Câu chuyện sử dụng marketing In-house hay thuê ngoài Agency vẫn luôn là một bài toán khiến nhiều doanh nghiệp phải đắn đo. Trong đó, Marketing In-house sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội cho doanh nghiệp như sự thấu hiểu sản phẩm, tính chuyên sâu, tập trung,... Vậy In-house Marketing là gì? Sử dụng đội ngũ In house sẽ mang lại những lợi ích và hạn chế gì cho thương hiệu?
In-house Marketing là gì?
In-house Marketing được hiểu là việc thực hiện toàn bộ các hoạt động marketing bằng nguồn lực nội bộ bên trong doanh nghiệp. Đội ngũ marketing in-house là những người sẽ chịu trách nghiệm với toàn bộ các hoạt động, quy trình marketing của công ty. Họ sẽ tham gia vào mọi công việc từ việc xây dựng kế hoạch marketing, lựa chọn concept, thực thi và đo lường hiệu quả chiến dịch,...
In-house Marketing là gì?Ngoài ra, một số team In-house nội bộ còn được phát triển thành dạng In-house “agency”, nghĩa là có khả năng làm việc cho những thương hiệu khác ngoài doanh nghiệp. Điển hình như team marketing nội bộ của Coors chính là tiền thân của Agency Integer. Từ một team In-house họ đã phát triển thành In-house Agency và phục vụ cho nhiều nhãn hàng khác như Starbucks, Acuvue, Victory Motorcycles và Polaris,....
>>> Xem thêm: Agency là gì? Những tiêu chí giúp lựa chọn đúng Agency?
Khi nào bạn cần xây dựng đội ngũ in-house marketing?
Đội ngũ in-house marketing được ra đời khi doanh nghiệp có chiến lược trong dài hạn, Agency bên ngoài khó có thể hiểu rõ hoặc mong muốn đảm bảo tính bảo mật, chủ động và kiểm soát chặt chẽ chiến dịch marketing hơn việc thuê ngoài.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp với việc xây dựng một team marketing riêng trong nội bộ. Bạn chỉ nên sử dụng in-house marketing khi có được những định hướng và mục tiêu rõ ràng về hoạt động marketing. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đảm bảo các yếu tố về Nguồn lực tài chính, Năng lực quản trị khi xây dựng team marketing. Vì nếu muốn quản lý team in-house hiệu quả bạn sẽ cần một chuyên gia để quản lý tiếp thị và đủ nguồn lực tài chính để vận hành team.
Ưu điểm và nhược điểm của In-house marketing so với Agency
Nếu bạn đang đắn đo lựa chọn giữa In-house và Agency, thì hãy cân nhắc đến những ưu, nhược điểm của team In-house marketing dưới đây:
Ưu điểm
Việc sở hữu một đội ngũ in-house marketing mạnh sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát các chiến dịch tiếp thị hiệu quả hơn nhờ một số ưu điểm:
- Đội ngũ nhân sự marketing thấu hiểu doanh nghiệp và sản phẩm
Nhân sự trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ có sự thấu hiểu sâu sắc hơn về sản phẩm, câu chuyện thương hiệu cũng như mục tiêu, định hướng của doanh nghiệp. Ngoài ra, team In-house chỉ thực hiện marketing cho riêng doanh nghiệp trong khi Agency có thể sẽ thực hiện cho nhiều nhãn hàng khác nhau. Vì vậy, đội ngũ In-house sẽ tập trung mọi nỗ lực cho doanh nghiệp, không bị phân tâm bởi các chiến dịch khác.
- Dễ phối hợp với các phòng ban
Triển khai chiến lược marketing cần phối hợp với nhiều bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp như sale, phân phối, CSKH,... điển hình như việc lấy tài nguyên, tư liệu để truyền thông, chuyển data khách hàng cho bộ phận sale,... Điều này sẽ là lợi thế của team In-house marketing, vì họ đã quen với quy trình của doanh nghiệp, có kinh nghiệm làm việc ăn ý với các phòng ban. Còn Agency sẽ phải thông qua những đầu mối nhất định để kết nối với các bộ phận khác trong doanh nghiệp.
- Không tạo áp lực quá lớn về chi phí tại một thời điểm
Khi sử dụng team In-house, chi chí sẽ được phân bổ theo dài hạn. Như vậy, áp lực chi phí khi thực hiện chiến dịch marketing sẽ thấp hơn so với việc thuê ngoài Agency.
- Đảm bảo kiểm soát chắc chẽ, sát sao hoạt động marketing
Việc thực hiện bởi đội ngũ ngoài doanh nghiệp sẽ khiến quyền kiểm soát chiến dịch sẽ phần nào bị hạn chế. Còn đối với In-house Marketing bạn có thể dễ dàng kiểm tra và theo dõi từng hoạt động của team bất cứ lúc nào. Ngoài ra, việc sử dụng team In-house giúp doanh nghiệp có thể thay đổi hay điều chỉnh chiến dịch dễ dàng hơn khi phát sinh sự cố.
Nhược điểm
Tuy nhiên In-house marketing vẫn còn tồn đọng những nhược điểm sau:
- Hạn chế sự mới mẻ, sáng tạo
Nhóm Marketing nội bộ sẽ chỉ làm việc với duy nhất một thương hiệu. Về lâu dài, điều này dễ tạo nên lối mòn tư duy sáng tạo và sự rập khuôn trong marketing. Trong khi đó, Agency được đánh giá cao hơn bởi sự sáng tạo, nhạy bén, do họ được tiếp xúc với nhiều thương hiệu, ngành nghề, từ đó tạo nên những góc nhìn đa dạng hơn.
- Chi phí trong dài hạn đắt hơn Agency
Mặc dù doanh nghiệp sẽ không phải chi ngay một khoản tiền lớn cho chiến dịch như khi thuê Agency. Nhưng nếu tính tổng chi phí trong dài hạn, để vận hành một team In-house sẽ tiêu tốn khá nhiều chi phí của doanh nghiệp như tiền lương, thưởng, các khoản phụ cấp,... hằng tháng.
- Tính chuyên môn hóa không cao và kinh nghiệm hạn chế
Agency có lợi thế về kinh nghiệm khi được làm việc với nhiều nhãn hàng, nhiều chiến dịch đa dạng hơn. Đặc biệt, tại các Agency, mức độ chuyên môn hóa của các nhân sự rất cao, họ đảm nhận từng vị trí riêng biệt và có sự thấu hiểu sâu sắc về từng công cụ marketing. Trong khi đó đội ngũ In-house sẽ bị giới hạn trong phạm vi doanh nghiệp và đôi khi sẽ phải kiêm nhiệm nhiều vị trí.
Làm Marketing Inhouse là làm gì?
Cách thức tổ chức và công việc của In-house Marketing phụ thuộc và từng mô hình và quy mô của doanh nghiệp. Thông thường, bộ phận marketing nội bộ của các tập đoàn lớn sẽ có sự phân hóa nhiệm vụ rõ ràng và được kiểm soát bởi một quy trình chặt chẽ. Còn tại các doanh nghiệp nhỏ, startup, team In-house thường có sự đa nhiệm và linh hoạt hơn.
Trong đó, những công việc chính của một In-house Marketer thường sẽ nằm trong các nhóm công việc sau:
Xây dựng hình ảnh của thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ
Team marketing nội bộ là những người chịu trách nhiệm và ra quyết định về hình ảnh và màu sắc của thương hiệu. Đây là những yếu tố nền tảng cho mọi hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp, cần được nhất quán sử dụng trong dài hạn. Để xây dựng hình ảnh thương hiệu, sản phẩm, team In-house Marketing cần thực hiện một số nhiệm vụ dưới đây:
- Xây dựng bộ nhận diện (logo, màu sắc, hình ảnh,...) thương hiệu
- Xây dựng chiến lược chăm sóc khách hàng tận tâm, chuyên nghiệp
- Thực hiện các hoạt động truyền thông, PR, tham gia các hoạt động xã hội, CSR,...
- Đăng ký các chương trình, giải thưởng nâng cao uy tín thương hiệu
Nghiên cứu và phát triển sản phẩm
Phòng marketing in-house sẽ đảm nhiệm việc nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng. Cụ thể, bạn cần xác định những mối quan tâm của người tiêu dùng, phân tích và dự đoán về những xu hướng mới, lắng nghe phản hồi của khách hàng về thương hiệu,... Từ đó, team in-house sẽ đề xuất những sản phẩm mới hoặc tìm kiếm phương án cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đó.
Thực hiện chiến lược marketing
In-house Marketing sẽ chịu trách nghiệm lên kế hoạch, triển khai chiến dịch marketing và đánh giá hiệu quả của chiến dịch. Quá trình này bao gồm nhiều công đoạn với nhiều nhiệm vụ và chức năng khác nhau, tùy thuộc quy mô của chiến dịch như: email marketing, đăng bài trên mạng xã hội, làm việc với các cơ quan truyền thông báo chí, thiết kế in ấn các biển quảng cáo ngoài trời,... Ngoài ra, marketer cần liên tục theo dõi và đo lường hiệu quả của các kênh truyền thông để đưa ra phương án sửa đổi kịp thời.
Ngày nay, việc triển khai các chiến lược marketing đã trở nên dễ dàng hơn với nhiều nền tảng công nghệ cho phép tự động hóa thực hiện và đo lường chiến dịch như: Tool gửi Email marketing, Chatbot trả lời khách hàng tự động, các công cụ tự động đăng bài trên social media, website,...
Tạo dựng các mối quan hệ
Đội ngũ In-house Marketing đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối và tạo dựng mối quan hệ mật thiết với các bên như: Nhà phân phối, cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan chính quyền,... Những mối quan hệ này sẽ tạo tiền đề cho việc thực hiện các chiến dịch marketing, thúc đẩy bán được thuận lợi và dễ dàng hơn. Đặc biệt là giới báo chí, truyền thông - một trong những kênh có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động PR của thương hiệu.
Lời kết
Nhìn chung, Marketing In-house là một sự lựa chọn phù hợp với những doanh nghiệp đã có định hướng marketing rõ ràng trong dài hạn và mong muốn kiểm soát chặt chẽ các chiến dịch marketing từ nội bộ doanh nghiệp. Hi vọng những thông tin về In-house Marketing là gì trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về mô hình tiếp thị này và đưa ra những lựa chọn hợp lý trong kinh doanh.
Bình luận của bạn