cover

Bí quyết đăng chéo (Crossposting) tối ưu nội dung trên các nền tảng mạng xã hội 2025

29 Thg 03
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội mang lại giá trị to lớn cho các thương hiệu và nhà sáng tạo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mỗi một kênh phải có nội dung chuyên biệt. Trên thực tế, nhiều brands thành công có bí quyết chung là đăng chéo nội dung trên các nền tảng để tối ưu hóa hiệu quả. Dữ liệu từ nền tảng quản lý truyền thông xã hội hàng đầu - Buffer cho thấy 59% bài đăng của Buffer được chia sẻ trên nhiều hơn một nền tảng mạng xã hội, cho thấy đây là một chiến lược phổ biến và được sử dụng rộng rãi.

Crossposting ( Đăng chéo) là một giải pháp lý tưởng cho các nhà sáng tạo bận rộn và doanh nghiệp nhỏ, giúp duy trì sự hiện diện tích cực trên mạng xã hội mà không bị quá tải lượng công việc. Thay vì tạo nội dung mới hoàn toàn cho từng nền tảng, bạn có thể điều chỉnh và chia sẻ nội dung một cách linh hoạt. Ví dụ, một Reel hấp dẫn trên Instagram có thể được chuyển thành video TikTok, hoặc một chuỗi bài đăng trên X có thể được biến thành bài viết trên LinkedIn. Vậy đăng chéo thực sự là gì? Và tại sao nên đăng chéo trên mạng xã hội? Bài viết này sẽ chính là câu trả lời.

Crossposting là gì?

Crossposting (Đăng chéo) có thể hiểu là việc chia sẻ cùng một nội dung (hoặc nội dung tương tự) trên nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau. Ví dụ, một nhà sáng tạo đăng video của mình trên Instagram Reels và cũng chia sẻ nó trên TikTok. Dù là cùng một nội dung, nhưng video vẫn có khả năng thu hút tương tác trên cả hai nền tảng.

Điều tuyệt vời nhất về crossposting là không cần phải sao chép thủ công. Nhà sáng tạo có thể tận dụng các tính năng tích hợp sẵn hỗ trợ đăng chéo giữa các nền tảng (như giữa Facebook, Instagram và Threads của Meta) hoặc sử dụng công cụ quản lý mạng xã hội như Buffer để tạo nội dung một lần và chia sẻ nó trên tất cả các kênh mà khán giả của bạn đang hoạt động.

Crossposting là việc chia sẻ cùng một nội dung trên nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau.

Crossposting là việc chia sẻ cùng một nội dung trên nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau.

Lý do nhà sáng tạo nên lựa chọn đăng chéo trên đa nền tảng

Với hơn một nửa số bài đăng trên Buffer được chia sẻ trên nhiều nền tảng, có thể thấy rằng đăng chéo là một chiến lược quan trọng đối với nhiều thương hiệu và nhà sáng tạo, xuất phát từ nhiều lợi ích mà hình thức này mang lại:

Xây dựng sự hiện diện vững chắc trên mạng xã hội

Việc duy trì hoạt động trên nhiều nền tảng mạng xã hội giúp thương hiệu và nhà sáng tạo mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng độ nhận diện. Dù không cần xuất hiện trên tất cả các nền tảng, việc duy trì sự hiện diện trên hai hoặc ba kênh có thể giúp bạn xây dựng một cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, mạng xã hội không ngừng thay đổi. Nếu chỉ phụ thuộc vào một nền tảng, bạn có thể gặp rủi ro khi thuật toán hoặc chính sách thay đổi. Đăng chéo giúp nội dung tiếp cận nhiều đối tượng hơn và đảm bảo không "bỏ tất cả trứng vào một giỏ".

Tiết kiệm thời gian và công sức

Đối với những nhà sáng tạo bận rộn và các doanh nghiệp nhỏ, việc quản lý nhiều tài khoản mạng xã hội có thể là một thách thức. Trong trường hợp đó, đăng chéo chính là giải pháp cứu cánh giúp duy trì tần suất đăng bài ổn định mà không cần tạo nội dung mới hoàn toàn cho từng nền tảng.

Bằng việc đăng chéo một cách chiến lược, bạn có thể tập trung vào việc sản xuất nội dung chất lượng mà không bị áp lực về mặt số lượng. Ví dụ, một video teaser giới thiệu sản phẩm mới có thể được chia sẻ trên Instagram Reels, TikTok và YouTube Shorts chỉ bằng cách điều chỉnh caption và hashtag phù hợp với từng nền tảng.

Mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng tương tác

Khán giả của bạn có thể hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau, nhưng không phải ai cũng theo dõi bạn trên tất cả. Do đó, đăng chéo nội dung là cách hữu hiệu để tăng khả năng thông điệp của bạn đến được với họ ở nơi họ hoạt động thường xuyên nhất. Ngay cả trong trường hợp một người theo dõi bạn trên nhiều kênh, họ có thể bỏ lỡ bài đăng trên X nhưng lại thấy nó trên Threads. Từ đó, nội dung của bạn vẫn đảm bảo tiếp cận được đến tối đa người xem.

Ngoài ra, mỗi nền tảng có một nhóm người dùng riêng biệt, việc đăng chéo sẽ giúp bạn tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau, mở rộng lượng người theo dõi và tăng cơ hội tương tác.

Dễ dàng thử nghiệm nền tảng mới

Nếu bạn muốn khám phá một nền tảng mạng xã hội mới nhưng chưa chắc chắn về hiệu quả của nó thì việc đăng chéo sẽ cách hiệu quả để bạn thử nghiệm mà không cần đầu tư quá nhiều thời gian. Ví dụ, nếu bạn muốn tiếp cận cộng đồng trên các nền tảng nội dung dạng văn bản, bạn có thể thử đăng bài trên X, Threads, Bluesky và Mastodon để xem nền tảng nào phù hợp nhất. Tương tự, nếu bạn tập trung vào video ngắn, hãy thử nghiệm nội dung của mình trên TikTok, Instagram Reels và YouTube Shorts để đánh giá mức độ hiệu quả.

Bằng cách theo dõi mức độ tương tác trên từng nền tảng, bạn có thể xác định đâu là nơi phù hợp nhất để tập trung nỗ lực, từ đó tối ưu hóa chiến lược nội dung của mình.

Lý do nhà sáng tạo nên lựa chọn đăng chéo trên đa nền tảng

59% bài đăng của Buffer được chia sẻ trên nhiều hơn một nền tảng mạng xã hội, cho thấy đăng chéo là một chiến lược phổ biến và hiệu quả

Bài học cho nhà tiếp thị để đăng chéo hiệu quả trên đa nền tảng

Để tận dụng tối đa chiến lược đăng chéo trên mạng xã hội, nhà tiếp thị cần nắm chắc cách điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với từng nền tảng. Dưới đây sẽ là những nguyên tắc quan trọng mà nhà tiếp thị cần tuân theo để triển khai việc đăng chéo một cách hiệu quả:

Ưu tiên đăng chéo trên các nền tảng tương đồng

Cách đơn giản nhất để bắ đầu đăng chéo là tập trung vào các nền tảng có cùng định dạng nội dung như:

  • Văn bản: X (Twitter), Threads, Bluesky, Mastodon
  • Video: TikTok, Instagram Reels, YouTube Shorts
  • Hình ảnh: Instagram Feed, Pinterest

Ví dụ: Một bài đăng công thức trên Instagram có thể dễ dàng điều chỉnh để phù hợp với Pinterest. Nếu muốn chia sẻ nội dung giữa các nền tảng có cách hiển thị khác nhau (ví dụ: đăng ảnh từ Instagram lên X), bạn cần điều chỉnh để phù hợp với từng nền tảng.

Shopify đăng một bức ảnh lên Instagram sau đó lại tiếp tục đăng trên X

Bí quyết đăng chéo (Crossposting) tối ưu nội dung trên các nền tảng mạng xã hội 2025- Ảnh 3.
Bí quyết đăng chéo (Crossposting) tối ưu nội dung trên các nền tảng mạng xã hội 2025- Ảnh 4.

Shopify đăng chéo cùng một nội dung trên 2 nền tảng khác nhau 

Điều đáng chú ý là mỗi bài đăng trên nền tảng khác nhau cần có caption khác nhau. Đơn cử, trên X, văn bản xuất hiện trước hình ảnh, nên cần một câu mở đầu thu hút. Trong khi đó, trên Instagram, chú thích nằm dưới ảnh và bị cắt sau vài dòng đầu, nên cần viết ngắn gọn để giữ sự hấp dẫn.

Ngoài việc đăng chéo, nhà sáng tạo có thể tái sử dụng nội dung bằng cách điều chỉnh hoặc biến tấu nội dung cũ để phù hợp với nền tảng mới. Điều này giúp bạn tận dụng tối đa nội dung đã có mà vẫn giữ được sự sáng tạo và hiệu quả.

Chỉ đăng chéo nội dung phù hợp với từng nền tảng

Mỗi mạng xã hội có đặc điểm riêng, từ thói quen sử dụng đến mong muốn, kỳ vọng của người dùng. Vì vậy, khi đăng chéo nội dung, cần đảm bảo rằng chủ đề và phong cách thể hiện phù hợp với đối tượng khán giả trên từng nền tảng. Ví dụ, TikTok thường ưu tiên nội dung ngẫu hứng, tự nhiên, trong khi Instagram Reels có xu hướng chỉn chu và trau chuốt hơn. Một video được chỉnh sửa quá kỹ lưỡng có thể không phù hợp với TikTok và khó thu hút sự quan tâm.

Ngoài ra, nội dung cũng cần phù hợp với mối quan tâm của người theo dõi trên từng nền tảng. Chẳng hạn, một tài khoản chuyên chia sẻ về tiếp thị thương mại điện tử trên X (Twitter) có thể nhận được nhiều tương tác khi đăng bài về chủ đề này. Tuy nhiên, nếu đăng cùng nội dung đó lên LinkedIn, nơi phần lớn kết nối là những người quan tâm đến tiếp thị nội dung và văn hóa làm việc, mức độ tương tác có thể giảm đáng kể. Điều này cho thấy rằng mỗi nền tảng có một nhóm khán giả khác nhau với sở thích và nhu cầu riêng biệt.

Để đăng chéo hiệu quả, nhà sáng tạo cần cân nhắc kỹ lưỡng xem nội dung có phù hợp với từng nền tảng và đối tượng người xem hay không, thay vì chia sẻ một cách máy móc.

Tùy chỉnh nội dung cho từng nền tảng

Vì mỗi mạng xã hội có yêu cầu và đặc điểm riêng, nên việc điều chỉnh nội dung trước khi đăng chéo để đảm bảo phù hợp là điều vô cùng cần thiết. Sau đây sẽ là những yếu tố nhà tiếp thị cần cân nhắc trước khi đăng chéo:

  • Giới hạn ký tự: Mỗi nền tảng có giới hạn ký tự khác nhau. Ví dụ, LinkedIn được phép tối đa 3.000 ký tự, trong khi X (Twitter) giới hạn ở 280 ký tự đối với tài khoản miễn phí. Nếu bài đăng trên LinkedIn quá dài, có thể chia nhỏ thành một chuỗi bài trên X hoặc chỉ đăng phần quan trọng nhất.
  • Kích thước hình ảnh và thời lượng video: Mỗi nền tảng có tiêu chuẩn riêng về kích thước hình ảnh và độ dài video. Đơn cử, Instagram Reels chỉ tối đa 90 giây, nhưng TikTok lại có thể dài đến 30 phút (tùy khu vực). Để dễ dàng đăng tải trên cả hai nền tảng, nhà sáng tạo nên giữ video dưới 90 giây. Các công cụ như CapCut có thể giúp cắt video dài thành các clip ngắn phù hợp với từng nền tảng.
  • Hashtag: Cách sử dụng hashtag cũng khác nhau tùy theo nền tảng. Nếu như Instagram có thể sử dụng nhiều hashtag để tăng khả năng tiếp cận, thì LinkedIn lại khuyến khích chỉ nên sử dụng 1-2 hashtag liên quan để đảm bảo tính chuyên nghiệp.
  • Giọng điệu và phong cách giao tiếp: Mỗi nền tảng có phong cách giao tiếp riêng. Trong khi, LinkedIn ưu tiên giọng điệu chuyên nghiệp, nội dung mang tính chuyên môn, TikTok lại định hướng giải trí nên nội dung có thể thoải mái và gần gũi hơn.
  • Tránh sử dụng tham chiếu không phù hợp: Việc sao chép nguyên văn từ nền tảng này sang nền tảng khác có thể gây nhầm lẫn. Ví dụ, cụm từ "link in bio" phù hợp trên Instagram nhưng không nên xuất hiện trong bài đăng trên Facebook.
  • Thời điểm đăng bài tối ưu: Thời gian người dùng hoạt động trên từng nền tảng sẽ có sự khác biệt nhất định. Đăng bài vào thời điểm người theo dõi tương tác nhiều nhất có thể giúp tăng hiệu quả. Các công cụ như Buffer có thể hỗ trợ phân tích và xác định khung giờ đăng bài phù hợp.

Qua đó, có thể thấy việc điều chỉnh nội dung theo từng nền tảng giúp tối ưu hiệu quả đăng chéo, tăng mức độ tương tác và đảm bảo nội dung phù hợp với từng đối tượng khán giả.

Sử dụng tính năng đăng chéo tích hợp trong hệ sinh thái Meta

Khi đăng nội dung lên Instagram, Threads và Facebook, nhà tiếp thị có thể tận dụng các tính năng đăng chéo có sẵn của Meta để chia sẻ nội dung dễ dàng giữa các nền tảng. Theo đó, tính năng này cho phép đồng bộ bài đăng giữa Facebook Page, tài khoản Instagram và Threads, miễn là loại nội dung đó được hỗ trợ trên cả ba nền tảng.

Mặc dù chỉ giới hạn trong hệ sinh thái Meta nhưng công cụ này đặc biệt hữu ích khi muốn chia sẻ nhanh các bài đăng mang tính ngẫu hứng mà không cần thực hiện nhiều bước chỉnh sửa hoặc tải lên lại trên từng nền tảng riêng lẻ.

>>> Đọc thêm: Thời điểm vàng cho bài đăng "triệu tương tác" trên các nền tảng mạng xã hội 2025 Update

Lời kết:

Đăng chéo (Crossposting) có thể coi là một chiến lược hiệu quả giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và tối ưu hóa nội dung trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, cần có sự điều chỉnh phù hợp với từng nền tảng thay vì đăng cùng một nội dung một cách máy móc. Bằng cách chọn các nền tảng có định dạng nội dung tương đồng, điều chỉnh bài đăng để phù hợp với đặc điểm từng nền tảng, sử dụng các công cụ hỗ trợ và tận dụng tính năng đăng chéo có sẵn, doanh nghiệp và cá nhân có thể xây dựng sự hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.