- Giới thiệu về Acecook
- Phân tích tổng quan về thị trường mì tại Việt Nam
- Tổng quan thị trường mì tại Việt Nam
- Thị trường mục tiêu của Acecook
- Khách hàng mục tiêu của Acecook
- Đối thủ cạnh tranh của Acecook
- Ma trận SWOT của Acecook
- Điểm mạnh
- Điểm yếu
- Cơ hội
- Thách thức
- Chiến lược marketing của Acecook
- Chiến lược sản phẩm
- Chiến lược giá
- Chiến lược phân phối
- Chiến lược xúc tiến hỗn hợp
Vậy, các chiến lược marketing của Acecook được thực hiện như thế nào, theo diễn biến ra sao? Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
Giới thiệu về Acecook
Acecook tiền thân là một công ty mì ăn liền lớn tại Nhật Bản, bước vào thị trường Việt Nam từ năm 1990 với cái tên Vina Acecook. Đến nay, Acecook đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường FMCG Việt Nam, nổi tiếng với các thương hiệu con về bún, mì, miến ăn liền, gia vị chấm như phở Đệ Nhất, Lẩu Thái, Phú Hương, Hảo Hảo,...
Phân tích tổng quan về thị trường mì tại Việt Nam
Tổng quan thị trường mì tại Việt Nam
Thị trường mì tại Việt Nam từ lâu đã được nhận định là một thị trường khá tiềm năng đối với các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực. Theo đó, sức cạnh tranh đến từ thị trường này cũng vô cùng lớn.
Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam có tới hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mì ăn liền, với loạt tên tuổi lớn như Acecook, Masan, Asia Food, Vifon,...
Theo thống kê của Retail Data (2021), Acecook Việt Nam đang nắm giữ 35,4% thị phần (tính theo doanh thu), theo sau đó là Masan với 27,9%, Uniben đạt 12,2% và Asia Food 8%.
Thị trường mục tiêu của Acecook
Acecook nhắm tới thị trường mục tiêu bao gồm cả nông thôn và thành thị với nhóm khách hàng mục tiêu là đa dạng tầng lớp.
Đó là lý do vì sao trong các chiến lược marketing của Acecook cũng như trong chiến lược kinh doanh, Acecook luôn đề cao các giá trị sản phẩm đem tới đó là sự tiện lợi, hương vị thơm ngon và có giá cả phù hợp với mọi khách hàng.
Ngoài ra, Acecook cũng hướng tới việc tấn công mạnh hơn vào thị trường thế giới và các nước khác trong khu vực. Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong chiến lược thâm nhập thị trường của doanh nghiệp này.
Những năm gần đây Acecook đang tập trung nhiều vào công nghệ sản xuất và các hoạt động tiếp thị, chuẩn bị sẵn sàng cho các kế hoạch “tấn công” thị trường quốc tế.
Khách hàng mục tiêu của Acecook
Khách hàng mục tiêu của Acecook chủ yếu tập trung ở độ tuổi trưởng thành (từ 18 đến 35 tuổi), với đa dạng các mức thu nhập khác nhau. Tương ứng, những sản phẩm thuộc thương hiệu cao cấp của Acecook sẽ hướng tới nhóm có thu nhập cao (class A, B) và những thương hiệu bình dân hơn sẽ chỉ tập trung vào nhóm có thu nhập ở mức BC trở xuống.
Đối tượng khách hàng mục tiêu của Acecook được mô tả cụ thể với các đặc điểm sau:
Nhân khẩu học:
- Giới tính: Acecook hướng đến nhóm khách hàng ở mọi giới tính.
- Vị trí địa lý: Tập trung ở mọi miền tổ quốc, trong đó những thương hiệu cao cấp sẽ tấn công mạnh hơn ở các khu vực thành thị còn các thương hiệu bình dân sẽ tập trung nhiều hơn ở các vùng nông thôn.
- Độ tuổi: Chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi.
- Thu nhập: Đa dạng các nhóm thu nhập, bao gồm nhóm A class (15-150 triệu) và nhóm B class (7,5 - 15 triệu) cho các thương hiệu cao cấp. Nhóm C class (4,5 - 7,5 triệu), D class (3 - 5 triệu), E class (1,5 - 3 triệu), F class (0 - 1,5 triệu) cho các thương hiệu bình dân.
- Tình trạng hôn nhân: Chủ yếu là nhóm khách hàng trẻ độc thân
- Học vấn: Trung học, Phổ thông, Cao đẳng, Đại học,...
- Thói quen hành vi: Có quỹ thời gian hẹp, bận rộn với công việc, luôn chú trọng sự tiện lợi để có thể tối đa hóa năng suất hoạt động.
Hành vi mua sắm:
- Kênh mua sắm: Các kênh mua sắm trực tiếp (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,...), kênh trực tuyến (website, sàn thương mại,..), kênh tiêu thụ tại chỗ (nhà hàng, quán xá, khách sạn,...).
- Thời gian mua sắm: Chủ yếu vào các bữa ăn (sáng, trưa, tối).
- Mục đích mua sắm: Giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng, bữa ăn.
Hành vi sử dụng:
- Tần suất: Sử dụng thường xuyên, có thể lên tới 1 - 3 lần/ngày.
- Lượng tiêu thụ: Từ 1 - 1,2kg//tháng.
Đối thủ cạnh tranh của Acecook
Với doanh thu liên tục tăng hằng năm, Acecook cho thấy vị thế lớn mạnh của mình trên thị trường mì ăn liền. Tuy vậy, sự xuất hiện và lớn dần lên về quy mô của các đối thủ cạnh tranh khác cũng đang đe dọa không nhỏ tới thị phần của doanh nghiệp này.
Các đối thủ trong nước:
Chỉ trong thị trường nội địa, Acecook đã phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh như:
- Masan: Masan đang được đánh giá là đối thủ cạnh tranh “nặng ký” nhất của Acecook tính đến thời điểm hiện tại. “Ông lớn” này sở hữu chuỗi các thương hiệu mì ăn liền nổi tiếng như Omachi, Kokomi, Chin-su,... Trong đó, có 8 sản phẩm điển hình của Masan đã được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Asia food: Asia food là doanh nghiệp lâu đời hoạt động trong ngành hàng mì ăn liền tại Việt Nam. Đơn vị này sở hữu nhiều thương hiệu mì quen thuộc như Mi Seda, Mi Daddy, Mi Khó Gãy,...
- Vifon: Vifon là một trong những thương hiệu mì gói tiên phong tại Việt nam với thị thế khá vững chắc trên thị trường. Song song với dòng sản phẩm mì gói, đơn vị này cũng tập trung đẩy mạnh việc phát triển các dòng sản phẩm mới như phở ăn liền, cháo ăn liền,...
Các đối thủ quốc tế:
Bên cạnh các đối thủ trong nước, Acecook hiện cũng đang phải đối đầu gắt gao với các “ông lớn” đến từ quốc tế. Trong đó có một số doanh nghiệp như:
- Nongshim: Nongshim là một trong những tập đoàn thực phẩm hàng đầu Hàn Quốc với bộ sưu tập đồ sộ lên tới 44 vị mì. Đặc biệt sản phẩm mì cay của thương hiệu này đang nhận được sự quan tâm rất lớn đến từ phía người tiêu dùng. Một số sản phẩm mì gói của Nongshim có thể kể đến như: Shin Ramyun, Champong, Soon Noodle,...
- Ottogi: Ottogi là một tập đoàn thực phẩm lớn của Hàn Quốc được thành lập năm 1969 với loạt sản phẩm nổi tiếng như mì ăn liền, gia vị, và đồ uống,... Trong đó, các dòng sản phẩm mì gói nổi bật của Ottogi có thể kể đến như: Mì Jin Ramen, Red Angel, Isan,...
Ma trận SWOT của Acecook
Điểm mạnh
Điểm mạnh của Acecook được thể hiện trên nhiều khía cạnh:
- Acecook là thương hiệu danh tiếng trên thị trường, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mì ăn liền.
- Acecook sở hữu thị phần lớn, có danh mục sản phẩm rộng như mì Mikochi, mì Hoành Thánh, miến trộn Phú Hương, mì Lẩu thái,...; đa dạng hóa sản phẩm từ các phân khúc như mì, phở, bún đến muối chấm, snack.
- Acecook sở hữu các chính sách bán hàng hấp dẫn với nhiều ưu đãi,..
- Acecook có mạng lưới phân phối rộng trên khắp toàn quốc. Chuỗi cung ứng của Acecook phủ rộng khắp mọi tỉnh thành, có mặt ở hầu hết các gian hàng bán lẻ, các kênh thương mại,...
- Áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất với 11 nhà máy trên toàn quốc, công suất lên tới 2,5 tỷ gói/ năm.
- Chiến lược giá phù hợp với thu nhập người tiêu dùng Việt Nam.
- Nguồn nhân lực của Acecook được đánh giá cao hơn hẳn so với thị trường chung với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, mì ăn liền.
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng của Acecook được thực hiện chỉn chu, bài bản và chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng khi cần.
Điểm yếu
- Hoạt động nghiên cứu, cải tiến sản phẩm con chậm, thiếu sự linh hoạt, chưa bắt kịp được xu thế mới của thị trường.
- Đầu tư cho hoạt động marketing vẫn chưa thực sự đồng bộ: chiến lược truyền thông không nổi bật, thiết kế bao bì truyền thống, không hấp dẫn
- Giá trị dinh dưỡng không cao, chủ yếu chỉ cung cấp calo
Cơ hội
- Thị trường còn nhiều dư địa do sức tiêu dùng cao, lối sống hiện đại khiến cho người tiêu dùng quan tâm hơn đến các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn.
- Nền tảng công nghệ hiện đại, là cơ sở để phát triển và hoàn thiện thêm dây chuyền sản xuất.
- Cơ hội mở rộng thị trường và danh mục sản phẩm mới.
- Môi trường vĩ mô của Acecook đang diễn tiến theo hướng ra tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp này có thể thực hiện các chiến lược phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường trên phạm vi rộng hơn.
Thách thức
- Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường với sự tham gia của hàng loạt các tên tuổi lớn nhỏ.
- Thị trường có sự biển động mạnh, thị hiếu khách hàng liên tục thay đổi tác động không nhỏ đến việc thực thi các chiến lược marketing của Acecook.
- Nhiều mới sản phẩm thay thế gây ảnh hưởng đến vị thế của mì ăn liền trên gian hàng.
>>> Có thể bạn quan tâm: Ma trận SWOT: Bước đi cho mọi chiến lược Marketing thành công
Chiến lược marketing của Acecook
Với những thế mạnh vốn có cùng sự am hiểu sâu sắc thị trường, các chiến lược marketing của Acecook được triển khai khá đồng bộ trên mọi phương diện cả về sản phẩm, giá, phân phối và xúc tiến:
Chiến lược sản phẩm
Chiến lược marketing của Acecook tập trung nhiều vào phát triển sản phẩm, trong đó đẩy mạnh nâng cao chất lượng và mở rộng danh mục. Các dòng sản phẩm của Acecook bao gồm:
- Mì gói: Mì Hảo Hảo, Mì Zeppin, Mì Pôtatô King, Mì Udon Sưki Sưki, Mì Doraemon, Mì Đệ Nhất Mì Gia, Mì Mikochi, Mì Minova, Mì Lẩu Thái, Mì Hoành Thánh, Mì Siukay, Mì Bốn Phương, Mì Spaghetti Bistro, Mì Good, Mì Số Đỏ, Mì Hảo 100,…..
- Phở – hủ tiếu – bún: Đệ nhất phở, Phở trộn Đệ nhất, hủ Tiếu Khô Nhịp Sống Hương Vị Nam Vang, Bún Tươi Sấy Khô Hằng Nga.....
- Mì tô - ly - khay: Mì Ly Ăn Liền CayKay, Mì ly Handy Hảo Hảo, Mỳ ly ZEPPIN, Mì Tô SiuKay Tia Chớp Hương Vị Hải Sản, Mì ly Modern, Mì Tô Trộn Handy Hảo Hảo hương vị Tôm Chua Cay,...
- Miến: Miến Trộn Phú Hương, Miến Phú Hương, Miến Phú Hương Yến Tiệc
- Ngành hàng mới: Viên Canh Kanli, Muối chấm Hảo Hảo Tôm Chua Cay,...
Trong đó, nổi bật nhất là sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo hương vị tôm chua cay - ra đời tháng 9/2002, được mệnh danh là “biểu tượng” mì ăn liền Việt, gắn liền với bao thế hệ người tiêu dùng. Ngoài hương vị hấp dẫn, sản phẩm gây ấn tượng mạnh bởi có giá thành phải chăng, dễ no và có sự tương thích lớn với khẩu vị của đại chúng.
Song song với đó, Acecook cũng thực hiện nghiên cứu và phát triển thêm các dòng sản phẩm, hương vị mới,... kết hợp với các chương trình khuyến mãi để tiếp cận gần hơn với khách hàng.
Năm 2020, Acecook đã tạo ra bước đột phá mới khi cho ra mắt dòng muối chấm Hảo Hảo để đáp ứng nhu cầu sử dụng gia vị trong văn hóa nấu nướng, thưởng thức trái cây của người Việt.
Điều này phản ánh một thực tế rằng, Acecook đã có những chiến lược nghiên cứu thị trường rất kỹ lưỡng, liên tục đào sâu và lắng nghe những tâm tư, mong muốn của người tiêu dùng Việt.
Ngoài ra, để tối ưu hóa chi phí sản xuất và tăng thêm lợi nhuận biên, công ty Acecook còn đầu tư xây dựng thêm các dây chuyền sản xuất bún ở miền Bắc cũng như sản xuất ly giấy cho nhà máy sản xuất mì ly.
Chiến lược giá
Chiến lược giá của Acecook được đánh giá là khá thông minh và toàn diện, có sự tương thích lớn đối với khách hàng mục tiêu và những biến động của thị trường, nền kinh tế.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng của Acecook chủ yếu tập trung ở nhóm học sinh sinh viên và người tiêu dùng tại nông thôn. Vì vậy, giá trung bình các sản phẩm của Acecook hiện chỉ được khống chế ở ngưỡng 4.500 đồng.
So với mức giá lần đầu thâm nhập thị trường (khoảng 1.000 đồng), giá hiện tại của các sản phẩm nhà Acecook được cho là tương đối hợp lý, có sự biến động theo đúng nhịp tiến của nền kinh tế Việt, đồng thời rất phù hợp với tài chính tiêu dùng ở mọi tầng lớp xã hội.
Chiến lược giá của Acecook ở thời điểm hiện tại giúp cho hãng dễ dàng tiếp cận thị trường hơn so với đối thủ. Mặt khác, đây cũng là cách giúp Acecook lôi kéo và giữ chân khách hàng ở lại với thương hiệu.
Chiến lược phân phối
Hoạch định chiến lược của Acecook chú trọng nhiều vào việc xây dựng chuỗi cung ứng trên diện rộng.
Trong đó, Acecook đã tiến hành mở rộng hệ thống phân phối trên toàn quốc với hơn 700 đại lý cấp 1 và bố trí các chi nhánh đại diện ở cả 3 miền, tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm.
Song song với đó, Acecook cũng cho xây dựng hơn 11 nhà máy trên cả nước, nâng cấp và cải thiện hệ thống máy móc sản xuất, đảm bảo nguồn cung luôn dồi dào, đáp ứng các nhu cầu từ thị trường.
Ngoài ra, Acecook cũng hợp tác với các kênh phân phối khác như siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi và mở rộng thêm sàn thương mại điện tử Eshop Acecook Việt Nam, giúp khách hàng có thể chọn mua dễ dàng và tiện lợi hơn dù ở bất cứ đâu.
>>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược marketing của Golden Gate: Cách để giữ vị thế "ông trùm" F&B tại Việt Nam
Chiến lược xúc tiến hỗn hợp
Chiến lược marketing mix của Acecook được đánh giá là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên thành công của doanh nghiệp này. Trong đó, Acecook tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến trên hầu hết mọi phương diện với nhiều hoạt động khác nhau như quảng cáo, PR, khuyến mãi:
- Quảng cáo: Acecook thực hiện hiện triển khai quảng cáo các sản phẩm của thương hiệu trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả các phương tiện truyền thông đại chúng (nơi tập trung đông đảo người xem) và các phương tiện truyền thông xã hội: quảng cáo truyền hình, quảng cáo radio, quảng cáo trên Facebook, Zalo, Sản xuất các TVC Phở Đệ Nhất – Ngon như phở quán, Niềm vui sẵn sàng trong ly Handy Hảo Hảo, Cùng Modern, ngay mới đã,….Đặc biệt chiến dịch quảng cáo mới đây nhất của Hảo với slogan “Phục vụ hơn 2 tỷ bữa ăn ngon mỗi năm” đã khiến cho nhiều khách hàng bị ấn tượng với số lượng tiêu thụ và độ phổ biến của thương hiệu mì này tại thị trường Việt.
- Sử dụng nghệ sĩ nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu: Theo dòng sự kiện, Acecook cũng tích cực đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu của mình trong các chiến lược marketing xúc tiến. Trong đó, hãng đã lựa chọn nhiều tên tuổi lớn như Sơn Tùng MTP, Hòa Minzy làm đại sứ cho các thương hiệu mì của mình. Điều này đã góp phần tạo nên hiệu ứng truyền thông không nhỏ cho doanh nghiệp, góp phần vào sự thành công của thương hiệu trên thị trường.
- Các chương trình khuyến mãi: Hảo Hảo liên tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi trong năm, tập trung nhiều vào các dịp Tết để thúc đẩy sự quan tâm của người tiêu dùng trên khắp toàn quốc, ví dụ như Tỷ phú Hảo Hảo, Đón hè chín vị, săn liền 9 tỷ,...
- Các hoạt động xã hội: Cùng với đó, Acecook cũng đẩy mạnh các hoạt động xã hội mang nhiều ý nghĩa như ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, tổ chức chương trình Tết, tài trợ cho đội tuyển bóng đá và tổ chức trao tặng học bổng cho các em học sinh - sinh viên nghèo vượt khó, có thành tích học tập xuất sắc.
>>> Có thể bạn quan tâm: Phân tích chiến lược marketing mix của Coca Cola gắn liền với 4 chữ P
Tạm kết:
Thông qua những phân tích về chiến lược marketing của Acecook trên đây có thể thấy, định hướng và kế hoạch phát triển của thương hiệu này được triển khai tổng thể với nhiều hoạt động đan xen, hướng tới mục tiêu cao nhất là chinh phục người dùng và mở rộng thị trường trên phạm vi rộng. Đây là chiến lược tiếp thị bài bản mà bạn có thể tham khảo cho doanh nghiệp của mình để chinh phục những mục tiêu mà bản thân doanh nghiệp đang hướng tới trong tương lai, nâng cao doanh thu và thúc đẩy đà tăng trưởng.
Bình luận của bạn