cover

Cơn sốt Temu dần chững lại: Người dùng nghi vấn về giá rẻ, đốt tiền cho marketing liệu có bền vững?

06 Thg 11

Trong những ngày qua, Temu đang là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Không ngừng gây sốt với những thông tin như giá rẻ, hoa hồng affiliate cao, vận chuyển thần tốc,... Temu dễ dàng có được tiếng vang rất lớn ngay từ những ngày đầu mới gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi những tiếng vang đó, cũng có rất nhiều những ý kiến trái chiều về những thông tin xoay quanh Temu là chất lượng thực tế hay chỉ là sự hào nhoáng nhất thời trên truyền thông?

Sau khi làm mưa làm gió trên truyền thông Việt Nam những ngày qua, cơn sốt Temu đang dần có dấu hiệu chững lại với không ít phản hồi trái chiều từ phía người tiêu dùng. Trong một thống kê SocialHeat của YouNet Media, có thể thấy rõ người dùng Việt bắt đầu nhận thấy khá nhiều điểm bất cập trong quá trình sử dụng Temu: 

Temu đứng top chủ đề thảo luận

Temu đứng top chủ đề thảo luận

>>> Bạn có thể quan tâm: 3 Lý do khiến Temu có thể thay đổi thế trận TMDT Việt Nam

#1. Chất lượng hàng hóa và mức giá vẫn còn nhiều điểm bất cập

Mặc dù được định vị là một sàn thương mại điện tử giá rẻ, cho phép khách hàng “Mua sắm như một tỷ phú”, nhưng trong thời gian vừa lại có khá nhiều khách hàng tại Việt Nam thất vọng vì mức giá trên sàn thương mại điện tử này. Theo báo Tuổi trẻ, một số người dùng đã bị hấp dẫn bởi truyền thông về giá rẻ của Temu và tải ứng dụng, nhưng sau khi dùng họ nhận ra rằng mức giá này không hề rẻ so với mặt bằng chung tại Việt Nam. Nhiều món quảng cáo giảm lên tới 70%, cộng thêm rất nhiều voucher lớn cho người dùng mới, nhưng mức giá sau khi đã add thêm voucher giảm tới hàng trăm nghìn vẫn cao hơn nhiều so với các món đồ tương tự trên những sàn thương mại điện tử khác tại Việt Nam.

Người dùng Ch*** Bùi chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Xin Temu bỏ ngay cái kiểu nâng khống giá 1 cách quá đà xong sale đi nha. Tui thực sự hỏi chấm về điều này!!! Nâng giá lên 70% rồi giảm. Nhưng điều đáng nói là khi so sánh giá với sàn S tất cả các món đồ tui mua Temu đều đắt hơn, thậm chí có sản phẩm giá sau giảm vẫn đắt gấp đôi.”

Tài khoản vand****@gmail.com chia sẻ: "Lúc tôi xem quảng cáo trên TikTok, Temu bán một bộ cờ lê mấy chục cái giá năm mươi mấy ngàn, tôi lập tức tải app về. Nhưng khi đăng ký mua, tôi thấy một dòng chữ nhỏ bằng tiếng Anh là bộ cờ lê đã hết hàng, chỉ còn một cái cờ lê giá năm mươi mấy ngàn". - Nguồn từ Báo Tuổi Trẻ.

Một chia sẻ khác trên báo Dân Trí đến từ tài khoản Viet Le về việc anh đã mua món hàng trên Temu giá 121.000 đồng sau khi đã dùng mã giảm giá hơn 700.000 đồng - một con số thoạt nhìn rất hấp dẫn. Nhưng khi tìm lại trên các sàn khác tại Việt Nam thì sản phẩm tương tự có chỉ có giá khoảng 105.000 đồng đã bao gồm phí vận chuyển.

Những phản hồi này đã thực sự khiến người dùng trở nên đắt đo hơn khi quyết định mua hàng trên Temu. Nếu thực sự truyền thông giá rẻ chỉ là chiêu bài của thương hiệu, thì có lẽ Temu cũng khó phát triển tại Việt Nam. Bởi người dùng luôn có xu hướng kiểm tra giá cả trên nhiều sàn trước khi ra quyết định mua thực sự. Quảng cáo thổi phồng có thể hấp dẫn họ trong giai đoạn đầu nhưng giá rẻ và chất lượng dịch vụ vẫn là yếu tố mang tính quyết định về lâu dài.

Mặt khác, chất lượng hàng hóa từ Temu cũng đang là một dấu hỏi lớn hiện nay. Trước khi gia nhập Việt Nam, Temu từng vướng phải một vụ việc lớn tại Hàn Quốc khi không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn pháp lý của quốc gia này. Đặc biệt, sản phẩm giày dép được cung cấp trên nền tảng của Temu có hàm lượng chì ở đế giày cao gấp 11 lần mức cho phép. Mặc dù phía Temu đã nhanh chóng đưa ra phản hồi và thông báo sẽ tiến hành điều tra, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng ra khỏi thị trường.

#2. Hoa hồng, hoàn tiền hấp dẫn,... nhưng user dần nhận ra quy luật rất khắt khe của Temu

Thoạt nhìn, Temu thực sự hấp dẫn với những con số hoa hồng cao ngất ngưởng và các quy định hoàn tiền hấp dẫn cho người dùng. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm, nhiều người dùng chia sẻ, các quy định của Temu để nhận được hoa hồng và hoàn tiền không hề đơn giản.

Trích dẫn một chia sẻ trên báo Dân Trí của bạn Hoang Ha: “Việc trả hàng của Temu cực kỳ khó khăn khi không được hỗ trợ của bên vận chuyển, phải mang đến bưu cục nhưng cũng không trả được.” Các chính sách tuy hấp dẫn nhưng điều kiện lại khá ngặt nghèo khiến người dùng dần nhận ra sự thật và cảm thấy thất vọng với những thông tin thổi phồng trên truyền thông về Temu.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố như vấn đề về giao hàng, thanh toán chưa tiện lợi,.... Đặc biệt việc không hỗ trợ ship COD (thanh toán khi nhận hàng) là một trong những điểm yếu lớn nhất của Temu đối với thị trường Việt Nam hiện nay. Khiến người dùng lo ngại về bảo mật và chất lượng hàng hóa.

#3. Chiến dịch đốt tiền cho Marketing đầy rủi ro

Trước khi gia nhập thị trường Việt Nam, Temu từng có thời gian gây bão tại Mỹ. Và một trong những cách thức khiến thương hiệu này gây chú ý nhiều nhất tại Mỹ đó là hàng loạt hoạt động marketing rầm rộ. Tiêu biểu như việc tri hàng triệu USD để xuất hiện 30 giây tại Super Bowl cùng hàng loạt ông lớn quốc tế.

Chỉ riêng trong năm 2023, tổng số tiền Temu chi cho hoạt động truyền thông đã lên tới 2-3 Tỷ USD, giúp thương hiệu này mở rộng mạng lưới lên 45 quốc gia chỉ trong 1 năm. Ước tính trong năm 2024, tổng số tiền tiếp thị mà thương hiệu này bỏ ra sẽ còn lên tới 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, chiến lược “đốt tiền” này có thể chính là lưỡi dao ngược đối với Temu trong tương lai, nếu như chất lượng về hàng hóa và chi phí không thực sự làm hài lòng người tiêu dùng. Trong dài hạn, thương hiệu không thể liên tục đốt tiền cho quảng cáo, dù nguồn lực từ công ty mẹ lớn đến đâu và dần dần Temu có thể đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Trên thực tế, đã có một số tín hiệu về việc chững lại của Temu tại thị trường Hoa Kỳ: Lượng người dùng hàng tháng tăng đều từ tháng 1-10/2023, nhưng sau đó bắt đầu giảm khoảng 1 triệu vào tháng 11/2023.

Việc đốt tiền vào quảng cáo đã khiến rất nhiều thương hiệu phải ngã ngựa. Ngay tại thị trường Việt Nam, sự thất bại của Baemin chính là một ví dụ điển hình. Các chương trình quảng cáo rầm rộ chỉ giúp thương hiệu có thể giữ chân người dùng trong thời gian đầu. Tuy nhiên, lòng trung thành của khách hàng hiện nay đang ngày càng giảm. Họ sẽ rất nhanh chóng nhìn nhận ra những vấn đề về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu và ngay lập tức chuyển sang thương hiệu khác nếu có lựa chọn tốt hơn về giá và chất lượng.

#4. Dù đã đăng ký thuế, nhưng Temu vẫn chưa được cấp giấy phép kinh doanh

Theo thông tin mới nhất, đến ngày 5/11/2024, Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, thương hiệu này vẫn chưa được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh. Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng người tiêu dùng tuyệt đối không nên thực hiện các giao dịch với những nền tảng thương mại điện tử chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. (Theo báo Quân đội Nhân Dân).

Sự việc này cũng đang khiến Temu gặp phải nhiều trở ngại. Bởi lẽ, dù bị hấp dẫn bởi các quảng cáo về giá hay hoa hồng, nhưng khi nhận thấy Temu chưa được cấp giấy phép kinh doanh, khá nhiều người dùng đã trở nên e ngại, mất niềm tin hơn vào nền tảng này.

>>> Đọc thêm: Chiến lược Affiliate Marketing của Temu: Cơ hội hay "bẫy" tiếp thị?

Lời kết:

Nhìn chung, tính tới thời điểm hiện tại các yếu tố về giá cả, giảm giá, vận chuyển, thanh toán, cũng như các quy định về hoa hồng trên Temu tại Việt Nam vẫn đang gây nên khá nhiều tranh cãi, không đồng đều. Mặt khác, tính pháp lý và chất lượng hàng hóa cũng là những vấn đề mà Temu cần tối ưu trong thời gian tới nếu muốn phát triển lâu dài tại Việt Nam. Đồng thời, chiến lược đốt tiền Marketing từ nguồn tài chính khổng lồ của công ty mẹ về lâu dài sẽ là con dao hai lưỡi đối với Temu, bởi tới cuối cùng yếu tố về giá và chất lượng sản phẩm vẫn có sức hút lâu dài nhất đối với người tiêu dùng.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.