FMCG (Fast Moving Consumer Goods) là thuật ngữ để chỉ ngành hàng tiêu dùng nhanh trên thị trường. Những sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng này bao gồm toàn bộ các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống. Mới đây, WorldPanel Division vừa tung ra báo cáo cập nhật tình hình thị trường FMCG tháng 10 tại Việt Nam trong năm 2019. Số liệu được thu thập tại 4 thành phố chính (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Mình, Cần Thơ) và vùng nông thôn tại Việt Nam. Cùng MarketingAI điểm qua những thông số quan trọng trong báo cáo để có được cái nhìn toàn cảnh về thị trường FMCG trong thời điểm hiện tại.
Các chỉ số chính
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy những dấu hiệu khả quan về nền kinh tế Việt Nam khi đồng loạt những chỉ số đều phản ảnh dấu hiệu tích cực. Chỉ số CPI (Consumer Price Index - Chỉ số giá tiêu dùng) đã giảm so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái từ 3,52% xuống 2,57% đồng thời GDP năm nay tăng lên 6.71% đánh dấu sự tăng trưởng trong nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đặc biệt hơn, tại riêng ngành hàng tiêu dùng thì doanh thu bán lẻ đã tăng lên 11,5% đánh dấu sự gia tăng trong nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2019, đây là một dấu hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp.
Xu hướng của thị trường FMCG
Từ biểu đồ có thể dễ dàng nhìn thấy mức tăng trưởng giữa hai khu vực Thành thị và Nông thôn có sự khác biệt khá lớn, đặc biệt nếu xét trong thời gian ngắn hạn. Nếu như khu vực Thành thị chỉ thể hiện được dấu hiệu hồi phục ở giá trị và tăng trưởng chậm ở khối lượng thì tại khu vực Nông thôn cả hai giá trị đều thể hiện sự tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, mức tăng trưởng giá trị thị trường tại khu vực Nông thôn là gần gấp đôi từ 4,6 lên 8,4% còn mức tăng trưởng khối lượng là gấp 4 lần từ 1,6 lên 5,4%. Tuy nhiên, nếu xét trong thời gian dài thì tại cả hai khu vực Thành thị và Nông thôn thị trường FMCG vẫn chứng tỏ được mức tăng trưởng ổn định.
Tăng trưởng FMCG theo từng ngành hàng
Tại cả hai khu vực Thành thị và Nông thôn thì ngành hàng Sản phẩm chăm sóc cá nhân đánh dấu mức tăng trưởng lớn nhất, tiếp theo sau là ngành hàng sữa và sản phẩm từ sữa. Điều này chứng tỏ những thương hiệu về hai ngành hàng này đang "ăn nên làm gia" trong năm nay. Điều đáng chú ý trong năm nay là ngành hàng Thức uống thể hiện mức tăng trưởng âm tại khu vực Thành thị, lần lượt giảm 3,1% mức tăng trưởng giá trị và giảm 5,7% mức tăng trưởng khối lượng. Trong đó tại khu vực Nông thôn thì ngành hàng thức uống vẫn có mức tăng trưởng khá tốt là 12,7% và 8,7%. Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng của ngành hàng này tại hai khu vực đã có sự khác biệt rõ rệt, vì vậy các nhãn hàng đồ uống cần có những chiến lược phù hợp để bắt kịp xu hướng này.
Kênh mua sắm
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ mạnh mẽ cộng với việc được sớm tiếp cận Internet, không khó hiểu khi Online trở thành kênh phát triển mạnh nhất tại khu vực Thành thị đánh dấu mức tăng trưởng 38%. Điều này minh chứng qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thưởng mại điện tử như: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo.... Ngoài ra, xu hướng mua hàng của người tiêu dùng khu vực Thành thị cũng đang có dấu hiệu chuyển dịch từ những cửa hàng bách hóa, tiệm tạp hóa nhỏ, chợ truyền thống sang các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi hay siêu thị/đại siêu thị. Còn với khu vực nông thôn, người dân nơi đây vẫn quen với những kênh mua sắm truyền thống hơn.
>> Xem thêm: Báo cáo toàn cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam Qúy I năm 2019
Kết luận
Thông qua những dữ liệu trên, ta có thể rút ra được những ý chính sau:
- Sức mua của người Việt Nam đang có dấu hiệu tăng
- Sản phẩm chăm sóc cá nhân, sữa và sản phẩm từ sữa là hai ngành hàng phát triển nhất trong ngành FMCG
- Khu vực Nông thôn đang có sự phát triển mạnh mẽ hơn Thành thị trong ngành hàng FMCG
- Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng khu vực thành thị có sự thay đổi rõ rệt với sự phát triển của các kênh mua sắm mới nổi (online, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh)
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo Kantar WorldPanel
Bình luận của bạn