Các doanh nghiệp SMBs là trái tim của cả cộng đồng - họ là những người anh hùng thầm lặng đóng góp cho sự hưng thịnh của cả một nền kinh tế toàn cầu. Trước khi đại dịch diễn ra, lao động ở các doanh nghiệp SMBs chiếm tới 60-70% ở hầu hết các quốc gia. Đó là các nhà hàng, tiệm làm tóc, trung tâm chăm sóc trẻ em,... dù nhỏ nhưng lại là trung tâm của cả xã hội.
(Nguồn: Facebook for Business)
COVID-19 đến và khiến cho các doanh nghiệp SMBs phải đối mặt với một thách thức lớn trong cuộc đời. Đó không chỉ là trường hợp khẩn cấp về vấn đề sức khỏe cộng đồng - mà còn là cuộc khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sự sinh tồn của các doanh nghiệp SMBs.
Để chỉ ra những thách thức cũng như giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển trong tương lai, Facebook đã kết hợp với Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho ra mắt Báo cáo Tình trạng Doanh nghiệp Nhỏ Toàn cầu. Báo cáo dựa trên những dữ liệu mới nhất trong Cuộc khảo sát Tương lai Doanh nghiệp, với sự tham gia của hơn 30.000 nhà lãnh đạo SMBs từ hơn 50 quốc gia. Cùng MarketingAI tìm hiểu về báo cáo này trong bài viết dưới đây nhé!
Nhu cầu rõ ràng
Cũng như nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, các doanh nghiệp SMBs đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, sự đấu tranh để sinh tồn trong thời kỳ đại dịch. Nhưng nếu như các doanh nghiệp lớn có thể linh hoạt và ứng biến nhanh hơn với những thay đổi của thị trường và biến động trong thói quen tiêu dùng của người dân, thì các doanh nghiệp SMBs lại chỉ có thể dựa vào nguồn doanh thu hiện tại và lợi nhuận giữ lại (thu nhập ròng (sau thuế) còn lại cho doanh nghiệp sau khi họ đã trả cổ tức cho các cổ đông) để trang trải chi phí cho các hoạt động duy trì. Điều đó cho thấy một thực tế rằng, hầu hết các doanh nghiệp SMBs đều không có đủ nguồn lực dự phòng để ứng phó với những thách thức mỗi khi nó xảy đến.
Nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, vấn đề dòng tiền, dư nợ và sự khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp đều là những khó khăn hàng đầu mà các doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay. Để trụ vững, các doanh nghiệp SMBs cần đến sự trợ cấp của Chính phủ trong các chính sách hỗ trợ lương, hoãn thuế, hoãn tiền thuê mặt bằng, tiếp cận các khoản vay, trợ cấp tín dụng và các tiện ích khác có trong các gói cứu trợ của Chính phủ và cộng đồng.
Các con số tiêu biểu
- Khoảng 1/4 doanh nghiệp SMBs (26%) trên toàn cầu đã phải đóng cửa trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, chủ yếu do lệnh giãn cách từ Chính phủ hoặc các Cơ quan Y tế
- Khoảng một phần ba (30%) doanh nghiệp nhỏ do một người làm chủ đã bị đóng cửa hoàn toàn vào thời điểm diễn ra khảo sát.
- Cũng khoảng ⅓ (33%) SMBs đang hoạt động tại thời điểm khảo sát đã phải cắt giảm lực lượng lao động vì đại dịch
- Các doanh nghiệp tập trung vào người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, du lịch và lữ hành, khách sạn và giáo dục là các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất
- Báo cáo cũng cho thấy sự chênh lệch giới tính rõ rệt trong hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo có khả năng đóng cửa nhanh hơn so với các doanh nghiệp do nam lãnh đạo (cao hơn 7%). Nghiên cứu cho thấy, nữ giới thường hay kinh doanh các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế kinh doanh nhiều nhất. Trên thực tế, mỗi khi các lệnh hạn chế kinh doanh được đưa ra, lệnh càng chặt thì các doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo sẽ càng dễ đóng cửa hơn các doanh nghiệp do nam giới điều hành.
- Mặc dù không ít doanh nghiệp đã thông báo mở cửa trở lại, nhưng báo cáo doanh số bán hàng của đa phần các doanh nghiệp vẫn trong tình trạng “lẹt đẹt” và việc làm thì giảm liên tục do đại dịch COVID-19.
Tỷ lệ các doanh nghiệp mở cửa trở lại theo từng khu vực
- Ảnh hưởng của COVID-19 lên các ngành vẫn đang được duy trì ở mức nhất định, duy chỉ có các doanh nghiệp Thông tin và Truyền thông thì tỷ lệ đóng cửa tăng vọt trong giai đoạn gần đây. Điều đó chỉ ra những tác động tích lũy và liên tục của COVID-19 tăng lên theo thời gian, và nếu muốn tồn tại, các doanh nghiệp buộc phải đánh giá thường xuyên tác động tài chính mà cuộc khủng hoảng y tế này đem lại, nhằm đưa ra những điều chỉnh phù hợp trong tương lai.
- Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã nhìn thấy lợi ích của việc chuyển sang hình thức thương mại điện tử. Các doanh nghiệp đạt >25% doanh số bán hàng trực tuyến sẽ có nhiều khả năng đạt được doanh số cao hơn tại thời điểm này năm ngoái, và gần như không phải cắt giảm nhân viên trong thời kỳ dịch bệnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp có doanh thu <25% thì dễ phải đối mặt với các tình trạng như vậy.
Báo cáo cũng chia sẻ những phát hiện có được từ nghiên cứu do Deloitte thực hiện, nhằm xem xét các tác động của COVID-19 lên mô hình mua hàng của người tiêu dùng và việc họ sử dụng các công cụ số để tìm kiếm và tương tác với các doanh nghiệp trên 13 thị trường. Cụ thể cho thấy:
- 48% người tiêu dùng cho biết mức chi tiêu dành cho hoạt động trực tuyến đã tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, 40% người được hỏi cho biết họ đã năng sử dụng mạng xã hội và nhắn tin trực tuyến hơn khi tìm kiếm các gợi ý mua hàng và doanh nghiệp.
- Gần 2/3 người khảo sát đã chọn mua hàng từ một doanh nghiệp mới nhờ các công cụ số, thay vì chọn mua hàng từ các doanh nghiệp họ thường xuyên lui tới trước đây.
- Trong số những người mua hàng từ các doanh nghiệp mới đó, 73% nói rằng ít nhất một trong những doanh nghiệp mới đó là doanh nghiệp SMBs.
- 31% người được hỏi nói rằng họ sẽ thường xuyên mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp SMBs tại địa phương sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc.
Theo một báo cáo khác, sự hiện diện tích cực của công nghệ số có thể mang lại những lợi ích đáng kể và điều đó có vẻ vẫn đúng sau khi đại dịch kết thúc, với sự nổi lên của Thương mại điện tử trong suốt 5 năm qua.
>> Xem thêm: Thương mại mạng xã hội: khi mạng xã hội và thương mại điện tử “hòa làm một”Các chi phí xã hội có xu hướng tăng lên
Ngoài những khó khăn trong hoạt động, các lãnh đạo SMBs còn phải cân bằng giữa công việc với trách nhiệm với xã hội và gia đình, từ việc nội trợ, chăm sóc con cái và chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình.
⅔ doanh nghiệp cho biết trách nhiệm trong gia đình đã ảnh hưởng lớn đến công việc của họ, đặc biệt là với các nhà lãnh đạo nữ. Gần ¼ lãnh đạo nữ cũng cho rằng, sự hỗ trợ trong việc chăm sóc các thành viên trong gia đình sẽ rất quan trọng đối với sự tồn tại của doanh nghiệp - cao hơn 5% so với các lãnh đạo nam.
Và ⅖ nhà lãnh đạo SMBs ở Mỹ và Canada đang phải vật lộn để trang trải các hóa đơn trong gia đình.
Các doanh nghiệp vẫn lạc quan một cách thận trọng
Bất chấp các thách thức đang xảy ra, các doanh nghiệp vẫn đang ngẩng cao đầu để đối phó với mọi biến động của thị trường. Ở Mỹ, ⅔ SMBs đều cho thấy sự lạc quan của họ về tương lai. Phần lớn các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa trong đầu năm nay cũng cho biết họ sẽ lên kế hoạch để tồn tại lâu dài hơn.
Họ coi đây là cơ hội để điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình trước khi mở cửa trở lại. Đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là việc thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn - một sự chuyển mình quan trọng trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoạt động mua sắm được thực hiện trên thiết bị di động và tại nhà. Báo cáo cho thấy, 50% doanh nghiệp SMBs tại Mỹ cho biết có ít nhất 25% doanh thu của họ đến từ các kênh bán hàng online.
Tỷ lệ các doanh nghiệp đóng cửa phải xây dựng các kênh bán hàng online được thống kê theo khu vực
Hỗ trợ trong tương lai sẽ rất cần thiết
Nhìn chung, doanh số bán hàng theo từng ngành hàng cũng đã giảm trong thời gian này, và mức độ giảm là khác nhau với từng thị trường ngách.
Như bạn có thể thấy, tác động của đại dịch COVID-19 lên các doanh nghiệp SMBs sẽ không cảm nhận được ngay trong các dữ liệu được công bố. Chúng sẽ tích lũy và hiển thị rõ hơn theo thời gian. Bằng chứng là việc nhiều doanh nghiệp trong báo cáo trước có thể vẫn bình thường, nhưng sang báo cáo này thì lại cho thấy tình trạng nghiêm trọng hơn. Rõ ràng, sự tăng trưởng hay suy giảm của các doanh nghiệp sẽ không được thể hiện rõ ràng trong các số liệu tức thời.
Điều đó nhấn mạnh những thách thức đang diễn ra mà các doanh nghiệp SMBs phải đối mặt. Nó có thể tác động đến họ theo nhiều cách khác nhau và dần dần lớn lên theo thời gian.
Kết
Con đường để phục hồi hiện nay vẫn chưa chắc chắn, nhưng rõ ràng là nhiều doanh nghiệp SMBs sẽ phải cần đến sự hỗ trợ liên tục từ Chính phủ và các tổ chức khác để quay trở lại đường đua một cách đúng hướng hơn.
Hy vọng rằng chúng ta đang tiến gần hơn đến thời điểm mà mọi doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại và xây dựng nên một nền kinh tế an toàn hơn, giảm nhiều nhanh chóng những rủi ro và tổn thất hiện nay. Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài phía trước và tác động của COVID-19 sẽ chỉ được thể hiện nhỏ giọt cho đến khi chúng ta đến giai đoạn tiếp theo, nhưng sự hợp tác giữa Facebook, Ngân hàng Thế giới và OECD sẽ tiếp tục theo dõi những xu hướng này trong những tháng tới và xác định các lĩnh vực mà các nhà hoạch định chính sách, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp lớn hơn có thể trợ giúp các doanh nghiệp SMBs.
Tô Linh - MarketingAI
Theo SocialmediaToday
>> Có thể bạn quan tâm: Mức độ phổ biến của các chương trình thẻ thành viên của các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam
Bình luận của bạn