cover

Hiệu ứng Domino "dẹp tiệm" của loạt phòng tập gym: Xu hướng thể thao đang thay đổi

09 Thg 10
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Trước quyết định tạm ngừng hoạt động chưa hẹn ngày trở lại của Fit24, có thể thấy thị trường phòng tập gym đang rơi vào cảnh lao đao khi hàng loạt thương hiệu gym nói lời tạm biệt. Nguyên nhân nào đã tạo nên hiệu ứng domino “dẹp tiệm” của loạt phòng tập gym từng hot rần rần một thời này? Cùng theo dõi góc nhìn trong bài viết dưới đây của Marketing AI nhé!

Từ “phát súng” Fit24 tạm ngừng hoạt động…

Fit24 - “con đẻ” của Tập đoàn EuroFit có trụ sở tại Đức nổi tiếng với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thể dục thể thao, bắt đầu chen chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2012. Từng là điểm tập luyện trung thành của hàng trăm gymer, nay thương hiệu này chỉ để lại những thất vọng và bất mãn. 

Thông báo tạm ngừng hoạt động của Fit24

Thông báo tạm ngừng hoạt động của Fit24

Theo đó, mới đây Fit24 thông báo tạm ngừng hoạt động tất cả 5 chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 5/10 với lý do “bất khả kháng ngoài tầm kiểm soát”, đồng thời không đưa ra bất cứ thông tin cụ thể nào về ngày mở cửa trở lại. Điều này đã làm dấy lên bức xúc trong cộng đồng hội viên của Fit24 - những người đã bỏ hàng triệu đồng để mua gói tập theo năm, nay ngậm ngùi nhìn phòng gym đóng cửa, không hẹn ngày mở lại.

….đến bức tranh các chuỗi phòng tập gym lâm cảnh lao đao, hụt hơi trông thấy

Fit24 không phải là cái tên duy nhất có động thái tạm biệt thị trường. Trước đó, Getfit Gym & Yoga – chuỗi phòng gym có tuổi đời 14 năm cũng đóng cửa tất cả chi nhánh từ ngày 4/9 vì "những lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Getfit hiện đã mở cửa trở lại 2/3 cơ sở, nhưng founder chuỗi này nhận định thị trường vẫn còn muôn vàn khó khăn.

Getfit cũng từng thông báo tạm ngừng hoạt động và giờ mới chỉ mở lại được 2/3 cơ sở

Getfit cũng từng thông báo tạm ngừng hoạt động và giờ mới chỉ mở lại được 2/3 cơ sở

Trường hợp của Fit24 hay Getfit Gym không phải cá biệt trong một bức tranh khá ảm đạm của thị trường phòng tập gym thời gian gần đây. Theo khảo sát, nhiều chuỗi phòng gym lớn đã phải thu hẹp quy mô hoạt động trong năm 2023. Điển hình, chuỗi Citi Gym và 25 Fit đã đóng cửa từ một đến hàng chục chi nhánh trên toàn quốc để cắt giảm chi phí vận hành. Diamond Fitness Center, một chuỗi phòng tập cao cấp, cũng đã thu hẹp đáng kể số lượng phòng tập. Bên cạnh đó, tốc độ mở rộng của các “ông lớn” trong ngành đều chậm lại trông thấy. Đơn cử, California Fitness & Yoga, một trong những cái tên máu mặt, chỉ khai trương thêm 2 chi nhánh trong suốt hai năm từ cuối năm 2022 đến 2024. 

Hay Elite Fitness, một chuỗi phòng tập lớn khác, cũng không có bất kỳ sự mở rộng nào trong suốt thời gian qua, với số lượng chi nhánh duy trì ở mức “dậm chân tại chỗ”. Những động thái này cho thấy sự thận trọng của các doanh nghiệp lớn trong việc đầu tư vào thị trường gym khi nhu cầu đang giảm sút.

Lý do nào khiến các phòng gym hoạt động “chững lại”?

#1. Thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi: Các mô hình tập luyện tại nhà và trực tuyến được ưa chuộng hơn

Do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn, khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và ngày càng nhạy cảm hơn với giá cả. Nhiều người không còn sẵn sàng chi trả cho các gói hội viên dài hạn hoặc các dịch vụ cao cấp. Thay vào đó, họ tìm kiếm các lựa chọn tập luyện có giá phải chăng hơn hoặc thậm chí miễn phí thông qua các ứng dụng di động. Đồng thời không chỉ tập trung vào hình thể mà hướng đến việc chăm sóc sức khỏe toàn diện bao gồm yếu tố tinh thần, dinh dưỡng, và lối sống cân bằng. Xu hướng tìm kiếm những dịch vụ kết hợp như yoga, thiền định, chế độ ăn uống lành mạnh, và các lớp tâm lý học được tìm kiếm nhiều hơn.

Nhiều người đã quen với việc tập luyện tại nhà để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đi lại, sự chủ động trong các khung giờ hơn là ở phòng tập. Họ chọn đầu tư vào thiết bị tập luyện cá nhân, chẳng hạn như máy chạy bộ, tạ, hoặc các dụng cụ tập thể dục cơ bản. Theo báo cáo từ Nielsen năm 2021, số người tập luyện tại nhà đã tăng lên gấp đôi so với trước đại dịch, dẫn đến sự giảm sút trong nhu cầu sử dụng các dịch vụ tại phòng tập gym.

Người dùng ưa chuộng các ứng dụng tập luyện trực tuyến tại nhà

Người dùng ưa chuộng các ứng dụng tập luyện trực tuyến tại nhà

Cùng với đó, sự nổi lên của các ứng dụng tập luyện trực tuyến cũng là nhân tố khiến khách hàng không còn “mặn mà” với việc đến phòng gym truyền thống. Báo cáo từ Statista chỉ ra rằng doanh thu từ các nền tảng tập luyện trực tuyến tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 60% trong năm 2023 - con số ấn tượng cho thấy sự ưa chuộng dành cho mô hình này. Người tiêu dùng luôn ưu tiên tính linh hoạt trong lịch trình, thời gian, địa điểm do vậy các nền tảng như Peloton, FitOn cùng với hàng ngàn video hướng dẫn tập luyện trên Youtube dần trở thành người bạn đồng hành để họ tập luyện bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, xu hướng tập luyện cá nhân hóa đang trở thành sự ưu tiên của nhiều khách hàng hiện nay. Mong muốn có những bài tập được thiết kế riêng phù hợp với thể trạng, mục tiêu sức khỏe và thời gian biểu riêng là động lực khiến họ sẵn sàng chi trả để có PT riêng hay coach 1:1. Hình thức tập luyện này có nhiều ưu điểm vượt trội như: giờ giấc linh hoạt, được theo dõi sát sao, thời gian đạt mục tiêu nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây cũng có thể coi là nhân tố tác động khiến phòng tập gym không còn hấp dẫn đối với khách hàng.

#2. Hoạt động thể thao ngoài trời được ưa chuộng với nhiều điểm cộng

Sự gia tăng mạnh mẽ của các môn thể thao ngoài trời đã tạo ra áp lực không hề nhỏ đối với các phòng tập gym tại Việt Nam. Từ tính linh hoạt, chi phí thấp đến việc mang lại tính cộng đồng và lợi ích cho sức khỏe tinh thần, các hoạt động ngoài trời ngày càng thu hút được nhiều người tham gia. 

Người Việt chi 23 tỷ đồng cho Pickleball chỉ trong 1 quý của năm 2024

Người Việt chi 23 tỷ đồng cho Pickleball chỉ trong 1 quý của năm 2024

Pickleball - môn thể thao mới nổi đang làm mưa làm gió suốt thời gian vừa qua là một minh chứng cho sức hấp dẫn ngày càng lớn của các môn thể thao ngoài trời. Theo báo cáo Tổng quan nhóm sản phẩm Pickleball của công ty nghiên cứu thị trường Metric, tổng doanh thu của các sản phẩm liên quan đến Pickleball trên 5 sàn thương mại điện tử lớn trong quý II đã đạt mức 22,7 tỷ đồng, tăng gần 150% so với quý trước đó. Số liệu thống kê cho thấy, gần 150.000 sản phẩm pickleball đã được giao hàng thành công trong quý vừa qua, bao gồm vợt, bóng, giày, và các phụ kiện khác. 

Khách hàng lựa chọn các Pickle ball hay các hoạt động ngoài trời không chỉ để rèn luyện thể chất mà hơn hết còn mong muốn tìm kiếm sự kết nối cộng đồng và động lực tập luyện từ đồng đội - điều mà việc tập luyện ở phòng tập gym không có được

>>> Bạn có thể quan tâm: "Cơn sốt" Pickleball khuynh đảo người chơi thế hệ trẻ và tiềm năng cho các thương hiệu

#3. Chi phí cao và các chương trình khuyến mãi đã quá quen thuộc

Một phòng gym tiêu chuẩn cần diện tích tối thiểu khoảng từ 200-400m² trở lên để có đủ không gian cho máy móc và người tập, đẩy giá thuê dao động từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Chưa kể, mặt bằng các khu vực trung tập hoặc vị trí đắc địa tại các thành phố lớn cũng là một con số không nhỏ. Ngoài ra, chi phí cho nhân viên vận hành (hành chính, bảo vệ, vệ sinh, bảo trì thiết bị) thì các phòng tập gym phải chi một khoản lớn cho đội ngũ huấn luyện chuyên nghiệp. 

Lương của huấn luyện viên cá nhân (personal trainer) và các chuyên gia thể hình thường khá cao để có thể giữ chân nhân viên có trình độ và kinh nghiệm. Trong trường hợp lượng khách “nghèo nàn” và không mấy mặn mà như hiện nay, việc duy trì các phòng tập gym trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Chi phí mặt bằng của các phòng tập thường khá cao

Chi phí mặt bằng của các phòng tập thường khá cao

Các chương trình khuyến mãi đã quá quen thuộc như: giảm giá hội viên 6 tháng hay 1 năm, khuyến mãi vào dịp lễ hay sự kiện đặc biệt, tặng buổi tập miễn phí, giới thiệu bạn bè … đã trở thành chiến lược phổ biến trong ngành gym tại Việt Nam. Hoạt động tiếp thị kém đa dạng với quảng cáo thường chỉ tập trung vào lợi ích của việc tập gym, các video trước và sau khi tập luyện hoặc hình ảnh người mẫu với vẻ đẹp hình thể… Xuất hiện nhan nhản, lặp đi lặp lại, nhiều thành nhàm, các phòng tập gym tại Việt Nam hiện nay đang gặp thách thức trong việc tạo ra các chiến lược tiếp thị sáng tạo và hấp dẫn để giữ chân khách hàng.

Lời kết:

Từ câu chuyện Fit24 tạm ngừng hoạt động có thể thấy thị trường phòng tập gym Việt Nam đang dần hụt hơi rõ rệt. Hiệu ứng domino "dẹp tiệm" của loạt phòng tập gym không chỉ là dấu hiệu của một thời kỳ khó khăn mà còn phản ánh sự thay đổi trong xu hướng thể thao và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng hiện nay.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.