cover

Corona biến mất trong chiến dịch quảng cáo của chính mình để thúc đẩy tái chế

08 Thg 08
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Trong nỗ lực chung tay giảm thiểu rác thải và thúc đẩy tái chế, Corona đã trình làng một chiến dịch đồ họa sáng tạo - nơi những chai bia của thương hiệu sẽ hoàn toàn biến mất như một thông điệp khuyến khích người dùng tái chế.

Câu chuyện bảo vệ môi trường không phải một chủ đề mới trong các chiến dịch truyền thông nhưng hãy nhìn cách Corona - thương hiệu bia đến từ Mexico lay động cảm xúc và làm mới cách tiếp cận về vấn đề tái chế trong chiến dịch toàn cầu - Coronaless. Thông thường, nhãn hàng nào cũng mong muốn tận dụng từng khoảnh khắc, từng không gian để làm nổi bật sản phẩm, in sâu hình ảnh quảng cáo trong tâm trí khách hàng. Nhưng Corona đã chấp nhận rủi ro để “đi ngược dòng” với một ý tưởng sáng tạo, mới lạ. Chưa từng có tiền lệ, đây là lần đầu tiên thương hiệu sẵn sàng loại bỏ hình ảnh sản phẩm của mình trong một chiến dịch tiếp thị.

Corona chấp nhận để hình ảnh sản phẩm biến mất trong chiến dịch quảng bá

Corona chấp nhận để hình ảnh sản phẩm biến mất trong chiến dịch quảng bá

Theo đó, chiến dịch Coronaless đã được phát động vào tháng 6 năm 2023 tại 3 quốc gia Đức, Uruguay và Brazil trên đa dạng các nền tảng từ phương tiện truyền thông in ấn, quảng cáo trực tuyến đến OOH ngoài trời. Các sản phẩm của Corona vốn đã là “người bạn” đồng hành trong những kỳ nghỉ mát trên bãi biển, trong những cuộc vui bên bạn bè khi hoàng hôn hay trong cuộc khám phá bí ẩn của những khu rừng. Nhưng thay vì để người mẫu cầm chai Corona như thường lệ, họ lại xuất hiện với một động tác tay cầm lon “vô hình”.

Corona biến mất trong chiến dịch quảng cáo của chính mình để thúc đẩy tái chế- Ảnh 2.
Corona biến mất trong chiến dịch quảng cáo của chính mình để thúc đẩy tái chế- Ảnh 3.
Corona biến mất trong chiến dịch quảng cáo của chính mình để thúc đẩy tái chế- Ảnh 4.

Những hình ảnh OOH ấn tượng của "Coronaless" 

Các bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng Thierry des Fontaines và những chiếc chai đã được loại bỏ bằng quá trình hậu kỳ kỹ thuật. “We returned the bottle of this ad. Return yours” (tạm dịch: Chúng tôi đã trả lại những chiếc chai của quảng cáo này. Hãy trả lại chai của bạn) - chính là bức thông điệp mà Corona muốn truyền tải qua chiến dịch lần này, với mong muốn thúc đẩy mọi người vứt chai rỗng đúng cách và tái chế chúng để giảm thiểu ô nhiễm đại dương.

Corona luôn coi bãi biển là “quê hương” của mình khi thương hiệu đã chứng minh hành trình theo đuổi giá trị bền vững bằng hàng loạt chiến dịch và hoạt động ý nghĩa.

- Từ năm 2008, thương hiệu đã giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trên biển thông qua các hoạt động dọn dẹp bãi biển và đầu tư vào công nghệ để giảm lượng rác thải nhựa của chính mình.

 - Năm 2017, Corona hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Parley for the Oceans, thương hiệu đã cam kết bảo vệ 100 hòn đảo khỏi ô nhiễm nhựa vào năm 2020.

- Chỉ 1 năm sau, thương hiệu bia đến từ Mexico kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới bằng cách ra mắt một loạt tác phẩm điêu khắc bắt mắt làm từ rác thải nhựa, bao gồm một con sóng dữ dội được tạo nên từ rác thải của London.

- Năm 2019, Corona thậm chí còn chấp nhận đổi nhựa lấy bia, như một phần của chương trình “Trả bằng nhựa” nhằm khuyến khích thu gom rác thải nhựa dọc các bờ biển.

- Năm 2022, Corona thực hiện chiến dịch “Plastic Fishing” - một ý tưởng được truyền cảm hứng từ hành trình “câu nhựa” của hơn 100 ngư dân. Họ đã chung tay để tạo ra một bờ biển Đại Tây Dương sạch hơn và trong lành hơn cho Nam Phi.

Dù Corona được đựng trong chai thủy tinh hoặc lon và không sử dụng nhựa trong bao bì của sản phẩm chính. Nhưng đại diện thương hiệu chia sẻ: "Bạn biết đấy, ngay cả khi chúng tôi không phải là người đóng góp lớn nhất, chúng tôi vẫn có trách nhiệm dẫn đầu ngành về giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường”. Vào năm 2021, Corona đã xuất sắc trở thành thương hiệu đồ uống toàn cầu đầu tiên có "dấu chân nhựa ròng" bằng 0. 

>>>Bạn có thể quan tâm: Chiến lược Marketing của Corona tại Việt Nam

Lời kết: 

Coronaless có lẽ là một minh chứng rõ ràng cho nỗ lực đầy tâm huyết ấy của thương hiệu. Bằng việc sáng tạo cách tiếp cận của người dùng với vấn đề rác thải nhựa, chiến dịch đã tác động sâu sắc đến nhận thức và thúc đẩy hành vi tái chế của người dùng.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.