên cạnh trợ lực từ Nhà nước và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp ngành bia cũng cần có những chiến lược phù hợp để vừa tối ưu chi phí vừa đạt hiệu quả kinh doanh.
Bình luận của bạn