Gamification là gì? Nhận định xu hướng game hóa trong Marketing?

23 Thg 03

Gamification - thuật ngữ tuy lạ mà quen đang dần len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta và đang góp phần cho lĩnh vực Marketing trở nên tương tác và thú vị hơn bao giờ hết. Gamification...

Gamification - thuật ngữ tuy lạ mà quen đang dần len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta và đang góp phần cho lĩnh vực Marketing trở nên tương tác và thú vị hơn bao giờ hết. Gamification là quá trình tích hợp các yếu tố trò chơi vào một hệ thống, sản phẩm hoặc dịch vụ đã có từ trước để thúc đẩy người dùng đạt được nhiệm vụ đề ra. Trong khi đó, Gamification trong marketing có thể hiểu là việc tích hợp các yếu tố trò chơi vào trong một quảng cáo, để tạo ra các quảng cáo có tính tương tác cao hơn. 

Gamification là gì? Nhận định xu hướng game hóa trong Marketing?- Ảnh 1.

Gamification đang ở trong giai đoạn phát triển đỉnh cao với việc mang đến những trải nghiệm phong phú, hấp dẫn và thú vị cho các thương hiệu, giúp khách hàng ghi nhớ tên thương hiệu và đây cũng là lợi thế lớn nhất mà các chiến dịch marketing game hóa được đánh giá cao.

Chiến lược marketing này có thể được sử dụng bởi bất kỳ doanh nghiệp nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào và đây là một trong những cách hiệu quả nhất để các thương hiệu truyền tải thông điệp của họ theo cách sáng tạo đến người dùng. Các thương hiệu có thể triển khai nhiều ý tưởng khác nhau trong chiến lược marketing của họ, chẳng hạn như:

Xây dựng tiêu chuẩn Thành tích: tặng huy hiệu, cấp độ hoặc điểm cho người dùng như một phần thưởng khi họ đạt được một số thành tích nhất định đã được thiết lập từ trước trong hệ thống.

Bảng xếp hạng: người dùng được xếp hạng theo những gì họ thể hiện (performance) trong trò chơi, tạo ra sự cạnh tranh và tăng tỷ lệ tham gia.

Đếm ngược: người chơi được thử thách để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể trong một khoảng thời gian giới hạn (thường là vài giây).

Tiến độ: khách hàng được yêu cầu phải nâng cấp hoặc tạo ra bước tiến triển nhất định trong một hoạt động cụ thể mà nhãn hàng đưa ra, sau đó sẽ có một yếu tố hiển thị tiến trình của họ.

Như bạn đã thấy, việc triển khai gamification trong chiến lược marketing có thể mang lại nhiều lợi thế cho các thương hiệu. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng MarketingAI phân tích 7 lợi ích hàng đầu của việc triển khai gamification trong marketing và giải thích lý do tại sao chúng lại hiệu quả trong thế giới digital đến thế nhé!

>> Xem thêm: Tổng quan thị trường game và app mobile năm 2020 và chiến lược để thành công cho năm 2021

1. Tăng và cải thiện mức độ tương tác của người dùng

Vì người dùng được khuyến khích thực hiện các hành động cụ thể với gamification, nên tỷ lệ tương tác thường cao hơn và tốt hơn so với tỷ lệ đạt được trong các chiến dịch marketing trước đó. Tương tác có thể là bước đầu tiên tạo nên một mối quan hệ lâu dài giữa khách hàng và thương hiệu, nó cũng là nền tảng cho những lợi ích tiếp theo mà một chiến dịch game hóa có thể nhận được.

2. Giúp tăng độ nhận diện và lòng trung thành thương hiệu 

Phải thừa nhận rằng, lượng người sử dụng smartphone ngày càng tăng đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp game trở nên phổ biến hơn. Đồng thời, sự phong phú của các thiết bị di động đã giúp thúc đẩy khả năng tiếp cận của Gamification trong Marketing cũng như làm Marketing trở nên phong phú hơn.

Việc tích hợp Gamification trong Marketing không chỉ mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị hơn trước, giúp họ giải trí, tạo niềm vui mà còn giúp họ hiểu hơn về sản phẩm, thậm chí có thêm cơ hội được nhận quà, trao thưởng. Tất cả những điều đó giúp cho khách hàng nhớ tên thương hiệu trong tâm trí lâu hơn, vì vậy, một trò chơi mang đậm bản sắc thương hiệu sẽ luôn là tài sản quý giá cho doanh nghiệp của bạn. 

Vì Gamification có thể gắn kết tình cảm giữa thương hiệu và khách hàng, nên nó cũng có khả năng giúp tăng lòng trung thành của khách hàng theo thời gian, thay vì tạo ra những khách hàng thờ ơ hoặc chủ động rời bỏ. Theo một công bố gần đây do Gallup thực hiện, những khách hàng gắn bó với thương hiệu sẽ đại diện cho “mức phí bảo hiểm trung bình 23% về tỷ trọng ví tiền, khả năng sinh lời, doanh thu và tăng trưởng mối quan hệ so với khách hàng trung bình”. Điều này đặc biệt đúng đối với các ngành như ngân hàng bán lẻ (retail banking), điện tử tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn và bảo hiểm.

3. Giúp thu thập dữ liệu khách hàng hữu ích

Dữ liệu có lẽ là một trong những tài sản quý giá nhất đối với các doanh nghiệp ngày nay. Kết hợp với hệ thống công nghệ AI, IoT và máy học hiện đại, phức tạp, cơ sở dữ liệu khổng lồ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp những công cụ cần thiết để nhắm mục tiêu đến những khách hàng tốt nhất, với các đề xuất phù hợp, vào những thời gian và địa điểm tốt nhất có thể. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu đó không phải lúc nào cũng dễ dàng và đây là lúc mà việc tích hợp gamification vào trong marketing để tạo ra những trải nghiệm giải trí vui vẻ phát huy tác dụng. Khi bạn có thể mang đến cho khách hàng những giờ phút vui vẻ hoặc thậm chí là cơ hội giành được giải thưởng hoặc một phần quà nào đó, họ có thể sẵn sàng cung cấp cho bạn những dữ liệu tiềm năng hơn, sau đó bạn có thể sử dụng dữ liệu này để hiểu hơn về đối tượng mục tiêu của mình .

4. Tăng tỷ lệ chuyển đổi

Việc tương tác với các yếu tố gamification trong sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu giúp đẩy khả năng phản hồi CTA của khách hàng cao hơn so với khi tương tác với các loại hình banner ads truyền thống, hoặc bất kỳ phương pháp marketing nào giúp người dùng giành được phần thưởng mà thương hiệu đã gắn vào trải nghiệm tương tác. Điều này suy cho cùng sẽ giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi của thương hiệu.

Ví dụ: hãy tưởng tượng rằng bạn cung cấp cho người dùng ưu đãi 20% khi hoàn thành một bài kiểm tra tương tác nhanh trên website của thương hiệu, người dùng sẽ có khả năng dùng ưu đãi đó cho lần mua hàng tiếp theo tại cửa hàng hoặc trang thương mại điện tử của thương hiệu. Như vậy, tỷ lệ chuyển đổi cũng theo đó mà tăng. 

5. Làm cho các chương trình khuyến mãi trở nên thú vị hơn

Hành vi của người tiêu dùng đa phần sẽ dựa vào cảm tính hơn là lý trí. Thông thường, với cùng một offer hoặc sản phẩm của thương hiệu, người dùng có thể hiểu nó theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh và hoàn cảnh mà thương hiệu tiếp cận đến họ. 

Ví dụ: họ có thể bỏ qua và không click vào các banner chứa quảng cáo giảm giá 10% trong những giờ tiếp theo, nhưng lại cảm thấy vô cùng hứng thú với các trò chơi tương tác vượt cấp của thương hiệu để nhận được mức ưu đãi y hệt là 10% sau khi vượt qua 3 cấp độ. 

Sự khác biệt này là do cảm xúc mà khách hàng có được khi trải nghiệm cả 2 tương tác trên. So với nhấp vào quảng cáo và nhận ưu đãi, việc chơi game để nhận ưu đãi giúp khách hàng cảm thấy thỏa mãn và có cảm giác thành tựu hơn. Rằng chính họ đã tự tay “kiếm được” các ưu đãi, chính họ đã “chiến đấu” để giành được nó, nên họ sẽ có những đánh giá khác biệt so với các trải nghiệm còn lại.

6. Educate khách hàng bằng các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn

Gamification Marketing là một cách thú vị và đơn giản giúp các thương hiệu giải thích rõ ràng những lợi ích và đặc điểm của sản phẩm/ dịch vụ mà họ cung cấp, qua đó giúp “educate” người dùng hiệu quả hơn. Đó là những gì mà agency Appetite đã làm với sản phẩm sữa vừa mới ra mắt gần đây của hãng sữa Emmi, mang tên Emmi Good Day, với đặc điểm là giúp giảm 60% lượng đường trong sữa.

Appetite đã sáng tạo ra một game đơn giản mang tên Fall game, trong đó người dùng cần lấy sữa và tránh chạm vào các viên đường để tích lũy điểm. Thông qua trò chơi này, Emmi đã giới thiệu thành công tới người dùng công thức mới lành mạnh hơn cho loại đồ uống mới ra mắt của họ.

7. Giúp tương tác với khách hàng thường xuyên hơn

Đối với các thương hiệu nói chung, mục tiêu cuối cùng của việc quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ bằng các quảng cáo trên trang web hay ứng dụng là thu hút và tạo ra những khách hàng mới. Bước đầu tiên cần làm là thu hút sự chú ý của khán giả và khuyến khích họ tương tác với các loại hình quảng cáo. Thông thường, các quảng cáo banner hoặc pop-up thường bị từ chối hoặc bỏ qua vì người dùng cảm thấy mệt mỏi mỗi khi thấy hành trình của mình bị gián đoạn bởi các quảng cáo không được kiểm tra kỹ càng. Trong trường hợp như vậy, việc tích hợp trò chơi vào trong quảng cáo và truyền tải thông điệp marketing thông qua các trò chơi thú vị và dễ chơi sẽ giúp thương hiệu tiếp cận tốt hơn với người dùng mới và tăng khả năng chuyển đổi leads thành khách hàng chỉ sau một vài bước.

Tuy nhiên, Gamification cũng có một vài nhược điểm cần quan tâm

Việc gamification marketing giúp tăng độ nhận diện kỹ thuật số, tăng mức độ tương tác và tương tác với khách hàng cũng như thu thập các dữ liệu mà bình thường doanh nghiệp khó có được không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, có một số điều bạn cần lưu ý trước khi tiến hành một dự án gamification cho thương hiệu của mình.

Trước hết, để làm game hay thì cần phải có óc sáng tạo lớn. Việc tạo các trò chơi cơ bản, chẳng hạn như các câu đố (quizz) hoặc bài kiểm tra (test) đơn giản rất dễ dàng, nhưng công bằng mà nói người dùng sẽ không thích những trải nghiệm này lắm và không chắc là họ có tiến hành bước tiếp theo không nếu được giới thiệu chơi một trong những loại game này. Do đó, các thương hiệu có thể cân nhắc đến việc nghe tư vấn từ một agency có kinh nghiệm bên ngoài, để thiết kế và phát triển các trò chơi mang tính educate cao, thực sự thú vị và đã được chứng minh sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng.

Quá trình này thường tiêu tốn của thương hiệu 2 thứ: thời gian và tiền bạc. Phát triển các game mang tính educate cao thường tốn thời gian hơn so với tạo các clip hướng dẫn truyền thống. Mỗi bước trong quá trình thiết kế, từ giải thích khái niệm cho các bên liên quan của dự án, thiết kế và phát triển, đến cuối cùng là thử nghiệm trò chơi đều tiêu tốn đến vài giờ làm việc của các developers, nhà thiết kế đồ họa và thiết kế website có tay nghề cao.

Đặc biệt, nếu trò chơi của bạn cần đến yếu tố âm nhạc và nhiều loại hiệu ứng âm thanh, ảnh, video hoặc thậm chí các yếu tố hoạt hình được cá nhân hóa để làm phong phú thêm trải nghiệm người dùng thì sẽ làm tăng chi phí (cả về thời gian, tiền bạc hoặc cả hai) để làm ra. 

Một số ví dụ thú vị về các chiến dịch gamification marketing

Starbucks

Đối với các chuỗi cửa hàng cafe như Starbucks, việc tặng các voucher và coupon cho khách hàng vào mỗi dịp ưu đãi đã không còn quá xa lạ với người dùng. Nó cũng dễ dàng như việc đánh dấu số lần khách hàng sử dụng sản phẩm trong các thẻ khách hàng thân thiết, để họ có thể nhận được phần quà tặng miễn phí sau 10 lần sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của thương hiệu vậy. Điều này không có gì sai nhưng trải nghiệm thì có vẻ chưa được thú vị lắm. Agency Appetite tin rằng, bên cạnh việc tặng cho khách hàng các voucher và coupon giảm giá, thương hiệu cũng nên cố gắng tạo ra các trải nghiệm trong quá trình tặng các phần quà này để tạo ra liên kết trở lại với việc mua hàng. Đó cũng là lý do tại sao Appetite đã phát triển riêng một game cho chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks để thu hút khách hàng.

Cụ thể, game mà Appetite tạo ra cho Starbuck có tên là “Flip the Cup”, trong đó người dùng dùng một tay để thực hiện một nhiệm vụ khó khăn nhưng không phải là không thể làm được, đó là lật cốc và trả cốc lại vị trí cũ trên một cái bệ. Với mỗi lần thực hiện thành công, khách hàng sẽ có 10 điểm, và nếu vượt qua 30 điểm, họ sẽ nhận được một voucher từ phía Starbucks. Kết quả cho thấy, trải nghiệm này đã tăng mức độ tương tác của khách hàng với thương hiệu lên 90% và số lượng tải xuống voucher đã vượt 110%.

Unibet

Là một trong những “nhà cái” nổi bật trong ngành cá cược thể thao và sòng bạc trực tuyến siêu cạnh tranh, Unibet phải đối mặt với thách thức trong việc tạo ra sự khác biệt giữa dịch vụ của họ với các nền tảng khác như William Hill, 888Holdings,... Mục tiêu của Unibet là gia tăng độ nhận diện thương hiệu và thúc đẩy lượt tải ứng dụng di động của họ. Và để giải quyết vấn đề này, Appetite đã sáng tạo ra một game bóng đá trên di động với 7 ngôn ngữ khác nhau có khả năng tương tác và tạo hứng khởi cao, với việc người dùng trở thành nhân vật chính của trò chơi, chính là các cầu thủ. Game của Appetite được thể theo một tựa game bóng đá rất nổi tiếng trên thế giới, các cầu thủ sẽ có 60 giây để tâng bóng bằng đầu trước khi làm rơi bóng. Số điểm giành được sẽ được tính theo số lần tâng được bóng. Và nếu số điểm đó vượt qua yêu cầu của trò chơi, họ sẽ kiếm được khoản tiền thưởng £5 dưới hình thức đặt cược miễn phí trên Unibet. 

Ferrero

Là một trong những thương hiệu hàng đầu của Ferrero, các sản phẩm của Kinder nhận được sự yêu thích của người dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tham vọng của Ferrero là vô cùng rộng lớn và họ muốn nâng tầm nhận diện cho 2 dòng sản phẩm của Kinder là Kinder MaxiKinder Bueno. Và Appetite đã phát triển một chiến lược để đạt được những mục tiêu này.

Appetite đã cho ra mắt hai tựa game và kết hợp chúng trong quảng cáo banner gamification, nhằm mang đến một trải nghiệm thương hiệu thú vị, hấp dẫn và đơn giản hơn cho các khán giả. Trong game đầu tiên, người chơi là một thanh socola Kinder có thể chạy và nhảy để thu thập các thanh Kinder Maxi. Còn trong game thứ 2, người chơi di chuyển sang trái và phải ở cuối màn hình để thu thập các thanh socola Kinder Bueno. Tuy nhiên, người chơi cần phải cẩn thận và không nhặt nhầm các thanh sôcôla, nếu không, người chơi sẽ mất mạng.

Gamification là gì? Nhận định xu hướng game hóa trong Marketing?- Ảnh 2.Trò chơi cho sản phẩm Kinder Bueno - Người chơi di chuyển từ trái sang phải để đỡ các thanh Kinder Bueno và giành điểm (Ảnh: Appetite)

Chiến dịch đã thành công vang dội khi Ferrero đã đạt được mục tiêu của mình khi tỷ lệ tương tác với quảng cáo tăng vọt trên nhiều quốc gia, mang đến cho người dùng những khoảnh khắc tuyệt vời và thú vị gắn với thương hiệu.

Tạm kết

Như vậy, dù có một vài nhược điểm, nhưng như bạn đã thấy, Gamification Marketing vẫn có đủ lý do để trở thành một trong những xu hướng quan trọng trong chiến lược digital của bất kỳ thương hiệu nào trong lĩnh vực nào. Nó giúp thúc đẩy tương tác của người dùng với quảng cáo của thương hiệu, giúp nhiều người biết đến thương hiệu của bạn hơn và quan trọng nhất, giúp mang đến cho người dùng khoảnh khắc trải nghiệm tuyệt vời. Điều này làm tăng cơ hội biến khách hàng thành những khách hàng trung thành, cải thiện doanh thu và cơ hội bán hàng.

Tô Linh - MarketingAI

Theo The Drum

>> Có thể bạn quan tâm:  Xu hướng Digital Marketing 2021: Thời hoàng kim của Marketing Số kết hợp

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.