cover

Marketing ví điện tử tại Việt Nam - Cuộc chơi còn bỏ ngỏ

03 Thg 03

Thị trường ví điện tử ở Việt Nam đang vô cùng sôi động với sự nở rộ của các "ông lớn" như Zalo Pay, Momo, VTC Pay...Tuy nhiên, trong thời gian qua, thị trường thanh toán điện tử tại Việt...

Thị trường ví điện tử ở Việt Nam đang vô cùng sôi động với sự nở rộ của các "ông lớn" như Zalo Pay, Momo, VTC Pay...Tuy nhiên, trong thời gian qua, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam nói chung và fintech nói riêng vẫn còn phát triển chậm khi thói quen tiêu dùng tiền mặt vẫn còn khá lớn. Nhiều người dùng vẫn chưa có khái niệm sử dụng ví điện tử hay thanh toán qua di động,… Điều này tạo nên rào cản và trở ngại lớn cho sự thành công của các thương hiệu ví điện tử, dù họ vẫn phải thường xuyên chi tiền để khuyến mại như mở ví được tặng tiền, thanh toán điện nước qua ví được tặng tiền, mua thẻ cào được chiết khấu cao…để thu hút người tiêu dùng. Qua bài viết dưới đây, MarketingAI xin chia sẻ bí quyết làm marketing cho ví điện tử để thu hút và thay đổi thói quen người tiêu dùng.

marketing ví điện tử

Sự phát triển của thanh toán điện tử (Ảnh: Doanh Nhân Online)

Cơ hội phát triển thị trường ví điện tử và đặc điểm người tiêu dùng

Theo nghiên cứu của Fingo Việt Nam, Việt Nam là một quốc gia có độ phủ sóng Internet khá cao. Tính đến tháng 1 năm 2017, Việt Nam có khoảng 50 triệu người dùng Internet, chiếm hơn một nửa dân số, tức là tăng 6% so với năm 2016. Số người sử dụng điện thoại thông minh chiếm đến 72% so với các thiết bị kết nối Internet phổ biến khác tại Việt Nam. Độ tuổi sử dụng internet mỗi ngày rơi vào khoảng 20-44 tuổi và sử dụng với tần suất ít nhất 5 giờ/ngày. Đối với hầu hết người dùng tại Việt Nam, trải nghiệm trực tuyến đầu tiên của họ được thực hiện thông qua điện thoại thông minh, thậm chí giới trẻ còn sở hữu ít nhất 2 thiết bị di động mỗi người. Do vậy, Fingo đánh giá đây chính là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, quảng cáo trực tuyến và xây dựng các ứng dụng di động tại thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia tài chính cũng nhận xét lĩnh vực này có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam nhờ quy mô dân số và lợi thế so sánh về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Marketing ví điện tử tại Việt Nam - Cuộc chơi còn bỏ ngỏ- Ảnh 2.

(Ảnh: eMarketer)

Nhìn chung, với các ứng dụng ví điện tử, người tiêu dùng hiện có thể thanh toán các dịch vụ thiết yếu hàng ngày như trả tiền điện, nước, điện thoại, tại các cửa hàng tiện lợi 24/7 mà không bị bó buộc trong giờ hành chính. Thậm chí, họ còn có thể thanh toán các khoản chi tiêu ở các cửa hàng thời trang, nhà hàng hay quán cà phê khá dễ dàng. Một điểm thuận tiện nữa của ví điện tử, đó là người dùng có thể dùng ví để chuyển tiền, rút tiền hay vay tiền chỉ bằng vài cú chạm hay bằng cách quét mã QR trên điện thoại di động.

Dân số Việt Nam khá trẻ và cũng không ngại sự thay đổi, trải nghiệm những công nghệ mới thú vị và tiện lợi hơn, kèm theo đó là thói quen mua hàng online tăng mạnh tạo cơ hội cho ví điện tử phát triển mạnh. Nhưng bên cạnh đó các công ty cũng phải đối mặt với thách thức do người Việt Nam vẫn có tâm lý nghi ngờ mức độ an toàn của các loại hình ví điện tử, dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động do hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán ví điện tử chưa ra đời. Vấn đề của các thương hiệu là làm thế nào để đầu tư cho có hiệu quả, cả về việc hoàn thiện sản phẩm về tính năng, công nghệ lẫn marketing để tiếp cận người tiêu dùng và giúp họ tin tưởng vào dịch vụ.

Ba yếu tố quan trọng cho ví điện tử: Tiện lợi - Đơn Giản - An toàn

Nói tới thị trường thanh toán trực tuyến thì yếu tố công nghệ phải được đặt lên hàng đầu. Một số doanh nghiệp phát triển dịch vụ ví điện tử chưa làm chủ được công nghệ, phải đi mua công nghệ để phát triển dịch vụ. Trong khi đó, muốn phát triển dịch vụ này cần đến giải pháp công nghệ liên quan đến yếu tố di động, thiết bị di động (thanh toán di động) và các hình thức thanh toán giá trị thấp (vi thanh toán), ứng dụng sâu rộng vào đời sống thường nhật của người dùng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều đơn vị hiện nay cũng chưa đưa ra được các sản phẩm đúng với “khẩu vị” của người dùng, để họ thấy sự khác biệt và thuận tiện hơn giữa ví điện tử với các hình thức thanh toán khác. Đa số người dùng mới chỉ biết đến ví điện tử như một công cụ để mua/trả cước điện thoại, thanh toán online.

Tính bảo mật và lạ lẫm về thương hiệu, công nghệ cũng là một rào cản khiến người dùng chưa quan tâm đến dịch vụ này. Ví dụ nhiều cửa hàng của Starbucks trên thế giới cho phép khách hàng gọi đồ uống qua ứng dụng “thực đơn điện tử”, sau đó cho họ thanh toán ngay qua ứng dụng ví điện tử trên thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng, thiết bị điện tử cá nhân…). Sau khi thưởng thức đồ uống, khách hàng có thể “bo” cho nhân viên thông qua ví điện tử này. Đây là những ứng dụng khá tiện lợi, song ở Việt Nam, sự kết nối này vẫn còn thiếu.

Marketing ví điện tử tại Việt Nam - Cuộc chơi còn bỏ ngỏ- Ảnh 3.

Trong năm 2017, ví điện tử MoMo đã gặp phải một trường hợp liên quan đến bảo mật - Khách hàng bị mất tiền trong tài khoản MoMo. (Ảnh: VTV.vn)

Nói tới 3 tiêu chí quan trọng của ví điện tử: tiện lợi - an toàn - đơn giản, đa số các thương hiệu Việt Nam chỉ đáp ứng được ở mức độ cơ bản, trong đó yếu tố an toàn vẫn chưa được đảm bảo do chưa có hành lang pháp lí. Đây là một trở ngại lớn khiến khách hàng khó chấp nhận sản phẩm. Bên cạnh đó ứng dụng thanh toán cũng chưa có gì nổi trội hay khác biệt để 1 thương hiệu có thể bứt phá lên hẳn so với đối thủ cạnh tranh.

 

Xem thêm bài viết về xu hướng marketing:

 

Làm marketing ví điện tử sao cho hiệu quả ?

Việc thuyết phục khách hàng thay đổi hành vi và sử dụng dịch vụ sẽ đòi hỏi các chi phí marketing không nhỏ. Với mô hình có giá trị dịch vụ nhỏ, cần phải có số lượng sử dụng rất lớn.Hiện có nhiều loại ví điện tử khác nhau, cung cấp đủ loại hình, nhưng chỉ ví điện tử nào có hệ sinh thái rộng lớn mới thu hút được người dùng. Đó là lý do vì sao mà dịch vụ thanh toán điện tử PayPal (thuộc eBay) phát triển.  Hoạt động marketing ví điện tử là yếu tố chi phối rất lớn trong việc tiếp cận người tiêu dùng.

Hầu hết các thương hiệu ví điện tử vẫn đang chi nhiều cho hoạt động truyền thông và quảng bá thương hiệu trên mạng xã hội. Nhưng những chiến dịch PR hiệu quả đòi hỏi phải bài bản và hiệu quả về lâu dài. PR qua các kênh báo điện tử giúp tăng độ tin cậy cho người dùng. Các báo điện tử uy tín có tầm ảnh hưởng lớn đến độc giả về mảng công nghệ và thanh toán trực tuyến có thể kể đến CafeF, GenK, Soha News,...Và đối tượng độc giả mục tiêu là giới trẻ độ tuổi từ 15 - 25 cũng là đối tượng quan tâm nhiều tới ứng dụng di động, mua hàng online, có thể kể đến các báo Kênh 14, CafeBiz,...Quan trọng hơn hết, nếu chỉ PR theo một dòng sự kiện hay một giai đoạn ngắn sẽ khiến khách hàng mau quên đi sản phẩm, các bài PR cần kết hợp với yếu tố công nghệ Targeting, Retargeting để đeo bám người dùng quan tâm tới sản phẩm nhằm tiếp tục kích thích nhu cầu của họ cho tới khi họ chấp nhận sử dụng sản phẩm.

Ngoài ra, reviews từ người nổi tiếng cũng có thể là một phương thức marketing ví điện tử hiệu quả. Nếu triển khai phương thức này, bạn cần chọn influencers phù hợp với các tiêu chí sau:

  • Reach (Độ phủ): được đo bằng lượng người theo dõi (fans, followers) của Influencers trên mạng xã hội. Thông thường, thương hiệu sẽ lựa chọn những Influencer có số lượng fan lớn, tiếp cận được nhiều người nhưng điều này cũng không hoàn toàn đảm bảo khả năng thành công của chiến dịch.
  • Relevance (Sự liên quan): mô tả mức độ liên kết và tương đồng giữa định vị của Influencer và hình ảnh của thương hiệu. Relevence thường được thể hiện qua những yếu tố sau đây:
  • Personal image (Thương hiệu cá nhân): quan niệm sống, phong cách thời trang, phát ngôn
  • Demographic (Thông tin nhâu khẩu học): giới tính, tuổi tác, tình trạng hôn nhân, lĩnh vực hoạt động
  • Type of post/ topic (Nội dung bài viết trên trang cá nhân): văn phong, chủ đề họ quan tâm.
  • Fans/followers (Đối tượng audience): thương hiệu cá nhân, thông tin nhâu khẩu học, chủ đề quan tâm của họ.

Nhiều brand ambassador (đại sứ thương hiệu) khi nhắc đến có thể khiến người dùng liên tưởng đến sản phẩm mà họ quảng bá và ngược lại.

  • Resonance (Khả năng thay đổi ý kiến người tiêu dùng: Brand preference): mức độ tương tác của người theo dõi với loại nội dung mà Influencers tạo ra. Khi người theo dõi đọc các nội dung được viết bởi Influencers, họ sẽ có những mức độ tương tác khác nhau. Resonance xác định mức độ tương tác của người đọc với thông điệp được đưa ra và khiến họ tích cực chia sẻ thông điệp đó trên trang cá nhân của mình.
  • Sentiment (chỉ số cảm xúc): là nhân tố cực kì quan trọng mà marketer cần lưu ý. Cụ thể, việc người này mang lại cảm giác tiêu cực hay tích cực cho target audience (cộng đồng mục tiêu sẽ tác động mạnh mẽ) đến brand love (cảm tình dành cho thương hiệu) của người tiêu dùng.

Ngoài việc chọn influencer là người nổi tiếng của công chúng, bạn có thể chọn các chuyên gia, người có chuyên môn cao và có sức ảnh hưởng trong ngành hàng): Những người này vừa có độ Reach tương đối cao (thấp hơn Celeb) và có mức độ ResonanceRelevance với ngành hàng cao nhất.

Để thu hút khách hàng tạo tài khoản, nhiều Ví điện tử chạy các chương trình khuyến mãi dành cho các khách hàng thanh toán lần đầu. Hình thức khuyến mãi có thể là chiết khấu, tặng quà hoặc tặng tiền trực tiếp vào tài khoản, lì xì online,...

Các ví có hoạt động truyển thông mạnh trong thời gian gần đây có thể kể đến như Momo, Zalo Pay, Moca, ….

Hà Nguyễn - MarketingAI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.