Khủng hoảng một phần tư cuộc đời - cách thương hiệu “đọc vị” khách hàng hiệu quả

13 Thg 01

Khủng hoảng một phần tư cuộc đời là gì? Thương hiệu học được gì từ những cá nhân đang trải qua cuộc khủng hoảng này? Bạn đã bao giờ nghe đến khái niệm quarter-life crisis (tạm dịch: khủng hoảng một phần tư cuộc đời)? Có những gì diễn ra trong giai đoạn này? Có phải ai cũng sẽ trải qua cơn khủng hoảng này không? Là một marketer, điều hiển nhiên, biết đặt những câu hỏi tương tự thế này sẽ giúp bạn dần phác họa được về một giai đoạn cuộc đời mà hầu như ai cũng có thể trải qua, dù ít hay nhiều. Bức tranh đó sẽ cho phép bạn "đọc vị" những khách hàng của mình, để từ đó, nhắm trúng đích và hiệu qua trong mọi hoạt động truyền thông - marketing cho thương hiệu.

Khủng hoảng một phần tư cuộc đời (quarter-life crisis) là gì?

Trước tiên, hãy hiểu ý nghĩa của cuộc khủng hoảng một phần tư cuộc đời. Theo Forbes, khủng hoảng một phần tư cuộc đời được định nghĩa là giai đoạn “đầy căng thẳng, sâu sắc, lo âu về tính đúng đắn của một quá trình hành động”. Nghiên cứu đã cho chúng ta thấy rằng khủng hoảng trong 1/4 cuộc đời phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Theo một cuộc khảo sát, 86% thế hệ gen Y đã trải qua khủng hoảng một phần tư cuộc đời. Trong giai đoạn này, họ trải qua căng thẳng về tài chính, kết hôn, lập gia đình, ổn định cuộc sống, sự nghiệp và nhiều vấn đề không tên khác.
Khủng hoảng một phần tư cuộc đời thường tạo ra sự bế tắc cho những người đang đi qua giai đoạn này.
Khủng hoảng một phần tư cuộc đời thường tạo ra sự bế tắc cho những người đang đi qua giai đoạn này.
Đôi khi, bạn có thể đang trải qua một cuộc khủng hoảng trong một phần tư cuộc đời mà không hề nhận ra điều đó. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng này:
  • Cảm thấy lãng phí thời gian, các hoạt động thấy thật vô nghĩa, không có mục đích trong bất kỳ việc gì
  • Không thể đưa ra quyết định
  • Thấy mắc kẹt, để mọi thứ trôi qua và không thể sống ở hiện tại
  • Mất động lực, kể cả với những thứ vốn yêu thích
  • Mệt mỏi, căng thẳng hơn bình thường
  • Có dấu hiệu lo lắng hoặc trầm cảm
  • Lo sợ những thay đổi, dù biết đó là lựa chọn tốt
  • Dễ tự ti hoặc tự trọng thấp
Khủng hoảng một phần tư cuộc đời thường diễn ra vào những năm 20 hoặc 30 tuổi. Tùy mỗi cá nhân và tình hình cuộc sống của họ, mỗi người sẽ đương đầu với dạng khủng hoảng này ở những thời điểm khác nhau trong đời.

Điều gì tạo ra khủng hoảng một phần tư cuộc đời?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng một phần tư cuộc đời. Mặc dù những tác nhân này có thể không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra khủng hoảng trong một phần tư cuộc đời, nhưng chúng có thể góp phần gây ra các dấu hiệu kể trên. Trên thực tế, đôi khi nó có thể là sự kết hợp của nhiều thứ khiến bạn cảm thấy như mình đã mất quyền tự quyết trong cuộc sống. Thường thì loại khủng hoảng này có liên quan đến ý thức về bản sắc của chúng ta. Khi có bất trắc xảy đến trong đời mình, ý thức về bản sắc của bạn cũng sẽ thay đổi theo. Kết quả là ta dễ thấy mất phương hướng, lo sợ - vì vậy mà ta rơi vào “khủng hoảng”.
Một mối quan hệ đổ vỡ cũng có thể gây ra khủng hoảng ở giai đoạn 20 hay 30 tuổi.
Một mối quan hệ đổ vỡ cũng có thể gây ra khủng hoảng ở giai đoạn 20 hay 30 tuổi.
Dưới đây là 8 yếu tố có thể gây ra khủng hoảng ở giai đoạn một phần tư cuộc đời.
  • Mất việc làm (hoặc cảm thấy bất an trong công việc)
  • Chia tay hoặc kết thúc một mối quan hệ quan trọng
  • Chuyển đến một nơi mới mà bạn có thể không quen biết ai
  • Lần đầu sống một mình
  • Tài chính không an toàn hoặc bất ổn
  • Mất người thân, thành viên gia đình hoặc bạn bè (trải qua đau buồn)
  • Hôn nhân hoặc một mối quan hệ nghiêm túc
  • Tốt nghiệp đại học mà không có kế hoạch cho những gì tiếp theo

Truyền thông - marketing và các thương hiệu làm thế nào để thấu hiểu những cá nhân đang trải qua khủng hoảng một phần tư cuộc đời?

Một trong các yếu tố tối trọng trong marketing - truyền thông là nhân khẩu học, để nhắm trúng khách hàng mục tiêu và thấu hiểu những nét đặc tính của khách hàng. Thương hiệu muốn hiểu rõ hơn về mong muốn, nhu cầu và sở thích của khách hàng đều sẽ phải nằm lòng những đặc tính nhân khẩu học quan trọng. Có thể thấy, đa phần những người đang trải qua khủng hoảng một phần tư cuộc đời hiện đang nằm trong nhóm khách hàng cuối thế hệ gen Y và đầu thế hệ gen Z. Hai nhóm này đại diện cho đại bộ phận những khách hàng chủ chốt hiện nay của phần đông các thương hiệu. Nắm bắt được mỗi cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong đời sống của những khách hàng độ tuổi này cũng là điều giúp các thương hiệu đi trúng đích hơn.
Xã hội mặc định tạo ra nhiều kỳ vọng vượt tầm cho những người trẻ ở độ tuổi 20 hay 30.
Xã hội mặc định tạo ra nhiều kỳ vọng vượt tầm cho những người trẻ ở độ tuổi 20 hay 30.
Đối với những người ở độ tuổi giữa 20 và đầu 30, cuộc sống đương đại có thể tràn ngập lo lắng và không chắc chắn. Giai đoạn này tập trung mạnh vào sự bất an về con đường họ đã chọn trong cuộc sống. Họ thường cảm thấy chán nản vì không thể đạt được những cột mốc quan trọng mà họ tin rằng xã hội mong đợi ở họ. Đồng thời, họ cũng có xu hướng cân nhắc kỹ lưỡng các mục tiêu nghề nghiệp và các mối quan hệ cá nhân. Do đó, những lo ngại trên phản ánh một phần quyết định của họ với tư cách là người tiêu dùng, từ dịch vụ ăn uống đến phương tiện đi lại. Vì vậy, phương pháp tiếp thị nào nên thực hiện đối với những người đang trải qua cuộc khủng hoảng một phần tư cuộc đời? Bạn nên nhận thức những khía cạnh nào, tận dụng những gì để thu hút sự chú ý của nhóm khách hàng này? Hãy cùng Marketing AI cân nhắc một số yếu tố dưới đây!

Bán sự ổn định

Một thành phần chính có khả năng ảnh hưởng đến những người đang trải qua cuộc khủng hoảng 1/4 cuộc đời là sự thận trọng về kinh tế. Mặc dù họ có xu hướng được giáo dục tốt hơn, nhưng gen Y kiếm được trung bình ít hơn 20% so với thế hệ X. Như một kết quả có thể đoán trước, thế hệ X đã tạo ra một vị thế về mặt kinh tế khiến gen Y gặp những bất lợi rõ rệt về mặt tài chính. Marketer học được gì? Do những đặc điểm trên, marketer cần phải đào sâu những nhu cầu của nhóm khách hàng trên, đặc biệt cần khơi gợi cảm giác ổn định cho thế hệ này. Các chiến lược marketing không nhất thiết phải chú trọng vào giá thành rẻ. Điều quan trọng nằm ở việc các thương hiệu phải khiến nhóm khách hàng này hiểu được rằng họ đang được tận dụng tối đa khoản đầu tư hay số tiền mà họ bỏ ra.
Đối với những người đang trải qua giai đoạn bấp bênh, sự ổn định là những gì mà họ hướng đến.
Đối với những người đang trải qua giai đoạn bấp bênh, sự ổn định là những gì mà họ hướng đến.
Ví dụ, chú trọng vào độ bền, ứng dụng, các tính năng mở rộng và hữu ích của sản phẩm thay vì mẫu mã, vẻ về ngoài, màu sắc,... Đặc tính trên có thể gây khó dễ bước đầu cho nhóm sản phẩm có giá cao. Ví dụ như bất động sản, ô tô,... Vì thế, phương thức tiếp cận phù hợp là thay vì bán cho họ một sản phẩm đắt đỏ, hãy chuyển hướng sang bán cho nhóm khách hàng này một giải pháp trọn đời, một không gian sống chất lượng, một phương tiện di chuyển an toàn, tiết kiệm xăng,... chẳng hạn.

Tạo ra giá trị

Một cuộc khủng hoảng trong một phần tư cuộc đời đối với thế hệ này thường đồng nghĩa với việc họ thấy mình không đáp ứng được kỳ vọng từ xã hội. Tuy nhiên, họ đánh giá cao các giá trị của mình và thích hợp tác với các doanh nghiệp cam kết thực hiện trách nhiệm với xã hội, tương tự như họ. Marketer học được gì? Các nhà tiếp thị có thể tạo ra tác động bằng cách thể hiện sự rõ ràng, minh bạch với sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu. Hãy làm rõ về nguồn nguyên liệu, thành phần thực phẩm hoặc mọi hoạt động sản xuất nếu có, đều được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đừng bỏ qua các cơ hội cộng tác trong các dự án từ thiện, đóng góp cho xã hội.
Cùng nhau tạo ra giá trị cho xã hội giúp những người đang trải qua khủng hoảng không cảm thấy bị bỏ lại phía sau.
Cùng nhau tạo ra giá trị cho xã hội giúp những người đang trải qua khủng hoảng không cảm thấy bị bỏ lại phía sau.
Các hoạt động này phần lớn có thể kêu gọi sự ủng hộ lớn từ khách hàng, đồng thời giúp tạo ra cảm giác đang đóng góp/tạo ra giá trị cho cộng đồng với nhóm khách hàng này. Đây là yếu tố mà họ rất cần khi trải qua giai đoạn khủng hoảng một phần tư cuộc đời. Đặc biệt, hãy biến mỗi hoạt động ví dụ trên có thể dễ dàng chia sẻ hoặc lan tỏa trên mạng xã hội. Điều này thúc đẩy cảm giác đóng góp không chỉ với tư cách là người tiêu dùng, mà còn tạo ra sự khác biệt ở tầm cộng đồng.

Đa dạng hóa trải nghiệm

Khi nhắc đến marketing cho thế hệ đang trả qua khủng hoảng một phần tư cuộc đời, các marketer cần tìm ra các yếu tố nhất quán trong các mối quan tâm của họ. Một trong những đặc điểm của nhóm khách hàng này là tính không chắc chắn, bất kể là trong các mối quan hệ, lựa chọn cuộc sống hay mục tiêu nghề nghiệp. Một phần những đặc tính này sẽ phản ánh cảm giác không thỏa mãn trong những trải nghiệm cuộc sống. Vì thế, với tư cách là người tiêu dùng, họ sẽ tìm kiếm những trải nghiệm thú vị, những thứ khiến họ xua tan sự không chắc chắn và bế tắc.
Các trải nghiệm góp phần giúp nhóm khách hàng này có cơ hội được
Các trải nghiệm góp phần giúp nhóm khách hàng này có cơ hội được "chạm" và cảm nhận cuộc sống ở nhiều khía cạnh hơn.
Marketer làm được gì? Hãy tập trung vào việc tạo ra những đóng góp tích cực vào trải nghiệm cuộc sống cho nhóm khách hàng này. Trong đó có thể kể đến chương trình khách hàng thân thiết với các loại giảm giá, sản phẩm miễn phí,... giúp khách hàng được trải nghiệm sản phẩm tối đa có thể. Bên cạnh đó, các chương trình đối tác với các doanh nghiệp có thể giúp hoạt động marketing được đa dạng hơn. Qua đó, khách hàng sẽ được trải nghiệm thêm như kỳ nghỉ, ưu đãi khóa học giúp nâng cao kỹ năng, xem phim hay hòa nhạc miễn phí. Cách tốt nhất để tạo ra những trải nghiệm đáng giá cho nhóm khách hàng này là hiểu những vấn đề mà họ đang trải qua, những vướng mắc cá nhân và lo lắng mà họ đang đối mặt. Kết luận Để tiếp thị thành công cho những người đang trải qua cuộc khủng hoảng một phần tư cuộc đời, doanh nghiệp cần giúp giải quyết và xoa dịu các vấn đề liên quan. Cần tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm cuộc sống, hướng đến sự ổn định, tạo ra những đóng góp và chia sẻ giá trị. Các chiến lược hiệu quả không chỉ dựa trên việc bán sản phẩm mà còn cần thấu hiểu khách hàng và câu chuyện của riêng họ.

Tú Cẩm - Marketing AI

Theo VAbout, BetterUp, Forbes

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.