1. Olympic Paris 2024 - Lễ khai mạc thảm họa nhất trong lịch sử?
Biến sông Seine thành nơi biểu diễn thực cảnh, trưng trổ bề dày văn hóa và sự lãng mạn của Pháp là những điều người hâm mộ toàn cầu đã rất mong chờ ở Olympic Paris 2024. Đây cũng là lần đầu tiên lễ khai mạc của một kỳ Thế vận hội được tổ chức bên ngoài không gian của sân vận động. Tuy nhiên, chủ nhà Pháp đã khiến công chúng thất vọng toàn tập với một lễ khai mạc được cho là gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử.
Câu chuyện bắt nguồn từ tiết mục của các nghệ sĩ drag queen trong lễ khai mạc. Cụ thể, trong sân khấu catwalk được dựng trên cầu, có phân cảnh nhiều nghệ sĩ drag queen trong trang phục sặc sỡ xếp hàng dài trên một chiếc bàn, tham dự một bữa tiệc. Nhiều khán giả đã chỉ ra, cách sắp xếp đội hình và tư thế của các drag queen là khung hình mô phỏng theo tác phẩm “Bữa tiệc ly” của đại danh họa Leonardo Da Vinci - một trong những bức ảnh thiêng liêng, được các tín đồ Thiên Chúa Giáo tôn sùng suốt nhiều thế kỷ. Tiết mục của các nghệ sĩ drag queen bị cho xúc phạm tôn giáo. Bên cạnh đó, hàng loạt “hạt sạn” khác không thể chấp nhận được như: BTC đọc sai tên quốc gia, treo cờ ngược,...
Sau những lùm xùm rúng động ấy, video lễ khai mạc Olympic Paris đã “không cánh mà bay” trên kênh YouTube chính thức của Olympic với 12,6 triệu lượt theo dõi. Nhiều clip highlight cũng bị ẩn đi một cách khó hiểu. Chưa dừng lại ở đó, một số thương hiệu cũng bắt đầu rút tài trợ khỏi Olympic Paris vì lo sợ ảnh hưởng đến tên tuổi của mình, trong đó phải kể đến C Spire, công ty viễn thông và công nghệ lớn của Mỹ. Quá thất vọng với cách Paris “chiêu đãi” fan hâm mộ, công chúng nuối tiếc nhìn lại những kỳ Thế vận hội cũ và làm “sống dậy” những lần mở màn mãn nhãn trong lịch sử.
2. Điểm lại lần mở màn mãn nhãn của các kỳ Thế vận hội gần nhất
Trước những tranh cãi chưa có hồi kết về Olympic Paris 2024, cùng nhìn lại một số kỳ Thế vận hội gần đây với những lần “chào sân” mãn nhãn, ghi dấu ấn với khán giả hâm mộ toàn cầu.
Olympic Bắc Kinh 2008
Đã 16 năm trôi qua, nhưng đến tận bây giờ, Olympic Bắc Kinh 2008 vẫn được đông đảo khán giả đánh giá là sở hữu lễ khai mạc Thế Vận hội mùa hè ấn tượng bậc nhất trong lịch sự. Trong đó, tiết mục tốn giấy mực nhất của báo chí quốc tế phải kể đến màn đánh trống của 2008 diễn viên bên 2008 chiếc trống truyền thống của Trung Hoa.
Qua các tiết mục được đầu tư công phu đến từng chi tiết, nước chủ nhà Trung Quốc đã khéo léo quảng bá nền văn hóa đậm đà từ nghệ thuật thư pháp cho tới nghệ thuật múa và trà đạo. Lấy cảm hứng từ đa dạng các chủ đề như "Khổng tử nho giáo", "Chinh phục vũ trụ"… cùng cách thể hiện sáng tạo, tất cả các tiết mục trong buổi lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 đã thể hiện dòng chảy văn hóa xuyên suốt 5.000 năm lịch sử của Trung Quốc.
Được biết, người đứng sau dàn dựng nên toàn bộ Lễ Khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 chính là vị đạo diễn "huyền thoại" Trương Nghệ Mưu - người đã đưa điện ảnh Trung Hoa lên tầm cao mới.
Kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ với sự tham gia của hơn 15.000 diễn viên cùng tổng kinh phí thực hiện hơn 100 triệu USD, lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh đã thu hút hơn 2 tỷ người xem và nhiều năm sau đó, truyền thông quốc tế vẫn đánh giá đây vẫn là lễ khai mạc hoành tráng nhất của Olympic.
Olympic London 2012
Lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng công nghiệp của nước Anh trong những thập niên 50 và 60 của thế kỷ XVII, nước chủ nhà Anh đã mang đến một lễ khai mạc Olympic London 2012 với sự kết hợp mãn nhãn của điện ảnh, âm nhạc và ánh sáng.
Với tên gọi “Những hòn đảo kỳ diệu”- dựa trên câu nói của nhân vật Caliban trong tác phẩm “Giông tố” (The tempest) của đại văn hào Shakespeare, Danny Boyle - đạo diễn bộ phim “Triệu phú khu ổ chuột” nổi tiếng là người dàn dựng và “thai nghén” nên sân khấu đậm chất điện ảnh của Olympic London 2012.
Màn xuất hiện của Nữ hoàng Elizabeth II cùng sự góp mặt của diễn viên James Bond trong bộ phim điệp viên 007 đình đám là một ý tưởng đầy táo bạo. Danh hài Mr Bean, huyền thoại bóng đá David Beckham, tất cả những “tinh hoa” của điện ảnh, thể thao, văn hóa, nghệ thuật nước Anh đều hội tụ để làm nên lễ khai mạc Thế vận hội 2012 đặc sắc và ấn tượng.
Trau chuốt từ ý tưởng đến sáng tạo trong cách thể hiện, lễ khai mạc Olympic London 2012 được đánh giá đã mang bản sắc văn hóa Anh đến gần hơn với công chúng toàn cầu. Lễ khai mạc kéo dài gần 4 giờ đồng hồ với sự tham dự của gần 10.000 người biểu diễn cùng 80.000 khán giả trên sân và hàng tỉ người hâm mộ khắp thế giới. Đây là cũng lễ khai mạc lập kỷ lục về số lượng chính khách đến dự với khoảng 120 vị đến từ các quốc gia.
Olympic Rio 2016
Ghi dấu ấn với bức thông điệp cấp thiết và nhân văn, Olympic Rio 2016 đã mở màn với chủ đề “Sự phát triển của đất nước và con người Brazil”, kêu gọi người dân trên toàn thế giới bảo vệ môi trường và bầu không khí.
SVĐ Maracana tràn ngập trong lụa và ánh sáng với điểm nhấn đó là ngọn đuốc Olympic được cung cấp năng lượng bằng sức gió và cháy sáng trên đài đuốc trong suốt quá trình Thế vận hội diễn ra. Chỉ với riêng chi tiết này, Brazil đã gửi đi thông điệp về bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng hành tinh xanh.
Được lên ý tưởng và dàn dựng trong suốt 5 năm với 300 vũ công, 6.000 diễn viên chuyên nghiệp cùng 5.000 tình nguyện viên tham gia, lễ khai mạc Olympic Rio 2016 được đánh giá là đầu tư công phu và là lễ khai mạc Thế vận hội “xanh nhất” trong lịch sử hiện đại.
Olympic Tokyo 2020
Thế vận hội mùa hè 2012 có lẽ là kỳ Olympic đáng nhớ bậc nhất trong lịch sử khi diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp. Sự kiện bị lùi một năm vì Covid-19, và không đón khán giản vào xem vì lo sợ nguy cơ lây lan. Ngay trong lễ khai mạc, trên sân có sức chứa 80.000 người, chỉ có khoảng 1000 người, là thành viên ban tổ chức, Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC), các quan chức và khoảng 6000 VĐV, HLV tham dự.
Nhưng không vì thế là sức nóng của lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 giảm đi, khi nước chủ nhà đã thể hiện tinh thần thể thao và khát khao chinh phục qua những màn trình diễn ấn tượng trên SVĐ Tokyo. Đây đã là lần thứ hai đất nước mặt trời mọc đăng cai một kỳ Olympic. Sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại được Nhật Bản thể hiện bằng màn trình diễn giới thiệu năm vòng tròn đan xen biểu tượng của Olympic. Được biết, gỗ dùng để làm nên những vòng tròn này được lấy từ cây mà các VĐV quốc tế đến Tokyo dự Thế vận hội 1964 đã gieo mầm.
Nước chủ nhà còn gây ấn tượng mạnh bằng màn trình diễn của 1824 chiếc drones trên bầu trời Tokyo. Cùng với đó, một cơn mưa "những chú chim bồ câu bằng giấy" đã được thả xuống sân Olympic. Kiến tạo một thế giới hoà bình và tốt đẹp hơn thông qua thể thao là thông điệp giàu ý nghĩa nhất của Olympic, cũng là thông điệp mà Nhật Bản muốn gửi tới bạn bè quốc tế đến tranh tài tại Olympic Tokyo 2020.
Những màn khai mạc mãn nhãn thu hút hàng tỷ người xem trên toàn cầu không chỉ góp phần tạo nên một mùa Olympic rực rỡ, mà còn “chiều lòng” các nhà tài trợ - những thương hiệu đã sẵn sàng “rút hầu bao” cả triệu đô để đầu tư cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Một mùa Olympic tích cực cũng tạo nên cái nhìn thiện cảm cho các nhà tài trợ, quảng cáo. Vì vậy không khó để lý giải vì sao nhiều thương hiệu lại sẵn sàng với quay lưng với Olympic Paris 2024 ngay khi lùm xùm xuất hiện. Dù trước đó, họ đã bỏ ra một số tiền không nhỏ.
>>> Xem thêm: Samsung, Nike và các thương hiệu làm rực sáng Thế vận hội Olympic 2024 bằng các chiến dịch ấn tượng
Lời kết:
Điểm lại những lần mở màn mãn nhãn trong lịch sử các kỳ Olympic để thấy được rằng việc tổ chức lễ khai mạc cho một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh không phải là điều đơn giản, khi đòi hỏi đầu tư không ít thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực. Dù không thể ngó lơ trước những lùm xùm của lễ mở màn Olympic Paris, nhưng công tâm mà nói, nước chủ nhà Pháp cũng đã tạo những điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức Olympic Paris. Thế vận hội mùa hè 2024 mới chỉ đang trong những ngày đầu tranh tài, với tinh thần thể thao cao thượng, người hâm mộ toàn cầu hoàn toàn có quyền hy vọng vào một kỳ Olympic thành công cùng những màn thi đấu ấn tượng.
Bình luận của bạn