cover

Bách Hóa Xanh: Tham vọng trở thành tập đoàn bán lẻ đa ngành của TGDĐ

06 Thg 03

Bách hóa xanh một trong những siêu thị mini cung cấp thực phẩm tươi sống và các nhu yếu phẩm lớn nhất tại Việt Nam. Và để hiểu rõ hơn về Bách hóa xanh là gì cũng như quá trình...

Bách hóa xanh một trong những siêu thị mini cung cấp thực phẩm tươi sống và các nhu yếu phẩm lớn nhất tại Việt Nam. Và để hiểu rõ hơn về Bách hóa xanh là gì cũng như quá trình phát triển, xây dựng thương hiệu của siêu thị, hãy cùng MarketingAI đi tìm hiểu thông qua bài viết chia sẻ dưới đây.

Tìm hiểu về Bách hóa xanh

Bách hóa Xanh là chuỗi siêu thị mini chuyên bán thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm của công ty Cổ Phần Thế Giới Di Động. Mặc dù mới được hình thành từ cuối năm 2015, đến nay Bách Hóa Xanh đã có 324 cửa hàng tại Tp.HCM phục vụ 226.800 khách mỗi ngày. Năm 2018 sẽ là năm bùng nổ của hệ thống bách hóa này này với sự đầu tư lớn đến từ TGDĐ.

tìm hiểu về bách hóa xanh là gì

(Ảnh: cafebiz.vn)

Thế Giới Di Động và tham vọng trở thành tập đoàn bán lẻ đa ngành

Công ty Cổ Phần Đầu Tư Thế Giới Di Động (MWG) thành lập vào tháng 03/2004, lĩnh vực hoạt động chính của công ty bao gồm: mua bán sửa chữa các thiết bị liên quan đến điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số và các lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử. Với tầm nhìn MWG tới năm 2020 là tập đoàn bán lẻ đa ngành hàng hùng mạnh nhất, có vị thế số 1 trong lĩnh vực thương mại điện tử, mở rộng kinh doanh thành công ở Lào, Campuchia và Myanmar. MWG liên tục cải tiến mang đến cho Khách hàng trải nghiệm thú vị và hài lòng nhất dựa trên nền tảng văn hóa đặt Khách Hàng làm trọng tâm và Integrity.

Trong những năm qua, kết quả hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động (TGDĐ) là rất ấn tượng, theo số liệu được công bố 3 tháng đầu năm 2017, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) đạt 15,586 tỷ đồng doanh thu và 558 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lần lượt tăng 62% và 34% so với thực hiện năm 2016. TGDĐ đang bay cao nhờ đôi cánh TGDĐ và siêu thị Điện Máy Xanh. Chiến lược dễ nhận thấy của TGDĐ thời gian qua là gia tăng các cửa hàng và siêu thị này càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng hay. Tốc độ mở cửa hàng của hãng này cũng tăng trưởng tỷ lệ thuận với doanh thu.

Cuối năm 2015, TGDĐ cán đích doanh thu 1 tỷ USD năm 2015, TGDĐ lấn sân sang kinh doanh thực phẩm. Điều khiến TGDĐ tự tin chính là sự thành công của hai chuỗi bán lẻ trước đó. Chuỗi Bách Hóa Xanh ra đời là bước đầu tiên để thực hiện kế hoạch “3 thách thức” trong vòng 5 năm.

Cụ thể, việc đầu tiên là xây dựng TGDĐ trở thành một tập đoàn bán lẻ đa ngành. Thách thức thứ hai là đưa hoạt động kinh doanh sang các nước Đông Dương và Myanmar. Thách thức thứ ba chính là thực sự trở thành một doanh nghiệp thương mại điện tử lớn. Mới đây trao đổi với báo chí, ông Trần Kinh Doanh cho hay: “Trong thời gian tới, thị phần của TGDĐ có thể sẽ là 50%; còn Điện Máy Xanh nếu duy trì mức độ tăng trưởng như hiện nay thì việc có được 20% thị phần cũng không khó. Chuỗi mới Bách Hóa Xanh chủ yếu nhắm vào bán lẻ nhu yếu phẩm. Khi được hoàn thiện thì có thể gọi TGDĐ là công ty bán lẻ đa ngành một cách chuẩn xác nhất. Đây cũng là thách thức đầu tiên trong kế hoạch 5 năm tới mà TGDĐ chinh phục”

Bão hòa thị trường mảng điện thoại, TGDĐ chỉ dự định mở rộng thị trường ở việc mua lại điện máy Trần Anh

Cuối năm 2017, TGDĐ thâu tóm điện máy Trần Anh. Việc mua lại chuỗi Điện máy Trần Anh của TGDĐ nhận được sự quan tâm của nhiều người, vì đây là thương vụ M&A giữa hai nhà bán lẻ điện máy lớn trong nước. Tuy nhiên, Chủ tịch TGDĐ cho rằng đến nay đã không còn để ý nhiều tới cái tên Trần Anh nữa, vì chuỗi này đã hòa tan vào Điện Máy Xanh. Những khoản lỗ hay các vấn đề tồn đọng trong quá khứ TGDĐ cũng đã xử lý xong.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động cũng chia sẻ không mở thêm bất cứ cửa hàng Trần Anh mới nào nữa. Công ty mua Trần Anh không phải vì thương hiệu để bành trướng, mà vì các ưu điểm vốn có. Các cửa hàng của Trần Anh cũng đã hòa nhập vào chuỗi Điện máy Xanh, được quản trị theo hệ thống của Điện Máy Xanh.

Bách Hóa Xanh Thế Giới Di Động

(Ảnh: Zing.vn)

Đáng nói, theo cơ cấu doanh thu đặt ra cho năm 2018 , Bách Hóa Xanh chính là mục tiêu tăng trưởng của TGDĐ chứ không phải Điện Máy Xanh như các năm trước. Ông Tài nói công ty sẽ mở thêm một vài cửa hàng điện máy nữa trong năm nay, sau đó dừng lại. Thời điểm dừng đầu tư Điện Máy Xanh chưa cụ thể, tuy nhiên kế hoạch mở thêm cửa hàng sẽ được kiểm soát rất chặt chẽ bởi mảng điện thoại đã bão hòa, thị phần sẽ duy trì ở mức trên 45%.

Trở lại với việc mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh, ông Tài nói tổng nhu cầu vốn để mở rộng vào khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng. Đối thủ của Bách Hóa Xanh là chính mình, không có chuỗi nào khác.

Xem thêm tin tức marketing trong nước: 

Triển vọng Minimart ở Việt Nam

Các thị trường Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan có đặc điểm rất tương đồng với thị trường Indonesia, và Susanto tất nhiên đã nhìn thấy điều này, Alfamart đã có ý định vào Việt Nam từ năm 2010 nhưng do vấn đề pháp lý nên đã bắt tay với tập đoàn SM để thâm nhập thị trường Philipines hiện tại.

Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động hiện đang theo đuổi mô hình của Susanto với mục tiêu thí điểm 30-50 cửa hàng trong năm nay. Nếu có hiệu quả, với năng lực tài chính của mình, Thế Giới Di Động có thể mở ồ ạt cả ngàn cửa hàng để thống trị thị trường bán lẻ như Susanto đã làm tại Indonesia.

Đây dường như là bước đi khôn ngoan vì vừa có phần xuất phát từ nhu cầu thị trường, vừa có thể tránh được phân khúc siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi chật chội khốc liệt đầy những ông lớn từ Thái, Hàn, Nhật, lại phù hợp với năng lực tìm mặt bằng nhỏ của Thế Giới Di Động.

Thị trường Việt Nam có đặc điểm rất tương đồng với Indonesia, dù nhỏ hơn nhưng chợ truyền thống vẫn thống trị do các lợi thế về địa điểm, giá rẻ, thực phẩm tươi sống. Nhưng như Djoko Susanto đã nói, Minimart của ông thắng thế vì nó thực chất chỉ là “chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn”, hay nói cách khác, lợi thế cạnh tranh của ông là cố gắng cung cấp thực phẩm tươi ngon, giá rẻ ngang bằng hoặc thậm chí còn rẻ hơn, ở khắp mọi nơi mà người tiêu dùng dễ ghé đến.

>>> Bài viết liên quan: Chiến lược marketing của điện máy xanh

Năm 2018 - Năm bùng nổ của Bách hóa Xanh

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2017 cùa Thế Giới Di Động, Bách Hóa Xanh đóng góp 1.194 tỷ đồng trong tổng số 58.964 tỷ đồng doanh thu của tập đoàn (chiếm 2% tổng doanh thu).

Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, Bách Hóa Xanh đã đạt điểm hòa vốn trong quý 4/2017 với lợi nhuận gộp 14%. Tuy nhiên, tính cả năm thì Bách Hóa Xanh có thể lỗ 119 tỷ đồng. Chuỗi cửa hàng này sẽ bắt đầu đóng góp vào lợi nhuận từ năm 2018, đặc biệt sẽ đóng góp lớn vào quý 4/2018. Đây là mảng kinh doanh Thế Giới Di Động đặt kỳ vọng nhiều nhất trong thời gian tới trong bối cảnh thị trường điện thoại đã bão hòa và thị trường điện máy cũng tăng trưởng chậm lại.

Năm 2018 - Năm bùng nổ của Bách hóa Xanh

(Ảnh: cafebiz.vn)

Từ mô hình Alfamart của Indonesia, Bách Hóa Xanh ngay từ đầu đã lựa chọn phân khúc siêu thị mini - vừa tránh được cạnh tranh với siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi đã ngày càng chật chội; vừa phù hợp với năng lực phủ sóng sâu rộng, đến từng ngõ ngách của MWG. Theo đó, hướng đi của chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ không tạo ra sự khác biệt của sản phẩm mà sẽ chỉ là"chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn".

Về "tiền bối" Alfarmart, đứng đầu quy mô về chuỗi siêu thị mini tại Indonesia với hơn 10.000 cửa hàng, yếu tố thành công của mô hình này theo giới phân tích là nhờ vào chiến lược hướng đến tầng lớp có thu nhập trung bình-thấp, mở các cửa hàng có diện tích nhỏ (90-100 m2) nằm ở các trục đường nhỏ và các hẻm với mục tiêu gần nhất có thể đến với khách hàng. Chưa hết, một trong những lợi thế so sánh của Alfamart so với chợ và bách hóa truyền thống là dịch vụ tốt với nhân viên thân thiện, không gian cửa hàng sạch sẽ, hiện đại. Doanh thu Alfarmart đến năm 2016 đạt hơn 4 tỷ USD, biên lợi nhuận gộp tương ứng đạt 19% và sở hữu trên 40% thị phần siêu thị mini.

Năm 2018 - Năm bùng nổ của Bách hóa Xanh 01

Đồ thị tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị mini. (Ảnh: CafeF)

TGDĐ cũng có kế hoạch mở thêm cửa hàng bán lẻ, phủ sóng Bách Hoá Xanh trên toàn quốc vào khoảng đầu hoặc giữa năm 2018.

Bên cạnh việc tập trung mở rộng hệ thống, TGDĐ cũng chú trọng đến chất lượng sản phẩm tại chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh. 100% hàng tươi sống (rau, trái cây, thịt, cá…) đang bán tại hệ thống đều được kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được kiểm tra chặt chẽ trước khi nhập và đưa đến tay người tiêu dùng - Việt GAP. Các sản phẩm đều được nhập từ những nhà cung cấp uy tín.

Năm 2018 - Năm bùng nổ của Bách hóa Xanh 02

(Ảnh: website Bách Hóa Xanh)

Cuộc thử nghiệm mang tên Bách Hóa Xanh của TGDĐ có thể nói đã gần đi tới đích, khi ban lãnh đạo tỏ ra tự tin về triển vọng của mô hình bán lẻ mới này. Điều này cũng dễ hiểu khi các điều kiện tiên quyết cho thành công dường như đã có đủ: nguồn sản phẩm đầu vào chất lượng, khả năng mở rộng nhanh chóng cùng khâu logistics, kho vận chuyên nghiệp (hiện nhà bán lẻ này đã xây dựng được một trung tâm phân phối có diện tích lên đến 7.000 m2cùng công nghệ quản lý hiện đại). Vấn đề còn lại duy nhất của Bách Hóa Xanh chính là thời gian.

Trở lại với việc mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ được TGDĐ chú trọng đầu tư với tổng nhu cầu vốn để mở rộng vào khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng.

Đánh giá ngành hàng tiêu dùng với thị trường 50 tỷ USD, dưới 30% thị phần đang được phục vụ bởi mô hình siêu thị lớn. Còn lại, trên 70% thị phần ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. TGDĐ mở Bách Hóa Xanh để xây dựng mô hình chợ hiện đại, quy mô nhỏ và có mặt ở mọi nơi, để lấy đi 10% trong tổng số 70% thị phần kia.

Mặc khác, các cửa hàng Bách Hoá Xanh hiện mở theo quy tắc mỗi cửa hàng cách nhau 800 mét, bề ngang rộng khoảng 16 mét, chiều sâu khoảng 150 mét. Sau khi mở thành công tại Tp.HCM, người cầm cương cho biết chuỗi này sẽ mở ở các thành phố có môi trường kinh doanh tương tự như Hà Nội, Đà Nẵng trước khi nghĩ đến việc mở rộng ra toàn quốc. Mục tiêu Bách Hoá Xanh có thể chiếm 40% thị phần ở mảng kinh doanh.

Ngọc Mai - Marketing AI tổng hợp

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.