Với vị thế bá chủ trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số, giờ đây “hào quang” đó của Google có lẽ chỉ còn là dĩ vãng. Trong phiên tòa mới nhất của tòa án liên bang tại Mỹ, Google đã thua kiện đầy đau đớn với phán quyết cuối cùng rằng hãng công nghệ này đã vi phạm quy định về độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm.
Theo đó, phía nguyên đơn cáo buộc Google đã có hành đồng bất hợp pháp như: chi hàng tỷ USD mỗi năm cho Apple và Samsung để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web. Hành động này của Google đã vi phạm Mục 2 của Đạo luật Sherman. Điều khoản này quy định bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp nào độc quyền, cố gắng độc quyền hoặc âm mưu độc quyền bất kỳ phần nào của thương mại hoặc thương mại là bất hợp pháp.
Thẩm phán Amit P. Mehta đứng về phía chính phủ Mỹ, tuyên bố Google đã lạm dụng độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Trong hơn một thập niên qua, những thỏa thuận độc quyền đã giúp Google duy trì thế độc tôn với hơn 300 tỷ USD doanh thu hàng năm, phần lớn đến từ quảng cáo tìm kiếm. Google hiện đang chễm chệ ở vị trí dẫn đầu với 89,2% thị phần dịch vụ tìm kiếm nói chung và lên tới 94,9% trên thiết bị di động.
Theo báo cáo gần đây nhất từ Công ty mẹ Alphabet, mảng tìm kiếm của Google đã tăng trưởng doanh thu 14% so với cùng kỳ năm trước lên đến 48,51 tỷ đô la trong Quý 2 năm 2024. Đây được coi là hành động chèn ép và không hề “fairplay” với các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc bỏ tiền chiếm thế độc quyền cũng giúp Google thu thập nhiều dữ liệu người dùng, giúp “ông trùm” công nghệ chiếm ưu thế tuyệt đối mà không phải đầu tư nâng cao chất lượng.
Theo Reuters, phán quyết lần này sẽ mở đường cho phiên tòa thứ hai nhằm xác định các giải pháp áp dụng cho công ty mẹ Google là Alphabet, trong đó không nằm ngoài khả năng Google có thể bị chia tách thành nhiều công ty nhỏ để đảm bảo tính cạnh tranh. Nếu điều này xảy ra, thị trường tìm kiếm sẽ phải chia lại thị phần bởi suốt nhiều năm qua, Google đã thống lĩnh một vị trí khổng lồ gần như không thể thay thế.
Về phía Google, thương hiệu cho biết sẽ kháng cáo trong thời gian gần nhất. Trong email của Kent Walker, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, ông hoàn toàn né tránh việc nhắc đến Google như một “kẻ độc quyền”. Thay vào đó, Kent Walker khẳng định: "Chúng tôi đánh giá cao phán quyết của Tòa án rằng Google là 'công cụ tìm kiếm chất lượng cao nhất trong ngành, đã mang lại cho Google sự tin tưởng của hàng trăm triệu người dùng hàng ngày', rằng Google 'từ lâu đã là công cụ tìm kiếm tốt nhất, đặc biệt là trên thiết bị di động', 'đã tiếp tục đổi mới trong tìm kiếm' và 'Apple và Mozilla đánh giá chất lượng tìm kiếm của Google vượt trội hơn so với các đối thủ”.
Bộ Tư Pháp và các tiểu bang tại Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện chống độc quyền với mảng kinh doanh tìm kiếm của Google lần đầu vào năm 2020. Phán quyết cho rằng Google nắm giữ độc quyền trong danh mục này được đưa ra sau phiên toà kéo dài 10 tuần vào năm ngoái, trong đó có các lời khai từ nhân sự cấp cao tại Google, Apple và Microsoft, với các thông tin cuối cùng được đưa ra vào tháng 5. Bộ Tư Pháp cũng đang có một vụ kiện riêng liên quan đến cáo buộc của Google với hệ sinh thái công nghệ về quảng cáo. Phiên toà xét xử này dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới.
Các vụ kiện chống độc quyền kép ở Hoa Kỳ là một trong những mối đe dọa lớn nhất với vị thế thống trị công nghệ của Google. Tại EU, Google cũng đang bị điều tra theo một đạo luật mới (Đạo luật về thị trường kỹ thuật số) nhằm mục đích kiểm soát các công ty kỹ thuật số quyền lực nhất từ chính phủ. Apple và Meta cũng đang bị điều tra tương tự.
Áp lực quản lý chặt chẽ hơn đã khiến Google phải thay đổi hướng đi gần đây với các sáng kiến mới của mình. Trong nhiều năm, công ty đã lên kế hoạch loại bỏ cookie của bên thứ 3, một cách thức quảng cáo nhắm theo mục tiêu phổ biến trong trình duyệt web Chrome của mình và thay thế bằng giải pháp mới là Privacy Sandbox. Tuy nhiên, Privacy Sandbox đã chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý khiến Google phải từ bỏ các kế hoạch xoá Cookie khỏi Chrome được thực hiện vào tháng trước.
Hơn cả một vụ kiện tụng của riêng Google, phiên toà này còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Đây được coi là chiến thắng lớn đầu tiên của chính quyền Mỹ trước các “gã khổng lồ” công nghệ từ vụ kiện Microsoft với cáo buộc “ép” người dùng hệ điều hành Windows phải sử dụng trình duyệt Internet Explorer. Qua đó, bật đèn xanh cho các cơ quan chống độc quyền hành động.
>>>Xem thêm: Cố "nhồi nhét" kỹ năng của Gemini AI, Chiến dịch quảng cáo Olympic của Google bị chỉ trích nặng nề
Lời kết:
Giữa lúc các công ty công nghệ khác đang phát triển như vũ bão và uy tín của Google ngày càng giảm sút, rất có thể một lượng lớn người dùng sẽ quay lưng với thương hiệu và tìm kiếm những sự lựa chọn khác. Đòn giáng nặng nề này là một lời cảnh báo để Google có biện pháp điều chỉnh kịp thời và “chơi đẹp” hơn với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Bình luận của bạn