cover

Lật ngược tình thế - SKIN1004 được khen ngợi bởi cách xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp

21 Thg 05

Chưa đầy 1 ngày kể từ bài đăng ám chỉ ăn cắp chất xám của Designer Đ.H, thương hiệu mỹ phẩm hàn quốc SKIN1004 đã nhanh chóng đưa ra thông tin đính chính với công chúng. Mặc dù chưa thể khẳng định đúng sai trong sự việc lần này, nhưng không khó để thấy sự ủng hộ của dư luận đang đổi chiều nhanh chóng về phía SKIN1004 chỉ trong 1 ngày, bởi cách thức xử lý khủng hoảng quá đỗi thông minh và sắc bén của thương hiệu này.

1. Toàn cảnh vụ lùm xùm của thương hiệu SKIN1004: Nghi vấn ăn cắp chất xám của Designer

Nổi tiếng với những dòng mỹ phẩm đình đám như Centella, SKIN1004 là một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc được khá nhiều người dùng yêu thích tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên mới đây, thương hiệu này bất ngờ trở thành tâm điểm bàn tán của của giới truyền thông khi vướng vào một cáo buộc vi phạm bản quyền thiết kế. Cụ thể:

  • Vào ngày 18 -19/5, thương hiệu SKIN1004 đã tổ chức một sự kiện offline khá lớn mang - “3 Hệ Chống Nắng Toàn Năng” nhằm quảng bá cho 3 sản phẩm chống nắng mới và ra mắt flagship store tại TPHCM. Trước đó, SKIN1004 đã tiến hành pitching với một số Agency để lựa chọn đơn vị thiết kế và thi công cho sự kiện này.
  • Tuy nhiên, ngay sau ngày đầu tiên diễn ra sự kiện (18/5), một tài khoản tên Đ.H đã đăng bài tố SKIN1004 ăn cắp chất xám của mình để tổ chức sự kiện này. Theo Đ.H, SKIN1004 đã từ chối bản thiết kế sự kiện của Designer này trong buổi Pitching trước đó với lý 'không phù hợp với hình ảnh brand'. Tuy nhiên, khi tới tham dự sự kiện thực tế, Đ.H nhận thấy rất nhiều điểm tương đồng với bản thiết kế mà anh đã mang đi Pitching với thương hiệu này. Kèm theo đó, Đ.H cũng đăng tải những hình ảnh đối chứng giữa bản thiết kế bị từ chối của mình và sự kiện thực tế của SKIN1004. Phần đông người xem đều cho rằng hai thiết kế này thực sự có rất nhiều điểm tương đồng với nhau.
  • Sau bài đăng của designer trên, một bộ phận đông đảo cộng đồng mạng, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo đã lên án gay gắt SKIN1004 vì cho rằng thương hiệu này đang ăn cắp chất xám của nhà thiết kế. Từ đó hàng loạt bình luận và đánh giá tiêu cực đã ngập tràn trên khắp các trang mạng xã hội của SKIN1004 gây ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của thương hiệu.

2. Cách xử lý khủng hoảng truyền thông không thể nhanh gọn hơn từ SKIN1004

Không để công chúng phải chờ đợi lâu, chưa đầy 1 ngày sau bài đăng của Designer, SKIN1004 đã có một màn đáp trả rất đanh thép ngay trên fanpage của thương hiệu. Chỉ với một bài đăng duy nhất, SKIN1004 đã khiến công chúng phải “quay xe” với những lập luận, hành động đi kèm bằng chứng rất rõ ràng. Theo lời giải thích từ SKIN1004:

  • Brand này đã đưa đề bài cho các Agency tham gia Pitching dựa trên ý tưởng từ Flagship store của nhãn hàng SKIN1004 tại Hàn Quốc.
  • Trong đó, tư liệu được cung cấp cho cả 3 Agency tham gia pitching là như nhau và cam kết không bê ý tưởng từ bên này qua bên kia.
  • Cuối cùng, sau hai vòng Pitching, SKIN1004 đã lựa chọn được một Agency phù hợp và ký hợp đồng triển khai cùng đơn vị này.
  • Ý tưởng của Designer N.Đ.H. giống với ý tưởng triển khai thực tế của Agency được chọn là vì chúng cùng xuất phát từ cùng 1 brief và 1 concept chủ đạo mà brands đã cung cấp trước đó.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, Đ.H tiếp tục đưa ra một số câu hỏi về tính minh bạch trong quá trình làm việc, cũng như nghi vấn về làm việc của email,... SKIN1004 cũng tiếp tục trả lời công khai những vấn đề của Đ.H, ngay tại phần bình luận trong bài viết của mình. Cả hai bên đã có những màn đáp trả khá gay gắt trong suốt 2 ngày vừa qua.

Mặc dù chưa thể chắc chắn về việc ai đúng, ai sai trong sự việc lần này, nhưng không khó để thấy được sự ủng hộ của dư luận đang dần đảo chiều về phía SKIN1004. Bởi lẽ, cách thức xử lý khủng hoảng truyền thông của thương hiệu này quá đỗi chuyên nghiệp và bài bản, theo đúng trình tự:

  • Xoa dịu dư luận: Ngay khi nhận thấy những phản hồi tiêu cực trên Fanpage, SKIN1004 đã nhanh chóng bình luận thể hiện thương hiệu đang tiếp thu và sẽ đưa ra câu trả lời cho khách hàng. Chưa đầy một ngày sau đó, bài đính chính được đăng tải kèm với một lời xin lỗi mở màn giúp xoa dịu dư luận và hạn chế tối đa mức độ bùng nổ của khủng hoảng.
  • Overview bối cảnh sự việc: Toàn bộ sự việc về bài đăng của Đ.H cũng như bối cảnh của việc Pitching giữa các Agency đều được SKIN1004 thể hiện rõ trong bài đăng, cho người đọc một cái nhìn bao quát, rõ ràng về vụ việc trước khi đưa ra những luận điểm giải thích bên dưới.
  • Đưa luận cứ rõ ràng & Bằng chứng cụ thể: Toàn bộ quá trình từ việc lựa chọn concept, ý tưởng gốc, lên lịch các vòng Pitching với các Agency, cho tới việc lựa chọn Agency cuối cùng đều được SKIN1004 nêu rõ bằng hình ảnh lẫn văn bản trong bài đính chính của mình. Luận cứ đanh thép đi kèm với những bằng chứng trực quan, đã khiến công chúng có niềm tin mạnh mẽ hơn với lời đính chính của thương hiệu.
  • Duy trì sự bình tĩnh, chuyên nghiệp và nhất quán trong ngôn từ: Mặc dù đưa ra lời đính chính tới tốc độ khá nhanh, những bài viết của SKIN1004 lại được thể hiện rất logic, rõ ràng, ngôn từ chừng mực và nhất quán.
  • Thể hiện trách nghiệm của thương hiệu với công chúng khi xảy ra khủng hoảng: Mặc dù không thừa nhận những cáo buộc của Đ.H, nhưng SKIN1004 vẫn đưa ra lời xin lỗi dành cho khách hàng, đối tác vì những ảnh hưởng tiêu cực mà sự việc mang lại. Đồng thời thể hiện rõ thái độ hòa nhã, thân thiện của Brand đối với việc sáng tạo, giảm bớt mức độ căng thẳng của sự việc.

Với một quy trình xử lý khủng hoảng đầy logic như trên, không khó để lý giải vì sao SKIN1004 lại có thể đảo chiều dư luận mạnh mẽ đến vậy. Dù chưa thể khẳng định đúng sai, nhưng quy trình xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp này của SKIN1004 chắc chắn là một bài học điển hình mà các thương hiệu cần nắm được.

Không chỉ hạn chế sự bùng nổ của khủng hoảng, khắc phục một phần hậu quả, mà cái tên của SKIN1004, cũng như sự kiện vừa qua đã được làm nóng hơn rất nhiều. Và với chiều hướng như hiện nay, có lẽ SKIN1004 sẽ ghi điểm hơn nữa trong mắt khách hàng nhờ sự minh bạch và cách ứng xử khôn khéo của mình.

3. Câu chuyện về Idea, Pitching - bài toán nan giải giữa Agency và Clients

Thực tế, việc "mượn" ý tưởng giữa Client và Agency không phải là câu chuyện xa lạ trong giới truyền thông. Có thể hiểu đơn giản là trong quá trình Pitching, một số nhãn hàng đã từ chối ý tưởng, thiết kế mà Agency mang đi Pitching, nhưng sau đó lại sử dụng nó để triển khai thực tế mà không thông qua ký kết hợp đồng trực tiếp với Agency. Đây là một trong những hành vi ăn cắp chất xám rất nhức nhối và đặc biệt nhạy cảm đối với người làm truyền thông, sáng tạo trong những năm gần đây. Bởi vậy, không khó để lý giải phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng, đặc biệt là những người làm truyền thông khi sự việc của Designer Đ.H nổ ra.

Bởi vậy, sự việc lần này cũng là một bài học cảnh tỉnh cho các brand về vấn đề sử dụng ý tưởng, idea thiết kế của Client. Mặc dù SKIN1004 đang xử lý rất tốt khủng hoảng và có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên chỉ sau 1 đêm thương hiệu vẫn bị ảnh hưởng khá nặng bởi hàng loạt bình luận tiêu cực và đánh giá một sao trên các kênh truyền thông. Mặt khác, thương hiệu cũng nên học hỏi SKIN1004 ở quy trình làm việc, pitching tương đối rõ ràng với Agency để đảm bảo quyền lợi và uy tín về sau.

Tương tự về phía Agency, Freelancer, cũng như những cá nhân làm trong ngành sáng tạo, cần có sự rõ ràng, minh bạch về các thông tin trao đổi trong quy trình đấu thầu, pitching với Client. Từ đó, đảm bảo cho những ý tưởng của bạn không bị đánh cắp trái phép và có bằng chứng trong những trường hợp xảy ra tranh cãi như trên. 

>>> Xem thôi: Từ việc bê bối của Han So Hee & loạt Influencer - Người nổi tiếng cần xử lý khủng hoảng truyền thông như thế nào?

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.