cover

ĐIỂM TIN TUẦN: “Chill Guy” thành trend được giới trẻ hưởng ứng, Michelin dùng vỏ trấu làm lốp xe

29 Thg 11
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Cùng Marketing AI điểm lại những tin tức hấp dẫn trong tuần qua!

1. Trend “Chill Guy” hot rần rần MXH và nguồn gốc thực sự phía sau

Mạng xã hội vừa qua tràn ngập status nhắc đến cụm từ “chill guy” - những cô nàng, anh chàng thư giãn. Chỉ sau vài ngày, hashtag “chill guy” nhanh chóng gây sốt với với hơn 250 nghìn bài đăng trên TikTok và trở thành trend thu hút GenZ thời điểm cuối năm 2024 này.

"Chill guy' bỗng nổi lên thành meme được giới trẻ chia sẻ rần rần

"Chill guy' bỗng nổi lên thành meme được giới trẻ chia sẻ rần rần

Công thức chung cho trend “chill guy” là nếu bản thân gặp một vấn đề, sự việc khó khăn nhưng bạn vẫn giữ được trạng thái không quan tâm, tỏ ra không sao hoặc vẫn thấy thoải mái, nhẹ nhàng vì bản thân là một người thư giãn. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa thực sự phía sau của “chill guy” là gì mà được giới trẻ tích cực lăng xê đến vậy?

Công thức "chill guy" xoay quanh thái độ không quan tâm trước những khó khăn trong cuộc sống

Công thức "chill guy" xoay quanh thái độ không quan tâm trước những khó khăn trong cuộc sống

Thực chất “chill guy” là meme một chú chó màu nâu, mặc áo len xám, quần jeans xanh và đi giày thể thao đỏ, đang cười mỉm và đút tay túi quần với vẻ mặt rất thư giãn. Tác giả của chú chó này là họa sỹ Philip Banks - người đã tạo ra và đăng tải lên trên Instagram vào tháng 10/2023 với dòng mô tả: “Đây là Chill guy, anh ấy là một người không nổi tiếng và không quan tâm đến bất kỳ điều gì cả”. Dù được đăng tải từ năm ngoái, nhưng “chill guy” chỉ thực sự bùng nổ trên mạng xã hội vào khoảng tháng 11/2024 khi được nhiều người dùng sử dụng để trở thành biểu tượng (meme) cho sự lạc quan, bình tĩnh trước mọi khó khăn.

“Chill Guy” nổi lên thành trend được giới trẻ tích cực hưởng ứng

Về Việt Nam, "chill guy" được dịch ra là những anh chàng/cô nàng thư giãn

Về Việt Nam, trend này được dịch sang tiếng Việt là “cô gái thư giãn, chàng trai thư giãn”. Ngoài việc bám sát nghĩa gốc, cách dịch này còn đơn giản, hài hước mà thể hiện đúng tinh thần “thư giãn” mà meme muốn truyền tải. Cộng đồng mạng đánh giá đây là một meme tích cực, nhắc nhở mọi người bĩnh tĩnh trước khó khăn sóng gió và lựa chọn một thái độ sống bình thản. Cơn sốt meme “chill guy” cũng phản ánh mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần và cân bằng giữa công việc và cuộc sống của GenZ.

2. TikTok chặn người dùng dưới 18 tuổi sử dụng filter làm đẹp do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần

Theo thông báo mới nhất của TikTok tại Châu Âu, trong những tuần tới, người dùng dưới 18 tuổi sẽ bị cấm sử dụng các hiệu ứng thay đổi đường nét trên gương mặt như chỉnh to mắt, làm đầy môi, làm mịn hoặc thay đổi tông màu da. Quyết định này của TikTok sẽ được thi hành tại 13 quốc gia châu Âu. Đồng thời, công ty cũng sẽ thực hiện thay đổi này đối với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi trên toàn cầu trong các tháng tới.

Tiktok chặn filter đối với người dùng dưới 18 tuổi

Tiktok chặn filter đối với người dùng dưới 18 tuổi

Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng các “filter” thể hiện tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế, gây áp lực và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của thanh thiếu niên, đặc biệt là các bé gái. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng các bộ lọc làm đẹp quá mức dẫn đến tình trạng tự ti về ngoại hình, thậm chí là trầm cảm ở thanh thiếu niên. Một số người dùng chia sẻ rằng sau khi sử dụng các filter làm đẹp, họ cảm thấy không còn tự tin với vẻ ngoài thật của mình.

"Filter" phản ánh chuẩn mức sắc đẹp không thực tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ vị thành niên

"Filter" phản ánh chuẩn mức sắc đẹp không thực tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ vị thành niên

Bà Christine Grahn, người đứng đầu chính sách công cộng Châu Âu của TikTok, cho biết trên LinkedIn: "Bằng cách nuôi dưỡng tinh thần chân thực, sự tôn trọng, chúng ta có thể tạo ra một thế giới kỹ thuật số nơi mọi người được trao quyền để sống với con người thật của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi từ cộng đồng của mình, hợp tác với các chuyên gia và cố gắng làm tốt hơn nữa. Nếu người dùng không cảm thấy an toàn, họ sẽ không thể hiện con người thật của mình trên TikTok và nền tảng này sẽ không còn như cũ".

Bên cạnh đó, TikTok cũng đang siết chặt các biện pháp để ngăn chặn người dùng dưới 13 tuổi truy cập nền tảng, nhằm tuân thủ các quy định về bảo vệ trẻ em trên Internet và kế hoạch này sẽ bắt đầu thử nghiệm điều này ở Vương quốc Anh trong thời gian tới.

3. Zalo vượt mặt 3 nền tảng hàng đầu Facebook, TikTok và Google về lượng người dùng tại Việt Nam

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử 2024. Đáng chú ý, Bộ khẳng định Zalo đã vượt qua 3 nền tảng xuyên biên giới hàng đầu là Facebook, TikTok và Google. Theo báo cáo của Bộ TTTT, Zalo có 76,5 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, tính đến 30/06/2024. Con số này đã vượt qua cả 3 nền tảng xuyên biên giới phổ biến nhất bao gồm Facebook (72 triệu), YouTube (63 triệu) và TikTok (67 triệu).

Với khoảng 110 triệu tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước, Zalo chiếm tới gần 70% thị trường với khoảng 77.6 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng (Báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2024 do VNG công bố). Trước đó vào Quý III, Zalo cũng đã được ghi nhận là nền tảng nhắn tin số 1 tại Việt Nam về tỷ lệ sử dụng và mức độ yêu thích theo Báo cáo "The Connected Consumer" của Decision Lab.

Zalo vượt mặt các nền tảng xuyên biên giới hàng đầu như Facebook, TikTok, Googles

Zalo vượt mặt các nền tảng xuyên biên giới hàng đầu như Facebook, TikTok, Googles

Nền tảng này cũng xếp top 1 về tỉ lệ yêu thích của người dùng với 57%, nối dài chuỗi thành tích quý thứ 16 liên tiếp Zalo đạt thứ hạng nền tảng nhắn tin được yêu thích nhất kể từ năm 2020 - thời điểm chuyển mình khi Zalo vượt Facebook Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tin số 1 Việt Nam.

Pepsi x Zalo mang đến hơn 100 triệu AI Avatar cho người dùng

Pepsi x Zalo mang đến hơn 100 triệu AI Avatar cho người dùng

Chưa dừng lại ở đó, 2024 tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét của Zalo các sản phẩm AI có ứng dụng thương mại hóa cao. Đặc biệt phải kể đến công nghệ GenAI - từng giúp Pepsi tạo ra chiến dịch quảng bá thành công vào dịp Tết 2024 với hơn 100 triệu AI Avatar cá nhân hóa cho người dùng Zalo. Cũng chính công nghệ đột phá này đã mang về cho Zalo giải thưởng danh giá ở hạng mục 'Enabling Technology Company of the Year' tại lễ trao giải MMA Smarties 2024 vừa qua. Qua đó, có thể thấy những nỗ lực không ngừng của Zalo nhằm nâng cao nhu cầu giải trí, phục vụ công việc và hỗ trợ kinh doanh của người dùng.

4. Michelin và sáng kiến làm lốp xe từ vỏ trấu

Với định hướng phát triển bền vững, ngày càng nhiều càng thương hiệu đưa chất liệu tái chế vào quy trình sản xuất của mình. Trong đó, không thể không nhắc đến Michelin với việc sử dụng vỏ trấu để làm lốp xe. Từ một phụ phẩm trong sản xuất gạo quen thuộc của đời sống người Việt, Michelin đã khám phá ra thành phần silica trong vỏ trấu (thường chiếm tỷ lệ 15-20%) - nguyên liệu được dùng cho hỗn hợp cao su để tạo nên lốp ô tô. 

Trấu được sử dụng làm lốp xe

Trấu được sử dụng làm lốp xe

Trước đây, silica thường được lấy từ cát. Tuy nhiên, theo ông Manuel Fafian, Chủ tịch Michelin khu vực châu Á - châu Đại Dương, hãng đang chuyển đổi dần sang lấy silica từ vỏ trấu thay vì từ cát, một phần cũng bởi sự giới hạn của cát và nguồn cung dồi dào vỏ trấu từ các quốc gia châu Á. Hiện Michelin thu mua trấu từ Trung Quốc và trong tương lai gần, hãng này sẽ tiến tới sử dụng cả trấu từ Thái Lan - đất nước ở vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu lúa gạo.

Khi được hỏi về tiềm năng cung cấp trấu từ Việt Nam - thị trường bám đuổi sát sao với Thái Lan về sản lượng lúa gạo. Đại diện của Michelin chia sẻ rằng: “Chúng tôi hiện mua cao su tự nhiên trực tiếp từ 2 triệu nông dân. Việc thu mua là rất phức tạp. Chúng tôi muốn làm việc trực tiếp với người nông dân để thu mua các loại nguyên liệu tự nhiên đó, và cũng để đảm bảo rằng họ làm điều đó theo một cách bền vững nhất. Nếu thị trường Việt Nam đáp ứng được yêu cầu đó, chúng tôi hoàn toàn có thể cân nhắc thu mua trấu từ nước bạn”.

Các loại vật liệu sinh học, tái chế được Michelin sử dụng để làm lốp xe

Các loại vật liệu sinh học, tái chế được Michelin sử dụng để làm lốp xe

Việc chuyển hướng sang vật liệu tái chế để sản xuất lốp xe cho thấy nỗ lực của Michelin trong việc giảm thiểu những tác động của mình đối với môi trường. Các hoạt động như sử dụng nguyên vật liệu sinh học, tái chế cùng những thay đổi về công nghệ của Michelin ở lốp xe sẽ góp phần giúp giảm năng lượng tiêu thụ của xe, qua đó giúp giảm chi phí sử dụng xe. Theo công bố của Michelin, hiện tại, lốp xe thương mại của hãng đã đạt tới tỷ lệ 30% vật liệu sinh học, tái chế. Con số này dự kiến tăng lên 40% vào năm 2030 và 100% vào năm 2025. Nguyên liệu trấu đã được Michelin sử dụng từ năm 2023 trong quá trình sản xuất lốp xe.

Chia sẻ về lý do chuyển đổi sang vật liệu tái chế, ông Cyrille Roget, Giám đốc Khoa học và Đổi mới Sáng tạo của Michelin chia sẻ: “Tại sao chúng tôi phải hành động ngay trong quá trình chuyển đổi vật liệu làm lốp mà không chờ tới 2050 - thời điểm mà tất cả các nguồn năng lượng chuyển sang tái tạo? Đó là bởi chúng ta đang có rất nhiều vật liệu cần phải thay đổi, và việc thay đổi một loại vật liệu mất rất nhiều thời gian, có thể mất tới 10 năm. Cho nên, đừng chần chừ. Với khâu sản xuất, vận chuyển và kho bãi cũng vậy”

>>> Xem thêm: Hieuthuhai trở thành CEO của hãng kem Celano, Ẩm thực Việt được Grab tôn vinh trên Quảng trường Thời Đại

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.