Chu kỳ Gartner - A.I sẽ chín muồi để doanh nghiệp sử dụng vào năm 2030

09 Thg 04

Generative AI, Artificial General Intelligent, hay Computer Vision,... cơn bão AI cùng hàng loạt những khái niệm, ứng dụng mới đang làm thay đổi cục diện phát triển của mọi doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tại sự kiện CSMO x VSMCamp, phần lớn các công nghệ AI mới chỉ đang nằm trong “Giai đoạn sự thổi phồng Kỳ vọng” trên Chu kỳ Gartner AI. Và có lẽ 2030 mới là thời điểm thực sự “trưởng thành” của AI!

Thực trạng AI hiện nay: Đơn lẻ và chưa có tính ứng dụng cao

Năm 2023 và nửa đầu năm 2024 được coi là một năm lên ngôi của trí tuệ nhân tạo (AI) khi một loạt các Chatbot được ra đời sau sự thành công bùng nổ của Chat GPT. Giống như các công nghệ đột phá trước đó như Internet hay điện thoại thông minh, giai đoạn đầu của chu kỳ áp dụng công nghệ AI đã chứng kiến sự ra đời của một loạt các sản phẩm phần mềm có tính đột phá vượt trội.

Thực trạng AI hiện nay: Đơn lẻ và chưa có tính ứng dụng cao

Theo Báo cáo Chuỗi dự báo toàn cầu năm 2024, sử dụng dữ liệu từ Writerbuddy và Coatue để xếp hạng và trực quan hoá các công cụ AI phổ biến nhất năm 2023 thì có rất nhiều công cụ, sản phẩm phần mềm AI được ra đời theo cấp số nhân. Cú nổ xuất phát từ Chat GPT sau đó là loạt ứng dụng AI khác như Character.AI, Công cụ viết Quillbolt, Midi Journey, Hugging Face….

Có thể thấy các phần mềm AI ngày càng phát triển nhanh chóng và đa dạng, nhưng chỉ dừng lại ở mức sử dụng đơn lẻ hoặc hoạt động mạnh trong các nhóm riêng biệt, chưa có tính phổ cập và mức độ ứng dụng đại trà.

Theo ông Đào Trung Thành - Chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ - Kiến trúc trưởng AI của Torus Engineering - diễn giả tại CSMO x VSMCamp, ông cho rằng: “Mặc dù rất tiện lợi nhưng với các đòi hỏi cao về không gian lưu trữ, bảo mật, tên miền, tốc độ băng thông, tính chuyên nghiệp, độ tin cậy, khả năng xử lý nhanh chóng, đặc biệt chi phí đầu tư quá lớn, nên tại thời điểm này các công nghệ AI vẫn chưa thích hợp để ứng dụng ở quy mô lớn như doanh nghiệp”.

Đánh giá tính ứng dụng của AI bằng Gartner Hype Cycle - Chu kỳ của công nghệ mới

Hype Cycle (chu kỳ bong bóng) là khái niệm được Gartner, hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng của Mỹ đề xướng. Hype Cycle cung cấp một bức tranh tổng thể về sự chuyển dịch của các xu hướng mới nổi liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ khi xuất hiện cho tới khi các xu hướng/công nghệ này được áp dụng vào đời sống.

Đánh giá tính ứng dụng của AI bằng Gartner Hype Cycle - Chu kỳ của công nghệ mới

Chu kỳ Gartner khiến những người làm công nghệ luôn phải quan sát hàng năm, khi được thể hiện bằng đồ họa về "sự trưởng thành, việc áp dụng các công nghệ và ứng dụng, cũng như mức độ liên quan tiềm tàng của công nghệ đến việc giải quyết các vấn đề kinh doanh thực tế, và khai thác các cơ hội mới".

Mỗi công nghệ khi ra đời thường có 5 giai đoạn gồm:

Giai đoạn 1 - Xuất hiện công nghệ: Đây là giai đoạn đầu tiên khi một công nghệ mới được giới thiệu và nhận được làn sóng quan tâm từ công chúng. Truyền thông và quảng cáo đôi khi sẽ thổi phồng công nghệ với những dự đoán và hứa hẹn vượt xa khả năng thực hiện ban đầu. Một số trường hợp khi sản phẩm tung ra thị trường khi chưa thực sự sẵn sàng, dẫn đến người tiêu dùng và các nhà đầu tư đặt kỳ vọng không tương xứng với hiệu suất thực tế của chúng.

Trong thực tế, khi công nghệ VR lần đầu tiên được giới thiệu, nó được quảng bá là sẽ thay đổi cách chúng ta học, làm việc và giải trí. Tuy nhiên, có một số thách thức và hạn chế đã làm chậm quá trình tích hợp công nghệ này như các vấn đề về chi phí, kỹ thuật, khả năng tiếp cận, nội dung, cách ứng dụng thực tế, cung cấp giá trị trải nghiệm sâu sắc… đã làm giảm tốc độ phổ biến của VR. Hiện tại công nghệ VR vẫn đang tiếp tục phát triển và được kỳ vọng sẽ có nhiều tiến độ cùng ứng dụng đáng kể trong tương lai.

Khi công nghệ VR lần đầu tiên được giới thiệu

Giai đoạn 2 - Đỉnh của sự thổi phồng Kỳ vọng: Sau khi những kỳ vọng, hứa hẹn dành cho công nghệ chưa thành hiện thực, nhu cầu và mong muốn của người dùng không được đáp ứng triệt để, công nghệ mới bắt đầu bị hoài nghi và chỉ trích. Nhiều dự án thất bại do không đạt được những lợi ích ban đầu, khiến cho cộng đồng giảm đi sự hứng thú, quan tâm. Đây có thể gọi là giai đoạn kiểm định, khi nhiều hạn chế thực tế của công nghệ được tiết lộ khiến các doanh nghiệp cần có động thái và hành động đúng đắn để đối mặt với khó khăn.

Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến Google Glass, một sản phẩm thiết bị công nghệ được phát triển bởi Google vào năm 2013 với mong đợi là “chiếc kính có thể làm được điều không tưởng”, tuy nhiên cũng vấp phải nhiều lo ngại về quyền riêng tư và thiếu ứng dụng thực tế có giá trị cho người dùng. Chiếc kính này cho phép ghi hình và chia sẻ một cách dễ dàng dẫn đến những quan ngại về việc theo dõi và ghi hình không cho phép, đặc biệt tại nơi công cộng. Ngoài ra mức giá cao và thiếu các tính năng thuyết phục khác đã làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm với đại đa số người dùng. Tất cả những yếu tố này khiến Google Glass không được đón nhận rộng rãi như Google mong đợi.

Đỉnh của sự thổi phồng Kỳ vọng

Giai đoạn 3 - Đáy của sự Vỡ mộng: Giai đoạn này đánh dấu sự bắt đầu hiểu biết thực sự về công nghệ và khả năng ứng dụng của nó. Các doanh nghiệp và nhà phát triển bắt đầu tìm ra được cách thức khắc phục những vấn đề và hạn chế của công nghệ ở hai giai đoạn trước. Công nghệ bắt đầu có những ứng dụng thực tế đầu tiên, được chấp nhận và không còn sự kỳ vọng cao như ban đầu. Như công nghệ VR ở hiện tại, các nhà phát triển bắt đầu tìm cách ứng dụng VR nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục và mô phỏng thực tế.

Giai đoạn 4 - Dốc của sự Khai sáng: Những bài học từ quá khứ ở các giai đoạn trước bắt đầu được áp dụng để cải thiện công nghệ. Hàng loạt các cải tiến được thực hiện, giúp công nghệ trở nên ổn định, có giá trị và đáng tin cậy hơn. Sự nghiên cứu và phát triển sâu rộng góp phần tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu người dùng. Ví dụ như điện toán đám mây, sau nhiều năm phát triển ngày càng trở nên ổn định, cung cấp các dịch vụ với lợi ích thực tế phục vụ con người.

Dốc của sự Khai sáng

Giai đoạn 5 - Bình nguyên của năng suất: Đây là giai đoạn cuối cùng của chu kỳ, nơi mà công nghệ được chứng minh có giá trị và bắt đầu được áp dụng rộng rãi. Công nghệ trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày và trong hoạt động kinh doanh, khép lại chu kỳ bằng việc tạo ra giá trị và phát triển bền vững cho xã hội. Giống như điện thoại thông minh, sau một chu trình Hype Cycle, hiện tại chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, ảnh hướng đến người dùng và các doanh nghiệp.

Đánh giá tình hình ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được thực hiện thông qua việc áp dụng mô hình Hype Cycle của Gartner dự kiến sẽ kéo dài từ 5-10 năm. Hiện Generative AI đang ở thời kỳ “đỉnh kỳ vọng bị thổi phồng”, Trí thông minh tổng quát (Artificial General Intelligent) mới ở thời kỳ đầu, và Thị giác máy tính đang ở “đường dốc khai sáng”, sẽ có sự rủi ro tương tự như đầu tư chứng khoán (sau khi mua vào có thể rớt giá ngay lập tức). Nên Generative AI tuy được bàn tán khắp nơi nhưng ít được triển khai, và có lẽ sẽ thực sự chín muồi để doanh nghiệp sử dụng vào khoảng năm 2030.

Bình nguyên của năng suất

Dự đoán về tương lai của Generative AI

Doanh nghiệp có thể tham khảo dự đoán 5 năm tới của Gartner để chủ động lập kế hoạch ứng dụng cho doanh nghiệp như: Năm 2024, việc sử dụng dữ liệu tổng hợp (synthetic data) được tạo bằng GenAI sẽ giảm 50% khối lượng dữ liệu thực cần thiết cho máy học; Năm 2025, 30% thông điệp tiếp thị gửi đi từ các tổ chức lớn sẽ được được tạo ra bằng GenAI, Năm 2026, GenAI sẽ tự động hóa 60% thiết kế cho các sản phẩm mới, các trang web và ứng dụng di động. Hơn 100 triệu người sẽ làm việc cùng các đồng nghiệp robot (robo colleagues); Năm 2027, gần 15% ứng dụng mới sẽ được AI tạo tự động không có con người tham gia, tăng từ 0% ngày hôm nay.

Generative AI và khả năng ứng dụng trong Marketing - Sales

Trong Marketing - Sales, Generative AI hỗ trợ tăng trải nghiệm và giữ chân khách hàng, giúp tăng trưởng doanh thu và tối ưu hoá chi phí. Báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey (2023) cho biết: Generative AI sẽ tác động đến toàn bộ các ngành công nghiệp và đóng góp gần 4,4 nghìn tỷ USD/năm cho nền kinh tế toàn cầu; Bộ phận Marketing và sales sẽ chịu tác động mạnh nhất trong tất cả các ngành công nghiệp; Bộ phận phát triển phần mềm trong lĩnh vực công nghệ cao (High Tech) và ngân hàng cũng chịu sự tác động lớn của AI.

Theo đó, sự phát triển nhanh chóng của các công cụ AI tạo sinh sẽ giúp tự động hóa một nửa số công việc trên toàn cầu vào khoảng năm 2030 đến năm 2060. Tuy vậy, báo cáo McKinsey đưa ra nhận định: “Mặc dù tác động của AI đến thị trường lao động có thể là đáng kể, nhưng hầu hết các công việc và ngành công nghiệp chỉ một phần tự động hóa và do đó có nhiều khả năng được bổ sung hơn là bị thay thế bởi AI”. Hiện tại có hơn 3000 doanh nghiệp lớn dùng AI giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả, tăng doanh thu cũng như cung cấp các dịch vụ mới.

Việc nắm bắt được chu kỳ Gartner của trí tuệ nhân tạo giúp chúng ta lựa chọn thời điểm thích hợp, tham gia quá sớm, từ bỏ quá sớm, triển khai quá muộn hay từ bỏ quá muộn… đều dẫn đến sự thất bại. Ông Đào Trung Thành dẫn lời từ William Gibson “ Điều quan trọng là chúng ta nên bắt đầu với AI ngay bây giờ cùng một lộ trình khoa học để thích ứng với xu thế lớn nhất trong thời đại hiện nay”.

>>> Xem thêm: Open AI phổ cập Chat GPT đến mọi nhà, cho phép dùng miễn phí và không cần đăng ký tài khoản

Minh Tân - Marketing AI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.