- 1. Traditional Media là gì?
- 2. New Media là gì?
- 3. 5 điểm khác biệt giữa hai thuật ngữ Traditional Media và New Media
- 3.1. Phân phối và truy cập
- 3.2. Chi phí
- 3.3. Tương tác và giao tiếp với khán giả
- 3.4. Theo dõi kết quả
- 3.5. Khả năng nhắm mục tiêu
- 4. Traditional Media & New Media: Nên chọn loại hình nào cho doanh nghiệp?
1. Traditional Media là gì?
Traditional Media là thuật ngữ dùng để mô tả các phương tiện truyền thông truyền thống không dựa vào kỹ thuật số hay internet. Traditional Media đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và là phương pháp tiếp thị chính trước khi tiếp thị kỹ thuật số phát triển. Đây là loại hình tiếp thị ra đời sớm nhất, bao gồm: quảng cáo truyền hình, radio, báo chí, tạp chí, thư trực tiếp, biển quảng cáo…
Những phương tiện này thường được sản xuất và phân phối theo cách truyền thống nhằm mục đích quảng bá về sản phẩm/dịch vụ hay thương hiệu, và chủ yếu thông qua các công ty truyền thông lớn. Tuy nhiên, khi nhu cầu và mong đợi của người tiêu dùng ngày càng phát triển, hoạt động truyền thông không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển theo. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự nổi lên của New Media. Hơn hết, phương tiện truyền thông truyền thống cũng đòi hỏi thương hiệu phải có ngân sách và nguồn lực đủ mạnh, đây cũng là một hạn chế lớn đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ.
Năm 2022, phần trăm chi tiêu quảng cáo cho Traditional Media đã giảm đáng kể so với mức tăng 39,1% vào năm 2021, nhưng vẫn tăng 18,2%. Đến năm 2024, eMarketer dự đoán rằng chi tiêu quảng cáo truyền thống sẽ chỉ chiếm 51% tổng chi tiêu quảng cáo B2B.
2. New Media là gì?
New Media là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các phương tiện truyền thông hiện đại, xuất hiện trong thời đại công nghệ kỹ thuật số và internet. Khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng phụ thuộc vào điện thoại di động cho mọi hoạt động, New Media trở thành "quân át chủ bài" hữu dụng. Các chuyên gia ước tính, các doanh nghiệp sẽ chi 18,46 tỷ đô la hàng năm cho quảng cáo kỹ thuật số.
New media bao gồm các hình thức quảng cáo dựa trên internet như quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột (CPC), tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tiếp thị nội dung (content marketing), truyền thông xã hội (social media)... Mặc dù new media đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực và thú vị trong cách chúng ta tương tác với thông tin, mở ra nhiều cách tiếp cận mới mẻ trong truyền thông, nhưng hình thức này cũng đưa ra nhiều thách thức mới về độ tin cậy, quản lý thông tin, cũng như về quyền riêng tư và an ninh trực tuyến.
3. 5 điểm khác biệt giữa hai thuật ngữ Traditional Media và New Media
3.1. Phân phối và truy cập
Với Traditional Media, thương hiệu đôi khi còn gặp khó khăn trong việc truyền tải thông điệp đến đúng đối tượng khách hàng. Mặc dù có khả năng tiếp cận một lượng lớn người xem, nhưng không có cách nào để tiếp cận chính xác. Ngoài ra, việc đo lường, định rõ đối tượng mục tiêu và cách họ tương tác với thông điệp cũng gặp nhiều thách thức.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cho phép tiếp cận tới đối tượng mục tiêu một cách chính xác và cá nhân hóa. Thương hiệu qua đó cũng dễ dàng theo dõi và đo lường kết quả của chiến dịch.
3.2. Chi phí
Chi phí trong các chiến dịch truyền thông truyền thống thường cao do việc phát sóng trên như TV, radio và báo in đòi hỏi nhiều nguồn lực và kỹ thuật sản xuất. Chi phí này thường không linh hoạt và có thể đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ, có ngân sách hạn chế.
Ngược lại, các chiến lược truyền thông kỹ thuật số thường có chi phí linh hoạt và có thể điều chỉnh dựa trên hiệu suất thực tế. Quảng cáo trực tuyến, email marketing, và social media thường có chi phí quảng cáo linh hoạt, cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược theo ngân sách và đảm bảo hiệu quả cao.
3.3. Tương tác và giao tiếp với khán giả
Phương pháp truyền thông truyền thống, như quảng cáo trên TV hoặc trên báo, thường gặp khó khăn trong việc theo dõi tương tác và phản hồi từ khán giả. Sự tương tác của họ thường bị giới hạn một chiều, chỉ là xem và tiếp nhận thông điệp mà không có cơ hội giao tiếp, trao đổi trực tiếp lại với thương hiệu. Điều này đặt ra thách thức trong việc đánh giá hiệu suất chiến dịch và điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt.
Trái lại, new media lại mở ra nhiều cơ hội tương tác. Khách hàng không chỉ nhấp chuột vào quảng cáo mà còn tham gia cuộc thảo luận trực tuyến, đặt câu hỏi qua email, hoặc chia sẻ ý kiến trên mạng xã hội. Khả năng theo dõi chặt chẽ và phản hồi ngay lập tức giúp doanh nghiệp sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng và điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt để đáp ứng mong đợi của họ. Điều này tạo ra một môi trường tương tác và giao tiếp hai chiều tích cực giữa thương hiệu và khách hàng.
3.4. Theo dõi kết quả
Theo dõi kết quả trong Traditional Media thường gặp khó khăn do thiếu công cụ chính xác để đo lường hiệu suất. Với quảng cáo trên TV hoặc trên báo, việc theo dõi số lượng người xem không mang lại thông tin chi tiết về hành vi và phản hồi của khán giả. Điều này làm giảm khả năng đánh giá hiệu quả chiến dịch và điều chỉnh chiến lược một cách hiệu quả.
Ngược lại, công cụ phân tích và đo lường trên New Media rất đa dạng. Thương hiệu có thể dễ dàng đo lường được số lượt nhấp, tương tác trên mạng xã hội, và hành vi của khách hàng trên trang web. Qua đó, doanh nghiệp có thể đánh giá hiệu suất chiến dịch và tối ưu hóa chiến lược theo thời gian thực, tạo ra một quy trình theo dõi kết quả linh hoạt và hiệu quả.
3.5. Khả năng nhắm mục tiêu
Một sự khác biệt quan trọng giữa phương tiện truyền thông kỹ thuật số và phương tiện truyền thống là khả năng nhắm mục tiêu. Ví dụ, thương hiệu có thể tùy chỉnh quảng cáo đến người dùng dựa trên độ tuổi, địa điểm, sở thích, ngành nghề, và nhiều tiêu chí khác. Điều này có nghĩa là thương hiệu có thể đảm bảo rằng thông điệp quảng cáo được nhắm đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu của chiến dịch.
Mặt khác, khi nói về phương tiện truyền thông truyền thống, việc nhắm mục tiêu quảng cáo trở nên khó khăn hơn nhiều. Ví dụ, khi thương hiệu quảng cáo trên đài phát thanh, mặc dù thương hiệu sẽ tiếp cận được một lượng lớn người nghe, nhưng số người không phải đối tượng mục tiêu cũng rất nhiều.
Dưới đây là bảng phân biệt tổng quan về hai loại hình Traditional Media và New Media:
| Traditional Media | New Media |
Phân phối và truy cập | Tiếp cận lượng lớn đối tượng mà không nhắm đến khách hàng cụ thể | Có khả năng nhắm mục tiêu cao, tùy chỉnh theo đối tượng cụ thể |
Chi phí | Cao, đặc biệt là trên các phương tiện lớn | Linh hoạt theo từng chiến dịch, từng công cụ |
Tương tác và giao tiếp với khách hàng | Tương tác một chiều | Tương tác hai chiều |
Theo dõi kết quả | Khó khăn, ít linh hoạt trong việc đo lường kết quả | Dễ đo lường, có các công cụ phân tích và thống kê chi tiết |
Khả năng nhắm mục tiêu | Thấp | Cao |
4. Traditional Media & New Media: Nên chọn loại hình nào cho doanh nghiệp?
Quyết định giữa việc sử dụng Traditional Media hay New Media phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mục tiêu tiếp thị, đối tượng khách hàng, ngân sách và môi trường kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp. Dưới đây là một số điểm mà doanh nghiệp có thể xem xét khi lựa chọn giữa Traditional Media hay New Media:
Đối tượng khách hàng
Nếu đối tượng khách hàng của thương hiệu chủ yếu sử dụng phương tiện truyền thống như truyền hình và radio, thì Traditional Media có thể là lựa chọn phù hợp.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp hướng đến khách hàng trực tuyến, trên các nền tảng social media và thông qua truyền thông kỹ thuật số, New Media có thể hiệu quả hơn.
Ngân sách quảng cáo
Các chiến dịch quảng cáo trên Traditional Media thường đòi hỏi ngân sách lớn hơn so với New Media. Trong khi đó, New Media lại thường cung cấp các tùy chọn quảng cáo linh hoạt và phù hợp hơn với ngân sách của các doanh nghiệp nhỏ và trung bình.
Tính tương tác và đo lường kết quả
New Media thường cung cấp khả năng tương tác cao hơn với khách hàng thông qua mô hình quảng cáo như tương tác trực tiếp, bình luận và chia sẻ.
Traditional Media thì thường khó đo lường kết quả một cách chính xác và thường không có sự tương tác hai chiều giữa thương hiệu và khách hàng.
Lĩnh vực hoạt động
Nếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành có chủ đề nội dung hấp dẫn, phù hợp với đối tượng trẻ như GenY, GenZ thì New Media là lựa chọn sáng suốt.
Ngược lại, Traditional Media thường phù hợp đối với các ngành đặc thù như y tế hoặc tài chính, vì sư uy tín và độ tin cậy của thông điệp quảng cáo là mối quan tâm hàng đầu của nhóm khách hàng này.
Mục Tiêu Tiếp Thị
Nếu mục tiêu của thương hiệu là tạo ra sự nhận thức và độ tin cậy, Traditional Media là quân át chủ bài. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của thương hiệu tập trung vào việc xây dựng cộng đồng trực tuyến, tạo tương tác và thu thập dữ liệu, New Media có thể là lựa chọn tốt hơn.
>>> Xem thêm: Tương lai của marketing truyền thống trong bối cảnh kỹ thuật số bùng nổ
Tạm kết
Tóm lại, quyết định giữa Traditional Media và New Media không chỉ phản ánh xu hướng thị trường mà còn phụ thuộc vào bản chất và mục tiêu truyền thông của doanh nghiệp. Việc linh hoạt trong việc kết hợp cả Traditional Media và New Media có thể tạo ra một chiến lược truyền thông toàn diện, kết hợp sức mạnh của cả hai loại hình để đạt được hiệu suất tối ưu.
Thanh Thanh - MarketingAI
Bình luận của bạn