cover

7 Cách phân biệt Inbound và Outbound Marketing đơn giản

13 Thg 11

Mặc dù được ứng dụng khá nhiều trong tiếp thị hiện đại song việc phân biệt inbound và outbound marketing vẫn là một điều tương đối khó đối với nhiều marketer, đặc biệt khi ứng dụng vào các case study cụ thể. Những tranh luận liên quan đến tính hiệu quả của 2 phương pháp tiếp thị này cũng liên tục được đem ra bàn tán và câu hỏi nên áp dụng cả 2 hay chỉ 1 cũng trở thành vấn đề “nóng” đối với người làm tiếp thị.

Để khám phá sâu hơn về 2 khái niệm này và chỉ rõ đâu là điểm giống và khác nhau giữa Inbound và Outbound marketing, hãy cùng Marketing AI đi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

Điểm giống nhau giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing

So sánh Inbound marketing và Outbound marketing một cách tổng quan có thể thấy rằng, đây là 2 phương pháp tiếp thị có cách tiếp cận khác nhau hoàn toàn, tuy nhiên lại hướng đến những mục tiêu chung cụ thể là khách hàng và doanh số. Cụ thể, Inbound Marketing và Outbound Marketing có những điểm chung dưới đây:

  • Mục tiêu chung: Cả 2 phương pháp này đều được thực hiện nhằm mục tiêu tăng cường nhận biết thương hiệu, thu hút khách hàng và cuối cùng là chuyển đổi họ thành khách hàng "thật" của mình.
  • Có sự hiểu biết về khách hàng mục tiêu: Inbound và Outbound Marketing muốn thành công, trước tiên doanh nghiệp và nhân sự thực hiện phải có sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng mục tiêu.
  • Xây dựng mối quan hệ với khách hàng hướng tới xây dựng tệp khách hàng tiềm năng: Dù được thực hiện theo phương thức nào, dưới hình thức ra sao, cả Inbound và Outbound Marketing đều hướng tới việc xây dựng mối quan hệ lâu dài và bền chặt với khách hàng. Trong khi Inbound tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng dựa trên cốt lõi giá trị thì Outbound lại tập trung hơn vào việc cung cấp các thông tin hữu ích về sản phẩm-dịch vụ cho khách hàng.
  • Đánh giá hiệu quả dựa trên chỉ số đo lường: 2 phương pháp này đều được đo lường hiệu quả dựa trên các chỉ số như tỷ lệ chuyển đổi, ROI, doanh thu,....
  • Ứng dụng nhiều kênh tiếp thị: Inbound Marketing và Outbound Marketing ứng dụng nhiều kênh tiếp thị khác nhau để có thể tiếp cận gần nhất đến khách hàng, ví dụ như: mạng xã hội, quảng cáo trả tiền,...
Điểm giống nhau giữa Inbound và Outbound marketing

Cả inbound và outbound marketing đều hướng tới việc thu hút khách hàng

Phân biệt Inbound và Outbound marketing

Để hiểu được Inbound và Outbound khác nhau như thế nào, hãy so sánh dựa trên các tiêu chí dưới đây:

1. Về định nghĩa

Bạn có thể phân biệt Inbound và Outbound marketing thông qua định nghĩa như sau:

- Inbound marketing là phương pháp tiếp thị tập trung vào thu hút khách hàng thông qua việc cung cấp các nội dung giá trị và tạo trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Một số phương pháp được triển khai chính trong Inbound marketing gồm: viết blog, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, email marketing, social media marketing,....

- Outbound marketing là phương pháp tiếp thị mang tính truyền thống, trong đó doanh nghiệp sẽ tiếp cận khách hàng bằng cách truyền đi các thông điệp tiếp thị đến khách hàng trên thị trường. Một số phương pháp được triển khai chinh trong Outbound marketing gồm: cold calling (gọi điện thoại dựa trên danh sách khách hàng hàng tiềm năng hoặc cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sử dụng để giới thiệu sản phẩm), tổ chức sự kiện và triển lãm, quảng cáo truyền thống (báo chí, truyền hình, billboard,..), quảng cáo PPC, telemarketing,....

Phân biệt Inbound và Outbound marketing

Inbound marketing sử nhiều công cụ như email marketing, social marketing,...

2. Về mục tiêu

Mặc dù cùng hướng đến mục tiêu chung là khách hàng, song Inbound và Outbound cũng có những mục tiêu nhỏ riêng biệt, đáp ứng những nhu cầu marketing riêng của thương hiệu. Vì vậy, khi phân biệt Inbound và Outbound đừng quên phân tích rõ mục tiêu mà từng loại hình marketing này mang lại cho bạn:

  • Mục tiêu của Inbound marketing: Tập trung vào việc thu hút và gắn kết các đối tượng mục tiêu cụ thể thông qua những nội dung có liên quan và hữu ích. Mục tiêu của phương pháp tiếp thị này là để thu hút những khách hàng tiềm năng đang tìm kiếm thông tin hoặc các giải pháp có liên quan đến sản phẩm - dịch vụ doanh nghiệp đang cung cấp.
  • Mục tiêu của Outbound marketing: Outbound marketing nhắm tới nhóm đối tượng mục tiêu rộng hơn, trên một phạm vi lớn hơn so với Inbound marketing. Trong đó đối tượng mục tiêu được phương pháp này nhắm đến sẽ được xác định bằng các yếu tố nhân khẩu học hoặc các yếu tố khác như sở thích, mối quan tâm. Trọng tâm của Outbound là tiếp cận lượng lớn người quan tâm với hy vọng "lọc" ra số lượng lớn khách hàng tiềm năng từ đây.

3. Về cách tiếp cận

Muốn biết Inbound và Outbound khác nhau như thế nào, bạn có thể đánh giá dựa trên cách tiếp cận của mỗi phương pháp:

  • Cách tiếp cận của Inbound marketing: Inbound marketing sử dụng một số phương tiện và kỹ thuật sau để tiếp cận khách hàng của mình: truyền thông kỹ thuật số, các sự kiện trực tuyến, đẩy mạnh các nội dung rào cản và nội dung công khai, bogging, SEO và tiếp thị truyền thông xã hội.
Phân biệt Inbound và Outbound marketing

Inbound marketing hướng đến các tương tác 2 chiều

  • Cách tiếp cận của Outbound marketing: Với Outbound marketing, các phương tiện và kỹ thuật tiếp thị thường được sử dụng gồm có: phương tiện truyền thông truyền thống, các sự kiện trực tiếp, telemarketing, tài trợ sự kiện, direct mail, bán hàng trực tiếp,...
Phân biệt Inbound và Outbound marketing

Outbound marketing tập trung vào tương tác 1 chiều

4.  Về chi phí

Khi phân biệt Inbound và Outbound, marketer cũng cần xem xét tới yếu tố chi phí. Chi phí dùng cho các hoạt động Inbound và Outbound marketing có sự khác nhau đáng kể:

- Chi phí cho các hoạt động Inbound marketing: Inbound marketing giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí trong khoảng thời gian dài. Lý do là vì phương pháp này được thực hiện dựa trên việc tạo ra những nội dung hữu ích và có giá trị với khách hàng. Nhân sự thực hiện cũng sẽ tận dụng tối đa các kênh truyền thống hiện có (mạng xã hội, website, email,...) để đưa những thông tin hữu ích đó đến với đối tượng mục tiêu cụ thể. Tất nhiên, khoảng thời gian ban đầu chi phí đầu tư cho nhân sự là không hề nhỏ, thậm chí doanh nghiệp cần phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn để nghiên cứu và tìm tòi insight của khách hàng để sáng tạo nên những nội dung "gần nhất" với mối quan tâm của họ. Tuy nhiên, tính toán về lâu dài đây là sự đầu tư thông minh và thu được nhiều "trái ngọt" về sau.

- Chi phí cho các hoạt động Outbound marketing: Với Outbound, các chi phí phải chi thường là khoản trả trước (ví dụ như chi phí quảng cáo, book bài PR trên báo chí,...). Đây là những khoản chi phí không nhỏ và có thể tùy biến dựa trên kênh đã chọn cũng như quy mô đối tượng mục tiêu doanh nghiệp nhắm đến. Điều đáng nói ở đây chính là tính hiệu quả của phương pháp này còn chịu sự phụ thuộc lớn vào kênh và cách thức thực hiện. Nếu áp dụng không đúng cách, hiệu quả đem lại sẽ không cao. Đồng nghĩa, chi phí bỏ ra lớn nhưng không mang về kết quả như mong đợi.

Phân biệt Inbound marketing và Outbound marketing

Chi phí dự chi ban đầu của outbound thường khá lớn

>>> Bạn có thể quan tâm: Phân biệt Customer Research và Audience Research

5. Kỹ năng cần có

Khi phân biệt Inbound và Outbound bạn sẽ thấy rằng hai loại hình Marketing này có cách thức vận hành, tiếp cận người tiêu dùng khá khác biệt với nhau. Vì vậy, nhân sự đảm nhiệm công việc tiếp thị Inbound và Outbound đều phải có những kỹ năng nhất định, bao gồm các kỹ năng chung và kỹ năng đặc thù như:

Kỹ năng chung cần có đối với nhân sự thực hiện Inbound marketing và Outbound marketing: Hiểu biết về khách hàng và phải có kỹ năng lập kế hoạch, phân tích dữ liệu, kỹ năng sáng tạo (biên tập nội dung, thiết kế đồ họa) và giao tiếp tốt. Khi có đủ các kỹ năng này, nhân sự sẽ có thể xây dựng được những chiến dịch có độ chuẩn hóa cao, sáng tạo nên những thông điệp có sức hút, từ đó thu hút được sự quan tâm của khách hàng và đưa họ trở thành những khách hàng trung thành của doanh nghiệp. Song song với đó, nhân sự thực hiện cũng phải biết cách đánh giá và phân tích các chỉ số đo lường, từ đó đưa ra những quyết sách hợp lý dựa trên những số liệu thu được.

Kĩ năng cần có khi làm Inbound và Outbound marketing

Để thực hiện các chiến dịch inbound và outbound đòi hỏi nhân sự phải có nhiều kỹ năng chuyên môn

- Kỹ năng cần có đối với nhân sự Inbound marketing: Kỹ năng lập kế kế hoạch, thiết kế đồ họa, kỹ năng sáng tạo nội dung, quản lý phương tiện truyền thống xã hội, SEO, biết sử dụng các công cụ kỹ thuật số,.... Ngoài ra, nhân sự đảm nhận công việc này cũng phải biết cách phân tích dữ liệu, đọc hiểu các chỉ số báo cáo, từ đó đưa ra các phương án tối ưu chiến dịch phù hợp nhất.

- Kỹ năng cần có đối với nhân sự Outbound marketing: Kỹ năng biên tập nội dung, thiết kế đồ họa, kỹ năng lập kế hoạch. Đặc biệt nhân sự đảm nhận vị trí này này cần có khả năng giao tiếp cá nhân tốt, ứng biến linh hoạt trước các tình huống khi tiếp xúc khách hàng, đối tác. Bên cạnh đó, họ cũng cần trang bị thêm các kỹ năng khác để nâng cao trình độ nghiệp vụ như: kỹ năng sử dụng các công cụ quảng cáo, tối ưu ngân sách, kỹ năng xây dựng mối quan hệ với các cơ quan truyền thông, kỹ năng tổ chức sự kiện và các buổi họp báo,...

6. Ưu điểm

Có thể phân biệt Inbound và Outbound marketing dựa trên ưu điểm riêng của từng phương pháp

Ưu điểm của Inbound marketing

  • Giúp gia tăng độ tin cậy và giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Về lâu dài sẽ giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và tối ưu chi phí phải chi cho tiếp thị.
  • Được đánh giá là phương pháp mang tính khả thi cao hơn so với những cách tiếp cận khác do có khả năng kết nối với khách hàng dễ dàng nhờ áp dụng những cách tiếp cận chuẩn xác, có độ chuẩn hóa cao.
  • Gia tăng tỷ lệ tiếp cận với khách hàng cao hơn, dễ dàng kết nối với khách hàng trên phạm vi rộng.

Ưu điểm của Outbound marketing

  • Outbound marketing là phương pháp tiếp thị có khả năng kiểm soát cao hơn trong việc thực hiện chiến lược và lựa chọn khách hàng mục tiêu.
  • Các hoạt động tiếp thị Outbound giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận đến khách hàng nhanh chóng và linh hoạt hơn, đồng thời gia tăng độ nhận diện với thương hiệu một cách nhanh chóng.
  • Outbound cũng được cho là phương pháp lý tưởng để xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, giúp doanh nghiệp có thể đi trước đối thủ cạnh tranh trên môi trường truyền thông - tiếp thị.
  • Tuy vậy, phương pháp này chỉ nên được áp dụng với các chiến dịch ngắn hạn như tung khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm mới sẽ cho hiệu quả cao và phù hợp hơn về ngân sách.
Ưu điểm của Inbound marketing và Outbound marketing

Outbound marketing giúp gia tăng nhận diện thương hiệu nhanh chóng

7. Nhược điểm

Khi phân biệt Inbound và Outbound, marketer cũng cần xem xét tới những ưu và nhược điểm của từng loại hình tiếp thị, từ đó lựa chọn công cụ phù hợp nhất với chiến lược của thương hiệu:

  • Nhược điểm của Inbound marketing: Inbound marketing cần nhiều thời gian hơn so với Outbound để có thể đánh giá chính xác hiệu quả tác động cũng như ROI (Return on investment - tỷ suất hoàn vốn). Phương pháp này cũng đòi hỏi một nguồn lực chất lượng, có kiến thức chuyên môn cao cũng như tài chính phải đủ lớn để có thể sản xuất ra những nội dung giá trị thực sự. Bên cạnh đó, việc phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác trên thị trường cũng khiến phương pháp này khó đem về kết quả như mong đợi.
  • Nhược điểm của Outbound marketing: Outbound marketing chỉ đơn giản là tương tác một chiều, do vậy khó đưa về chuyển đổi nhanh. Khách hàng tiềm năng chưa thực sự nhận được những giá trị như mong đợi nên tiến trình ra quyết định cũng lâu hơn. Nhiều khả năng chuyển đổi sẽ bị gián đoạn khi ngừng truyền thông (dừng quảng cáo là mất lead).

Ví dụ về Inbound marketing

Ví dụ 1 nhãn hàng thời trang nữ công sở

Đối tượng nhắm đến của thương hiệu là nữ trong đội tuổi lao động, do vậy nhãn hàng sẽ thực hiện một loạt các hoạt động Inbound marketing dưới đây để có thể thu hút khách hàng và đưa về chuyển đổi:

  • Xây dựng blog: Chia sẻ các bài viết về phong cách thời trang nữ công sở, cách phối đồ Xuân - Hè - Thu _ Đông, gợi ý các item thời trang đẹp cho nữ giới,...
  • Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO): Thực hiện các thủ pháp để tối ưu hóa website khi người dùng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến thương hiệu "quần nữ công sở", "váy bút chì công sở", "thời trang nữ công sở",....
  • Tổ chức các chương trình ưu đãi trong ngày lễ: Giảm giá 50% váy công sở nữ dịp 20/10, giảm giá đón Hè,....
  • Xây dựng các video chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội: Sản xuất các video quay sản phẩm, tip phối đồ,...

Ví dụ về Outbound marketing

Ví dụ 1 công ty sản xuất giày thể thao.

Với nhóm đối tượng mục tiêu rộng, bao gồm cả nam nữ, người trẻ, người trung niên, người già,... Nhãn hàng sẽ thực hiện các hoạt động quảng bá như:

  • Quảng cáo truyền hình: Book quảng cáo trên các kênh truyền hình vào các khung giờ vàng để thu được lượt xem cao nhất.
  • Quảng cáo trên báo chí: Đặt banner quảng cáo, popup trên các trang báo điện tử,...
  • Phát tờ rơi: Phát tờ rơi ở các trung tâm thương mại, các siêu thị,....
  • Quảng cáo mạng xã hội; google: Chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, quảng cáo tìm kiếm,....

Nên chọn Inbound marketing hay Outbound marketing?

Dựa trên việc so sánh và phân biệt Inbound và Outbound marketing ở trên có thể thấy rằng cả 2 phương pháp này đều đem đến những lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp. Và việc lựa chọn phương pháp nào hay áp dụng cách thức tiếp thị nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Mục tiêu kinh doanh: Bạn muốn gia tăng nhận diện thương hiệu nhanh chóng hay muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng mục tiêu.
  • Ngân sách: Doanh nghiệp bạn dự định chi bao nhiêu cho hoạt động marketing.
  • Khách hàng mục tiêu: Đối tượng bạn nhắm đến đến là ai, họ thường tìm kiếm thông tin ở đâu?
Nên chọn Inbound marketin hay Outbound marketing

Chọn inbound hay outbound marketing còn phụ thuộc vào mục tiêu và ngân sách của doanh nghiệp

  • Trường hợp nên ưu tiên sử dụng Inbound marketing: Nếu doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu lâu dài, muốn gia tăng tương tác với khách hàng hoặc muốn tăng tỷ lệ chuyển đổi,...
  • Trường hợp nên ưu tiên Outbound marketing: Nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận khách hàng nhanh chóng, muốn thúc đẩy doanh số ngay lập tức hoặc muốn giới thiệu sản phẩm-dịch vụ, ưu đãi đến đông đảo các khách hàng,...

Mặc dù nói cả Inbound và Outbound đều hữu ích trong hoạt động tiếp thị, song những biến đổi của thời cuộc đang cho thấy một thực tế rằng, Inbound marketing đang chiếm vị thế mạnh mẽ hơn.

>>> Đọc thêm: Phân biệt Traditional media & New Media

Tạm kết:

Việc phân biệt Inbound và Outbound marketing rõ ràng sẽ giúp bạn có những hiểu biết cơ bản về điểm mạnh của từng phương pháp, qua đó có thể đưa ra những chiến lược ứng dụng hợp lý, khai thác hiệu quả tối đa của mỗi cách thức thực hiện. Hãy phân tích chuẩn xác tình hình hoạt động của doanh nghiệp, xác định mục tiêu và nguồn ngân sách dự chi để có phương hướng hành động phù hợp hướng tới mục đích cuối cùng là tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.