Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm khi tham gia vào công việc hợp tác với các nhãn hàng, nghệ sĩ hay các tổ chức khác, đừng ngần ngại đặt những bước đầu tiên sau khi học hỏi các bài học thực tế.
Dưới đây, Marketing AI sẽ chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác và giúp bạn tìm hiểu về những loại hình hợp tác thương hiệu phù hợp nhất.
Hợp tác thương hiệu là gì và tại sao hợp tác thương hiệu lại quan trọng?
Hợp tác nghĩa là cùng làm việc để tạo ra kết quả chung, nhận lợi ích ngang bằng cho mọi bên. Các thương hiệu có thể tham gia cùng những thương hiệu khác để cùng nhắm tới những đối tượng khán giả mới, thuê một nghệ sĩ, người nổi tiếng để thêm giá trị nghệ thuật cho sản phẩm mới, hoặc để chạy các chiến dịch truyền thông - marketing một cách sáng tạo hơn với một tổ chức từ thiện, ủng hộ những giá trị cộng đồng.
Nếu nhìn hợp tác từ vị trí của thương hiệu, có thể kể ra khá nhiều lợi ích không thể bỏ qua như danh sách dưới đây.
- Mở rộng tệp khách hàng (nhờ truyền thông chéo và khả năng tiếp cận tốt hơn).
- Các sản phẩm và dịch vụ độc quyền hơn và tạo ra nhu cầu cao hơn
- Tăng cười danh tiếng thương hiệu nhờ trợ giúp từ phía hợp tác
- Nhiều khả năng tạo ra làn sóng chú ý, thu hút truyền thông
- Nâng cao doanh số bán hàng
- Giúp sản phẩm dễ nhớ hơn qua những ấn phẩm, sự kiện hợp tác
- Nâng tầm định vị thương hiệu với bên hợp tác
Những ưu điểm trên chưa phải là toàn bộ những lợi ích mà thương hiệu có thể nhận được qua hợp tác thương hiệu. Mỗi một sự hợp tác đều phụ thuộc và quá trình làm việc sáng tạo và nỗ lực chung để đạt được nhiều lợi ích hơn cho đôi bên. Trong đó, mỗi hình thức hợp tác thương hiệu sẽ có những đặc điểm riêng.
Các thương hiệu đã thao túng tâm lý của chúng ta như thế nào?
Thương hiệu hợp tác thương hiệu cùng ngạch
Sự kết hợp giữa các thương hiệu là loại hình hợp tác phổ biến nhất. Hoạt động này có thể bao gồm làm việc với một thương hiệu đối tác về một dòng sản phẩm chung, hợp tác để cung cấp một gói dịch vụ đặc biệt hoặc tạo ra sản phẩm phù hợp với đôi bên.
Hợp tác ở cấp độ thương hiệu thường hướng tới mục đích chính là thu hút tệp khách hàng rộng hơn. Những đối tượng của các chiến dịch này có thể vượt xa tệp khách hàng vốn có của cả hai bên đối tác, giúp mang lại nhiều giá trị độc đáo tới cho người tiêu dùng.
Khi lựa chọn đối tác để hợp tác giữa các thương hiệu, yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc là tệp khách hàng. Khi đối tượng của đối tác quan tâm tới sản phẩm của bạn, câu hỏi quan trọng nhất đã có lời giải đáp.
Trên thực tế, đã có rất nhiều thương hiệu lớn từng bắt tay để cho ra những dòng sản phẩm chung và được công chúng yêu thích. Có thể kể đến Panasonic và Tesla bắt tay xây dựng nhà máy pin, Apple và Nike hợp tác với sản phẩm cảm biến đặt trong giày giúp nghe nhạc phối hợp vận động.
Thương hiệu hợp tác nghệ sĩ
Cái bắt tay giữa các công ty thương mại và nghệ sĩ được đánh giá là một trong những lựa chọn xuất hiện lâu nhất. Trong thực tế có rất nhiều nghệ sĩ từng nổi lên nhờ hợp tác với các hãng thời trang, quay quảng cáo. Các danh họa như Pablo Picasso, Diego Rivera hoặc Salvador Dali cũng từng kết hợp với nhiều doanh nghiệp
Tuy nhiên, phép kết hợp này có những điểm khác biệt đáng kể. Thương hiệu cần mang lại cho đối tượng hợp tác một không gian sáng tạo tự do và sản phẩm cuối cùng được xem như một tác phẩm nghệ thuật.
Nhiệm vụ của thương hiệu là nâng tầm sản phẩm, làm truyền thông, khởi chạy các chiến dịch marketing để sản phẩm đạt được tiếng tăm nhất định. Thông thường, mục tiêu của loại hình hợp tác này là danh tiếng và lợi ích PR.
Một trong những loại hình hợp tác giữa thương hiệu và nghệ sĩ trên thế giới có thể kể đến Snapchat và Jeff Koons cho dự án điêu khắc AR toàn cầu. Hay tại Việt Nam, Tired City là một trong các bên hợp tác với nghệ sĩ tự do để tạo ra các sản phẩm như áo, túi,... từ nghệ thuật độc đáo. Hoặc thương hiệu Tohe in tranh của các bạn họa sĩ nhí là trẻ em thiệt thòi lên các sản phẩm như túi, áo, thiệp,...
Thương hiệu hợp tác thương hiệu đối thủ
Các đối thủ cạnh tranh ít khi nào cùng nhau đứng trên một chiến tuyến. Tuy nhiên, hợp tác thương hiệu có ghi nhận những trường hợp, dù ít, các bên đối thủ này đã bắt tay nhau.
Covid-19 là quãng thời gian đặc biệt và gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng và hầu hết các cửa hàng truyền thống buộc phải đóng cửa kéo dài. Tuy nhiên, rất nhiều nhà bán lẻ có cửa hàng trực tuyến đã chia sẻ kiến thức để các bên khác dễ dàng gia nhập thị trường bán hàng online. Không ít nhà hàng coi dịp này như một cơ hội để tổ chức lễ hội ẩm thực trực tuyến hoặc giao đồ ăn tận nhà như Haidilao hoặc Manwah từng làm trong mùa dịch.
Một trường hợp khác là hợp tác vì mục tiêu đổi mới chung như cái bắt tay giữa Microsoft và Intel từng giúp tạo ra những chiếc máy tính giá cả phải chăng phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Hoặc Vimeo và Youtube từng hợp tác để cho ra mắt tính năng mới xuất bản nội dung xuyên nền tảng.
Thương hiệu hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận
Gen Z được xem là những người đại diện cho nhóm khách hàng mục tiêu mới của các thương hiệu. Nhóm người trẻ này ở Việt Nam và trên thế giới đều có đặc điểm về ý thức xã hội rất khác biệt so với nhóm khách hàng lớn tuổi hơn. Do đó, nhiều nhãn hàng, thương hiệu tích hợp các yếu tố như bảo vệ môi trường, bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội như một cách để lan tỏa giá trị cộng đồng và nhận được sự đồng cảm từ nhóm khách hàng mục tiêu mới.
Loại hình hợp tác cùng các tổ chức phi lợi nhuận hay từ thiện ra đời như một cách để nhắm đến nhiều mục tiêu từ của cá nhân thương hiệu đến đóng góp những thay đổi tích cực cho thế giới, đồng thời kêu gọi những đối tượng trẻ biết quan tâm đến xã hội hơn.
Ví dụ nhãn hàng thức ăn cho mèo nổi tiếng toàn cầu Whiskas từng hợp tác cùng Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới trong một chương trình bảo tồn hổ toàn cầu.
“Đọc vị” màu sắc thương hiệu để chạm đến cảm xúc khách hàng
Thương hiệu hợp tác cùng người có ảnh hưởng trong thị trường ngách
Những người có ảnh hưởng không phải nhân vật quá xa lạ với những thương hiệu bởi tần suất có mặt của họ quá thường xuyên trong các chiến dịch truyền thông - marketing.
Đặc điểm của họ là thường sở hữu một tệp khán giả trung thành và có tính đặc trưng cao đủ để liên kết đến một sản phẩm thuộc thị trường ngách nhất định. Khi hợp tác với họ, thương hiệu có thể nhận lại “sản phẩm” là nội dung mà họ sáng tạo.
Mẫu quảng cáo từ sản phẩm hợp tác giữa diễn viên nổi tiếng Johnny Depp và dòng nước hoa Sauvage của Dior.
Hình thức hợp tác với người có ảnh hưởng khác đa dạng, từ nền tảng đến định dạng nội dung. Ví dụ như một bài đăng trên Instagram của KOL đến một dự án bóng đá đường phố mà Red Bull từng tổ chức, kết hợp với cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Hợp tác với người có ảnh hưởng được xem là loại hình hợp tác dễ dàng, thường thấy mà hiệu quả mang lại phù hợp với nguồn lực bỏ ra. Trong thực tế không thiếu những lần người có ảnh hưởng kết hợp với nhãn hàng như Neymar và Redbull, Cristiano Ronaldo và Shopee,...
Kết
Hợp tác với thương hiệu, nghệ sĩ, tổ chức hay người có ảnh hưởng giống như tương tác giữa những người có chuyên môn, tầm nhìn và cả kinh nghiệm khác nhau. Vì thế mà nỗ lực chung thường hướng đến mang đến cho đối tác mới những kiến thức, hiểu biết và khán giả mới để thúc đẩy ranh giới trong ngành, cao hơn nữa là giải quyết các vấn đề tầm xã hội.
Hiểu đơn giản, việc hợp tác thương hiệu giống như chọn bạn bè. Hãy cẩn thận kiểm tra danh tiếng, kinh nghiệm và độ uy tín của họ nhưng đồng thời nên rộng mở kể cả đôi khi đối tác rất khác biệt so với thương hiệu của bạn. Bởi xét cho cùng, sự đa dạng, những sắc màu mới mẻ chính là điều mà khán giả mong chờ từ những sự hợp tác giữa các bên với nhau.
Tú Cẩm - Marketing AI
Theo The Drum
Bình luận của bạn