Giữa rất nhiều video quảng cáo cảm động, nồng ấm tình thân gia đình mùa tết trung thu 2020, phim ngắn "Về nhà đón trăng cùng The Tale of Cuội" của The coffee house đang thu hút rất nhiều sự chú ý và bàn luận của khán giả bởi đề tài mới lạ, độc đáo cũng như cách tiếp cận mới mẻ, khác biệt. Rất nhiều comment của khán giả để lại trên fanpage "Nhà cà phê" bày tỏ rằng đã rất lâu rồi họ chưa từng xem một bộ phim ngắn hoạt hình nào mang đậm chất Việt như vậy. Lý do nào khiến "Về nhà đón trăng" trở thành cú nổ đáng mong đợi trong mùa thu năm nay?
Nội dung "độc - lạ", không theo lối mòn
Ngày 10/9, The coffee house tung bom tấn "Về nhà đón trăng cùng The tale of Cuội". Chỉ sau 5 ngày ra mắt, bộ phim nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng mạng với gần 6.000 lượt like, 396 lượt chia sẻ cùng hàng nghìn bình luận trên fanpage, hơn 1 triệu lượt xem trên kênh Youtube. Lượt tương tác của The coffee house vượt xa các đối thủ cùng ngành dù ra mắt nhiều ngày trước đó.
Nguồn: Youtube
Một trong những lý do khiến "Về nhà đón trăng" thu hút nhiều sự chú ý là bởi kịch bản mới lạ. Nếu như mọi năm, người dùng thường bị "bội thực" bởi phim ngắn, TVC quảng cáo tập trung khai thác vào tình cảm gia đình, tình thân mùa đoàn viên đã trở nên quá quen thuộc thì năm nay, The coffee house quyết định chơi lớn, không đi theo lối mòn ấy nữa.
The tale of Cuội năm 2020 là phần tiếp nối của phim ngắn 2019 trước đó. Tuy nhiên không chỉ đơn giản là giới thiệu nhân vật mà còn xây dựng một kịch bản phim hoàn chỉnh, có cốt truyện rõ ràng, có xung đột và khắc họa nhân vật cụ thể.
Phim ngắn là câu chuyện thú vị về sự tích trâu thần, được biết tới trong clip với cái tên "Trâu thợ bánh", người có khả năng làm ra chiếc bánh trung thu hoàn mỹ nhất. Khi trái đất chìm trong bóng tối bởi quái vật tận thế nuốt chửng mặt trăng thì chiếc bánh trung thu của Trâu thần sẽ là "vật tế" để đổi lấy ánh sáng cho nhân loại. Trong lúc chờ thời cơ chín muồi, Trâu thần phải làm nghề copywriter để kiếm sống qua ngày. Khi bộ tứ Cuội - Hằng Nga - Thỏ ngọc - Dế mèn tìm đến, Trâu đã nhờ cả 4 cùng hợp sức tìm đủ nguyên liệu để giúp Trâu làm ra chiếc bánh Trung thu hoàn mỹ, cứu lấy mặt trăng.
Có thể nói, rất hiếm các thương hiệu lại phát triển kịch bản lồng ghép các câu chuyện cổ tích dân gian như vậy. Một bộ phận không nhỏ khán giả đã bày tỏ sự phấn khích khi họ tìm thấy lại chính tuổi thơ của mình qua các câu chuyện cổ của bà, qua sự tích chú cuội cung trăng hay chị Hằng, thỏ Ngọc năm nào. Hình ảnh bà cháu xuất hiện ở giữa đoạn clip cũng góp phần đẩy mạch cảm xúc người xem lên đỉnh điểm.
Tiếp cận với hình thức đồ họa hoạt hình bát mắt
Đây không phải lần đầu The coffee house tiếp cận khán giả với hình thức này. The tale of Cuội năm 2019 cũng được đầu tư dưới dạng phim ngắn dài gần 3 phút, nhưng bối cảnh còn khá đơn giản. Năm nay, "Nhà cà phê" đã thực sự lột xác về mặt hình ảnh với phần đồ họa cực kỳ ấn tượng.
Tại Việt Nam, phương pháp làm phim hoạt hình 3D đã được áp dụng khá rộng rãi trước đó. Sức hút của thể loại này được đánh giá cao trong marketing và đặc biệt có sức hút với các khán giả nhỏ tuổi. Các đoạn phim 3D mang đến những giây phút như sống trong cùng không gian thật với các nhân vật với hiệu ứng màu sắc sinh động, kỹ xảo xử lý chuyên nghiệp...
Ngoài ra, The tale of Cuội còn lấy hình ảnh chủ đạo là chiếc lồng đèn giấy kiếng đỏ, một biểu tượng quen thuộc mỗi mùa trăng tròn. Lồng đèn xuất hiện trong các chi tiết con gà, tên lửa... trên nền màu sắc đỏ rực rỡ, tái hiện lại không gian đặc trung mỗi mùa trung thu.
Bên cạnh đó, phần nhạc nền và âm thanh của đoạn phim cũng được chú trọng. The coffee house không chọn cách lồng tiếng cho từng nhân vật mà sử dụng giọng dẫn chuyện giúp khán giả theo dõi mạch phim rõ hơn. Nhạc nền sử dụng bài hát "Thằng cuội" cũng góp phần đẩy cảm xúc lên cao trào. Một người xem từng để lại bình luận dưới fanpage đoạn phim ngắn: "Bật khóc khi nghe tiếng nhạc vang lên, cảm giác một bầu trời tuổi thơ ùa về".
>> Xem thêm: Khi brand và streamer hợp tác: làm thế nào để tận dụng hết sức mạnh của “cánh tay phải”?
Thông điệp ý nghĩa, lồng ghép bản sắc Việt
Sẽ không ngoa khi nói rằng The tale of Cuội là phim ngắn hoạt hình xuất sắc nhất không chỉ trong mùa trung thu năm nay. Việc lồng ghép bản sắc Việt, tinh thần dân tộc trong kinh doanh không mới, song để biến hóa khéo léo vào các bộ phim ngắn, TVC quảng cáo là điều ít các doanh nghiệp làm được.
Yếu tố này được đan xen trong kịch bản khi remake từ câu chuyện cổ tích dân gian hay thậm chí hình ảnh Trâu thần xuất hiện trong phim ngắn cũng lấy cảm hứng từ biểu tượng văn hóa phương Đông và có ý nghĩa đặc biệt với đất nước có nền văn minh lúa nước 4000 năm.
The tale of Cuội không chỉ là câu chuyện Trung thu mà thông qua đó, "Nhà cà phê" còn gửi gắm thông điệp tới mỗi người: hãy lưu giữ những giá trị truyền thống.
Dựa trên câu chuyện của mỗi gia đình thời hiện đại, tất bật với bao nỗi lo toan bề, Trung thu cũng vì thế trở nên xa rời và khó trọn vẹn như xưa. The coffee house mong đoạn phim ngắn sẽ là cơn gió mới, khơi gợi cảm xúc háo hức, rộn ràng của mỗi mùa trăng tròn. Dù cuộc sống có quay cuồng đến đâu, ai cũng sẽ có một nơi để về cùng những người thương yêu để đón một cái tết đoàn viên sung túc.
Hải Yến - MarketingAI
>> Có thể bạn quan tâm: Mô hình kinh doanh của bánh trung thu Kinh Đô có gì đặc biệt?
Bình luận của bạn