COVID-19 đã để lại những hệ quả gì cho thế giới? Một nền kinh tế chậm phát triển, một sự đảo lộn mạnh mẽ trong hành vi tiêu dùng, hay là những áp lực, căng thẳng đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của mỗi người dân? Là thế hệ “non nớt” nhất có khả năng tạo ra tiêu dùng, thay vì nói rằng họ đã sẵn sàng đối mặt với mọi sự thay đổi của thế giới, thì đúng hơn, Gen Z chỉ là đang cố tỏ ra dũng cảm trước “cơn bão” COVID-19 khi rất nhiều người trong số họ đang phải vật lộn với những vấn đề về tâm lý do áp lực xã hội gia tăng.
Theo một cuộc khảo sát có tên “The Brave Face of Gen Z” (tạm dịch: Gương mặt dũng cảm của Gen Z) do Sandpiper Communications thực hiện trên 1.226 Gen Z (từ 18 đến 24 tuổi) trên khắp Australia, Trung Quốc, Hong Kong và Singapore, 73% nói rằng họ đang phải trải qua những căng thẳng về tâm lý cao do ảnh hưởng của COVID-19 và 57% nói rằng sức khỏe tinh thần của họ đã trở nên tồi tệ hơn sau đại dịch.
Ngoài ra, 79% phải đối mặt với những cơn stress quá độ diễn ra hàng tháng hoặc thường xuyên hơn, 28% trải qua điều này hàng tuần và 11% là hàng ngày. Tuy nhiên, ngay cả khi tình trạng sức khỏe trở nên sa sút như vậy, cũng chỉ có 41% người cảm thấy thoải mái khi chia sẻ về vấn đề này.
Emma Smith - Giám đốc điều hành tại Sandpiper Communications cho biết: “Những người trẻ trong xã hội của chúng ta là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19. Nhưng điều đáng nói ở đây là họ sẽ cần phải sống chung với những tác động kinh tế và xã hội to lớn đó trong nhiều năm tới đây khi hệ quả mà đại dịch đem lại đã ảnh hưởng đến suốt quãng đời và sự nghiệp của họ sau này.”
“Để kỷ niệm Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới, chúng tôi hiểu rằng điều quan trọng là phải khiến mọi người hiểu rõ hơn tác động của COVID-19 lên thế hệ Gen Z và những cơ hội giúp họ có thêm nhiều sự ủng hộ và thấu hiểu hơn từ cộng đồng. Điều đáng lo ngại ở đây là mặc dù phải chịu rất nhiều áp lực về sức khỏe tinh thần và tâm lý trong Covid-19, nhưng Gen Z vẫn đấu tranh tâm lý rất giằng xé rằng có nên nói ra những áp lực này hay không.”
“Tất nhiên, Chính phủ và các bên liên quan đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện đời sống sức khỏe của người dân sau những tác động của COVID-19. Đó được coi là một tín hiệu tích cực, tuy nhiên, sẽ không đem lại hiệu quả trong mọi trường hợp nếu không có sự giao tiếp mạnh mẽ, cởi mở và minh bạch về sức khỏe tinh thần của từng đối tượng. Đặc biệt là với Gen Z, một đối tượng “non nớt” thường xuyên gặp phải khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc thật. Họ sẽ rất dễ che giấu đi những cảm xúc thật sâu bên trong nếu như không được xã hội công nhận và thấu hiểu.”
Cuộc khảo sát nói gì?
- Sau khi xem xét các nguyên nhân gây ra căng thẳng nghiêm trọng cho Gen Z khu vực Châu Á, kết quả cho thấy, áp lực gia đình xếp cao nhất với 65%, đứng sau lần lượt là áp lực công việc (48%) và áp lực trong các mối quan hệ với bạn bè (41%).
- Nghiên cứu cho thấy các tác động kinh tế và lối sống của Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của Gen Z hơn là những tác động liên quan đến sức khỏe.
- 71% Gen Z nói rằng sự suy giảm kinh tế do Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của họ, trong khi đó, 68% bị ảnh hưởng bởi những hạn chế do lệnh cấm đi lại. Những nỗi lo này xếp cao hơn lo ngại về việc bạn bè và gia đình bị nhiễm Covid-19 (62%) hoặc bản thân bị nhiễm (58%).
- Trong thời kỳ khủng hoảng, việc được tiếp cận với mạng xã hội vừa là điều may mắn vừa là “lời nguyền” đối với Thế hệ Gen Z. Xét trên mọi thị trường, gần 1/4 (24%) nói rằng mạng xã hội đã giúp ích cho sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của họ, trong khi đó, hơn một phần ba (34%) nói rằng họ phải nhận những cảm xúc tiêu cực vì mạng xã hội.
- Trong số những người tin rằng mạng xã hội có tác động tích cực, 69% cho rằng mạng xã hội giúp họ kết nối với gia đình và bạn bè. Hai phần ba (66%) cảm thấy mạng xã hội là nguồn giải trí “giết thời gian” hiệu quả, giúp họ xua tan đi nỗi buồn gia tăng trong mùa dịch COVID-19.
- Điều thú vị là trong số những người cảm thấy tích cực, 59% nói rằng mạng xã hội là nơi cập nhật tin tức nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, cùng với đó, các luồng câu chuyện tiêu cực trên mạng xã hội cũng là lý do lớn nhất (61%) khiến Gen Z ở APAC cảm thấy mạng xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến họ.
- Ngoài ra, trong số những người cảm thấy tiêu cực, gần một nửa (48%) Gen Z trên toàn Châu Á nói rằng việc thiếu kết nối thực sự với bạn bè và những người thân yêu trên thực tế đã làm sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của họ sa sút. Gần hai phần năm (38%) cũng bày tỏ rằng mạng xã hội đã vô tình gây áp lực khiến họ phải liên tục “bận rộn” dù đã đang phải chịu những cảm xúc tồi tệ do tình hình đại dịch gây ra.
- Bất chấp những áp lực gia tăng trong suốt mùa dịch Covid-19, vẫn có những dấu hiệu tích cực cho thấy Gen Z đã có thể tự đưa ra những quyết định có trách nhiệm hơn cho tương lai của chính họ cũng như chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết.
- Khi được hỏi về việc đại dịch đã thay đổi kế hoạch tương lai của họ như thế nào, gần một nửa (46%) nói rằng họ sẽ tập trung hơn vào việc tiết kiệm chi tiêu. Gần một phần ba (30%) thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hơn trong việc học tập và quyết định học một kỹ năng mới trong giai đoạn này.
Tô Linh - MarketingAI
Theo The drum
>> Có thể bạn quan tâm: Nghiên cứu mới nhất của Facebook về tình hình các doanh nghiệp SMBs và thói quen sử dụng công cụ số của người dùng
Bình luận của bạn