Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của FPT để hiểu rõ hơn về hành trình thu “trái ngọt” của một trong những tập đoàn hàng đầu về công nghệ tại Việt Nam. Đồng thời, phân tích case study này của FPT sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để đưa doanh nghiệp đến gần với thành công hơn.
Tổng quan về Tập đoàn FPT
Quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn FPT
Tập đoàn FPT là công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam, hoạt động trong ba lĩnh vực chính, bao gồm: công nghệ, viễn thông và giáo dục. FPT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Financing Promoting Technology".
Ngày 13/09/1988, 13 nhà khoa học trẻ đã cùng nhau thành lập nên Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm (tiền thân của công ty cổ phần FPT).
Ngày 27/10/1990, đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT.
Tháng 3/2002, công ty cổ phần hóa với tên Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT.
Đến ngày 19/12/2008, chính thức đổi thành Công ty Cổ phần FPT (FPT Corporation).
Trong suốt quá trình hoạt động, với tinh thần không ngừng đổi mới, liên tục sáng tạo và tiên phong mang lại sự hài lòng cho khách hàng, FPT đã gặt hái được không ít những thành tựu nổi bật: trở thành công ty công nghệ thông tin - viễn thông lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Tính đến năm 2020, FPT đã mở rộng quy mô toàn cầu với 4 chi nhánh mới tại Canada, Trung Đông, Ấn Độ và Costa Rica, nâng tổng số văn phòng lên 52 tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng tại các khu vực trọng điểm như Mỹ, APAC cũng như toàn cầu.
Sau hơn 30 năm thành lập, FPT không chỉ tiên phong xây dựng, phát triển các phần mềm mang thương hiệu Việt, hiện đại hóa các ngành kinh tế xương sống của quốc gia, đưa công nghệ vào cuộc sống, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ theo định hướng thực học - thực nghiệp, mà còn tiên phong trong hoạt động xuất khẩu phần mềm, góp phần đưa trí tuệ, công nghệ Việt Nam vươn ra thế giới.
FPT cũng là FPT là đối tác cấp cao của các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Microsoft; SAP; Apple; Cisco; IBM; Oracle; Dell; Amazon Web Services…
Năm 2021, FPT tập trung vào hai mũi nhọn chính: Chuyển đổi số toàn diện và đầu tư xây dựng nền tảng mạnh mẽ, là cốt lõi cho việc phát triển mô hình kinh doanh, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp trong đa lĩnh vực..
Các giải thưởng tiêu biểu
Vị thế của FPT được công nhận và khẳng định cả ở thị trường Việt Nam và trên toàn cầu thông qua những giải thưởng lớn nhỏ, danh sách khách hàng mà tập đoàn đang sở hữu và hợp tác:
- Top 50 công ty niêm yết Việt Nam (Forbes Việt Nam)
- Theo báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) năm 2021, FPT đứng thứ 16 trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
- Giải Vàng tại Giải thưởng Kinh doanh quốc tế IBA Stevie 2021 - Hạng mục Sản phẩm mới
- Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam 2021
- Giải thưởng "Nhà cung cấp dịch vụ Internet Cố định được khách hàng hài lòng nhất về Chất lượng Dịch vụ và Chăm sóc Khách hàng năm 2020" của IDG.
- Top 10 Doanh nghiệp Hạ tầng số xuất sắc 2020
- Đạt Danh hiệu Sao khuê 27 lần liên tiếp trong nhiều năm từ 2012 – 2020.
- Và nhiều giải thưởng lớn khác
Công ty thành viên của Tập đoàn FPT
FPT Group hiện có 8 công ty thành viên và 5 công ty liên kết, trong đó trụ sở chính được đặt tại Tòa nhà FPT, Số 10 phố Phạm Văn Bạch, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
>>> Xem thêm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Viettel: Người thành công luôn có lối đi riêngPhân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của FPT
Phân tích đối thủ cạnh tranh hiện tại
Tập đoàn FPT hiện đang hoạt động trong 3 mảng chính là: Công nghệ (Tư vấn chuyển đổi số, Phát triển phần mềm, Tích hợp hệ thống và Dịch vụ CNTT); Viễn thông (Dịch vụ viễn thông, truyền hình FPT và dịch vụ Nội dung số), Giáo dục và lĩnh vực khác (giáo dục Tiểu học đến sau Đại học, liên kết quốc tế, đào tạo trực tuyến, đầu tư, retail, eCommerce).
Mảng công nghệ
VNDirect dự báo doanh thu mảng công nghệ năm 2021 của FPT sẽ tăng 23% so với năm ngoái, đạt 20.677 tỷ đồng và vượt 1 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ CNTT trong nước của FPT được kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng hai chữ số và có thể tăng 10%.
Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, dịch vụ CNTT trong nước đã mang về cho FPT 1.491 tỷ đồng, tăng 45,2% so với cùng kỳ. Doanh thu từ mảng dịch vụ CNTT nước ngoài tăng 9,6% so với cùng kỳ đạt 3.169 tỷ đồng, chiếm 76,3% doanh thu mảng công nghệ.
Vào cuối năm 2020, một công ty vận hành sàn giao dịch ô tô lớn tại Mỹ đã lựa chọn FPT cho các dự án CNTT trong vòng 3 năm tới từ hàng trăm nhà cung cấp CNTT khác trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ VNDirect cũng lưu ý, FPT phải đối mặt với không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là những sức ép cạnh tranh đến từ các đối thủ nặng ký trong và ngoài nước.
Tại thị trường trong nước, FPT đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các tập đoàn hàng đầu trong nước như Viettel, VNPT, tập đoàn công nghệ CMC. Theo đó để tăng khả năng cạnh tranh, FPT cần tăng cường chi tiêu cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư nhiều giải pháp, phần mềm mới để mở rộng độ phủ và điều này sẽ dẫn tới chi phí đầu tư tăng.
Sự thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao và chi phí lao động gia tăng cũng là rủi ro tiềm tàng đối với FPT. Vì gia công phần mềm là mảng thâm dụng lao động, do đó, nếu chi phí lao động tăng lên sẽ ảnh hưởng đáng kể tới chi phí hoạt động của công ty
Bên cạnh đó, sự gia nhập của các công ty công nghệ nước ngoài tại Việt Nam cũng đang tạo nên sức ép lớn cho FPT tại thị trường nội địa.
Tại thị trường nước ngoài, Ấn Độ được coi là điểm đến gia công CNTT hàng đầu với một nền công nghiệp phần mềm phát triển và số lượng lớn các chuyên gia CNTT lành nghề. Đây là một thách thức rất lớn cho FPT trong quá trình tìm kiếm và mở rộng thị phần toàn cầu.
Mảng viễn thông
Mảng viễn thông của FPT bao gồm 3 lĩnh vực chính là Internet, PayTV/Ads và Smart things.
Hai nhà mạng lớn có vốn nhà nước là Viettel và VNPT tiếp tục tạo nên nhiều nỗi lo cho FPT trong mảng kinh doanh viễn thông với tốc độ phát triển và đổi mới nhanh chóng, điều này buộc FPT không thể lơ là.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các ông lớn công nghệ như Microsoft, Xiaomi, Google và Apple cũng đang tạo nên sức ép lớn cho lĩnh vực Smart things của FPT.
Mảng giáo dục
Mảng giáo dục của FPT hiện vẫn đang duy trì tốt, đối thủ mới xuất hiện trong lĩnh vực này phải kể đến Vingroup. Tuy nhiên, là tập đoàn tiên phong trong hoạt động giáo dục toàn diện, các đơn vị trường học của FPT tiếp tục mang lại hiệu quả.
Đại học FPT với cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng đào tạo tốt là một trong những điểm lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ
Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn
Sự đe dọa của đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn phụ thuộc vào các rào cản gia nhập ngành là một trong những mô hình 5 áp lực cạnh tranh quan trọng. Nhìn chung, các rào cản gia nhập ngành trong những lĩnh vực mà tập đoàn FPT đang hoạt động được đánh giá là khá cao.
Các doanh nghiệp mới muốn tham gia thị trường này cần có một nền tảng tài chính mạnh mẽ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, số lượng đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn có khả năng uy hiếp vị thế của FPT là không nhiều. Tuy nhiên, khi các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế có ý định chuyển hướng vào lĩnh vực này sẽ tạo nên sức ép đáng kể cho FPT.
Quyền thương lượng của nhà cung ứng
Các sản phẩm và dịch vụ mà FPT cung cấp mang hàm lượng chất xám cao, đòi hỏi công nghệ tiên tiến hiện đại, cùng với đó khách hàng đều là những tổ chức lớn có yêu cầu cao. Do đó, FPT luôn cố gắng hợp tác và xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp thiết bị, giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước.
Trên tinh thần đó, FPT đã và đang góp phần nâng cao thị phần của đối tác tại Việt Nam cũng như khu vực, đồng thời nhận được sự hỗ trợ tối đa về tài chính và công nghệ từ các đối tác của mình cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quan trong hơn cả, khách hàng của FPT sẽ luôn được cung cấp những sản phẩm và giải pháp công nghệ hiện đại nhất, tân tiến nhất.
Nguy cơ đến từ các sản phẩm thay thế
Các sản phẩm công nghệ và viễn thông là những sản phẩm/dịch vụ chủ lực của FPT. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, vòng đời sản phẩm ngày càng rút ngắn, công nghệ mới nhanh chóng ra đời và thay thế công nghệ cũ.
Do đó, công ty cần đưa ra quyết định sáng suốt trước khi ký kết phân phối sản phẩm công nghệ từ các đối tác.
Sức mạnh đến từ khách hàng
Khách hàng của FPT bao gồm nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, trải đều trên rất nhiều lĩnh vực như cơ quan chính phủ, an ninh quốc phòng, tài chính, kế toán, giáo dục, viễn thông, giao thông vận tải, ngân hàng,...
Không chỉ tập trung vào nhóm khách hàng trong nước, công ty còn đang mở rộng thị trường sang các thị trường nước ngoài.
Nhìn chung, do đặc điểm đặc thù của sản phẩm và dịch vụ mà FPT cung cấp, khách hàng của công ty này chủ yếu là các tổ chức và doanh nghiệp lớn.
Kết
Những thông tin phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của FPT trên đây cho thấy những sức ép cạnh tranh từ nhiều phía khác nhau mà tập đoàn này phải đối mặt. Mặc dù vậy, FPT vẫn đang giải quyết rất tốt những áp lực này để tiếp tục duy trì và mở rộng vị thế của mình trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
Lương Hạnh - MarketingAI
Tổng hợp
>> Có thể bạn quan tâm: Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Vinfast
Bình luận của bạn