TikTok - ứng dụng giải trí hàng đầu tại Việt Nam
TikTok là một ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ AI, đây là ứng dụng xuất phát từ Trung Quốc và hiện đang nổi tiếng ở phạm vi toàn cầu. Ứng dụng này thuộc sở hữu của ByteDant, công ty truyền thông hùng mạnh của quốc gia tỷ dân này với tổng giá trị tài sản lên tới 140 tỷ USD theo CB Insights, tính đến tháng 6 năm 2023.
TikTok trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trên Apple Store và Google Play với gần 875 triệu lượt năm 2022 vượt qua cả Facebook, Youtube, Instagram theo nghiên cứu của Sensor Tower. Tính đến đầu năm 2023, TikTok có hơn 3.5 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu.
Chiến lược Marketing của TikTok: "Công thức ma thuật" thu hút người dùng
TikTok đã sử dụng các chiến dịch truyền thông sáng tạo và hiệu quả, giúp nền tảng này nhanh chóng nổi tiếng và thu hút hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.
Sản phẩm "đánh đúng" insight của giới trẻ
Tâm lý của khách hàng, nhất là những người trẻ tại Việt Nam có xu hướng "thích xem lười đọc" những thông tin từ mạng xã hội. Chính bởi lý do này khiến TikTok nhận được sự ưu ái nhiệt tình từ người dùng.
TikTok được xây dựng dựa trên format làm video, những viral âm thanh khiến giới trẻ thỏa sức sáng tạo nội dung dựa trên những nền tảng đó, những đoạn text khô khan được lược bỏ đi. Format được thiết kế ngắn 15 giây cũng là bước đi khôn ngoan giải quyết được trăn trở “cả thèm chóng chán” của người xem video giải trí. Ngoài ra, người trẻ có xu hướng muốn thấy ngay điểm giải trí và những điều khác biệt, lạ lẫm khác.
Thuật toán FYP (For You Page) của TikTok rất thông minh trong việc cá nhân hóa nội dung. TikTok theo dõi và phân tích các hành vi của người dùng, bao gồm thời gian xem video, lượt thích, bình luận, chia sẻ, và những video mà người dùng đã bỏ qua hoặc cuộn qua nhanh chóng. Từ đó, nền tảng này có thể hiểu rõ hơn về sở thích và thói quen của từng cá nhân và đề xuất những video phù hợp nhằm giữ chân người dùng trên nền tảng lâu hơn.
Bên cạnh đó, Tiktok cũng tận dụng Machine Learning (học máy) giúp phân tích và dự đoán các xu hướng nội dung tiếp theo dựa trên dữ liệu hiện tại, giúp các nhà quảng cáo và người sáng tạo nội dung đón đầu các xu hướng này và tạo ra các chiến dịch marketing hiệu quả hơn.
Sử dụng Customized Marketing đa phương tiện
Người dùng TikTok có một lợi thế rõ rệt so với một số nền tảng mạng xã hội khác là họ có thể xem được rất nhiều video từ nhiều nơi khác nhau, cho dù giữa họ không có bạn chung đi chăng nữa. Những nội dung sáng tạo đều sẽ được hiển thị trên tường, thậm chí là ở những quốc gia khác nhau. Thế nhưng chính điều này đã khiến người dùng TikTok cảm thấy dễ dàng tiếp cận hơn và có thể khám phá những nội dung sáng tạo xung quanh mình thay vì chỉ bó hẹp như trên Facebook, Instagram nơi mà người dùng chỉ xem được nội dung của bạn bè.
Chiến lược Marketing của TikTok thú vị ở chỗ điều này khiến người xem khám phá nội dung mới lạ, vừa là động lực cho các creator (người sáng tạo video) thu về nhiều lượt thích, chia sẻ và bình luận từ người dùng trên thế giới.
Sự cá nhân hóa người dùng của TikTok còn được thể hiện ở việc tối ưu và chọn những tính năng, nhạc, hiệu ứng phù hợp với từng thị trường khác nhau trên thế giới. Tại những thị trường Châu Á, hơn cả là Việt Nam hãng luôn tìm những "trend" phù hợp với thị yếu của giới trẻ, cụ thể các video K-pop nhằm thu hút thị trường cả Việt Nam và các nước Châu Á, những trào lưu hot được giới trẻ Việt quan tâm cũng được cập nhật với tốc độ cực nhanh.
Ngoài ra, TikTok đã tạo ra một môi trường mà UCG (nội dung do người dùng tạo ra) được khuyến khích và tôn vinh. Người dùng có thể tạo ra các video mới dựa trên nội dung của người khác, tham gia vào các thử thách, trend, hoặc duet. Điều này tạo ra một lượng nội dung khổng lồ mà không tốn nhiều chi phí cho công ty. Bên cạnh đó, người dùng có thể sử dụng các hiệu ứng, bộ lọc và âm thanh có sẵn để tạo các video độc đáo, sáng tạo, viral thu hút triệu view trên nền tảng này.
Sử dụng Influencers đình đám xuất hiện vào những chiến dịch quảng bá
Chiến lược Marketing của TikTok còn gây được thiện cảm bởi sự thu hút khách hàng sử dụng, lòng tin được khẳng định vững chắc, hãng còn có cả một chiến dịch PR rất tuyệt vời ở đằng sau.
TikTok thường hợp tác với các influencers nổi tiếng để khởi xướng các thử thách mới. Những thử thách này nhanh chóng lan tỏa và thu hút sự tham gia từ đông đảo người dùng. Ví dụ, thương hiệu mỹ phẩm MAYBELLINE đã tận dụng Tiktok để quảng bá dòng sản phẩm kem nền mới. Cụ thể, thương hiệu đã triển khai các video trên nền tảng này và hợp tác với các KOLs, hot tiktoker như Trần Thanh Tâm, Minah Phạm nhằm tạo các challenge, thu hút sự chú ý của người dùng. Kết quả, chiến dịch đã thu về hơn 75,000 video với lượt view lên đến 173 triệu. Doanh số của dòng sản phẩm mới cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ dừng lại ở những người nổi tiếng, TikTok còn tạo ra những viral video thu hút khách hàng bằng chính những người bình thường. Chiến lược Marketing của TikTok hay ở chỗ hãng không chỉ tận dụng người nổi tiếng mà còn "bình dân hóa" phương thức truyền thông thông qua những người sử dụng bình thường. Chính vì lý do này mà ai, từ anh công nhân đến chị nội trợ, từ bé cấp 1 đến bạn cấp 3 đều có khả năng thực hiện một video viral. Do vậy, mỗi người dùng đều là cá thể mang tiềm năng viral TikTok.
Một điều đặc biệt, người xem chúng ta lại cảm thấy tin tưởng và dễ chấp nhận với những video do những người bình thường làm hơn là những video với nội dung được tài trợ. TikTok có chiến lược Marketing, nước đi thông minh với chiêu thức này và nền tảng đã thu lại được những kết quả đáng kinh ngạc với độ phủ cực lớn tại thị trường Việt Nam và trên thế giới.
Thử thách và xu hướng lan truyền
Với hơn một tỷ người dùng hoạt động trên toàn cầu, TikTok sử dụng các xu hướng (trending) và thử thách (challenges) như một phần quan trọng trong chiến lược marketing để thu hút và giữ chân người dùng. Sự tập trung vào xu hướng của TikTok giúp nó khác biệt với các ứng dụng truyền thông xã hội khác. Xu hướng TikTok là những nội dung phổ biến được chia sẻ rộng rãi trên nền tảng. Các điệu nhảy, bài hát, thử thách và hashtag là những ví dụ về các xu hướng này. Xu hướng TikTok khác biệt ở chỗ chúng có khả năng lan truyền nhanh chóng, với hàng triệu người tham gia để tạo ra phiên bản xu hướng của riêng họ.
Không chỉ để giải trí hay thử thách lan truyền, trending và challenges hiện đang được các thương hiệu sử dụng để phát triển các chiến dịch marketing mới thú vị, hấp dẫn và hiệu quả. Từ đó, thương hiệu có thể tăng cường khả năng hiển thị và tương tác trên nền tảng này bằng cách theo dõi các xu hướng hiện tại và cung cấp nội dung kết nối với nhóm khách hàng mục tiêu.
Ví dụ, Milo, một thương hiệu đồ uống năng lượng nổi tiếng, đã tận dụng TikTok để khởi xướng thử thách #ThửTháchBềnBỉHơn. Cụ thể, người dùng tham gia thử thách này sẽ chia sẻ video về các hoạt động thể thao như chạy, nhảy, tập thể dục, hoặc bất kỳ hoạt động nào thể hiện sự bền bỉ. Chiến dịch thu hút hàng nghìn video từ người dùng, tạo ra lượng tương tác lớn trên nền tảng Tiktok. Nhờ các chiến lược này, TikTok không chỉ thu hút hàng triệu người dùng mà còn giúp các thương hiệu tiếp cận và tương tác với khách hàng một cách hiệu quả.
Quảng Cáo Sáng Tạo
Với khả năng kết hợp nội dung hấp dẫn và công nghệ tiên tiến, chiến lược marketing của Tiktok còn khác biệt nhờ sử dụng các quảng cáo sáng tạo để thu hút người dùng:
In-feed ads
In-feed ads là các quảng cáo xuất hiện giữa các video mà người dùng cuộn qua trong nguồn cung cấp dữ liệu của họ. Các quảng cáo này thường có dạng video ngắn, tương tự như các nội dung thông thường trên Tiktok, giúp chúng hài hòa với trải nghiệm người dùng.
Branded effect (hiệu ứng thương hiệu)
Tiktok cung cấp khả năng tạo các hiệu ứng đặc biệt mà người dùng có thể sử dụng trong video của họ. Các hiệu ứng này có thể là bộ lọc, hình dán, hoặc các hiệu ứng công nghệ ảo tăng cường - AR (Augmented Reality) được thiết kế riêng cho các thương hiệu.
Điển hình là thương hiệu nước ngọt Pepsi, tạo ra một hiệu ứng AR cho phép người dùng thêm lon Pepsi vào video của họ, tạo ra sự tương tác vui nhộn và tăng cường nhận diện thương hiệu.
TopView Ads
TopView Ads là các quảng cáo video toàn màn hình xuất hiện ngay khi người dùng mở ứng dụng TikTok. Đây là dạng quảng cáo cao cấp nhất, đảm bảo rằng thông điệp của thương hiệu sẽ được nhìn thấy ngay lập tức.
Không chỉ vậy, người dùng cũng có thể tương tác với các quảng cáo trên nền tảng này bằng cách like, bình luận, theo dõi hoặc chia sẻ với bạn bè.
>>>Bài viết liên quan: Sau khi xem quảng cáo trên TikTok có bật bình luận, người xem tin tưởng thương hiệu hơn 1,5 lần
Những thành tựu "như mơ" từ chiến lược Marketing của TikTok
Đối thủ của TikTok là những ứng dụng cùng sử dụng phương thức này như Muvik, Bigo, Vlive... Thế nhưng hiện nay cái tên nổi hơn cả và được mệnh danh như là "vedette" của các ứng dụng giải trí tất nhiên là TikTok. Mặc dù ra đời sau một loạt ứng dụng mạng xã hội khác nhưng nó đã trở thành ứng dụng được sử dụng nhiều nhất tại các quốc gia Châu Á đặc biệt như Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của ByteDance, chỉ tính riêng ở Việt Nam, Tiktok thu hút gần 70 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên vào đầu năm 2024. Trong đó có cả những đối tượng chỉ hơn 13 tuổi. Con số này tăng hơn 35% so với cùng kì năm 2023.
Theo số liệu thống kê mới nhất của nhà phát hành TikTok, trung bình cứ 100 người trẻ thuộc hệ Z thì có đến 70 người đang sử dụng TikTok. Chẳng hạn, dù mới chỉ chính thức ra mắt ở thị trường Nhật Bản vào năm ngoài, giờ đây, ứng dụng đã vượt qua các ứng dụng khác và dẫn đầu bảng xếp hạng App Store và Google Play tại Nhật.
Với chiến lược Marketing của TikTok đầy thông minh thì tại Hàn Quốc, TikTok được các ngôi sao như BlackPink, Lee Jong-Suk, Nam Joo-Hyuk, Yu Seon-Ho,… và nhiều chương trình truyền hình thực tế như Running Man ưa chuộng. Mỗi người nổi tiếng và mỗi chương trình đều sở hữu ít nhất một tài khoản trên TikTok để chia sẻ những clip ngắn. Đây đồng thời cũng là nơi để họ hé lộ các clip nhằm quảng bá cho các dự án, sản phẩm giải trí của mình đến khán giả.
Bài học từ chiến lược marketing của Tiktok
TikTok đã nổi lên như một hiện tượng toàn cầu nhờ vào chiến lược marketing xuất sắc. Dưới đây là một số bài học quan trọng từ chiến lược marketing của TikTok mà các marketers có thể tham khảo:
- Sáng tạo nội dung hấp dẫn, phù hợp: TikTok tập trung vào các video ngắn, dễ tiếp cận và dễ chia sẻ, giúp người dùng dễ dàng tạo và tiêu thụ nội dung.
- Tận dụng sức mạnh của người dùng: TikTok khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung bằng các công cụ dễ sử dụng, thách thức và các xu hướng (trends). Điều này giúp nền tảng lan tỏa nhanh chóng.
- Công nghệ và thuật toán hiện đại: Thuật toán của TikTok rất mạnh mẽ trong việc đề xuất nội dung phù hợp với sở thích của người dùng, giữ họ quay lại ứng dụng nhiều lần..
- Quảng cáo sáng tạo: TikTok sử dụng nhiều hình thức quảng cáo sáng tạo như quảng cáo tương tác, hashtag challenges, và branded lenses để tạo sự hứng thú và tham gia từ người dùng.
- Liên tục đổi mới và cải tiến: TikTok không ngừng cập nhật và phát triển các tính năng mới để giữ cho người dùng luôn hứng thú và tương tác với ứng dụng.
>>> Tiếp theo: Nói về sự "tăng trưởng phi mã" hãy học hỏi chiến lược Marketing của Facebook
Kết luận
Thành công của TikTok không phải là may mắn và vô cớ, hãng đã có chiến lược cụ thể và thông minh khi khai thác những người nổi tiếng và dựa vào những công cụ hiện đại của mình để tiếp cận người dùng. Chiến lược Marketing của TikTok là một bài học đáng để xem về sự nhanh nhạy, chớp thời cơ, "đúng người đúng thời điểm", điều này đã khiến một ứng dụng non nớt về kinh nghiệm nhưng đầy sự toan tính và thành quả thấy được là sự phủ sóng mạnh và nâng tầm có thể nói là ứng dụng giải trí "quốc dân" ở thời điểm hiện tại.
Thắng Nguyễn - Marketing AI
Bình luận của bạn