Từ một cửa hàng nhỏ lẻ đến vị thế "ông trùm" ngành bán lẻ với giá trị tỷ đô, chiến lược marketing của Thế giới di động chính là yếu tố góp phần không nhỏ đến sự thành công của thương hiệu này.
Giới thiệu tổng quan về Công ty Cổ phần Thế giới di động
Được thành lập vào tháng 3 năm 2004 bởi ông Nguyễn Đức Tài và các cộng sự, Công ty Cổ phần Thế giới di động (MWG) bước đầu gia nhập thị trường với mô hình kinh doanh đầy táo bạo: Kết hợp thương mại điện tử và hệ thống cửa hàng bán lẻ (3 cửa hàng nhỏ rộng cỡ 20m2 trên đường Hoàng Văn Thụ, Cách Mạng tháng Tám, Lê Lai, thành phố Hồ Chí Minh). Trong bối cảnh điện thoại di động khi ấy còn là mặt hàng xa xỉ của giới nhà giàu và thị trường điện thoại chính hãng còn chưa nở rộ như hiện nay, sự xuất hiện của Thế giới di động nhanh chóng gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam.
Sau 6 tháng ra mắt, website thegioididong.com ghi nhận lượng truy cập tăng chóng mặt, người ghé thăm cửa hàng cũng không ngừng tăng lên, tuy nhiên lượt mua hàng lại chẳng có mấy. Đến tháng 10 năm 2004, Thế giới di động quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh, vẫn đầu tư xây dựng trang web nhưng tập trung mở rộng một cửa hàng bán lẻ gần 200m2 trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Quyết định táo bạo và tầm nhìn xuất sắc của bạn lãnh đạo Thế giới di động đã nhanh chóng giúp công ty có lãi.
Ba năm sau, vào năm 2007, Thế giới di động thành công kêu gọi vốn đầu tư từ Meking Capital, từ đó, công ty nhanh chóng phát triển về quy mô với gần 20 cửa hàng trải dài từ Tp. Hồ Chí Minh, miền Tây Nam Bộ, Đồng Nai, Buôn Ma Thuột tới Đà Nẵng, Hà Nội. Năm 2009, con số này tăng gấp đôi lên quy mô 40 cửa hàng.
Tiếp đà tăng trưởng, đến cuối năm 2010, Thế giới di động ra mắt thương hiệu Dienmay.com (nay đổi thành Dienmayxanh.com) chuyên ngành hàng điện tử tiêu dùng; năm 2017, sáp nhập và mua lại hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh về "dưới trướng" Điện máy Xanh; tháng 3 năm 2018, Thế giới di động mở rộng hoạt động sang lĩnh vực dược phẩm với thương vụ mua lại 40% vốn của chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, sau đó được đổi trên thành Nhà thuốc An Khang.
Chiến lược marketing của Thế giới di động đúng đắn đã trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về cả doanh thu và lợi nhuận. Tính đến cuối tháng 11 năm 2021, số lượng cửa hàng của Thế giới di động đã lên đến con số 5.065 cửa hàng, trong đó: 966 Thế giới di động, 1.863 Điện máy Xanh, 2.026 Bách hóa Xanh, 50 Bluetronics, 4 Topzone và 156 nhà thuốc An Khang có mặt trên khắp 63 tỉnh thành.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, bất chấp tình hình dịch bệnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Thế giới di động vẫn ghi nhận những kết quả ấn tượng.
Lũy kế 11 tháng, MWG đã hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất là 110.530 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 4.395 tỷ đồng (tằn 22% so với cùng kỳ), đặc biệt, doanh thu online đóng góp lớn nhất với 12.500 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ). Thành quả ấn tượng của MWG trong bối cảnh nhu cầu thị trường không tăng chính là nhờ khả năng đảm bảo nguồn cung hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng bất chấp tình trạng nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng tại Việt Nam và thế giới.
>>> Có thể bạn quan tâm: Thế giới di động: Tham vọng mới khi mở chuỗi cửa hàng điện thoại siêu rẻ
Phân tích mô hình SWOT của Thế giới di động
Strengths (Điểm mạnh)
Sức mạnh thương hiệu
Thế giới di động là một thương hiệu lớn và có được sự tin tưởng của người tiêu dùng sau gần 20 năm hình thành và phát triển.
Thế giới di động đang chiếm khoảng 50% thị phần trên thị trường điện thoại, điện máy quy mô 10 tỷ USD.
Hệ thống phân phối rộng khắp
Hệ thống siêu thị, cửa hàng phủ sóng khắp cả nước
Hệ thống phân phối đa kênh: Ngoài lựa chọn mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị, người tiêu dùng có thể đặt mua ngay trên hệ thống website của Thế giới di động.
Dịch vụ khách hàng chất lượng
Thế giới di động nổi tiếng và thành công với mô hình bán hàng dựa trên hành trình khách hàng (customer journey). Người tiêu dùng sẽ được chăm sóc và quan tâm tại toàn bộ các điểm tiếp xúc trên hành trình mua hàng. Cụ thể:
-
Website được thiết kế để mang lại trải nghiệm tốt nhất với tốc độ nhanh, khả năng so sánh tối ưu giữa các sản phẩm, đơn giản và thuận tiện.
-
Với mật độ cửa hàng dày đặc, khách hàng tại Thế giới di động sẽ mất ít thời gian hơn khi đến mua sắm.
-
Nhân viên tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình. Các cửa hàng còn bố trí chỗ ngồi thoải mái để khách hàng được trải nghiệm tốt nhất.
-
Những đặc điểm về lịch sử mua hàng, những vướng mắc, khó khăn và các lần tiếp xúc với khách hàng đều được ghi nhớ.
-
Hoạt động bảo hàng và chăm sóc sau mua được thực hiện tại tất cả các hệ thống Thế giới di động toàn quốc thay vì đến đúng địa điểm đã mua hoặc mang đến trung tâm bảo hành của từng hãng.
Chiến lược marketing độc đáo, hiệu quả
Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, các chiến lược marketing của Thế giới di động luôn được đầu tư một cách nghiêm túc và bài bản.
Rất nhiều chiến dịch của công ty đã đạt được thành công ngoài mong đợi với mức độ viral tốt, thậm chí còn khiến nhiều người bị "ám ảnh" bởi hình ảnh "người xanh" một thời gian dài.
Thế giới di động triển khai chiến lược đa kênh, tập trung chủ yếu vào tối ưu SEO và content marketing cũng như trải nghiệm khách hàng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về chiến lược marketing của Thế giới di động trong phần tiếp theo của bài viết.
Weaknesses (Điểm yếu)
Coi trọng nhân viên chỉ sau khách hàng
Đây là điểm mạnh nhưng cũng chính là điểm yếu lớn nhất của Thế giới di động. Công ty đã xây dựng thành công một hệ thống dịch vụ đồng đều và phục vụ khách hàng tốt nhưng điều này lại tạo nên một rào cản vô hình khi muốn tiếp nhận nhân tài từ bên ngoài gia nhập đội ngũ của họ.
Theo ông Nguyễn Đức Tài - chủ tịch Thế giới di động, 99% đội ngũ quản lý của họ đều được thăng tiến từ trong nội bộ, có một số người được cất nhắc và tuyển dụng từ bên ngoài nhưng mức độ tiếp nhận văn hóa doanh nghiệp không thực sự thành công.
Vòng quay hàng tồn kho chậm
Việc kiểm soát và luân chuyển hàng tồn kho nhanh chóng là bài toán quan trọng mà trong chiến lược marketing của Thế giới di động cần giải quyết trước khi chúng bị giảm giá trị khi các mẫu mã, sản phẩm mới được tung ra thị trường.
Opportunities (Cơ hội)
Thị trường điện máy, tiêu dùng tiếp tục phát triển
Công ty Cổ phần Thế giới di động không chỉ tập trung vào thị trường điện thoại mà còn mở rộng sang lĩnh vực điện máy, tiêu dùng (Điện máy Xanh), thực phẩm (Bách hóa Xanh).
Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Thế giới di động, ông Đinh Anh Huân cho biết, phân khúc điện máy còn nhiều khoảng trống để các doanh nghiệp tham gia khi nhu cầu mua sắm mặt hàng tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện,... đang gia tăng.
Xu hướng mua sắm thương mại điện tử tăng cao
Với định hướng xây dựng theo mô hình thương mại điện tử ngay từ khi thành lập, Thế giới di động nhanh chóng thích ứng và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.
Threats (Thách thức)
Mức độ cạnh tranh cao
Thị trường điện thoại hay điện máy có mức độ cạnh tranh cao khi ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ cùng nhau tham gia tranh giành miếng bánh thị phần. Một số đối thủ chính có thể kể đến: FPT shop, Viettel Store, Hoàng Hà Mobile,...
Sức ép từ các nhà bán lẻ nước ngoài
Cùng với sự phát triển của xu hướng eCommerce, nhiều công ty thương mại điện tử uy tín từ nước ngoài như Lotte (Hàn Quốc), Amazon (Mỹ), Rakuten (Nhật Bản), AeonEshop (Nhật Bản) sẽ sớm tham gia thị trường trong dài hạn, chưa kể các sàn thương mại điện tử đang chiếm lĩnh thị trường nội địa hiện nay như Lazada, Shopee, Tiki. Sự tham gia của các doanh nghiệp này sẽ thúc đẩy việc đưa các sản phẩm có nguồn gốc chất lượng vào thị trường, từ đó tạo sức ép cạnh tranh đáng kể cho miếng bánh eCommerce Việt Nam.
>>> Có thể bạn quan tâm: Ma trận SWOT của Apple: Chiến lược biến Apple thành thương hiệu giá trị nhất thế giới
Chiến lược marketing của Thế giới di động
Chiến lược Marketing của Thế giới di động về tối ưu SEO
Chiến lược SEO của Thế giới di động được coi là "hình mẫu" mà SEOer nên tham khảo. Bạn có để ý rằng, bất kể bạn Google search một cụm từ thuộc bất kỳ chủ đề nào từ công nghệ, game đến nấu ăn, sức khỏe, thời trang,... thì website thegioididong.com hay dienmayxanh.com đều nằm trong top đầu trang tìm kiếm, thậm chí là top 0.
Nhiều người trong ngành thậm chí còn đặt cho Thế giới di động và Điện máy Xanh tên gọi "bách khoa toàn thư" bởi vì bạn search 7749 thứ đều ra.
Vậy Thế giới di động đã thực hiện chiến lược SEO này như thế nào?
Đầu tiên, với tiềm lực và nền tảng công nghệ lớn, Thế giới di động đã xây dựng một hệ quản trị nội dung (CMS) cực kỳ hiệu quả trong việc quản lý và điều khiển tất cả các hoạt động về nội dung với những tiêu chuẩn SEO nhất định để team content tập trung vào khâu sản xuất nội dung.
Tiếp đó, họ tuyển dụng và xây dựng một đội ngũ lớn chuyên sản xuất nội dung về đa lĩnh vực. Một trong những chuyên mục thành công và thu hút nhiều traffic nhất là về Tin tức Công nghệ. Đối với các loại nội dung khác, họ đều cố gắng lồng ghép một cách khéo léo về sản phẩm đang có tại trang.
Khi nội dung đã được thiết lập, tính năng bình luận và đánh giá sẽ được tích hợp công khai trong từng bài viết để người dùng có thể thảo luận và đặt câu hỏi. Đây là cách thức hiệu quả để thu hút và giữ chân khách hàng.
Chiến lược Marketing của Thế giới di động với các chương trình quảng cáo, khuyến mãi
Một hoạt động khác không thể không nhắc đến chính là các chương trình quảng cáo, khuyến mãi của Thế giới di động.
Chắc hẳn bạn còn nhớ hình ảnh người xanh đầy ám ảnh với giai điệu bắt tai được lặp đi lặp lại trên khung giờ vàng quảng cáo trên sóng truyền hình. Ngay lập tức, đoạn quảng cáo này đã thu hút hàng triệu lượt xem và hàng trăm ngàn lượt thảo luận sôi nổi trên khắp các trang mạng xã hội.
Quảng cáo "người xanh" ám ảnh một thời của Điện máy Xanh
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động quảng cáo ngoài trời cũng được triển khai với hình ảnh sống động, màu sắc rực rỡ và âm thanh thu hút.
Ngoài ra, Thế giới di động còn thường xuyên triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Khi người tiêu dùng mua bất kỳ sản phẩm nào tại đây, thì đều được tặng kèm nhiều voucher hấp dẫn, tặng kèm sản phẩm.
Chiến lược Marketing của Thế giới di động về việc tối ưu hành trình khách hàng
Một trong những yếu tố tạo nên thành công và danh tiếng của Thế giới di động đến từ việc lấy hành trình khách hàng làm nền tảng.
Hành trình khách hàng là một tập hợp các điểm tiếp xúc khách hàng trong cả ba giai đoạn trước, trong và sau khi bán. Và nếu nhìn từ góc độ doanh nghiệp, điều này phụ thuộc vào nhiều bộ phận khác nhau.
Quy trình trong chiến lược marketing của Thế giới di động cho phép nhân viên mỗi bộ phận tại các điểm "touch-point" hiểu được bối cảnh của từng khách hàng, nắm chéo được thông tin để quản lý chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, thông qua cuộc trò chuyện với khách hàng, nhân viên trung tâm hỗ trợ Call Center có thể nắm được "lịch sử tư vấn, giao dịch" của nhân viên bán hàng để họ có hài lòng hay phàn nàn gì hay không, từ đó cuộc hội thoại sẽ trở nên ý nghĩa hơn.
Các doanh nghiệp ngày nay thường rơi vào tình trạng mặc dù KPI của từng bộ phận tăng nhưng khách hàng không gắn bó với thương hiệu. Nguyên nhân là bởi mỗi bộ phận đều cố gắng hoàn thành công việc của mình mà không có sự kết nối chặt chẽ với nhau khiến trải nghiệm của khách hàng trở nên rời rạc.
Nhưng Thế giới di động làm rất tốt điều này, công ty xây dựng một mô hình quản trị đầy đủ về các điểm tiếp xúc của khách hàng và kết nối chúng lại với nhau để tạo nên một bối cảnh giao tiếp liền mạch, nhất quán và thấu hiểu khách hàng.
Kết luận
Chiến lược marketing của Thế giới di động được triển khai một cách hiệu quả không chỉ giúp thương hiệu này vươn lên trở thành vị thế hàng đầu trong ngành bán lẻ thiết bị di động, điện máy, thực phẩm,... mà còn tạo một cú hích lớn về doanh thu và danh tiếng cho thương hiệu.
Lương Hạnh - MarketingAI
Tổng hợp
>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược Marketing của FPT Shop: Cạnh tranh bán lẻ điện thoại không hề dễ!
Bình luận của bạn