Streamer là cụm từ được nhắc tới khá nhiều trong những năm gần đây. Sự mở rộng của kỷ nguyên số và các nền tảng mạng xã hội đã biến stream thành nghề nghiệp hot nhất không chỉ ở trên cả thế giới mà còn cả ở Việt Nam. Không khó hiểu khi xu hướng hợp tác với các streamer lại trở thành lựa chọn của nhiều các nhãn hàng ngày nay. Pewpew, Virus, Misthy, Linh Ngọc Đàm... đều là những cái tên được săn đón và được các thương hiệu xem là "cánh tay phải" đắc lực trong các chiến dịch marketing. Nhưng làm sao để tận dụng được tối đa các tiềm năng mà streamer mang lại vẫn còn là câu hỏi chung mà nhiều thương hiệu vẫn đang tìm kiếm.
Vì sao hợp tác với streamer lại trở thành xu hướng?
Nhân rộng khi hình thức livestream bùng nổ ở Việt Nam
Streamer là những người sử dụng hình thức live streaming, phát sóng trực tuyến khi chơi game qua các nền tảng xã hội như Facebook, Youtube, Nonolive, BigoTV... Các game thủ có thể kiếm tiền từ các hợp đồng stream, tiền donate hay những hợp đồng quảng cáo.
Có nhiều nguyên nhân khiến streamer trở thành một trong những nghề phát triển nhất hiện nay. Chỉ với các thiết bị cơ bản như webcam, tai nghe, mic, cấu hình máy vừa đủ thì bất cứ ai cũng có thể làm streamer nếu kiên trì, đủ đam mê.
Tuy nhiên streamer mới chỉ thực sự nhân rộng khi một số lượng lớn các tuyển thủ eSports, bình luận viên tiên phong gia nhập con đường này. Thị trường livetream bỗng chốc sôi động khi lôi kéo được lượng fan hùng hậu, mở ra thế giới streamer với những câu chuyện hậu trường, góc khuất sau nghề cuốn hút người xem.
Các nền tảng liên tục rót tiền vào hình thức live này, biến nó thành ngành công nghiệp hóa đến mức khó tin. Đằng sau mỗi streamer là một ekip hùng hậu, từ trang điểm, xử lý studio, kịch bản, biên tập video, quản lý hình ảnh... Mỗi lượt lên sóng của các game thủ thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, liên tục phá kỷ lục trên hai nền tảng Youtube và Facebook Gaming.
Các streamer ngày nay cũng tích cực mở rộng, lấn sân sang các lĩnh vực khác như du lịch, ấm thực, tư vấn hỏi đáp trực tiếp, đóng phim, MV ca nhạc. Có thể thấy, nghề streamer đã trở thành cơ hôi "đổi đời" cho nhiều bạn trẻ nếu có đam mê và nắm bắt thời cơ đúng lúc.
Không chỉ là streamer mà còn là influencer
Các streamer thường thu hút lớn lượng fan nhờ kỹ năng chơi game tốt, khả năng dẫn dắt câu chuyện hài hước và sáng tạo những nội dung thú vị khác ngoài game như làm vlog, đóng phim, lấn sân sang các lĩnh vực khác như du lịch, kinh doanh, ẩm thực, âm nhạc...
Ví dụ như Linh Ngọc Đàm, cô là cái tên quen thuộc xuất hiện trong nhiều tựa game giới trẻ như PUBG, Liên Minh Huyền Thoại... Ngoài công việc chính là một streamer, Linh Ngọc Đàm còn đóng quảng cáo, làm vlog và mẫu ảnh. Nhờ ngoại hình cá tính cùng khuôn mặt baby, gu thời trang đa dạng, nữ streamer sở hữu lượng fan lớn hùng hậu và nhận lời mời hợp tác cùng nhiều thương hiệu lớn trong công nghệ như Samsung, Toyota, Garena... Nói không ngoa khi cô nàng đa tài này có thể xem là một Influencer đáng giá, thu hút cả hai giới khi vừa hấp dẫn phái mạnh trong game, vừa là hình mẫu để các bạn nữ hướng đến.
Không chỉ có sức lan tỏa tốt, các game thủ còn có lượng fan khá trẻ, chủ yếu là thế hệ gen Z (sinh năm 1995 - 2010). Đây cũng là tệp khách hàng được nhiều nhãn hàng, thương hiệu thuộc ngành F&B, FMCG, Tech... hướng tới và có tiềm năng phát triển rất lớn. Thế hệ Z ở Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người, tương đương 1/7 dân số. Khi Internet du nhập vào nước ta năm 1997, thế hệ gen Z được chứng kiến sự giao thoa giữa hai kỷ nguyên số và chịu ảnh hưởng sâu sắc của đời sống số hóa digital. Điều này đã tạo ra một thế hệ dễ tiếp cận công nghệ, tích hợp, thu thập và tham khảo nhiều nguồn thông tin từ trải nghiệm ảo và thực tế cùng lúc.
Như Linh Ngọc Đàm, lượng fan của cô nàng này tập trung hầu hết ở hai độ tuổi từ 13 – 17 và 18 – 24, tỉ lệ fan nam và nữ lần lượt là 39% và 61%. Độ hot của nữ streamer còn được thể hiện qua lượng subcribes khủng trên fanpage với 1,9 triệu follows và kênh Youtube 2,2 triệu follows.
Hay ViruSs Đặng Tiến Hoàng - một trong những streamer đời đầu tại Việt Nam cũng thu hút được nhiều tệp đối tượng khán giả khác nhau nhờ khả năng đa nhiệm. ViruSs vừa là streamer, vừa là MC cho các giải đấu eSports, Youtuber và còn tham gia trong một số MV ca nhạc đình đám gần đây như "Trời giấu trời mang đi", "Yêu được không"... ViruSs sở hữu lượng fan hùng hậu với 1,9 triệu follows, kênh Youtube cán mốc 2 triệu lượt subcribes.
Khả năng tương tác trực tiếp với người xem cao
Hầu hết streame đều thu hút người xem nhờ kiến thức rộng về game. Người xem được học hỏi nhiều cách chơi, mẹo hay để cải thiện skill của bản thân. Tuy nhiên, một lý do khác khiến các streamer có lượt xem khủng là nhờ khả năng trò chuyện, dẫn dắt linh hoạt, giúp người xem giải trí, cởi bỏ áp lực, căng thẳng sau ngày dài.
Như Pewpew, mỗi lượt livestream dù dài từ 3-5 tiếng nhưng đều đạt lượng người xem đều đông kỷ lục, từ 50k-100k viewer cùng lúc. Hoặc Độ Mixi cũng là cái tên hot nhất nhì trong làng streamer hiện nay. Với khả năng nói chuyện cực kỳ có duyên, Độ Mixi luôn biết cách dẫn dắt cuộc trò chuyện với người xem một cách tài tình, hợp lý. Khả năng sáng tạo cảm xúc giúp các clip live của chàng streamer người Cao Bằng luôn cán mốc hàng triệu views.
Hơn nữa, Độ Mixi cũng rất biết cách xây dựng thương hiệu. Từ cách thiết kế logo, tạo group Bộ tộc Mixigaming... đều hết sức bài bản. Độ Mixi cũng nhanh chóng đá sân sang các ngành khác như Mixifood chuyên bán đồ ăn, Mixishop chuyên bán quần áo, thương hiệu Refund Gaming đạt giải Top 10 PUBG thế giới. Chính nhờ tận dụng những cơ hội này mà các nhãn hàng, thương hiệu tài trợ đến với Độ Mixi ngày càng nhiều.
>> Xem thêm: Làm thế nào để các thương hiệu biến người hâm mộ thành các “superfan”?
Cần làm gì để khai thác streamer hiệu quả?
Chọn streamer phù hợp
Tùy vào mục đích mà các thương hiệu sẽ chọn stremer khác nhau. Các thương hiệu cần lên định hướng hình ảnh mà nhãn hàng nhắm đến, cũng như lên kế hoạch lựa chọn streamer dựa trên các tiêu chí: độ phủ, khả năng thay đổi ý kiến người tiêu dùng và sự liên quan tới thương hiệu. Sau đó mới khoanh vùng các streamer phù hợp với KPI, ngân sách công ty đưa ra.
Ví dụ nếu nhãn hàng bán các sản phẩm về mỹ phẩm, làm đẹp... thì nên lựa chọn những streamer có chỉ số relevance cao. Một streamer có lượng fan lớn là nữ, trong độ tuổi trẻ trung, yêu thích và quan tâm đến make-up, thời trang sẽ là điểm cộng lớn. Hay hoặc thương hiệu làm về công nghệ có thể chú ý đến các streamer có độ phủ lớn, vì bản thân lĩnh vực công nghệ đã có mối tương quan mật thiết với lượng fan của nhóm đối tượng này.
Phong cách của streamer sẽ quyết định người xem có tiếp tục theo dõi và trở thành fan trung thành của họ hay không. Linh Ngọc Đàm được yêu thích vì sở hữu cá tính mạnh, khả năng chơi game tốt. ViruSs có nhiều fan trong cộng đồng game thủ vì anh ta chia sẻ nhiều kiến thức sâu rộng về lĩnh vực này... Người dùng chỉ nhấn theo dõi kênh khi tìm được kết nối với người sáng tạo nội dung.
Định hướng nội dung chuẩn
Sau khi xác định và khoanh vùng nhóm streamer dự định hợp tác, nhãn hàng cần chuẩn bị bản brief hoàn chỉnh bao gồm đầy đủ yêu cầu của chiến dịch, thông điệp, mục tiêu, content... Một brand khôn khéo sẽ định hướng streamer theo đúng mục tiêu mà nhãn hàng muốn khai thác.
Ví dụ một thương hiệu quảng cáo về thời trang, mỹ phẩm cao cấp không thể để streamer lên content, thông điệp cũng như cách truyền tải có phần "chua chát, chợ búa" được. Những người có ảnh hưởng phải là người cung cấp nội dung có giá trị cho người xem của họ, bao gồm cả việc sử dụng giọng văn và cách tiếp cận đúng hướng.
Ngoài ra, giá trị nổi bật của việc sử dụng streamer nói riêng hay influencer nói chung phải để cao tính chân thực, không dàn dựng. Lồng ghép bất kỳ nội dung quảng cáo nào được sắp đặt the kịch bản không giống phong cách của KOLs thường sẽ thất bại, khiến người xem đề phòng và hoài nghi.
Hải Yến - MarketingAI
>> Có thể bạn chưa biết: Bài học marketing từ 8 chiến dịch quảng cáo đình đám nhất thế giới năm 2020
Bình luận của bạn