- Loạt thương hiệu tăng trưởng nhanh chóng nhờ xây dựng thương hiệu cá nhân
- #1. Schannel với mạng lưới kênh cá nhân từ sếp tới nhân viên
- #2. Du học MD với kênh Phương thử việc, Khánh Fly, Sếp Việt
- #3. Thẩm mỹ viện JT Angel và kênh CEO Nhã Lê
- #4. SaigonSwagger gây ấn tượng với kênh TikTok “Phòng này hề”
- #5. Hoàng Hà Mobile liên tục viral nhờ kênh TikTok Hoàng Hà Angels
- Các hướng xây dựng thương hiệu cá nhân cho doanh nghiệp
- 1. CEO Branding
- 2. EGC - Employee-Generated Content
- 3. CEO Branding kết hợp EGC
- Những mặt trái của việc xây dựng thương hiệu cá nhân
Loạt thương hiệu tăng trưởng nhanh chóng nhờ xây dựng thương hiệu cá nhân
Hơn 1 năm vừa qua có thể thấy xu hướng xây dựng thương hiệu cá nhân trong doanh nghiệp ngày càng bùng nổ. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng dè dặt với quảng cáo truyền thống, các kênh cá nhân của Nhân viên, chuyên gia hay CEO lại trở thành công cụ marketing hiệu quả hơn nhờ yếu tố con người chân thật và gần gũi. Chính sự tin cậy này giúp thương hiệu cá nhân không chỉ là kênh truyền thông mạnh mẽ mà còn là “điểm bán” tiềm năng với tỷ lệ chuyển đổi cao. Trước khi phân tích những mặt lợi và hại của thương hiệu cá nhân, cùng nhìn lại một số Case Study rất thành công nhờ chiến lược marketing này:
#1. Schannel với mạng lưới kênh cá nhân từ sếp tới nhân viên
Schannel là một ví dụ điển hình cho mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân song song với phát triển thương hiệu kênh, tạo nên một hệ sinh thái nội dung rất độc đáo và bổ trợ cho nhau. Schannel phát triển song song cả thương hiệu cá nhân của CEO (CEO Branding) và thương hiệu cá nhân của các nhân viên (EGC).
Mạng lưới kênh của Schannel được chú ý nhiều hơn kể từ khi những tên tuổi kỳ cựu như Sếp Huy NL Duy Thẩm phát triển kênh cá nhân với các nội dung tiểu phẩm văn phòng với review công nghệ, hiện kênh này đã đạt 8,2 triệu người theo dõi. Thành công này mở đường cho nhiều gương mặt khác như Hải Triều (3,3 triệu followers), Đặng Thu Hà (3,7 triệu followers) – một trong những nữ reviewer có sức ảnh hưởng khá lớn,... và rất nhiều kênh nhỏ khác của các nhân viên trong công ty này.
Nhờ mạng lưới kênh cá nhân đa dạng, thường xuyên hợp tác và hỗ trợ nhau, Schannel mở rộng được phạm vi tiếp cận rất mạnh mẽ, thu hút nhiều nhóm khán giả khác nhau với các nhóm nội dung đa dạng. Sự phát triển của mạng lưới kênh cá nhân giúp cho kênh chính Schannel cũng tăng trưởng không kém cạnh với 2,9 triệu người theo dõi. Từ đó giúp thương hiệu này nhận được rất nhiều lời mời hợp tác truyền thông của các nhãn hàng. Và đặc biệt là củng cố vị thế của công ty mẹ - Cellphones trên thị trường công nghệ Việt Nam, giúp nhãn hàng này tiếp cận và chinh phục niềm tin của đông đảo người tiêu dùng trẻ.

#2. Du học MD với kênh Phương thử việc, Khánh Fly, Sếp Việt
"Phương thử việc" cũng là một case tiêu biểu, chứng minh cho hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu cá nhân để thúc đẩy thương hiệu doanh nghiệp. Ra mắt từ 10/2024, kênh nhanh chóng thu hút 312.000 followers, 8,7 triệu lượt thích, nhờ khai thác những câu chuyện công sở theo góc nhìn hài hước, chân thực, đúng insight Gen Z.
Nội dung của "Phương thử việc" xoay quanh những tình huống văn phòng quen thuộc như chấm công, lương thưởng, chuyện ở trọ, được thể hiện qua diễn xuất tự nhiên của Phương và các sếp. Sự xuất hiện của nhiều nhân vật từ sếp đến đồng nghiệp giúp kênh tránh gặp phải lối mòn nội dung, luôn giữ sự tươi mới và sáng tạo.
Và cũng giống như Schannel, "Phương thử việc" không hoạt động độc lập mà hợp tác cùng mạng lưới kênh TikTok của MD bao gồm các nhân viên khác trong công ty như: Sếp Khánh Fly, Sếp Việt, Thùy Dung,... tạo hiệu ứng cộng hưởng, giúp MD mở rộng tệp khách hàng, gia tăng nhận diện thương hiệu. Nhờ chiến dịch xây dựng thương hiệu cá nhân này, kênh TikTok chính của MD đã tăng tới gần 100k follower, các phiên livestream về sản phẩm cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn trẻ Gen Z - Nhóm người tiêu dùng có nhu cầu du học rất cao.

>>> Xem thêm: Giải mã Casestudy "Phương thử việc" dưới góc nhìn của giới marketing
#3. Thẩm mỹ viện JT Angel và kênh CEO Nhã Lê
Bỏ qua những luồng thông tin trái chiều về sản phẩm, Thẩm mỹ viện JT Angel cũng là một case study xây dựng thương hiệu cá nhân rất thành công. Thương hiệu tập trung vào xây dựng thương hiệu cá nhân của CEO – CEO Branding – thông qua kênh TikTok của CEO Nhã Lê. Các nội dung trên kênh TikTok này chủ yếu xoay quanh chủ đề làm đẹp, những outfit thường ngày của CEO Nhã Lê, cuộc sống giàu có, kết hợp với các kiến thức xoay quanh phẫu thuật thẩm mỹ. Với gu thời trang sành điệu và nhan sắc ấn tượng, CEO Nhã Lê thu hút đông đảo khán giả nữ và đã có tới gần 1 triệu lượt follow trên TikTok, trở thành một trong những kênh quan trọng giúp thương hiệu JT Angel tiếp cận khách hàng.
Nhờ việc chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân này, JT Angel có lợi thế lớn trong việc tạo dựng niềm tin với khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ quan tâm đến làm đẹp và thường sử dụng TikTok để tham khảo các nội dung về làm đẹp. Việc CEO trực tiếp xuất hiện trên nền tảng TikTok không chỉ giúp thương hiệu gia tăng nhận diện mà còn thúc đẩy tệp khách hàng trung thành, khi hình ảnh CEO trở thành đại diện rõ nét cho phong cách và chất lượng dịch vụ của JT Angel.

#4. SaigonSwagger gây ấn tượng với kênh TikTok “Phòng này hề”
SaigonSwagger - Một thương hiệu thời trang tại Sài Gon, đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng mạng dạo gần đây thông qua kênh TikTok "Phòng này hề" (@sgs.office). Kênh này hiện có hơn 400.000 người theo dõi và 24,4 triệu lượt thích, thu hút sự chú ý của đông đảo người trẻ trên TikTok.
Giống như Phương thử việc, "Phòng này hề" là một kênh xây dựng thương hiệu cá nhân cho một nhóm nhân viên trong công ty SaigonSwagger với những câu chuyện hài hước, sáng tạo của các bạn trẻ trốn văn phòng. Điểm đặc biệt của kênh này là thường xuyên gắn các sản phẩm của thương hiệu vào trong video một cách rất khéo léo, cho diễn viên sử dụng sản phẩm một cách tự nhiên, không gượng ép. Nhờ đó, các video hài hước triệu view trên kênh, sản phẩm của SaigonSwagger đã thành công tiếp cận đông đảo Gen Z.

#5. Hoàng Hà Mobile liên tục viral nhờ kênh TikTok Hoàng Hà Angels
Hoàng Hà Mobile là một trong những thương hiệu tiên phong áp dụng chiến lược Employee-Generated Content (EGC) để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Hoàng Hà là không tập trung vào một cá nhân nổi bật mà tạo ra kênh TikTok chung "Hoàng Hà Angels", nơi quy tụ nhiều gương mặt khác nhau như Nhung, Nhàn, Thắng... với những nội dung xoay quanh các tình huống hài hước tại cửa hàng. Các video của kênh này được lồng ghép khéo léo các hot trend, sự kiện nóng và kết hợp giới thiệu sản phẩm một cách mượt mà, không gượng ép. Hoàng Hà cũng kết hợp nhiều gương mặt mới, để đa dạng hóa nội dung và giúp thương hiệu không phụ thuộc vào một cá nhân duy nhất mà vẫn duy trì được sức hút và độ phủ trên nền tảng.
Nhờ chiến lược này, Hoàng Hà Mobile đạt có được rất nhiều video viral, giúp gia tăng độ nhận diện thương hiệu, mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo dấu ấn riêng trên thị trường bán lẻ công nghệ. Đặc biệt là có sức ảnh hưởng rất tốt tới người tiêu dùng Gen Z.

Ngoài ra, còn có rất nhiều thương hiệu khác thành công từ việc xây dựng thương hiệu cá nhân như: Các hãng trang sức Kimberly, Glosbe, Thương hiệu nha khoa Hi Smile, Vietravel với kênh Mọt,.... Những case study này cho thấy, thương hiệu cá nhân đang ngày càng trở nên phổ biến, hiệu quả đối với nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái chiều xoay quanh loại hình marketing này như: Phụ thuộc vào nhân viên, không mang lại hiệu quả thực cho thương hiệu,...
>>> Bạn có thể quan tâm: Sự nhầm lẫn giữa Personal Branding & Corporate Branding
Các hướng xây dựng thương hiệu cá nhân cho doanh nghiệp
Từ những case study trên có thể tạm chia chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân của doanh nghiệp thành 3 loại hình chính:
1. CEO Branding
Tiêu biểu: JT Angel - CEO Nhã Lê, Thẩm mỹ viện Mailisa - CEO Mailisa
Loại hình này tập trung vào việc xây dựng trang cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó sử dụng hình ảnh, uy tín của CEO để bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đối với hình thức này, thương hiệu nên tập trung xây dựng hình ảnh CEO chuyên nghiệp, chia sẻ kiến thức chuyên sâu về ngành, hoặc tạo dựng hình ảnh tích cực thông qua các hoạt động CSR. Điều này giúp gia tăng sự tin tưởng và yêu mến từ người tiêu dùng, dẫn dắt họ đến với sản phẩm. Ngoài ra, cần có phương án xử lý hiệu quả các tương tác, phản hồi từ khách hàng sau khi họ liên hệ với kênh CEO.
2. EGC - Employee-Generated Content
Tiêu biểu: Mọt, Glosbe, Kimberly, Hoàng Hà Mobile
Đối với hình thức này, thương hiệu khai thác tập trung khai thác những nội dung từ nhân viên thay vì chỉ tập trung vào một cá nhân lãnh đạo. Nhân viên trở thành các gương mặt đại diện, tạo nội dung gần gũi, hài hước, hoặc review sản phẩm chân thực. Điều này giúp thương hiệu gia tăng sự kết nối với khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ như Gen Z. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý của chiến lược này là thương hiệu nên xây dựng một mạng lưới nhiều thương hiệu nhân viên khác nhau và các nội dung của nhân viên cần được kết nối chặt chẽ, để đảm bảo bổ trợ hiệu quả cho thương hiệu chung và giảm sự phụ thuộc vào một cá nhân duy nhất. Các kênh như Hoàng Hà Angels hay Mọt Review là ví dụ điển hình về việc xây dựng một hệ sinh thái nội dung đa nhân vật, tạo sự đa dạng trong cách tiếp cận khách hàng.
3. CEO Branding kết hợp EGC
Tiêu biểu: Schannel, HiSmile, Phương thử việc
Đây là mô hình kết hợp cả hai chiến lược trên, trong đó CEO đóng vai trò trung tâm, nhưng đồng thời thương hiệu cũng phát triển nhiều kênh cá nhân của nhân viên để mở rộng phạm vi tiếp cận. Điểm thú vị của mô hình này là các nội dung tương tác thú vị giữa sếp và các nhân viên, đa dạng và nhiều góc nhìn mới mẻ hơn. Thương hiệu vừa tận dụng được sự sáng tạo, trẻ trung đến từ các nội dung của nhân viên, vừa khai thác được yếu tố uy tín, bảo chứng thương hiệu của CEO.

Những mặt trái của việc xây dựng thương hiệu cá nhân
Với những casestudy trên có lẽ đã đủ để thấy được những lợi ích vượt trội mà việc xây dựng thương hiệu cá nhân mang lại cho một thương hiệu. Từ việc tăng độ nhận diện cho thương hiệu, tạo dựng mối quan hệ thân thiết hơn với khách hàng, cho tới tiềm năng khai thác doanh số từ uy tín, sức ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân,... Tuy nhiên, cũng như bất cứ loại hình marketing nào khác, xây dựng thương hiệu cá nhân trong doanh nghiệp cũng tồn tại một số thách thức và lỗi sai thường gặp mà thương hiệu cần phải lưu ý:
Thiếu liên kết giữa thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp, dẫn tới thương hiệu doanh nghiệp trở nên mờ nhạt
Khi xây dựng thương hiệu cá nhân trong doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược liên kết chặt chẽ giữa thương hiệu cá nhân & thương hiệu doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp dồn quá nhiều nguồn lực vào xây dựng thương hiệu cá nhân mà bỏ quên việc phát triển thương hiệu tổng thể dẫn tới khiến tỷ lệ chuyển đổi thực sự của doanh nghiệp không cao.
Do đó, thương hiệu cần có những chiến lược để liên kết giữa hai thương hiệu như: Lồng ghép sản phẩm, hình ảnh thương hiệu, câu chuyện thương hiệu vào trong nội dung của kênh cá nhân, tag kênh thương hiệu doanh nghiệp trên các nội dung của kênh cá nhân, hoặc xây dựng một kênh chung như Hoàng Hà Angel,... Đồng thời tận dụng sức ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân để thực hiện các hoạt động như quảng bá sản phẩm, livestream,... trên kênh của thương hiệu.
Dự phòng rủi ro khi nhân viên đại diện cho thương hiệu nghỉ việc
Một trong những yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất của xây dựng thương hiệu cá nhân, đặc biệt là EGC đó là nỗi lo nhân viên đại diện đó sẽ nghỉ việc. Khi đó, nhân viên có thể khéo theo lượng người hâm mộ của họ chuyển hướng qua những doanh nghiệp khác, khiến thương hiệu “mất trắng” những nỗ lực trước đó. Đồng thời, nếu thương hiệu cá nhân gặp phải khủng hoảng truyền thông sẽ ảnh hưởng lớn tới thương hiệu doanh nghiệp.
Một số thương hiệu đã giải quyết vấn đề này bằng cách thức như: Đa dạng hóa thương hiệu cá nhân, sử dụng mạng lưới nhiều kênh thương hiệu cá nhân, đảm bảo nội dung giữa các kênh có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng một kênh chung cho nhiều gương mặt cá nhân khác nhau, hoặc tập trung xây dựng thương hiệu CEO làm trung tâm,.... Nhìn chung, việc dồn hết nguồn lực vào một cá nhân hoặc một kênh duy nhất chẳng khác gì “bỏ trứng vào một giỏ”, vì vậy thương hiệu nên đa dạng hóa các kênh thương hiệu cá nhân, đảm bảo nội dung giữa các kênh có sự liên kết chặt chẽ. Điều này không chỉ giúp thương hiệu làm chủ các kênh cá nhân mà còn giúp cho nội dung trở nên đa dạng phong phú hơn.
>>> Đọc thêm: Personal Branding và Business Branding: Xu hướng phát triển cá nhân trong thời đại AI và TikTok lên ngôi
Lời kết:
CEO Branding và EGC không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một chiến lược marketing hiệu quả giúp thương hiệu chinh phục niềm tin khách hàng một cách tự nhiên và bền vững. Khi được triển khai đúng cách, nó không chỉ gia tăng độ nhận diện, thúc đẩy doanh số mà còn tạo dựng mối quan hệ khăng khít giữa thương hiệu và khách hàng. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp cần có chiến lược liên kết chặt chẽ giữa thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp, đồng thời xây dựng hệ sinh thái nội dung linh hoạt, đa dạng để duy trì sự ổn định lâu dài.
Bình luận của bạn