- 1. Bảng xếp hạng 50 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2025: Apple giữ vững “ngôi vương”, NVIDIA tăng trưởng mạnh mẽ nhất
- 2. Grab dự tính vay 2 tỷ USD để mua lại công ty mẹ Gojek
- 3. Chagee, Luckin Coffee tham vọng bành trướng tại thị trường F&B Mỹ
- 4. ChatGPT gây ấn tượng với tính năng ghép ảnh chân thực đến bất ngờ
1. Bảng xếp hạng 50 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2025: Apple giữ vững “ngôi vương”, NVIDIA tăng trưởng mạnh mẽ nhất
Theo báo cáo Brand Finance Global 500 năm 2025, danh sách 50 thương hiệu hàng đầu thế giới tiếp tục cho thấy sự thống trị của các nền kinh tế lớn. Các quốc gia có nhiều thương hiệu giá trị nhất bao gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh và Pháp.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Apple tiếp tục giữ vững vị trí thương hiệu giá trị nhất thế giới với mức định giá 574,4 tỷ USD. Một điểm đáng chú ý là lần đầu tiên, nhà sản xuất chip NVIDIA lọt vào top 10 nhờ mức tăng trưởng vượt bậc, với giá trị thương hiệu tăng 98% so với năm trước, trở thành thương hiệu có tốc độ tăng giá trị mạnh mẽ nhất. Ở chiều ngược lại, Starbucks và Tesla là hai thương hiệu suy giảm nhiều nhất trong năm qua, với mức giảm lần lượt 36% và 26%.

Apple giữ vững “ngôi vương”, NVIDIA tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng
Xét theo quốc gia, Mỹ vẫn là nền kinh tế sở hữu nhiều thương hiệu giá trị nhất với 27 đại diện góp mặt trong top 50. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai với 10 thương hiệu, trong khi Đức xếp thứ ba với 5 thương hiệu có mặt trong danh sách.
Để đưa ra danh sách này, Brand Finance đánh giá giá trị thương hiệu dựa trên mức lợi nhuận mà thương hiệu tạo ra cho công ty, bao gồm cả các công ty con. Các yếu tố như sở hữu trí tuệ và đầu tư vào nghiên cứu & phát triển (R&D) cũng được tính toán. Theo báo cáo, tổng giá trị thương hiệu toàn cầu đã đạt mức 80 nghìn tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.
2. Grab dự tính vay 2 tỷ USD để mua lại công ty mẹ Gojek
Thông tin mới nhất khiến thị trường xe công nghệ chao đảo đến từ vị trí Grab khi “ông lớn” này đang lên kế hoạch huy động 2 tỷ USD nhằm thực hiện thương vụ thâu tóm công ty mẹ của Gojek. Theo Bloomberg, các nguồn tin thân cận tiết lộ rằng Grab đang trong quá trình đàm phán với các tổ chức tài chính để vay khoản tiền này nhằm hỗ trợ kế hoạch mua lại GoTo – đối thủ cạnh tranh có trụ sở tại Indonesia.
Khoản vay dự kiến sẽ có thời hạn khoảng 12 tháng, nhưng các cuộc thương lượng với các ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn đầu và các điều khoản có thể thay đổi. Hiện tại, cả Grab và GoTo đều chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.

Grab đang trong quá trình đàm phán với các tổ chức tài chính để vay khoản tiền này nhằm mua lại GoTo
Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh thị trường mua bán & sáp nhập (M&A) tại châu Á đang trở nên sôi động hơn. Xu hướng này không chỉ mở rộng nguồn tài chính cho các thương vụ lớn mà còn thúc đẩy sự phục hồi của thị trường cho vay trong khu vực, vốn đã trải qua ba năm suy giảm và được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại vào năm 2025.
Hoạt động huy động vốn để hỗ trợ các thương vụ M&A đang ngày càng phổ biến trong khu vực. Gần đây, Blackstone đã hợp tác với Citigroup để tìm kiếm ít nhất 200 triệu USD nhằm mua lại trung tâm thương mại South City Mall tại Kolkata, Ấn Độ. Trong khi đó, Advent International đang trong quá trình huy động khoảng 300 triệu USD để mua lại một mảng kinh doanh của nhà sản xuất kính áp tròng Ginko International tại Trung Quốc.

Kế hoạch vẫn phụ thuộc vào việc liệu Grab có thể hoàn tất quá trình mua lại GoTo hay không.
Động thái gọi vốn của Grab cho thấy thương vụ mua lại GoTo đang có tiến triển sau thời gian dài cân nhắc. Hiện tại, công ty đang tiến hành thẩm định và đàm phán về cấu trúc thương vụ có giá trị lên tới 7 tỷ USD. Ngoài khoản vay cầu nối, Grab cũng đang xem xét phương án phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn cổ phần để hỗ trợ thương vụ này. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn phụ thuộc vào việc liệu Grab có thể hoàn tất quá trình mua lại GoTo hay không.
3. Chagee, Luckin Coffee tham vọng bành trướng tại thị trường F&B Mỹ
Mới đây, chuỗi trà sữa Trung Quốc Chagee đã chính thức nộp hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào ngày 25/3 vừa qua, với kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq dưới mã cổ phiếu CHA. Động thái này diễn ra trong bối cảnh công ty chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên tại Mỹ, dự kiến khai trương vào mùa xuân năm nay tại trung tâm thương mại Westfield Century City, Los Angeles.

Chagee dự kiến khai trương cửa hàng đầu tiên tại Mỹ vào mùa xuân năm nay
Được thành lập vào năm 2017, Chagee đã nhanh chóng mở rộng với hơn 6.400 cửa hàng tại Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Thái Lan tính đến cuối năm 2024. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Junjie Zhang cho biết ý tưởng xây dựng Chagee lấy cảm hứng từ thành công của các chuỗi cà phê quốc tế như Starbucks, với mong muốn hiện đại hóa văn hóa thưởng trà. Theo định hướng phát triển của mình, Chagee đặt tham vọng phục vụ khách hàng tại 100 quốc gia, tạo ra 300.000 việc làm trên toàn cầu và đạt sản lượng 15 tỷ cốc trà tươi mỗi năm.
Nếu thương vụ IPO tại Mỹ thành công, Chagee sẽ trở thành một trong số ít các công ty Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia. Theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc, số lượng công ty Trung Quốc niêm yết trên ba sàn giao dịch lớn nhất của Mỹ đã giảm 5% từ tháng 1/2023 đến tháng 1/2024. Trước những trở ngại này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch IPO tại Mỹ. Điển hình, Shein hiện đang cân nhắc niêm yết tại London (Anh) thay vì Mỹ, sau khi gặp sự phản đối từ các nhà lập pháp nước này.

Luckin Coffee dự định khai trương cửa hàng đầu tiên tại New York, tập trung vào mô hình cà phê giá rẻ
Không chỉ có Chagee, một thương hiệu đồ uống Trung Quốc khác - Luckin Coffee, cũng đang lên kế hoạch mở rộng sang thị trường Mỹ. Theo Forbes, công ty dự định khai trương cửa hàng đầu tiên tại New York, tập trung vào mô hình cà phê giá rẻ với mức giá chỉ từ 2-3 USD. Luckin hướng đến đối tượng khách hàng là sinh viên và khách du lịch Trung Quốc tại các thành phố lớn của Mỹ.
Mặc dù từng sở hữu tốc độ phát triển thần tốc, vượt qua số lượng cửa hàng Starbucks tại Trung Quốc chỉ trong vòng hai năm và niêm yết thành công trên sàn Nasdaq, Luckin Coffee đã vướng vào một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất khi công ty bị phát hiện gian lận doanh thu vào năm 2020. Tuy nhiên, sau quá trình cải tổ, loại bỏ các lãnh đạo liên quan đến vụ bê bối, Luckin Coffee đã lấy lại đà tăng trưởng. Hiện tại, công ty vượt qua Starbucks để trở thành nhà bán lẻ cà phê lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số. Đồng thời, thương hiệu cũng đang mở rộng ra thị trường quốc tế với các cửa hàng mới tại Singapore, Hong Kong và Malaysia.
Việc Chagee và Luckin Coffee cùng mở rộng ra thị trường Mỹ và quốc tế cho thấy sức hút ngày càng lớn của ngành đồ uống Trung Quốc. Tuy nhiên, với những thách thức từ chính sách và môi trường kinh doanh, việc hai thương hiệu này có thể thành công tại Mỹ hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.
>>> Đọc thêm: Chagee thách thức "ông lớn" Starbucks với chiến lược Cluster
4. ChatGPT gây ấn tượng với tính năng ghép ảnh chân thực đến bất ngờ
OpenAI vừa công bố tính năng Images in ChatGPT, cho phép người dùng tạo ảnh trực tiếp ngay trong chatbot bằng sức mạnh của mô hình GPT-4o. Đây là bước tiến lớn so với công cụ trước đó, khi ChatGPT chỉ hỗ trợ tạo ảnh qua DALL·E với nhiều hạn chế, bao gồm giới hạn ba ảnh miễn phí mỗi ngày. Phiên bản mới này sẽ có mặt trên cả bản miễn phí lẫn các gói Plus, Pro và Team.

OpenAI vừa công bố Images in ChatGPT, cho phép người dùng tạo ảnh trực tiếp ngay trong chatbot
Ngay khi tính năng này được phát hành vào ngày 26/3, người dùng trên mạng xã hội đã nhanh chóng thử nghiệm và tỏ ra bất ngờ trước chất lượng hình ảnh. The Verge dẫn lời Gabriel Goh, trưởng nhóm nghiên cứu OpenAI, cho biết bước đột phá lớn nhất của công cụ này là khả năng "Binding", tức đảm bảo sự chính xác giữa các thuộc tính hình ảnh. Ví dụ, nếu yêu cầu một ngôi sao xanh và một tam giác đỏ, nhiều mô hình AI cũ có thể nhầm lẫn, tạo ra một ngôi sao đỏ và bỏ qua hình tam giác. Tuy nhiên, với GPT-4o, ChatGPT có thể liên kết chính xác đến 15-20 đối tượng trong một ảnh mà không gây sai sót.
Ngoài ra, công cụ này còn cải thiện khả năng hiển thị văn bản trong hình ảnh, giúp tạo ra chữ rõ ràng, không bị méo mó – một vấn đề mà các trình tạo ảnh AI trước đây thường gặp phải. Đặc biệt, thay vì sử dụng phương pháp mô hình khuếch tán phổ biến, ChatGPT tạo ảnh bằng hồi quy tự động, tức xử lý từng phần từ trái sang phải, trên xuống dưới – tương tự như cách viết văn bản. Điều này giúp hình ảnh kết xuất chính xác hơn, đặc biệt trong các trường hợp phức tạp như sơ đồ khoa học, truyện tranh nhiều khung, hoặc logo có nền trong suốt.

ChatGPT mất nhiều thời gian hơn để tạo ảnh so với các mô hình khác nhưng kết quả lại chân thực hơn
Tuy nhiên, so với các mô hình khác, ChatGPT mất nhiều thời gian hơn để tạo ảnh. Jackie Shannon, giám đốc sản phẩm đa phương thức của OpenAI, cho biết: "Chúng tôi biết thời gian chờ có thể lâu hơn, nhưng chất lượng đầu ra thực sự xứng đáng với sự đánh đổi này."
Về vấn đề ảnh giả mạo và nội dung không phù hợp cũng được OpenAI đặc biệt quan tâm. Images in ChatGPT tích hợp bộ lọc mạnh mẽ, tự động từ chối các yêu cầu tạo deepfake khiêu dâm hoặc nội dung lừa đảo. "Không có hệ thống nào hoàn hảo, nhưng chúng tôi liên tục cải tiến để đảm bảo an toàn và minh bạch cho người dùng," Shannon khẳng định.
Có thể thấy, với sự cải tiến đáng kể về chất lượng hình ảnh, khả năng kiểm soát nội dung và độ chính xác, OpenAI đang đặt ra tiêu chuẩn mới cho công nghệ tạo ảnh AI.
>>> Xem thêm: ĐẦU TUẦN ĐỌC GÌ: Concert ATVNCG xác lập kỷ lục Guiness, Lipton "gây bão" khi thông báo khai tử vị đào huyền thoại
Bình luận của bạn