- 1. Facebook mở đường cho người dùng kiếm tiền từ Stories, chi mạnh tay để thu hút creator từ TikTok
- 2. Chagee bị kêu gọi tẩy chay khi xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò và mô tả Lăng Bác là chỗ ở của người Pháp và vua Bảo Đại
- 3. Hãng thời trang nhanh Forever 21 nộp đơn phá sản, chấm dứt hoạt động tại Mỹ
- 4. Tập đoàn Fintech Unlimit chính thức công bố Simu Liu là Đại sứ Thương hiệu Toàn cầu
1. Facebook mở đường cho người dùng kiếm tiền từ Stories, chi mạnh tay để thu hút creator từ TikTok
Facebook tiếp tục đẩy mạnh chương trình kiếm tiền từ nội dung với tính năng mới, cho phép creator nhận thu nhập từ lượt xem trên Stories công khai. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng hệ sinh thái sáng tạo, đặc biệt nhắm đến việc thu hút creator từ TikTok. Với cập nhật này, người dùng tham gia chương trình Kiếm tiền từ nội dung (Content Monetization) có thể kiếm thu nhập từ Stories. Những video ngắn, công thức nấu ăn hay khoảnh khắc đời thường không chỉ là nội dung giải trí mà còn mang lại thu nhập cho creator.

Facebook mở đường cho người dùng kiếm tiền từ Stories, cạnh tranh trực tiếp với Tiktok
Facebook nhấn mạnh rằng khoản thanh toán dựa trên hiệu suất nội dung, thay vì yêu cầu số lượt xem tối thiểu. Để tham gia, creator cần đảm bảo nội dung gốc, tuân thủ chính sách nền tảng và tài khoản thuộc quốc gia được hỗ trợ. Nếu đủ điều kiện, họ có thể kích hoạt tính năng kiếm tiền qua Meta Business Suite, thiết lập phương thức thanh toán và theo dõi thu nhập từ nội dung công khai.
Trong năm 2024, hàng triệu creator đã được mời tham gia chương trình. Facebook công bố vào tháng 10/2024 rằng họ đã chi hơn 2 tỷ USD cho nhà sáng tạo nội dung trong năm, với thu nhập từ Reels và video ngắn tăng trên 80%. Từ khi khởi động chương trình kiếm tiền vào năm 2017, nền tảng này đã trả thưởng cho hơn 4 triệu creator.
Không chỉ mở rộng chương trình kiếm tiền, Facebook còn đưa ra các khoản tiền thưởng hấp dẫn để thu hút creator từ TikTok. Theo thông báo đầu năm 2024, những creator đủ điều kiện có thể nhận thưởng lên đến 5.000 USD (hơn 120 triệu đồng) trong ba tháng nếu đăng Reels trên Facebook và Instagram.
Bên cạnh đó, Facebook cải tiến Reels để tăng tính cạnh tranh. Instagram kéo dài thời lượng tối đa của Reels từ 90 giây lên 3 phút, giúp thu hẹp khoảng cách với TikTok. Đồng thời, Facebook đẩy mạnh hiển thị Reels trên bảng tin và tìm kiếm, giúp creator tiếp cận khán giả tốt hơn.
Một thay đổi đáng chú ý khác là Facebook cho phép creator hiển thị tài khoản TikTok, Instagram hoặc YouTube cùng số lượng người theo dõi ngay trên hồ sơ Facebook. Điều này giúp họ duy trì danh tiếng khi mở rộng sang nền tảng mới mà không phải từ bỏ nền tảng cũ.
Ngoài ra, Meta chuẩn bị ra mắt ứng dụng chỉnh sửa video mới có tên "Edits", được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với CapCut của TikTok, hứa hẹn cung cấp thêm công cụ hỗ trợ cho creator trong hệ sinh thái Facebook.
2. Chagee bị kêu gọi tẩy chay khi xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò và mô tả Lăng Bác là chỗ ở của người Pháp và vua Bảo Đại
Sau lùm xùm liên quan đến hình ảnh "đường lưỡi bò", thương hiệu trà sữa Chagee một lần nữa khiến dư luận phẫn nộ khi có mô tả sai lệch về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể, sự việc được phát hiện khi tài khoản Facebook Binbin Do chia sẻ một bài viết gây xôn xao cộng đồng mạng. Theo bài đăng, một người bạn của chủ tài khoản đã đến cửa hàng Chagee tại Malaysia để thưởng thức trà sữa và nhận được một túi quà khuyến mãi, trên đó in hình ảnh đại diện của các quốc gia Đông Nam Á. Khi mở túi ra, khách hàng này bất ngờ nhận thấy hình ảnh in trên túi chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói là phần chú thích trên hình ảnh lại ghi "Grand Palace" và mô tả đây là nơi ở của người Pháp và vua Bảo Đại. Thông tin này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và gây phẫn nộ trong cộng đồng, khi nhiều người cho rằng đây là hành vi xuyên tạc lịch sử không thể chấp nhận được.

Chagee gây phẫn nộ khi mô tả Lăng Bác là chỗ ở của người Pháp và vua Bảo Đại
Trước đó, vào tối ngày 14/3, Chagee cũng vướng phải làn sóng tẩy chay mạnh mẽ khi ứng dụng di động của hãng hiển thị một bản đồ có hình dáng tương tự "đường lưỡi bò" vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Ngay sau khi thông tin này lan rộng, nhiều bài đăng kêu gọi tẩy chay Chagee xuất hiện trên các trang mạng xã hội, mặc dù thương hiệu này vẫn chưa chính thức khai trương tại Việt Nam.
Trước áp lực từ dư luận, Chagee Việt Nam đã nhanh chóng gỡ bỏ ứng dụng có chứa hình ảnh vi phạm trên Google Play Store và App Store. Tuy nhiên, hãng vẫn chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn chính thức nào về vụ việc này. Nhiều người dùng mạng xã hội đã kịp chụp lại màn hình bản đồ vi phạm và tiếp tục lan truyền rộng rãi, làm gia tăng làn sóng phản đối đối với thương hiệu này.

Trước đó, Chagee gây tranh cãi khi hiển thị bản đồ 'đường lưỡi bò'
Chagee, tên tiếng Trung là Bá Vương Trà Cơ, được thành lập vào năm 2017 tại Thượng Hải bởi Zhang Junjie. Nhờ vào hương vị trà sữa đặc trưng kết hợp với văn hóa trà truyền thống Trung Quốc, thương hiệu này nhanh chóng mở rộng và đến năm 2024, đã có hơn 5.000 cửa hàng hoạt động trên toàn khu vực Đông Á. Tuy nhiên, những lùm xùm liên quan đến các vấn đề nhạy cảm đang khiến thương hiệu này gặp nhiều trở ngại khi gia nhập thị trường Việt Nam.
3. Hãng thời trang nhanh Forever 21 nộp đơn phá sản, chấm dứt hoạt động tại Mỹ
Forever 21, thương hiệu thời trang từng được giới trẻ yêu thích nhờ các sản phẩm giá rẻ và hợp xu hướng, đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại bang Delaware, Mỹ. Theo hồ sơ tòa án, công ty sở hữu tài sản từ 100 triệu đến 500 triệu USD nhưng gánh khoản nợ khổng lồ từ 1 tỷ đến 10 tỷ USD. Trong thông cáo báo chí, Forever 21 xác nhận chấm dứt hoạt động tại Mỹ trong khi tìm kiếm đối tác mua lại toàn bộ hoặc một phần tài sản.

Hãng thời trang nhanh Forever 21 nộp đơn phá sản, chấm dứt hoạt động tại Mỹ
Đây không phải lần đầu tiên thương hiệu này đối mặt với khủng hoảng. Trước đó, vào năm 2019, Forever 21 đã từng phá sản, khiến hàng trăm cửa hàng phải đóng cửa và các chủ nợ khó có cơ hội thu hồi vốn. Hiện tại, theo thông tin trên trang web chính thức, thương hiệu vẫn còn hơn 540 cửa hàng hoạt động trên toàn cầu.
Sau lần phá sản đầu tiên, Forever 21 được mua lại bởi một nhóm nhà đầu tư gồm Simon Property Group, Brookfield Corp. và Authentic Brands thông qua liên doanh Sparc Group. Đầu năm nay, Sparc đã sáp nhập với JCPenney để thành lập Catalyst Brands, đồng thời tuyên bố sẽ xem xét các phương án chiến lược cho tương lai của Forever 21.
Việc phá sản của Forever 21 phản ánh những thách thức chung mà ngành bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt. Lạm phát cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho thời trang, trong khi xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển đã làm suy giảm doanh số tại các trung tâm thương mại – nơi từng là thị trường chủ lực của thương hiệu này.
Đáng chú ý, các cửa hàng Forever 21 bên ngoài nước Mỹ do các đối tác nhượng quyền vận hành nên không bị ảnh hưởng bởi quyết định phá sản lần này.
4. Tập đoàn Fintech Unlimit chính thức công bố Simu Liu là Đại sứ Thương hiệu Toàn cầu
Mới đây, Unlimit - tập đoàn fintech hàng đầu thế giới - chính thức giới thiệu diễn viên, nhà sản xuất và doanh nhân Simu Liu trong vai trò Đại sứ Thương hiệu Toàn cầu đầu tiên của công ty.
Simu Liu, ngôi sao nổi tiếng với vai diễn Shang-Chi trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà còn là một doanh nhân sắc sảo. Anh là cựu sinh viên ngành kinh doanh, đồng thời giữ vị trí Giám đốc Nội dung tại công ty thực phẩm MiLa. Trong lần hợp tác này, Simu Liu sẽ dẫn dắt chiến dịch quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Unlimit, xuất hiện trong một quảng cáo sáng tạo lấy bối cảnh hậu trường của một dự án điện ảnh.

Ngôi sao nổi tiếng với vai diễn Shang-Chi trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel trở thành Đại sứ của Unlimit
Theo đó, quảng cáo chính thức ra mắt trực tuyến vào ngày 3/3/2025 trên các thị trường APAC, EMEA, Vương quốc Anh và LATAM. Đây là bước khởi đầu cho sự hợp tác chiến lược giữa Unlimit và Simu Liu. Sau đó, chiến dịch sẽ tiếp tục mở rộng trên nhiều kênh kỹ thuật số khác nhau trong suốt năm 2025.
Trong đoạn phim quảng cáo do Paradox House Creative thực hiện, Simu Liu đưa khán giả khám phá các giai đoạn sản xuất điện ảnh, qua đó thể hiện vai trò quan trọng của sự linh hoạt trong việc đưa ra quyết định chính xác để đạt được thành công. Câu chuyện không chỉ phản ánh sự năng động trong ngành giải trí mà còn làm nổi bật cách Unlimit giúp doanh nghiệp trên toàn cầu vượt qua rào cản thanh toán nhờ hệ thống hạ tầng tiên tiến và danh mục hơn 1.000 phương thức thanh toán.
Với sự chỉ đạo của đạo diễn Joachim Back - người từng đoạt giải Oscar năm 2010, đội ngũ sản xuất còn có sự tham gia của các chuyên gia sáng tạo hàng đầu như Alex Chang, Merlin Merton, Kristina Tywoniuk và Mike Jones, những người đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình từ ý tưởng, sản xuất đến hậu kỳ.
Chia sẻ về vai trò mới, Simu Liu bày tỏ sự hào hứng: "Tầm nhìn của Unlimit về việc xóa bỏ mọi ranh giới tài chính đã ngay lập tức thu hút tôi. Tôi rất vui khi được hợp tác với Unlimit - công ty đã hỗ trợ thành công nhiều doanh nghiệp suốt 15 năm qua - để cùng nhau truyền tải thông điệp này đến khán giả toàn cầu.”
Trong khi đó, CEO và người sáng lập Unlimit, Kirill Eves nói, “Chiến dịch này nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc tiếp tục phát triển dòng sản phẩm và dịch vụ thanh toán của mình trên toàn cầu để chúng tôi luôn là đối tác đáng tin cậy và sự lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực, trên toàn cầu”.
>>> Đọc thêm: ĐIỂM TIN TUẦN: Katinat bán đồ ăn; Shopee, TikTokShop đồng loạt tăng phí
Bình luận của bạn