- 1. Apple dẫn đầu bảng xếp hạng thương hiệu sáng tạo nhất năm 2025 từ Warc
- 2. L’Oréal thu hồi kem trị mụn nổi tiếng Effaclar Duo của La Roche-Posay tại Mỹ do lo ngại chứa chất gây ung thư
- 3. Katinat bán đồ ăn, mở rộng thực đơn với các món như mì Ý, burrito…
- 4. Shopee, TikTokShop,... đồng loạt tăng phí, hoa hồng, nhà bán hàng “than trời” lấy công làm lãi
1. Apple dẫn đầu bảng xếp hạng thương hiệu sáng tạo nhất năm 2025 từ Warc
Ngày 11/3/2025, WARC công bố danh sách Creative 100, bảng xếp hạng vinh danh các thương hiệu sáng tạo hàng đầu thế giới. Bảng xếp hạng này được tổng hợp dựa trên thành tích từ các giải thưởng sáng tạo quan trọng toàn cầu và khu vực trong năm 2024.
Ở hạng mục “Top 10 thương hiệu sáng tạo nhất”, Apple đã có một bước nhảy vọt ngoạn mục, từ vị trí thứ 18 vào năm 2022 lên ngôi đầu bảng vào năm 2025. Thành công này đến từ loạt chiến dịch ấn tượng của hãng, trong đó “Fuzzy Feelings” và “Shot on iPhone – Little Garlic” đều góp mặt trong danh sách 100 chiến dịch sáng tạo nhất năm. Chia sẻ về thành tích này, ông Tor Myhren, Phó Chủ tịch Truyền thông Tiếp thị của Apple, cho biết: “Chúng tôi tự hào khi được công nhận là thương hiệu sáng tạo hàng đầu thế giới. Apple luôn đặt sản phẩm làm trung tâm và kể những câu chuyện đầy cảm hứng xoay quanh nó”.

Apple dẫn đầu bảng xếp hạng thương hiệu sáng tạo nhất năm 2025 từ Warc
Bên cạnh Apple, Heineken cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi vươn lên vị trí thứ 2 từ hạng 5 năm trước. Heinz giữ vị trí thứ 3, trong khi Renault, Mastercard và Netflix đều có sự thăng tiến đáng kể. Đặc biệt, Coca-Cola – thương hiệu từng vắng mặt từ năm 2022 – đã chính thức trở lại đường đua, lọt vào Top 10 năm nay.
2. L’Oréal thu hồi kem trị mụn nổi tiếng Effaclar Duo của La Roche-Posay tại Mỹ do lo ngại chứa chất gây ung thư
L’Oréal SA vừa thông báo thu hồi toàn bộ sản phẩm Effaclar Duo – dòng kem trị mụn nổi tiếng của thương hiệu La Roche-Posay – tại thị trường Mỹ. Quyết định này được đưa ra sau khi phát hiện nguy cơ nhiễm benzen, một hợp chất có khả năng gây ung thư.

L’Oréal thu hồi kem trị mụn Effaclar Duo của La Roche-Posay tại Mỹ do lo ngại chứa chất gây ung thư
Effaclar Duo, vốn được quảng bá là phương pháp trị mụn hiệu quả với khả năng cải thiện tình trạng da chỉ sau 3 ngày, có giá bán 35,99 USD (tương đương khoảng 917.000 VNĐ). Sản phẩm chứa benzoyl peroxide – hoạt chất kháng khuẩn phổ biến trong điều trị mụn. Tuy nhiên, trong một số điều kiện nhất định, benzoyl peroxide có thể phân hủy và sinh ra benzen. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cảnh báo rằng tiếp xúc với benzen ở liều lượng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
Mặc dù chỉ phát hiện một lượng nhỏ benzen trong một lô hàng, L’Oréal vẫn quyết định thu hồi toàn bộ sản phẩm nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Công ty đang hợp tác chặt chẽ với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời, L’Oréal cũng tiết lộ đã phát triển công thức cải tiến từ năm 2024 và dự kiến sẽ sớm ra mắt sản phẩm thay thế trong thời gian tới.
3. Katinat bán đồ ăn, mở rộng thực đơn với các món như mì Ý, burrito…
Mới đây, fanpage chính thức của Katinat thông báo khai trương Katinat Kitchen, đánh dấu sự mở rộng của thương hiệu ra ngoài lĩnh vực đồ uống. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng trải nghiệm khách hàng và tối ưu doanh thu.
Khởi động cho Katinat Kitchen là bốn món ăn mới: salad gà, mì Ý tomyum, burrito bò và burrito gà. Tuy nhiên, Katinat hiện chỉ thử nghiệm thực đơn này tại ba cửa hàng ở TP.HCM: Katinat Bến Bạch Đằng, Katinat Xuân Thủy và Katinat 158 Đồng Khởi.

Katinat bán đồ ăn, mở rộng thực đơn với các món như mì Ý, burrito…
Việc bổ sung thực phẩm vào menu không chỉ giúp khách hàng có thêm lựa chọn mà còn kéo dài thời gian trải nghiệm tại quán, từ đó tăng giá trị đơn hàng. Đây cũng là chiến lược đã được các chuỗi lớn như Starbucks và Highlands Coffee áp dụng thành công. Dù vậy, việc tích hợp bếp trong mô hình chuyên về đồ uống không phải là điều dễ dàng. Điều này đòi hỏi Katinat phải tinh chỉnh quy trình vận hành để đảm bảo hiệu suất phục vụ.
Thành lập từ năm 2016, Katinat đã có một hành trình phát triển ấn tượng. Đến cuối năm 2021, thương hiệu chỉ sở hữu 10 cửa hàng tập trung tại quận 1 và quận 3 (TP.HCM). Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 tháng, số lượng cửa hàng đã tăng gấp 3 lần, đạt 33 điểm bán vào tháng 7/2022, với những vị trí đắc địa.
Theo dữ liệu mới nhất, Katinat hiện sở hữu hơn 90 cửa hàng tại 15 tỉnh thành, chiếm 1,35% thị phần chuỗi đồ uống tại Việt Nam. Doanh thu năm 2023 của chuỗi đạt gần 470 tỷ đồng (theo Vietdata). Đáng chú ý, Katinat còn là chuỗi đồ uống được quan tâm nhiều nhất trên mạng xã hội trong quý III/2024 (theo YouNet Media), vượt qua cả Highlands Coffee.
4. Shopee, TikTokShop,... đồng loạt tăng phí, hoa hồng, nhà bán hàng “than trời” lấy công làm lãi
Từ ngày 1/4, Shopee và TikTok Shop – hai nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam – sẽ đồng loạt điều chỉnh chính sách phí, tạo ra những tác động đáng kể đối với cộng đồng nhà bán hàng. Theo thông báo từ Shopee, một số ngành hàng sẽ phải chịu mức phí cố định cao hơn, lên tới 10%. Đáng chú ý, hoa hồng đối với các mặt hàng như phụ kiện điện tử, đồng hồ và vali sẽ tăng lên 9% trên doanh thu, cao gấp ba lần so với trước đây.
Ngoài ra, danh mục sản phẩm mẹ và bé cũng được điều chỉnh từ 4% lên 9,5%, trong khi một số mặt hàng khác tăng từ 4% lên 10%. Theo đại diện Shopee, việc điều chỉnh phí nhằm tối ưu lợi nhuận, duy trì hệ sinh thái và đầu tư vào các dịch vụ hỗ trợ người bán. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh online, đây có thể là một thách thức lớn khi biên lợi nhuận vốn đã mỏng và thị trường ngày càng cạnh tranh.

Ảnh : Shopee
Bên cạnh việc tăng hoa hồng, Shopee cũng quyết định loại bỏ gói Freeship Extra của người bán. Điều này đồng nghĩa với việc những nhà bán hàng không muốn trả phí vận chuyển cho Shopee sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi họ buộc phải chi thêm 5-6% cho sàn. Trước đây, mức phí của gói Freeship Extra chỉ tương đương 6% giá trị đơn hàng và không vượt quá 50.000 đồng. Tuy nhiên, với cách tính mới, khoản phí này không còn bị giới hạn, khiến các đơn hàng có giá trị cao phải gánh thêm chi phí đáng kể.

Thông tin về chính sách phí mới khiến cộng đồng nhà bán hàng, KOL và KOC lao đao
Không chỉ Shopee, TikTok Shop cũng nâng mức hoa hồng thêm 1%, đưa tổng phí cố định trên sàn lên mức 9-13%, tùy theo mặt hàng. Trong khi đó, Lazada cũng đã điều chỉnh mức chiết khấu từ đầu tháng 2. Sàn này tăng phí cố định từ 3% lên 4%, đồng thời giảm giá gói Freeship xuống còn 6% giá trị đơn hàng. Tuy nhiên, người mua gói này sẽ không còn được miễn phí cố định.
Thông tin về chính sách phí mới ngay lập tức gây xôn xao trong cộng đồng nhà bán hàng, KOL và KOC. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều chủ cửa hàng bày tỏ lo ngại rằng chi phí gia tăng sẽ buộc họ phải điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, việc tăng giá lại tiềm ẩn nguy cơ mất khách hàng.
Trong các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trên Facebook, không ít người than thở rằng với mức phí mới, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử chẳng khác nào "làm không công". Nếu tăng giá để bù đắp chi phí, khách hàng có thể rời đi, nhưng nếu giữ nguyên giá, lợi nhuận gần như bằng không. Điều này khiến nhiều nhà bán hàng rơi vào thế khó, buộc họ phải tìm cách tối ưu vận hành hoặc thậm chí cân nhắc rời bỏ các nền tảng này để tìm kiếm kênh bán hàng thay thế.
>>> Đọc thêm: ĐẦU TUẦN ĐỌC GÌ: Samsung trở thành nhà quảng cáo của năm, bão tẩy chay Baby Three khiến nhiều người bán lao đao
Bình luận của bạn