- # Lâm Minh Decao - từ câu chuyện đời tư đến sự vụ xôn xao MXH
- # Social khai thác câu chuyện triệt để như một trào lưu
- “Tương tác” - từ lóng hot rần rần MXH
- Cả Vbiz được mang ra để làm content
- # Social đang “giải trí hóa” những nội dung tiêu cực cần lên án?
- Cách nhanh nhất để thu hút người xem tương tác
- Social dẫn dắt cảm xúc và hành vi người dùng
- Những vấn đề nguy hiểm đang bị xem nhẹ trên social
- Làm sao để người dùng "tỉnh thức" với những content tiêu cực bị "giải trí hóa"?
# Lâm Minh Decao - từ câu chuyện đời tư đến sự vụ xôn xao MXH
Câu chuyện bắt nguồn vào đêm 24/5, Lâm Minh - bạn gái của Decao bất ngờ xuất hiện trên livestream với trạng thái bất ổn, khóc lóc. Theo lời kể, mâu thuẫn bắt nguồn từ bàn ăn, khi thức ăn trên bàn luôn bị đẩy xa khỏi tầm tay của cô. Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn khi Decao mời cả mẹ và vợ xuống nói chuyện. Mọi người đều bị mất kiểm soát, dẫn đến tình huống không ai mong muốn.
Cộng đồng mạng sau đó đã tràn vào trang cá nhân của Decao để công kích nhưng mọi chuyện lên tới đỉnh điểm sau “lời xin lỗi” có như không của anh chàng. Theo đó, anh thừa nhận, việc mẹ với vợ xảy ra "tương tác", bản thân cũng đã can thiệp để “tăng tương tác” và mong nhận sự cảm thông từ khán giả. Luôn lấy tình hình sức khỏe của vợ ra làm lá chắn, cộng đồng mạng đã quá ngán ngẩm với những bào chữa vô lý của Decao.
# Social khai thác câu chuyện triệt để như một trào lưu
“Tương tác” - từ lóng hot rần rần MXH
62,79K lượng thảo luận & 194,44K lượng tương tác (Theo Social Trend) là những con số ấn tượng mà “tương tác” có được sau khi từ này xuất hiện trong lời xin lỗi của Decao. Theo từ điển Tiếng Việt, tương tác vừa là động từ vừa là tính từ. Nếu là động từ, tương tác biểu thị việc tác động qua lại lẫn nhau. Nếu là tính từ, tương tác có nghĩa là sự trao đổi, truyền dẫn thông tin. Còn trong thời đại số hiện nay, tương tác còn là các chỉ số về độ viral trên các nền tảng MXH.
Cả Vbiz được mang ra để làm content
Hàng loạt bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Việt được đào lại như “Sống chung với mẹ chồng”, “Sóng ở đáy sông” với nhiều phân cảnh được cho là tương đồng với drama tương tác này.
Bên cạnh đó, những cái tên ngồi không cũng “dính đạn” như Châu Bùi với những bức thư tình “Hết Yêu” cùng quá khứ không tốt với người yêu cũ hay BinZ với một câu hát trong BigCitiBoi. Hay ảnh chế “Top 4 người đàn ông chị em phụ nữ tin tưởng” được lan truyền khắp page này sang page khác.
Tất cả những sự kiện nếu có liên quan hay điểm tương đồng sẽ đều bị đào lại như một “nội dung giải trí”, đẩy một sự việc từ đáng lên án, phê phán trở thành nội dung câu view câu tương tác.
# Social đang “giải trí hóa” những nội dung tiêu cực cần lên án?
Cách nhanh nhất để thu hút người xem tương tác
Trong một môi trường truyền thông cạnh tranh như trên MXH, sự chú ý và sức lan tỏa của người dùng luôn là mục tiêu tất yếu mà social hướng tới. Chính bởi vậy mà những nội dung giải trí dễ thu hút và có khả năng tương tác mạnh mẽ. Với những nội dung này, người dùng không có rào cản về tâm lý như đề phòng hay cân nhắc như các nhóm nội dung khác.
Bằng cách chia sẻ và tương tác với nó, người dùng có thể cảm thấy rằng họ đang tham gia vào một cộng đồng và một phần của một trào lưu đó. Chính bởi những lý do trên, nhiều brand lựa chọn “giải trí hóa” những nội dung trên social như một cách hữu hiệu để gia tăng sức ảnh hưởng và tạo sự kết nối sâu sắc với người dùng.
Social dẫn dắt cảm xúc và hành vi người dùng
Noam Chomsky - một nhà nghiên cứu lỗi lạc của ngành ngôn ngữ học, phê bình xã hội và hoạt động chính trị từng nói: "Cảm xúc cản trở bạn nhìn nhận sự thật một cách khách quan và phản biện". Khi viết về những chiến lược thao túng của truyền thông, có 3 phương thức được ông nêu ra mà truyền thông đã sử dụng để điều khiển cảm xúc con người:
- Đánh lạc sự chú ý: Những thông tin quan trọng bị khuất lấp giữa một rừng các câu chuyện bên lề nhỏ lẻ.
- Nhiều cảm xúc và ít suy nghĩ hơn: Cảm xúc như một tấm màn che mắt người dùng nhìn nhận sự thật một cách khách quan và trực diện. Chúng ngăn chặn phần suy nghĩ lý tính bên trong mỗi người và điều này thường dẫn đến sự xuyên tạc hoặc bóp méo sự thật.
- Không cung cấp thông tin đầy đủ: MXH sẽ chỉ cho người dùng thấy những gì họ muốn cho người dùng thấy, chứ không phải những gì người dùng cần thấy. Đây là điểm mấu chốt khiến cho bản chất vấn đề ít khi được “mổ xẻ” và MXH chỉ tập trung khai thác những sự vụ bên lề..
Từ việc dẫn dắt cảm xúc người dùng, MXH dễ dàng điều khiển hành vi của họ. Thương hiệu SKIN1004 cũng gặp phải tình trạng trớ trêu tương tự khi người dùng sau khi đọc 1 post chia sẻ của bạn thiết kế tố là bị ăn cắp chất xám để tổ chức sự kiện đã ùa vào đánh giá và bình luận tiêu cực trên các trang mạng xã hội của nhãn hàng. Cho đến khi thương hiệu đăng bài với bằng chứng rõ ràng mới khiến công chúng “quay xe” và khen brands về màn xử lý khủng hoảng truyền thông nhanh chóng, chuyên nghiệp.
Tìm đọc thêm sự việc tại link: Cách xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp, sắc bén của SKIN1004
Những vấn đề nguy hiểm đang bị xem nhẹ trên social
Đương nhiên, không chỉ riêng vấn nạn về bạo lực gia đình mà vẫn còn rất nhiều thực trạng khác, vấn đề khác mà đáng ra, chúng phải được lên án, tuyên truyền về hậu quả để nâng cao nhận thức của người xem. Nhưng MXH không nói cho người dùng biết những điều đó, những content hài hước không phản ánh chân thực những điều đó. Cách phản ứng của người dùng đã hoàn toàn bị truyền thông dẫn dụ.
Lâm Minh - Decao chỉ là một trong hàng ngàn scandal người nổi tiếng mà social mượn ý tưởng cho những nội dung hài hước của mình, bất chấp đó là một sự vụ tiêu cực hay thậm chí đó là một vấn nạn xã hội nhức nhối. Người dùng thích thú, thoải mái khi bình luận, chia sẻ những nội dung này không phải để lên án, tố cáo, càng không phải để lan tỏa thông điệp chống bạo lực gia đình.
Làm sao để người dùng "tỉnh thức" với những content tiêu cực bị "giải trí hóa"?
Khi những nội dung giải trí dựa trên những câu chuyện tiêu cực xuất hiện ngày một nhiều, người dùng không thể làm gì khác ngoài việc “tỉnh thức” để nhận biết và hành động đúng. Trước khối lượng nội dung đồ sộ của MXH mà mỗi người có thể tiếp cận, người dùng cần:
- Tỉnh táo để nhận biết đâu là thông tin mình cần quan tâm và đâu là thông tin MXH muốn mình tiêu thụ?
- Đánh giá khách quan những thông tin giải trí trên MXH: nó có bắt nguồn từ sự vụ tiêu cực nào không hay bản chất của nó chỉ đơn giản để “mua vui” cho khán giả?
- Gia tăng sự tiếp cận và tiêu thụ những nội dung tích cực bởi nếu cái tốt đủ lớn, MXH sẽ bớt chỗ cho những cái xấu
- Tận dụng sự “tự do ngôn luận” trên MXH vào những mục đích chính đáng
Lời kết:
Mạng xã hội là ảo nhưng cuộc sống con người với những tổn thương, khổ đau là thật. Cách social “giải trí hóa” những nội dung tiêu cực đang khiến cho bản chất bị bóp méo và sự thật không được phanh phui. Hơn cả việc thỏa mãn cảm xúc người dùng, MXH nên và cần là nơi truyền tải những nội dung tích cực, đúng đắn. Mỗi người dùng có quyền tự do với MXH của chính mình bằng cách tỉnh thức để tiếp nhận nội dung tích cực và tỉnh táo trước những câu chuyện tiêu cực.
Bình luận của bạn