- 1. Tuyển sinh đại học trở thành chủ đề thảo luận với sức lan tỏa mạnh mẽ
- 2. Bắt trọn insight mùa tuyển sinh: Phương thức xét tuyển, Chương trình đào tạo và Học phí - Những mối bận tâm hàng đầu
- 3. Lộ trình đào tạo, học phí và cơ sở vật chất - Tiêu chí tiên quyết khi thí sinh lựa chọn trường đại học
- 4. Lo ngại về học phí - Top1 điều khiến thí sinh cân nhắc trong mùa tuyển sinh
- 5. Đa dạng các hoạt động truyền thông từ online đến offline
- 6. Đề xuất giải pháp truyền thông cho các trường Đại học trước mùa tuyển sinh mới
1. Tuyển sinh đại học trở thành chủ đề thảo luận với sức lan tỏa mạnh mẽ
a. Tháng 1-5 - Thời điểm vàng cho các thông tin về chủ đề tuyển sinh
Hơn 30k thảo luận và 273k tương tác chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2023 là những con số biết nói cho thấy độ “hot” của chủ đề tuyển sinh đại học. Trong đó, thảo luận đạt lượng lớn vào tháng 1 năm 2023, khoảng thời gian các trường Đại học công bố phương thức xét tuyển, nhưng phải đến tháng 5/2023, thảo luận mới đạt đỉnh khi kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐHNL) diễn ra, cũng là lúc các thí sinh khẩn trương chọn trường và ngành để xét tuyển với 9,465 lượt thảo luận.
Giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 5 cũng là “thời cơ vàng” để các thương hiệu tham gia vào các cuộc thảo luận của học sinh, phụ huynh về những chủ đề được quan tâm. Việc lắng nghe và bám sát góc nhìn, xu hướng mới nhất trong mùa tuyển sinh giúp thương hiệu đáp ứng nhu cầu thông tin, đồng thời gia tăng sự nhận diện thương hiệu vào thời điểm này.
b. Hội nhóm tuyển sinh và các Hotpage - hướng tiếp cận không thể bỏ qua
Về nguồn kênh thảo luận, hội nhóm tuyển sinh ghi nhận sự sôi nổi, chiếm tới 82% tổng thảo luận, các kênh thí sinh thường tìm đến như: Đại học Đừng Học Đại (21k thảo luận), Cộng đồng Sinh viên Đại học Mở tp HCM (3.193 thảo luận)... Đáng chú ý, 7/10 nguồn kênh thảo luận nổi bật là các fanpage và trang Confession của các trường Đại học. Qua đó, có thể thấy các thí sinh rất tích cực theo dõi trang của các trường và tìm kiếm những review trực tiếp từ các sinh viên đã có trải nghiệm thực tế từ ngôi trường mình chọn.
Như vậy, các hội nhóm tuyển sinh, hotpage học đường đang là những điểm tựa thông tin được đông đảo học sinh, phụ huynh ưa chuộng. Việc đầu tư truyền thông trên các fanpage, trang confession và đồng thời xây dựng hội nhóm tuyển sinh riêng để hỗ trợ các thí sinh sẽ càng tăng thêm sức hút cho trường. Do đó, các thương hiệu cũng không nên bỏ qua các kênh quan trọng này để tiếp cận và gia tăng mức độ hiệu quả của những chiến dịch truyền thông trong mùa tuyển sinh.
c. “Phương thức xét tuyển” - Chủ đề thảo luận nóng nhất trong mùa tuyển sinh
Sự thay đổi trong phương thức xét tuyển với cách tính điểm khác nhau mỗi năm khiến chủ đề này được thảo luận nhiều nhất trong mùa tuyển sinh 2023 với 25.9%. Xếp sau là chủ đề về “Trường Đại học và Chương trình đào tạo” (23.3%) và Ngành học/Lĩnh vực (12.8%). Ngoài ra, học phí cũng là một trong những mối quan tâm của thí sinh và các bậc cha mẹ khi lựa chọn trường chiếm tới 10.1% tổng thảo luận.
2. Bắt trọn insight mùa tuyển sinh: Phương thức xét tuyển, Chương trình đào tạo và Học phí - Những mối bận tâm hàng đầu
a. Thí sinh “đau đầu” giữa ma trận thông tin về phương thức tuyển sinh
Nắm rõ thông tin và lựa chọn giữa đa dạng phương thức xét tuyển là vấn đề nan giải nhất. Nhiều thí sinh đăng tải trên hội nhóm sinh viên/ tư vấn tuyển sinh để được hướng dẫn hoặc lựa chọn các website trường để tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, tình trạng website quá tải, không có cổng nhắn tin trực tuyến hỗ trợ hiệu quả và nhanh chóng cũng khiến cho quá trình đăng ký xét tuyển của thí sinh gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ghi nhận:
- 52% thí sinh tìm kiếm và nắm rõ được các phương thức xét tuyển của từng trường
- 25.9% thí sinh gặp trở ngại trong quy trình đăng ký hồ sơ và thủ tục thi xét tuyển
- 13.4% thí sinh muốn tìm hiểu về điểm chuẩn dự kiến các phương thức xét theo ngành mình chọn
- 8.7% thí sinh không nắm rõ hoặc không hiểu cách tính điểm các phương thức.
Vì vậy, việc cung cấp các thông tin về phương thức tuyển sinh và những chủ đề được quan tâm một cách rõ ràng, cụ thể cho học sinh, phụ huynh là nhiệm vụ rất quan trọng đối với mọi thương hiệu giáo dục trong các mùa tuyển sinh.
b. Ngành học và triển vọng nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu
Mối quan tâm hàng đầu của thí sinh dành cho các thông tin liên quan đến ngành học / lĩnh vực với 52.6%, sau đó mới đến những thông tin về Trường Đại học. Câu chuyện về học phí cũng không nằm ngoài sự lo lắng của nhiều thí sinh và phụ huynh với các vấn đề xoay quanh như: học phí dự kiến, mức tăng học phí hàng năm, số lần đóng học phí/ năm, chính sách hỗ trợ trả góp. Qua đó, có thể thấy, sự liên kết 3 mối quan tâm lớn: lựa chọn ngành học yêu thích + Trường đào tạo chuyên môn và lý tưởng + Học phí hợp lý là chuỗi các bước tìm hiểu và cân nhắc lặp đi lặp lại nhiều lần của thí sinh.
Từ insight này, các thương hiệu có thể điều chỉnh quy trình tiếp cận thông tin với nhóm đối tượng khách hàng là thí sinh, phụ huynh trong mùa tuyển sinh. Bắt đầu bằng việc tiếp cận khách hàng qua các nội dung về ngành học, triển vọng của ngành sau khi ra trường rồi mới tới chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, điều này sẽ đánh trúng mối quan tâm và gia tăng hiệu quả cho những chiến lược tiếp thị của thương hiệu.
c. Sự lên ngôi của các chứng chỉ ngoại ngữ
Bên cạnh đó, mùa tuyển sinh 2023 cũng chứng kiến việc tới 3% lượt thảo luận liên quan đến trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ và kỹ năng khác. Một số ngành học, phương thức xét tuyển và các chương trình học Quốc tế yêu cầu thí sinh cạnh tranh bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Sinh viên sẽ được miễn học Tiếng Anh đầu vào nếu có chứng chỉ IELTS. Thêm vào đó, độ “hot” của ngành ngôn ngữ khuyến khích thí sinh theo đuổi học và làm gia tăng sự quan tâm việc rèn luyện ngoại ngữ.
Sự đa dạng của ngôn ngữ đã giúp cho Ngôn Ngữ Học trở thành ngành học được “săn đón” bậc nhất, ghi nhận gần 26% thảo luận. Trong khi đó, ngành Sư phạm cũng nằm trong top thu hút thảo luận. Lý do là bởi sự ưu tiên hỗ trợ học phí cho các sinh viên Sư phạm cũng giúp cho ngành này trở nên thu hút và hấp dẫn hơn.
3. Lộ trình đào tạo, học phí và cơ sở vật chất - Tiêu chí tiên quyết khi thí sinh lựa chọn trường đại học
Như đã đề cập, thí sinh có nhu cầu tìm kiếm thông tin và đánh giá thông qua những hội nhóm bởi vậy mà những bài review về trường đã thu hút đông đảo sự chú ý của các thí sinh. Những thảo luận xoay quanh nhận xét tổng quan và thí sinh không đưa ra tiêu chí cụ thể hoặc so sánh chung về các trường họ chọn. Đây là thời điểm các trường Đại học và các thương hiệu cần đẩy mạnh phủ sóng thông tin để tiếp cận tối đa với thí sinh và phụ huynh.
Loại hình trường đại học được quan tâm nhiều nhất vẫn là các Đại học công lập, chiếm tới 69% bao gồm các Nhóm Đại học Quốc gia và các trường chuyên về Ngoại ngữ & Kinh tế (Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Kinh tế quốc dân…). Bên cạnh đó, Đại học tư thục và liên kết Quốc tế được chú ý nhờ vào môi trường đào tạo chuẩn Quốc tế và có hỗ trợ học bổng cho sinh viên.
Tựu chung lại, trong quá trình lựa chọn trường đại học của thí sinh, mối quan tâm của thí sinh có thể sắp xếp theo mức độ ưu tiên như sau:
- Lộ trình đào tạo
- Học phí
- Cơ sở vật chất
- Danh tiếng và chuyên ngành đào tạo của trường
- Cơ hội nghề nghiệp
Đặc biệt, những bài đăng on top, thu hút nhiều tương tác chủ yếu xoay quanh vấn đề “nhức nhối”: Điều hòa mát lạnh và có cơ sở riêng dạy quân sự hoặc được học quân sự gần trung tâm thành phố. Những yếu tố chọn trường thú vị này có thể được các trường Đại học sử dụng để tăng sức hút và sự giải trí cho những bài đăng truyền thông tuyển sinh của mình.
4. Lo ngại về học phí - Top1 điều khiến thí sinh cân nhắc trong mùa tuyển sinh
Không khó hiểu khi học phí vẫn luôn là vấn đề được thí sinh đặt lên hàng đầu khi cân nhắc chọn trường, với 154/ 524 lượt thảo luận về việc học phí cao hoặc không tương xứng. Nhiều thí sinh đã từ bỏ nguyện vọng sau khi tìm hiểu học phí dù đó là ngôi trường mơ ước của học.
Một số yếu tố khác cũng được xem xét:
- Chương trình đào tạo nặng có thể học lại nhiều môn
- Cơ sở vật chất xuống cấp hay danh tiếng trường bị ảnh hưởng
- Điểm đầu vào cao
- Cản trở/ không hỗ trợ cơ hội nghề nghiệp
- Cơ sở giảng dạy xa hay bộ phận chăm sóc sinh viên không tận tình …
Tuy nhiên, học bổng cao và đa dạng các hình hình thức học bổng trở thành nhân tố “cứu vớt” trước những cân nhắc về học phí của thí sinh.
5. Đa dạng các hoạt động truyền thông từ online đến offline
a. Thông tin học bổng - Xua tan nỗi lo học phí
Nhận thấy mối bận tâm lớn nhất của thí sinh xoay quanh câu chuyện về học phí, nhiều trường Đại học đã đánh tan những lo ngại về học phí bằng những thông tin về học bổng.
Đơn cử như trường Đại học RMIT - một trong những trường với mức học phí đắt đỏ nhất Việt Nam đã truyền thông hình ảnh qua những đoạn video review chân thực về trải nghiệm của sinh viên tại trường và đồng thời nhấn mạnh vào sức hấp dẫn của các chương trình học bổng, giúp thí sinh an tâm hơn khi lựa chọn RMIT trở thành điểm đến cho 4 năm Đại học của mình.
b. Ngày hội tư vấn tuyển sinh - truyền thống nhưng hiệu quả
Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, các Ngày hội tự vấn tuyển sinh tại các tỉnh thành là hoạt động thường niên của các trường Đại học. Tại đây, các trường có thể tiếp cận trực tiếp tới những thí sinh đang quan tâm, cân nhắc chọn trường, bộ phận tuyển sinh có thể tư vấn kỹ lưỡng, hỗ trợ kịp thời, đồng thời mang hình ảnh của trường đến gần gũi với các bạn thí sinh.
c. Livestream đa nền tảng - Tận dụng sức mạnh thời đại số
Không chỉ tư vấn thông tin tuyển sinh chung, nhiều trường Đại học còn nắm bắt và giải đáp những khó khăn của thí sinh trong quá trình lựa chọn, xét tuyển thông qua những series livestream liên tục trên Fanpage.
Đây là một hình thức truyền thông phù hợp, tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức lại tiếp cận được đông đảo các bạn thí sinh, nhất là trong thời đại số khi mà các trường đều tích cực đẩy mạnh việc truyền thông trên các nền tảng social.
6. Đề xuất giải pháp truyền thông cho các trường Đại học trước mùa tuyển sinh mới
Dựa vào bức tranh về chân dung đối tượng là những bạn trẻ từ 16 - 20 tuổi cùng những nhu cầu và mối bận tâm của các thí sinh trong mùa tuyển sinh 2023, có thể chia thời điểm tiếp cận thành 3 giai đoạn tương ứng với những phương thức truyền thông trên những nền tảng khác nhau:
a. Giai đoạn Nuôi dưỡng:
Mục tiêu truyền thông: Đây là giai đoạn đầu tiên nhằm tiếp cận các thí sinh lớp 10 và định hướng sinh viên ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực.
Các kênh truyền thông: Ở thời điểm này, những fanpage chính thức, kênh Youtube hay Tiktok, là các nền tảng xã hội sở hữu đông đảo người sử dụng đặc biệt là những bạn trẻ trong độ tuổi tìm hiểu về trường Đại học. Việc đẩy mạnh truyền thông trên những nền tảng này giúp tiếp cận đông đảo các bạn học sinh đang ở thời điểm chuẩn bị lựa chọn ngành học, trường đại học.
Phương thức truyền thông: Bên cạnh việc đăng tải những video giải trí về trường/ngành học trên MXH, các nhà trường có thể đầu tư tổ chức các hoạt động workshop ngay tại các trường cấp 3, tiếp cận trực tiếp đến đối tượng tiềm năng.
b. Giai đoạn Gợi nhắc:
Mục tiêu truyền thông: Đánh chiếm sự nhận biết, cân nhắc của thí sinh. Từ đó giúp thí sinh hình dung rõ ràng hơn về ngôi trường mình muốn theo học, về ngành học mình theo đuổi và môi trường 4 năm sắp tới tại Đại học.
Các kênh truyền thông: Bên cạnh những fanpage, website chính thức, kênh Youtube, TikTok của trường, các nhà trường cũng không nên bỏ qua những trang cộng đồng tin tức và các hội nhóm thảo luận về Đại học. Đây là nơi sở hữu một lực lượng đông đảo thí sinh “phục kích” để đón đầu những thông tin review chân thực liên quan trực tiếp đến ngôi trường mà các bạn đang tìm hiểu. Bên cạnh đó, việc tham gia các hội nhóm này cũng giúp các trường Đại học nắm được những băn khoăn, lo lắng, trở ngại của thí sinh. Từ đó điều chỉnh và lựa chọn đẩy mạnh những hoạt động truyền thông phù hợp.
Phương thức truyền thông: Có thể về bảng xếp hạng các trường, bài review về ngành học hay những video/ bài đăng về hoạt động của trường
c. Giai đoạn Thúc đẩy:
Mục tiêu truyền thông: Đây là thời điểm công bố đề án xét tuyển và tuyển sinh cũng là thời điểm vàng để nhà trường đẩy mạnh truyền thông và thúc đẩy sự lựa chọn thí sinh.
Các kênh truyền thông: Ở giai đoạn này, việc phủ sóng thông tin rộng khắp trên tất cả các nền tảng cần được chú trọng và đẩy mạnh: website trường, fanpage chính, trang confession, Youtube,TikTok, Trang/ Hội nhóm tuyển sinh riêng của trường, Trang cộng đồng và giải trí…
Phương thức truyền thông: Đây là thời điểm ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức nhằm giải đáp trực tiếp những thắc mắc của thí sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông cần đa dạng và sáng tạo hơn nữa, tập trung vào các khía cạnh như series tư vấn ngành học “hot”, công cụ tính điểm, và phân tích phương thức tuyển sinh.
Không chỉ là video review hay quảng bá, các nhà trường cần tìm kiếm insight mới mẻ về những điều mà thí sinh đang quan tâm khi chọn trường, chọn ngành. Content giải trí luôn gây tò mò và thích thú, cũng giúp thí sinh cảm thấy hứng thú với môi trường Đại học, bên cạnh việc giải đáp được những băn khoăn trăn trở của các bạn.
Bình luận của bạn