- Đánh giá tiềm năng thị trường đồ ăn chay
- Những điều cơ bản bạn cần biết về xây dựng thương hiệu
- Những câu hỏi cần trả lời trước khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu
- Định hình từng yếu tố để xây dựng thương hiệu
- Thiết kế các yếu tố chủ chốt cho thương hiệu
- Kết hợp tất cả với nhau cùng với chỉ dẫn phong cách thương hiệu (brand style guide)
- Những lưu ý khi xây dựng thương hiệu đồ chay của bạn
Thực phẩm vẫn luôn là một ngành có tiềm năng phát triển lớn nhất hiện nay. Trong đó, thực phẩm chay đã và đang là ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ với ước tính giá trị hiện nay là khoảng 4,5 tỷ đô. Con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong tương lai, với rất nhiều chuyên gia đã dự đoán thị trường thực phẩm chay được định giá ở mức đáng kinh ngạc là 24,3 tỷ đô la vào năm 2026. Với quá nhiều tiềm năng phát triển và cơ hội như vậy, việc đầu tư vào thị trường thực phẩm chay trở nên không thể hấp dẫn hơn. Tuy vậy, để có thể thành công thì việc có được sản phẩm chất lượng là chưa đủ, phải đồng thời xây dựng được một chiến lược thương hiệu đồ chay thật hấp dẫn và đáng nhớ.
Đánh giá tiềm năng thị trường đồ ăn chay
Vốn ít lời nhiều
Để làm ra một món chay có giá thành rẻ giơn rất nhiều so với đồ ăn mặn, nhà hàng còn có thể được hưởng ưu đãi lớn nên lợi nhuận thu về càng cao mà giá bán ra không đáng kể hoặc thậm chí ngang bằng hoặc hơn những món mặn.
Nguyên liệu rất dễ tìm kiếm chủ yếu là rau củ quả phù hợp với điều kiện khí hậu ôn hòa ở Việt Nam.
Nhu cầu về sức khỏe ngày càng tăng
Thực phẩm ăn chay rất tốt cho sức khỏe vì bạn cần phải ăn nhiều rau xanh hơn và giảm việc sử dụng các loại thịt về mức 0. Nhà nghiên cứu M. Burr và B. Butland đã nghiên cứu và đưa ra kết quả rằng những người không ăn chay có nguy cơ chết vì bệnh nhồi máu cơ tim cao hơn 57%. Bên cạnh đó, Các chuyên gia dinh dưỡng F.M. Sacks và B. Armstrong nhận thấy ăn chay cũng có thể làm giảm huyết áp ở người đang bị bệnh cao huyết áp.
Qua đây có thể thấy được tiềm năng của mô hình kinh doanh nhà hàng chay vì chỉ cần là người quan tâm đến sức khỏe thì đều có thể là khách hàng tiềm năng của bạn. Ngoài ra, còn có những thực khách trung thành, những người ăn chay thường xuyên và quanh năm vì theo đạo, theo các dịp lễ.
Từ đó có thể suy ra rằng, phân khúc khách hàng này là những người có thu nhập từ mức khá trở lên, họ quan tâm quá nhiều đến sức khỏe của bản thân và gia đình.
Thị trường cạnh tranh chưa khốc liệt và luôn rộng mở
Kinh doanh nhà hàng chay vẫn chưa được phổ biến. Nhưng vì kinh doanh nhà hàng chay là một mô hình khá mới ở Việt Nam nên việc lập một bản các bước chuẩn bị là điều nên làm trước khi bắt tay vào sở hữu một nhà hàng cho riêng mình.
Những điều cơ bản bạn cần biết về xây dựng thương hiệu
Làm thế nào để bạn xây dựng được một thương hiệu đủ nổi bật trên thị trường đồ chay hiện nay? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng đi vào phân tích chi tiết những hoạt động, phương thức các thương hiệu đồ chay đã và đang làm để thu hút khách hàng của họ. Điều đầu tiên khi xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, có ba khái niệm bạn cần nắm rõ:
- Thương hiệu (Brand): là những gì mà thế giới bên ngoài (bao gồm cả khách hàng) nhận thức về công ty của bạn.
- Xây dựng thương hiệu (Branding): là một động từ, ám chỉ bất kỳ hành động bạn thực hiện để định hình thương hiệu và đưa nó vào cuộc sống.
- Nhận diện thương hiệu (Brand identity): đây là mọi yếu tố quan trọng mà bạn tạo ra trong quá trình xây dựng thượng hiệu, như logo, danh thiếp, trang web và bao bì của bạn để truyền thông điệp thương hiệu đến khán giả.
Có thể sự khác biệt giữa 3 khái niệm này là không quá lớn, tuy nhiên chính những điểm khác biệt đó lại vô cùng quan trọng để giúp bạn nắm rõ được vấn đề khi xây dựng thương hiệu. Cả ba khái niệm này đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thương hiệu hấp dẫn, thu hút và tiềm năng. Hãy tưởng tượng chúng giống như những viên gạch, từng viên để xây dựng nền móng và cần cả ba để xây dựng một tòa tháp hoàn chỉnh, vững chắc mà ở đây là thương hiệu đồ chay.
>> Xem thêm: Những Điều Cơ Bản Về Branding là gì? – Xây Dựng Thương HiệuNhững câu hỏi cần trả lời trước khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu
Hiểu được những yếu tố cơ bản của việc xây dựng thương hiệu là một khởi đầu tốt, tuy nhiên trước khi bắt tay vào việc thì bạn vẫn cần phải trả lời được một vài câu hỏi trọng tâm sau:
Bạn là ai?
Nhìn chung, những thương hiệu thành công là những bên có thể kết nối thật sự được với khách hàng của họ. Chính vì thị trường thực phẩm chay đang vô cùng cạnh tranh, việc củng cố mối quan hệ đó càng trở nên quan trọng hơn. Khách hàng sẽ không thể kết nối với thương hiệu nếu bạn không tạo ra cho nó một danh tính rõ ràng, chính vì vậy mà việc định hình thương hiệu của bạn là ai là vô cùng quan trọng trước khi bắt tay vào quá trình xây dựng thương hiệu.
Trước khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp thực phẩm chay của bạn, hãy dành thời gian để tìm hiểu gốc rễ của việc doanh nghiệp bạn là ai, doanh nghiệp của bạn sẽ định hình danh tính của mình như nào trước khách hàng. Một trong những cách đơn giản và hữu hiệu để định hình danh tính đó là trả lời câu hỏi này: Mô tả thương hiệu của bạn bằng 3 từ. Lấy ví dụ, nếu bạn muốn ra mắt một dòng sản phẩm bơ thực vật và nhắm đối tượng đến những phụ huynh. Những tính từ mà bạn cần hướng tới chính là “thuận tiện, sạch sẽ và phù hợp”. Cùng sản phẩm đó, nếu bạn lại nhắm đến đối tượng là những người sành ăn hoặc những đầu bếp, những tính từ đó sẽ là “sành ăn, cao cấp và độc quyền”.
Mục đích chính của việc này chính là phân định rõ thương hiệu của bạn bằng một vài tính từ, từ đó giúp định hình rõ ràng thương hiệu bạn là ai và mục tiêu hướng đến của thương hiệu là gì. Sau khi làm rõ được những điều đó, hãy sử dụng chúng như một kim chỉ nam cho quá trình xây dựng thương hiệu và đưa ra quyết định sau này.
Đối tượng khách hàng của bạn là ai?
Như đã nói ở trên, sự thành công của thương hiệu phụ thuộc vào khả năng kết nối của bạn với khách hàng, chính vì vậy mà việc hiểu rõ khách hàng của bạn là vô cùng quan trọng.
Trước khi đi sâu vào các bước tiếp theo của quá trình xây dựng thương hiệu, hãy dành thời gian để tạo ra bức tranh về khách hàng lý tưởng của bạn. Hãy làm cho nó chi tiết nhất có thể. Họ là ai? Họ tìm kiếm những yếu tố gì ở sản phẩm của bạn? Họ là những người giàu kinh nghiệm về thực phẩm chay, hay mới bắt đầu hay họ chỉ đang tò mò? Lấy ví dụ, nếu đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn là những người mới làm quen với lối sống ăn chay, đồng thời họ đang tìm kiếm những sản phẩm thay thế thịt và sữa mà họ thường xuyên sử dụng. Hoặc cũng có thể khách hàng của bạn lại là những người thuần ăn chay vì lý do đạo đức, cũng như họ đang tìm đến những thương hiệu tập trung vào sự bền vững và bảo vệ quyền động vật.
Bạn càng hiểu rõ khách hàng lý tưởng của mình, bạn sẽ càng vận dụng được nó chính xác trong công cuộc xây dựng thương hiệu, cũng như đưa ra những quyết định để tạo ra một thương hiệu thực phẩm chay thực sự chiếm được thiện cảm của khách hàng.
Đối thủ của bạn là ai - làm thế nào để bạn trở nên khác biệt?
Như đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp thực phẩm chay đã phát triển với tốc độ mạnh mẽ trong những năm qua và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, kéo theo là sự xuất hiện của vô vàn những thương hiệu thực phẩm chay mới trên thị trường.
Chính vì vậy, nếu bạn muốn thương hiệu của mình thành công thì điều quan trọng là phải biết được đối thủ là ai, quan trọng hơn là làm thế nào để thương hiệu của bạn trở nên khác biệt so với họ. Đứng trước quầy hàng đồ chay, sẽ có vô vàn sản phẩm đến từ các thương hiệu khác nhau được bày lên kệ. Hiểu được điều gì khiến thương hiệu của bạn trở nên độc đáo, cải tiến và khác biệt với những thương hiệu khác (USP) có thể giúp bạn trở nên nổi bật, thu hút được sự chú ý của khách hàng và kích thích họ lựa chọn sản phẩm của bạn thay vì hàng trăm những lựa chọn khác.
Sứ mệnh và giá trị của thương hiệu bạn là gì?
Sứ mệnh và giá trị luôn là những yếu tố vô cùng quan trọng với thương hiệu, đặc biệt là với những thương hiệu thực phẩm chay. Một phần rất lớn khách hàng của bạn là những người ăn chay là vì niềm tin, đạo đức và giá trị của họ. Và sản phẩm mà họ mua và sử dụng từ một thương hiệu nào đó cũng cần đồng nhất với niềm tin, đạo đức và giá trị đó của họ.
Trước khi bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu, hiểu được sứ mệnh và giá trị của doanh nghiệp là một nhiệm vụ rất quan trọng. Sứ mệnh của doanh nghiệp là để trả lời câu hỏi “Vì sao” với thương hiệu của bạn. Vì sao doanh nghiệp của bạn lại tạo ra thương hiệu thực phẩm chay? Để giúp bạn xác định sứ mệnh của công ty, hãy thử điền vào chỗ trống sau: Doanh nghiệp của chúng tôi tồn tại vì ___. Trong năm năm, chúng tôi có kế hoạch để _____.
Sau khi trả lời được câu hỏi này, tiếp đến là định nghĩa được giá trị của doanh nghiệp. Giá trị không chỉ là chìa khóa trong việc thúc đẩy chiến lược xây dựng thương hiệu, nó còn giúp bạn tạo ra một kết nối xác thực với khách hàng. Thương hiệu của bạn đại diện cho điều gì và nó có ý nghĩa như nào đối với khách hàng ăn chay của bạn? Lấy ví dụ, một thương hiệu thực phẩm và đồ uống thực vật là Good Karma đã lồng ghép giá trị doanh nghiệp vào chính tagline của họ: “Good Karma isn’t just our name—it’s the inspiration for everything we do. We believe in celebrating tiny but mighty acts of goodness (tam dịch: Good Karma không chỉ là tên của chúng ta - nó còn là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi thứ chúng tôi làm. Chúng tôi tin vào việc tôn vinh những hành động tốt đẹp nhỏ bé nhưng hùng mạnh).”
Bạn có muốn đưa những thuật ngữ về ăn chay vào trong hoạt động xây dựng thương hiệu hay không?
Thoạt nghe qua, có vẻ câu hỏi này hơi ngớ ngẩn khi bạn là một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm chay, dĩ nhiên bạn sẽ sử dụng những thuật ngữ “chay” rồi phải không? Thế nhưng sự thật là, có một số thuật ngữ như “thuần chay” (vegan) hoặc “không làm từ thịt” (meat-less) lại không phải ý hay cho thương hiệu của bạn.
Đầu tiên, ai cũng có thể sử dụng sản phẩm chay, tuy nhiên khi chèn thêm thuật ngữ “thuần chay” vào sản phẩm, điều này vô tình khiến sản phẩm trở nên độc quyền và có thể xua đuổi những khách hàng không ăn chay. Thay vào đó, hãy sử dụng thuật ngữ “có gốc thực vật” khi nó cũng truyền tải cùng một ý nghĩa, tuy nhiên lại không tạo ra rào chắn giữa khách ăn chay và không ăn chay.
Không chỉ vậy, việc sử dụng những thuật ngữ như “không làm từ thịt” hoặc “không chứa đạm động vật” có thể khiến khách hàng thắc mắc về chất lượng và hương vị của sản phẩm. Vì vậy, nếu bạn muốn bán sản phẩm của mình, điều quan trọng là phải tránh ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu là hạn chế sức khỏe quá mức, như "không làm từ thịt" hay "không có sữa và trứng".
Một ví dụ về cách khôn khéo lựa chọn câu chữ là thương hiệu Beyond Meat. Họ không chỉ tránh được việc sử dụng cụm từ “thuần chay” trên bao bì sản phẩm (họ sử dụng ngôn ngữ gốc thực vật như là "xúc xích gốc thực vật", "thịt viên có gốc thực vật"), đồng thời họ còn tập trung vào giá trị dinh dưỡng mà sản phẩm mang lại, chứ không phải những gì họ thiếu hụt.
Thay vì tập trung vào khía cạnh “không chứa thịt”, từ “Beyond” trong tên công ty của họ tạo ra cảm giác về những sản phẩm vượt trội hơn cả thịt. Doanh nghiệp đã vô cùng thành công trong việc tận dụng ngôn từ để thu hút khách hàng.
Định hình từng yếu tố để xây dựng thương hiệu
Sau khi bạn đã trả lời được toàn bộ những câu hỏi phía trên, bước tiếp theo của quá trình chính là định hình yếu tố xây dựng thương hiệu. Có một vài nguyên tắc và yếu tố thiết kế chính mà bạn sẽ cần xác định để thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu thực phẩm chay của mình, bao gồm:
- Kiểu chữ (Typography): Font chữ mà bạn sử dụng cho thương hiệu sẽ ảnh hưởng đến thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến khách hàng. Lấy ví dụ, nếu sản phẩm của bạn là thực phẩm chay cho trẻ em, hãy sử dụng font chữ vui nhộn, tạo hình sinh động. Nếu sản phẩm của bạn lại là thực phẩm bổ sung chay, một font chữ hiện đại, tinh tế sẽ là sự lựa chọn hợp lý.
- Tông màu chủ đạo: Màu sắc là một trong những công cụ quyền lực nhất khi xây dựng thương hiệu, đặc biệt là với những thương hiệu thực phẩm. Bản thân con người có những liên kết mạnh mẽ với màu sắc. Vì vậy nếu bạn nắm được những liên kết đó, bạn có thể lựa chọn một tông màu có thể tạo được cảm hứng, kích thích được suy nghĩ, cảm xúc và hành động của khách hàng. Lấy ví dụ, với một thương hiệu đồ chay thì màu xanh lá cây là màu bạn cần cân nhắc, bởi nó khiến người nhìn liên tưởng đến tự nhiên, thiên nhiên.
- Hình dạng: Một logo sắc nét, góc cạnh sẽ tạo ra một diện mạo, cảm nhận và thông điệp khác cho thương hiệu của bạn so với một logo mềm mại, tự nhiên. Vì vậy, điều quan trọng là chọn hình thức và hình dạng phù hợp với thông điệp thương hiệu của bạn.
- Giọng điệu thương hiệu: Những gì mà bạn muốn thương hiệu đồ chay của mình truyền tải là rất quan trọng, nhưng cách bạn truyền tải chúng cũng quan trọng không kém. Hãy dành thời gian để định hình giọng điệu thương hiệu, nó sẽ vô cùng hữu ích để kết nối với khách hàng khi tiếp cận họ trên những nền tảng như mạng xã hội.
Thiết kế các yếu tố chủ chốt cho thương hiệu
Sau khi định hình được những yếu tố cơ bản của danh tính thương hiệu, hãy bắt tay vào việc vận dụng chúng để thiết kế các yếu tố chủ chốt của thương hiệu. Có những yếu tố quan trọng sau bạn cần lưu ý đến:
- Logo: Có thể nói logo chính là gương mặt của doanh nghiệp, chính vì vậy đây là yếu tố quan trọng nhất bạn cần thiết kế trong quá trình xây dựng thương hiệu. Bất kể nơi nào khách hàng gặp thương hiệu của bạn (như trang web, bao bì hoặc tại một sự kiện), họ sẽ tiếp xúc trực tiếp với logo của bạn. Như vậy, nó là yếu tố thương hiệu mà khách hàng của bạn sẽ liên kết chặt chẽ nhất với thương hiệu của bạn, vì vậy, nó cực kỳ quan trọng và cần được đầu tư.
- Bao bì: Sở hữu bao bì được thiết kế chỉn chu, phù hợp với thương hiệu là điều bắt buộc với bất kỳ doanh nghiệp bán sản phẩm hữu hình, điều này sẽ càng quan trọng hơn nếu bạn hoạt động trong thị trường thực phẩm ăn chay. Sở dĩ bạn đang phải đối đầu với rất nhiều đối thủ cạnh tranh, một bao bì sản phẩm bắt mắt và thu hút được sự chú ý của khách hàng là yếu tố then chốt để bạn chiến thắng.
- Hiện diện trên môi trường Digital: Chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ và Internet phát triển mạnh mẽ, kéo theo mua sắm trực tuyến trở thành xu thế phổ biến hơn bao giờ hết và dĩ nhiên thực phẩm chay cũng không nằm ngoài điều này.
Kết hợp tất cả với nhau cùng với chỉ dẫn phong cách thương hiệu (brand style guide)
Trải qua quá trình xây dựng thương hiệu giúp bạn xác định các yếu tố quan trọng trong thương hiệu đồ chay của bạn. Nhưng nhìn xa hơn, bạn muốn chắc chắn rằng bất kỳ sản phẩm mới, bao bì, bản sao hoặc bất kỳ thứ gì khác gắn liền với thương hiệu của bạn đều phù hợp với cách mà thương hiệu được xây dựng và đó là lúc chỉ dẫn phong cách thương hiệu (brand style guide) phát huy hiệu quả.
Có thể hiểu, chỉ dẫn phong cách thương hiệu là một tập tài liệu tập hợp đầy đủ những thông tin cần biết về thương hiệu đồ chay của bạn. Mức chi tiết của nó sẽ tùy theo bạn lựa chọn, càng chi tiết càng tốt, tuy nhiên ở mức độ tối thiểu thì cần đảm bảo có những yếu tố sau:
- Nguồn gốc thương hiệu
- Sứ mệnh doanh nghiệp
- Giá trị doanh nghiệp
- Logo và quyền hạn cho phép sử dụng
- Tông màu chủ đạo của thương hiệu
- Font chữ và kiểu chữ (typography)
- Giọng điệu thương hiệu
- Thiết kế bao bì
- Những hình ảnh được cấp phép
Việc có chỉ dẫn phong cách thương hiệu là điều bắt buộc, nó không chỉ giúp tập hợp mọi thông tin vào một chỗ, đồng thời nó còn giúp duy trì được sự nhất quán khi thương hiệu của bạn phát triển. Chỉ dẫn phong cách thương hiệu giúp mọi người có thể làm việc nhất quán, đảm bảo mọi thứ đều được tạo ra đúng với những gì mà thương hiệu hướng tới, bất kể sản phẩm hay thiết kế đó là gì và xuất hiện ở đâu.
Những lưu ý khi xây dựng thương hiệu đồ chay của bạn
- Hiểu được vấn đề của khách hàng và chủ động khắc phục: Nếu khách hàng mục tiêu của bạn chưa quen với lối sống ăn chay (hoặc hoàn toàn không ăn chay và chỉ quan tâm đến việc kết hợp nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào chế độ ăn uống của họ), thì rất có thể, họ đã có sẵn một vài định kiến sâu sắc về thực phẩm chay. Một trong số những định kiến phổ biến nhất chính là thực phẩm chay không có hương vị thơm ngon như thực phẩm thông thường (thịt, trứng, sữa, hay bất kỳ sản phẩm nào từ động vật). Nếu bạn hiểu được điều đó từ phía khách hàng, việc chủ động tiếp cận và giải quyết chúng khi xây dựng thương hiệu là một hướng đi rất tốt. Tập trung vào việc tạo ra hương vị thơm ngon, hoặc tạo ra những sản phẩm truyền thông để nhấn mạnh việc vì sao thực phẩm chay của bạn lại tốt hơn, ngon hơn và là sản phẩm thay thế tuyệt vời so với sản phẩm từ thịt.
- Hiểu được những lý do khác nhau đằng sau lựa chọn của khách hàng: Mọi người lựa chọn lối sống ăn chay vì nhiều lý do khác nhau. Có người chọn vì lý do đạo đức, người lại chọn vì lý do sức khỏe, có người lại chọn vì họ dị ứng với thực phẩm thịt. Hiểu được động lực của khách hàng vì sao họ lại ăn chay có thể giúp thương hiệu của bạn chạm đúng nhu cầu của họ, từ đó giúp việc xây dựng thương hiệu trở nên hiệu quả hơn.
- Đừng ngần ngại sáng tạo và suy nghĩ vượt khuôn khổ: Đừng suy nghĩ rằng chỉ vì bạn là một thương hiệu đồ chay nên phải tiếp cận những cách truyền thống để xây dựng thương hiệu. Đừng ngần ngại trở nên khác biệt và suy nghĩ vượt ra khuôn khổ. Tạo ra một thương hiệu khác biệt là một cách tuyệt vời để nổi bật giữa tất cả các đối thủ khác trong thị trường.
Tạm kết
Có thể nói thị trường thực phẩm chay đang phát triển với tốc độ chóng mặt từ đó bạn có thể đánh giá tiềm năng thị trường đồ ăn chay , với những thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực này thì việc xây dựng thương hiệu càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết vì sự cạnh tranh ngày một gay gắt. Hy vọng qua bài viết này, MarketingAI đã cung cấp cho bạn đầy đủ những thông tin để một thương hiệu thực phẩm chay có thể ghi tên của mình trên thị trường và thành công.
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo 99designs
Bình luận của bạn