Market Leader là gì? Những chiến lược giúp thương hiệu giữ vị thế dẫn đầu thị trường

02 Thg 07

Trong kinh doanh, mọi doanh nghiệp đều nỗ lực để chinh phục vị trí Market leader, có sức ảnh hưởng lớn và khả năng thống trị thị trường. Vậy Market Leader là gì? Và những chiến thuật nào có thể...

Trong kinh doanh, mọi doanh nghiệp đều nỗ lực để chinh phục vị trí Market leader, có sức ảnh hưởng lớn và khả năng thống trị thị trường. Vậy Market Leader là gì? Và những chiến thuật nào có thể giúp doanh nghiệp vượt qua đối thủ cạnh tranh, trở thành người dẫn đầu thị trường?

Market leader là gì?

Market Leader có nghĩa là “Người dẫn đầu thị trường” hay “Người lãnh đạo thị trường”, đây là những công ty chiếm thị phần nhiều nhất hoặc có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong một ngành. Họ là những doanh nghiệp có sức thống trị thị trường, ảnh hưởng rất lớn đến hướng phát triển và mức độ cạnh tranh trong ngành. 

Các Market Leader thường có nhiều lợi thế như: Mức độ nhận diện trên thị trường và lượng khách hàng trung thành cao, nguồn lực tài chính lớn, hệ thống phân phối mạnh,.... 

Market leader là gì

>>> Xem thêm: Leadership là gì? 6 kỹ năng cần có để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba

Một vài ví dụ về market leader

Để dễ dàng hình dung hơn về market leader, hãy nhìn vào những thương hiệu đang dẫn đầu một số thị trường quốc tế như: 

  • Amazon - Thương hiệu dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến với 37% thị phần toàn cầu.
  • Google - Công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, tính đến tháng 6 năm 2022, thị phần công cụ tìm kiếm toàn cầu của Google chiếm tới 91,88%.
  • Toyota - Thương hiệu xe hơi dẫn đầu thị trường với 11,5% thị phần xe hơi toàn cầu.
  • Coca Cola - Market Leader trong ngành nước giải khát không cồn với  43,7% thị phần toàn cầu.

Tại thị trường Việt Nam, một số thương hiệu đang dẫn đầu thị trường bao gồm: 

  • Tương ớt Chin-Su - Thương hiệu đang dẫn đầu thị trường tương ớt Việt Nam với 60% thị phần
  • Viettel - Đơn vị cấp dịch vụ viễn thông di động hàng đầu tại Việt Nam với 54% thị phần.
  • Vinamilk - Thương hiệu dẫn đầu ngành hàng sữa, chiếm tới 43,7% tổng thị phần các công ty sữa tại Việt Nam (Năm 2021).
  • Hòa Phát - Market Leader trong ngành hàng sản xuất thép xây dựng với 36% thị phần (Năm 2023).

Đây đều là những cái tên quen thuộc với người dân Việt Nam, thậm chí đã trở thành hình ảnh mang tính đại diện cho từng ngành hàng. Ví dụ như khi nói đến dịch vụ viễn thông, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel sẽ là thương hiệu tiêu biểu, hiện diện trong lòng của đa phần người tiêu dùng Việt.

Một vài ví dụ về market leader

Yếu tố tạo nên market leader là gì?

Để trở thành người dẫn đầu thị trường, doanh nghiệp đạt được 4 yếu tố quan trọng sau:

Thương hiệu tiên phong gia nhập thị trường

Một công ty có thể trở thành market leader khi họ là người đầu tiên cung cấp một loại hình sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Khi đó, chắc chắn thương hiệu sẽ trở thành người dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên để duy trì và bảo vệ vị thế đó, doanh nghiệp cần có những chiến lược để thu hút và bảo vệ thị phần khỏi những đối thủ cạnh tranh gia nhập ngành. 

Sở hữu thị phần cao nhất

Thị phần được tính bằng: Tổng doanh số bán hàng của doanh nghiệp/Tổng doanh số của thị trường. Đây là một trong những yếu tố phản ánh rõ ràng nhất về sức ảnh hưởng và vị thế của thương hiệu trên thị trường. Vì vậy những công ty chiếm được thị phần lớn nhất sẽ trở thành market leader. 

Yếu tố tạo nên market leader là gì?

Thông thường, những thương hiệu đầu tiên ra nhập thị trường sẽ giữ thị phần lớn nhất. Tuy nhiên nếu không bảo vệ được thị phần khỏi những đối thủ cạnh tranh gia nhập ngành, vị trí market leader của những thương hiệu tiên phong có thể bị thay thế bởi những doanh nghiệp ra nhập ngành sau. 

Thương hiệu có sức ảnh hưởng lớn tới đông đảo khách hàng

Các thương hiệu có khả năng dẫn đầu và thống trị thị trường phần lớn nhờ vào sức ảnh hưởng của họ tới người tiêu dùng. Vì vậy, để bảo vệ được thị phần và vị thế trên thị trường, người dẫn đầu chắc chắn phải nỗ lực giữ chân, xây dựng lòng trung thành của khách hàng. Bên cạnh đó, market leader cũng cần thu hút những khách hàng mới chưa biết đến hoặc chưa trải nghiệm sản phẩm của thương hiệu.

Dẫn đầu về công nghệ sản xuất & nghiên cứu phát triển sản phẩm

Không chỉ tạo ra những sản phẩm đầu tiên trên thị trường, Market Leader còn là những người đi đầu trong việc phát triển và cải tiến sản phẩm. Những doanh nghiệp này đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu sản phẩm, ứng dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến để đảm bảo chất lượng và khẳng định uy tín thương hiệu. 

Dẫn đầu về công nghệ sản xuất & nghiên cứu phát triển sản phẩm

Chiến lược để trở thành market leader

Market leader không phải là một vị thế cố định, các thương hiệu dẫn đầu thị trường có thể bị thay thế bất cứ lúc nào nếu không bảo vệ được thị phần. Điển hình như Shopee - Sàn thương mại điện tử đã đánh bại Lazada để trở thành thương hiệu dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á. Hay Nokia - một thương hiệu thống trị thị trường điện thoại di động một thời nay cũng đã phải ngậm ngùi đứng sau những tên tuổi lớn như Apple, Samsung,...

Đặc biệt, thị trường kinh doanh ngày nay có nhiều biến động phức tạp, đối thủ cạnh tranh không ngừng đánh chiếm thị phần mỗi ngày. Vì vậy, để có thể giành quyền thống trị thị trường và bảo vệ vị trí market leader, thương hiệu cần có những chiến lược kinh doanh & marketing bài bản.

Bảo vệ thị phần

Vị trí Market Leader có thể bị mất đi bất cứ lúc nào nếu như bạn không có chiến lược bảo vệ thị phần trước những đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Để giữ chân khách hàng và củng cố thị phần, doanh nghiệp có thể sử dụng một số chiến lược sau:

Chiến lược phòng thủ phủ đầu: Chiến lược phòng thủ này được sử dụng nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự tấn công của các đối thủ trên thị trường trước khi chúng xảy ra. Các chiến lược phòng thủ phủ đầu phổ biến nhất là hạn chế và ngăn chặn đối thủ cạnh tranh mới ra nhập thị trường. Để hạn chế đối thủ ra nhập ngành, thương hiệu có thể tạo nên những rào cản như: công bố các chương trình giảm giá khuyến mãi, thực hiện các chiến lược truyền thông bao phủ thị trường,...

Chiến lược phòng thủ phản công: Chiến lược này nhằm phản kháng lại những nỗ lực gia nhập ngành của các đối thủ cạnh tranh, điển hình như khi đối thủ giảm giá, cả tiến sản phẩm, xâm chiếm địa bàn phân phối,... Market Leader có thể phản công trực diện vào cùng một thị trường hoặc thực hiện tấn công bên sườn đối thủ. Bạn có thể xác định những điểm yếu trong thị phần của đối thủ và tấn công, khi đó đối thủ sẽ phải chuyển hướng bảo vệ thị phần.

Chiến lược thích ứng & phòng thủ linh hoạt: Các chiến lược này sẽ không tấn công trực diện vào đối thủ tranh mà sẽ giúp doanh nghiệp thích nghi, tận dụng lợi thế cạnh tranh để bảo vệ thị phần. Doanh nghiệp có thể mở rộng kinh doanh với những sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng hóa lĩnh vực và điều hướng người tiêu dùng tới những sản phẩm này. Những thị trường mới này có thể là lợi thế cạnh tranh của thương hiệu trong tương lai.

Bên cạnh các chiến lược trên, việc giữ chân khách hàng hiện tại là nòng cốt của việc bảo vệ thị phần. Vì vậy, thương hiệu cần xây dựng lòng trung thành của khách hàng, thực hiện các chiến lược truyền thông nhắc nhớ về thương hiệu, sản phẩm.

Market Leader là gì? Những chiến lược giúp thương hiệu giữ vị thế dẫn đầu thị trường- Ảnh 5.

Mở rộng thị trường 

Để trở thành Market Leader, doanh nghiệp phải nắm được thị phần nhiều nhất. Vì vậy, bảo vệ thị phần là chưa đủ, doanh nghiệp có những chiến lược mở rộng thị phần. Để mở rộng thị phần thương hiệu phải tìm kiếm những vùng thị trường chưa được khai thác hoặc tấn công vào tệp khách hàng của các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, khi muốn thu hút khách hàng mới, thương hiệu cần thực hiện đẩy mạnh marketing nhắm mục tiêu, mở rộng khu vực phân phối,...

Tuy nhiên, mở rộng thị phần là một chiến lược đòi hỏi doanh nghiệp phải mạnh tay đầu tư vào các hoạt động marketing, thúc đẩy bán. Lưu ý, khi thị phần tăng trưởng không có nghĩa là lợi nhuận của thương hiệu sẽ tăng lên. Thậm chí lợi nhuận thời gian đầu có thể bị giảm sút do những nỗ lực mở rộng. 

Market Leader là gì? Những chiến lược giúp thương hiệu giữ vị thế dẫn đầu thị trường- Ảnh 6.

Thực hiện các kế hoạch tiếp thị tốt

Marketing là chiến lược không thiếu để thu hút khách hàng mới - mở rộng thị phần và giữ chân khách hàng cũ, bảo vệ thị phần. Trọng tâm của các chiến lược tiếp thị tốt là doanh nghiệp cần tạo được điểm nhấn khác biệt so với thị trường và nắm bắt chính xác insight khách hàng mục tiêu.

Một số chiến lược khác

Bên cạnh ba chiến lược trên, để trở thành market leader doanh nghiệp cũng cần chú ý tới các yếu tố bên trong, như:

  • Xây dựng đội ngũ nhân sự vững mạnh, lựa chọn nhân sự phù hợp và thực hiện đào tạo bài bản. Tập trung vào chất lượng nhân sư thay vì mở rộng quy mô nhân sự.
  • Xây dựng quy trình làm việc hiệu quả giữa các bộ phận.
  • Thường xuyên nghiên cứu và phân tích thị trường để nắm bắt tình hình, xu hướng mới và đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp.

>>> Xem thêm: Chiến lược Marketing nổi tiếng đến từ những thương hiệu lớn 2023

Lời kết

Market Leader là một vị trí mà mọi doanh nghiệp đều mong muốn hướng đến trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên để trở thành người dẫn đầu thị trường và bảo vệ được vị trí đó, đòi hỏi thương hiệu phải có lợi thế cạnh tranh khác biệt, độc nhất và đồng thời có chiến thuật thu hút và giữ chân khách hàng khéo léo. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về market leader là gì và những chiến lược để trở thành người dẫn đầu thị trường.

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.