- Tết đến xuân về là thị trường áo dài khởi sắc
- Vậy lý do đằng sau sự trỗi dậy của thị trường áo dài trong dịp Tết là gì?
- 1. Thay đổi trong tư duy thời trang và thói quen tiêu dùng của người Việt
- 2. Sự hồi sinh của giá trị văn hóa truyền thống
- 3. Kiểu dáng hiện đại đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng khách hàng
- 4. Sự lan tỏa của MXH và các sàn TMĐT biến áo dài thành "hot trend"
Hòa cùng guồng quay của thời đại, áo dài giờ được “cách tân” để phù hợp với nhiều người và mặc được nhiều dịp. Nhưng Tết vẫn là lúc áo dài được xúng xính mang ra để mọi người sắm sửa “lên đồ” du Xuân. Đó cũng là lý do thị trường áo dài trong những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ với hiện diện đa dạng hình ảnh, mẫu mã mới từ các thương hiệu.
Tết đến xuân về là thị trường áo dài khởi sắc
Trong vài năm trở lại đây, "mặc áo dài" vào dịp Tết đang trở thành trào lưu được nhiều người lựa chọn, hưởng ứng, mang đến những con số đáng mừng cho thị trường áo dài Tết. Năm 2023, theo nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, người Việt đã chi gần 42 tỷ đồng để mua áo dài trên 4 sàn là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo chỉ trong tháng 12. Cụ thể, Metric ghi nhận 224.200 sản phẩm được giao thành công, đặt từ 2.200 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Nhìn sâu hơn vào phân khúc giá, 200.000 – 500.000 đồng là phân khúc giá đem lại doanh thu cao nhất trên toàn thị trường, đặc biệt là 200.000 – 350.000 đồng. Cũng theo số liệu của Metric, top 10 thương hiệu áo dài có doanh thu cao nhất chiếm 10,98% tổng doanh thu trên thị trường, còn lại chiếm 89,02%. 3 thương hiệu dẫn đầu lần lượt là YM Concept, Chang May và LINN design.
Trong khi đó, dữ liệu thu thập từ 9 tuần trước Tết Âm lịch 2024 cho thấy, doanh số sản phẩm áo dài trên sàn TMĐT Shopee đạt 213 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm 2023. 2-4 tuần trước Tết được ghi nhận là giai đoạn nhu cầu mua sắm của người dùng cao nhất. Trong khi thị trường áo dài năm 2023 chứng kiến doanh số đạt đỉnh ở mốc 3 tuần trước Tết, doanh thu năm 2024 lại chạm đỉnh ở giai đoạn 2 tuần trước Tết. Có thể thấy, nhu cầu sở hữu một chiếc áo dài để diện Tết tăng chóng mặt trong 3 năm gần đây khiến thị trường áo dài những ngày cận Tết lại càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Vậy lý do đằng sau sự trỗi dậy của thị trường áo dài trong dịp Tết là gì?
1. Thay đổi trong tư duy thời trang và thói quen tiêu dùng của người Việt
Áo dài giờ đã không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ của trang phục truyền thống mà trở thành một phần của xu hướng thời trang. Theo khảo sát của Savills Việt Nam (2023), giới trẻ Việt Nam xem áo dài như một phần trong phong cách thời trang cá nhân, thay vì chỉ mặc vào những dịp lễ quan trọng:
- Với 72% người trẻ từ 18-30 tuổi cho biết họ cảm thấy tự hào khi mặc áo dài, đặc biệt là trong các dịp gặp gỡ bạn bè, đi dạo phố, chụp ảnh nghệ thuật.
- 56% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng chi tiền mua áo dài cách tân để mặc trong các sự kiện đời thường, như sinh nhật, tiệc tùng, và thậm chí là đi làm.
Việc áo dài được sử dụng rộng rãi trong đời sống thường nhật đã ngày càng khẳng định vị thế vững chãi của di sản văn hóa phi vật thể này trong tiềm thức của người Việt Nam.
BST Diên Sa của Xéo Xọ nổi bật với chi tiết kim sa và màu sắc mới mẻ, lạ mắt
Nhiều thương hiệu phát triển các bộ sưu tập áo dài độc quyền, bắt kịp xu hướng nhằm đáp ứng nhu cầu về các mẫu áo dài khác biệt, độc bản của người tiêu dùng. Các local brand ghi dấu ấn với những bộ sưu tập áo dài Tết vừa giữ được những nét truyền thống duyên dáng sẵn có, vừa sáng tạo chất vải, họa tiết, kiểu dáng để phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của người mặc. Có thể kể đến như Xéo Xọ, Liin Design, Áo dài Cám, D.CHIC … - các thương hiệu đang "làm mưa làm gió" với các bộ sưu tập áo dài Tết 2025 độc lạ, đẹp mắt, phá vỡ những chuẩn mực thường thấy của áo dài truyền thống.
2. Sự hồi sinh của giá trị văn hóa truyền thống
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, cơ hội tiếp cận nhiều luồng văn hóa ngoại lai càng khiến người Việt khao khát tìm về những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống để khẳng định bản sắc riêng. Việc mặc áo dài trong dịp Tết trở thành cách để mỗi người Việt kết nối với cội nguồn và thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Theo nghiên cứu từ Nielsen Việt Nam, 82% người tiêu dùng tại Việt Nam cho biết họ ưu tiên trang phục truyền thống như áo dài trong dịp Tết. Hơn 65% người mua áo dài dịp Tết là người trẻ từ 18 đến 35 tuổi - một tín hiệu đáng mừng cho thấy giới trẻ đang có xu hướng quay về với các giá trị văn hóa cội nguồn. Và có tới 54% khách hàng chọn áo dài để chụp ảnh kỷ niệm dịp Tết, đặc biệt trong các bối cảnh truyền thống như trước đình, chùa, hoặc cùng gia đình bên mâm cỗ ngày xuân.
Nhiều tiết mục trong "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" lựa chọn áo dài làm trang phục biểu diễn
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các lễ hội, sự kiện khuyến khích mặc áo dài trong những dịp đặc biệt cũng góp phần tạo làn sóng hồi sinh giá trị văn hóa này. Đơn cử như Lễ hội Áo Dài TP.HCM - được tổ chức thường niên từ năm 2014, đến nay đã thu hút gần 50.000 người tham dự, với hơn 2.000 bộ áo dài được trình diễn qua các hoạt động diễu hành và biểu diễn nghệ thuật. Hay Lễ hội Áo Dài Huế 2023 cũng thu hút hàng nghìn người tham gia với các hoạt động quảng bá áo dài truyền thống, giúp du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
Mới đây, các chương trình dành cho giới trẻ như "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" cũng tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống thông qua các màn trình diễn sử dụng trang phục áo dài. Sự xuất hiện của áo dài trên sân khấu âm nhạc nghệ thuật, cùng với những nghệ sĩ hàng đầu Vbiz được giới trẻ hâm mộ là cơ hội để khơi gợi tình yêu đối với áo dài và với văn hóa Việt Nam.
3. Kiểu dáng hiện đại đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng khách hàng
Không chỉ dừng lại ở áo dài truyền thống, các mẫu áo dài cách tân với thiết kế hiện đại, dễ mặc, và tiện dụng ngày càng được ưa chuộng. Điều này giúp áo dài tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là người trẻ. Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), trong năm 2024, thị trường áo dài cách tân chiếm gần 45% tổng doanh thu của ngành thời trang truyền thống, với các thiết kế đa dạng từ áo dài dáng suông, áo dài vải gấm, đến áo dài kết hợp quần jeans, chân váy.
Thiết kế áo dài cách tân với chất liệu, họa tiết hiện đại, dễ mặc, và tiện dụng được ưa chuộng
Nếu trước đây áo dài thường gắn liền với hình ảnh người phụ nữ, thì nay áo dài cho nam giới và trẻ em cũng dần trở nên phổ biến hơn. Số liệu của Shopee (2024) cho thấy 35% doanh số áo dài trên Shopee đến từ các sản phẩm dành cho nam giới. Và áo dài trẻ em chiếm 22% tổng số áo dài bán ra trong dịp Tết. Sự gia tăng này phản ánh xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng áo dài cho cả gia đình trong các dịp lễ, Tết.
Áo dài dành cho nam giới phổ biến với nhiều mẫu mã đa dạng, kiểu cách mới mẻ
4. Sự lan tỏa của MXH và các sàn TMĐT biến áo dài thành "hot trend"
Trào lưu chụp ảnh áo dài đón xuân nở rộ nhờ một phần không nhỏ vào sự lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok…Chỉ riêng trên Tiktok, hastag #aodai đã ghi nhận hơn 522k lượt video đăng tải và hastag #aodaiTet cũng xuất hiện trong gần 200k video. Từ những clip chia sẻ quá trình chuẩn bị cho buổi chụp: makeup, làm tóc, lựa chọn trang phục, phụ kiện… đến những video review địa điểm chụp áo dài nổi tiếng như phố Tạ Hiện, Văn Miếu Quốc tử Giám, Hồ Gươm,... khiến giới trẻ đua nhau "đón Tết sớm" với trào lưu chụp ảnh áo dài.
Bên cạnh MXH, sự phát triển của thương mại điện tử cũng góp phần thúc đẩy thị trường áo dài Tết bùng nổ. Các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, TiktokShop cung cấp hàng nghìn mẫu áo dài với nhiều phân khúc giá từ bình dân đến cao cấp, khiến việc sở hữu áo dài trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn bao giờ hết.
>>> Xem thêm: Từ cơn sốt của Bảo tàng Lịch sử Quân sự: Những địa điểm lịch sử đang trẻ hóa cách tiếp cận Gen Z
Lời kết:
Nhìn lại sự bùng nổ của thị trường áo dài Tết, có thể thấy rằng trang phục này đã vượt qua giới hạn của một biểu tượng truyền thống để trở thành một xu hướng thời trang đầy mới mẻ và sáng tạo. Qua đó, áo dài đã thể hiện được sức sống bền bỉ và khả năng thích ứng với guồng quay thời đại của mình. Sự bùng nổ của thị trường áo dài Tết cũng cho thấy người Việt vẫn còn rất mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc và sẵn lòng gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp ấy tới mãi sau này.
Bình luận của bạn