- Xây dựng thương hiệu trong ngành bất động sản
- Bước 1. Xây dựng một cam kết thương hiệu (value proposition)
- Bước 2: Xác định khách hàng mục tiêu
- Bước 3: Xây dựng nội dung cho phần “tiểu sử” của công ty và thêm nó vào phần “Giới thiệu” của website
- Bước 4: Hình ảnh chuyên nghiệp
- Bước 5: Quyết định các kênh tiếp thị được sử dụng
- Bước 6: Lên ý tưởng cho các quảng cáo trong thang máy
- Bước 7: Truyền tải thương hiệu bằng dấu ấn cá nhân
- Bước 8: Tạo một điểm nhấn khác biệt trong bộ nhận diện thương hiệu
- Bước 9: Thiết kế và in ấn những ấn phẩm truyền thông cho thương hiệu
Hình ảnh thương hiệu bất động sản là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến định vị thương hiệu trên thị trường cũng như sự lựa chọn của khách hàng đối với sản phẩm. Trong thời đại nhiễu loạn thông tin và đầy cạnh tranh như hiện nay, một tên gọi tốt hay một bộ nhận diện đẹp là không đủ để doanh nghiệp duy trì một bản sắc riêng biệt và giúp gia tăng nhận diện thương hiệu trong một năm 2021 đầy biến động. Vậy, nên bắt đầu xây dựng hình ảnh thương hiệu bất động sản như thế nào để tạo ra sự khác biệt và nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh? Đối với nhiều người, chiến lược này nên bắt đầu từ việc nắm bắt những xu hướng mới trên thị trường.
(Ảnh: List.vn)
"Năm 2021, thị trường bất động sản hứa hẹn cơ hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự linh hoạt của các doanh nghiệp…, đặc biệt là yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế." Đó là dự báo của ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2021, sau một năm đầy biến động và bị suy yếu nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2020, hầu hết các loại hình bất động sản Việt Nam đều chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, khiến mức độ quan tâm của nhà đầu tư giảm mạnh. Tuy nhiên, đến quý IV/2020, cả nước có 295 dự án, với 125.449 căn hộ được cấp phép; du lịch nghỉ dưỡng có 49 dự án, với 3.772 căn hộ du lịch, 3.505 biệt thự du lịch và 48 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép. Tổng hợp từ 56/63 địa phương có báo cáo số liệu cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý IV/2020 tăng tới 82% so với quý III/2020, nhất là có 36.884 giao dịch bất động sản thành công… Những điểm sáng tích cực khi dịch được kiểm soát đó cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam hoàn toàn có thể khôi phục và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đã biết cách tập trung vào xây dựng thương hiệu trong những thời điểm khó khăn vừa qua. Đó sẽ là những doanh nghiệp được khách hàng tiếp tục trao niềm tin, gửi gắm những mong muốn khi thị trường bắt đầu khôi phục trở lại. Bài viết dưới đây sẽ gửi tới bạn những chiến thuật để xây dựng nên một thương hiệu bất động sản thành công!
>>> Có thể bạn quan tâm: 7 chiêu thức marketing bất động sản giúp dân sales “bách phát bách trúng”
Xây dựng thương hiệu trong ngành bất động sản
Tất cả chúng ta đều biết thương hiệu là gì, đơn giản là bởi lẽ, sống trong thời hiện đại: Thương hiệu là những giá trị và thái độ biểu tượng chung của một công ty. Một số biểu tượng nổi tiếng đến từ những thương hiệu hàng đầu có thể kể đến như golden arches (của McDonald's) hoặc swoosh (của Nike), cả hai đều gợi lên những suy nghĩ và cảm giác khác nhau khi bạn nghĩ về chúng.
Nó không chỉ là hình ảnh logo đại diện cho công ty, mà còn là đại diện cho những gì bạn nghĩ về một thương hiệu. Ví dụ, khi nhìn thấy những golden arches (mái vòm vàng) của McDonald's, bạn sẽ liên tưởng tới phương thức bán hàng điển hình của McDonald's là drive-through (xe ô tô vào tận quầy mua hàng) và những Bữa ăn hạnh phúc (Happy Meals). Ngoài ra, nó còn thể hiện những dấu mốc nổi bật trên chặng đường phát triển của McDonald’s, bao gồm sự xuất hiện của thức uống cà phê của riêng thương hiệu vào năm 2021. Hay như nhìn vào biểu tượng swoosh của Nike, bạn sẽ cảm nhận được tinh thần thể thao mạnh mẽ, sự cố gắng, kiên trì, bền bỉ và nỗ lực chưa bao giờ ngừng lại; và có thể là những tranh cãi chính trị vào năm 2021.
Có thể bây giờ, bạn không nổi tiếng như McDonald's hay Nike, nhưng bạn vẫn nên nghĩ về thương hiệu của mình. Hãy đặt ra và tự trả lời những câu hỏi như, “Bạn muốn khách hàng, bao gồm cả người mua và người bán sản phẩm của mình cảm nhận như thế nào về thương hiệu và những dịch vụ của thương hiệu? Bạn muốn những khách hàng tiềm năng có cảm nhận như thế nào về những ngôi nhà mà họ tham quan?” Đừng quên rằng, xây dựng thương hiệu chính là việc phải đảm bảo kiểm soát được cảm xúc của khách hàng về thương hiệu, đồng thời duy trì các mối quan hệ đã có với khách hàng của mình.
Bước 1. Xây dựng một cam kết thương hiệu (value proposition)
Có thể hiểu nôm na, “value proposition” là lời hứa, cam kết về lợi ích (giá trị) mà một sản phẩm, một thương hiệu sẽ cung cấp đến khách hàng. Nó cũng là niềm tin của khách hàng về những giá trị họ sẽ nhận được khi bỏ tiền ra mua các sản phẩm của thương hiệu đó.
Để trở thành một đại lý thành công, các doanh nghiệp bất động sản không chỉ cần xây dựng các đặc điểm độc đáo và khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, mà còn phải hiểu được những điểm khác biệt đó có ý nghĩa như thế nào đối với khách hàng, khách hàng tiềm năng và cộng đồng của bạn. Một cam kết/lời hứa về lợi ích (giá trị) mà thương hiệu có thể đem lại cho khách hàng phải thể hiện được giá trị và điểm mạnh của doanh nghiệp với tư cách là một đại lý bất động sản. Đặc biệt, tuyên bố này sẽ còn được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các tài liệu marketing của doanh nghiệp.
Để xây dựng được cam kết thương hiệu, hãy tự hỏi bản thân xem điều gì khiến bạn trở nên khác biệt so với các đại lý khác. Bạn mang đến điều gì mà các đại lý khác không có? Là kinh nghiệm? Tính cách? Sự phục vụ? Hay kiến thức của bạn về bất động sản khu vực đó? Hay một cái gì đó khác?
Có những kỹ năng vô giá mà bạn học được trong quá khứ sẽ giúp ích cho công việc sale bất động sản ở thời điểm hiện tại. Hay thậm chí, có những kỹ năng mà người khác cho rằng nó là sai sót nhưng lại là siêu năng lực bí mật trong kho vũ khí của bạn. Ví dụ, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn có khả năng xử lý những cảm xúc khó chịu nhất một cách bình tĩnh, từ đó trở thành đại lý lý tưởng nhất trong các vụ mua bán căng thẳng liên quan đến tranh chấp bất động sản sau khi ly hôn. Hay tính cách hướng nội có thể khiến bạn trở thành một đại lý biết lắng nghe khách hàng hơn, và bạn có thể nhấn mạnh điều này trong cam kết về lợi ích mà thương hiệu có thể đem lại cho khách hàng.
Bước 2: Xác định khách hàng mục tiêu
Hoạt động marketing sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất khi thông điệp marketing được tập trung vào một phân khúc khách hàng cụ thể trong một thị trường rộng lớn. Ví dụ, chiến dịch marketing nhằm thu hút các nhà đầu tư sẽ có thông điệp hoàn toàn khác so với các chiến dịch hướng đến khách hàng mục tiêu là những người mua nhà lần đầu.
Để tạo ra thông điệp kết nối, doanh nghiệp cần phân tích đặc điểm của nhóm khách hàng mục tiêu và tìm ra điểm kết nối giữa insights khách hàng và value proposition của thương hiệu. Hay nói cách khác, bạn cần phải trả lời những câu hỏi như: Những giá trị nào mà thương hiệu cung cấp có thể giải quyết vấn đề gì của khách hàng? Tại sao nhóm khách hàng cụ thể này cần dịch vụ của bạn? Và điều gì ở bạn biến bạn trở thành lựa chọn hoàn hảo dành cho họ?
Phạm vi khách hàng mục tiêu không nên quá rộng hay quá hẹp. Bạn không thể phục vụ hết các phân khúc khách hàng cùng một lúc, nhưng ngược lại, bạn sẽ hạn chế tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp nếu thu hẹp phạm vi tiếp cận của mình. Ví dụ, sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn chỉ tập trung vào bán căn hộ khi thị trường căn hộ ở khu vực bạn không mấy lạc quan hay quá nhỏ bé. Vì vậy, hãy biết cách điều chỉnh chiến lược nhắm mục tiêu sao cho phù hợp nhất có thể.
Bước 3: Xây dựng nội dung cho phần “tiểu sử” của công ty và thêm nó vào phần “Giới thiệu” của website
Sau khi đã định vị rõ doanh nghiệp là ai, mục tiêu và sứ mệnh của doanh nghiệp là gì và đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp, thì các đại lý bất động sản có thể tập hợp những điều đó lại và viết thành một bản tiểu sử cho doanh nghiệp. Bản tiểu sử đó phải thật rõ ràng, dễ hiểu, chuyên nghiệp và được trình bày một cách đẹp mắt trên tất cả các nền tảng chuyên nghiệp của công ty. Như thế thì khi khách hàng tiềm năng (bao gồm cả người có nhu cầu mua và bán bất động sản) tìm kiếm về thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến đều có thể hiểu rõ về trình độ chuyên môn cũng như những đặc điểm nổi bật của thương hiệu.
Bước 4: Hình ảnh chuyên nghiệp
Để cung cấp tính nhất quán và mạch lạc cho thương hiệu, các đại lý bất động sản cũng cần phải đầu tư vào hình ảnh chuyên nghiệp, có thể là hình ảnh của một cá nhân đại diện cho doanh nghiệp, hoặc cũng có thể là hình ảnh của tập thể nhân viên trong công ty, miễn sao có thể toát lên phong thái thân thiện và nâng tầm thương hiệu trong mắt khách hàng là một đại lý tín cậy và chuyên nghiệp.
Hãy đảm bảo các bức ảnh được chụp nên phải sắc nét và có thể đăng tải ở nhiều định dạng khác nhau. Bạn có thể tham khảo các mẹo dưới đây để có thể có được những bức ảnh chụp chuyên nghiệp nhất:
Bước 5: Quyết định các kênh tiếp thị được sử dụng
Có một lưu ý đó là, không phải kênh tiếp thị nào cũng có tác dụng với mọi đại lý và mọi phân khúc khách hàng. Ví dụ, các kênh tiếp thị truyền thống sẽ không hợp nếu bạn đang cố gắng nhắm mục tiêu đến những người mua nhà cấp thấp ở một thành phố lớn, nhất là khi công nghệ phát triển lớn mạnh như hiện nay. Thay vì thế, digital marketing hay marketing trên mạng xã hội sẽ là lựa chọn thích hợp hơn vì nó có thể giúp bạn tiếp cận được nhóm khách hàng trẻ hơn, hiểu hơn về những công nghệ đó.
Rất khó, nếu không muốn nói là không thể để bạn có thể sử dụng mọi nền tảng và tối ưu hóa mọi kênh tiếp thị một cách hiệu quả, vì vậy, hãy chọn kênh mà bạn có thể tận dụng tốt nhất. Đó có thể là website, blog, Facebook, Twitter, Youtube hay bất kỳ mạng xã hội nào khác.
Việc chọn kênh tiếp thị sẽ phải dựa trên đặc tính của doanh nghiệp và các bộ kỹ năng khác. Hãy bắt đầu với những gì khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất và những gì bạn sẽ thực sự làm - sau đó, bạn hoàn toàn có thể bước qua vùng an toàn của mình ở thời điểm sau này.
Bước 6: Lên ý tưởng cho các quảng cáo trong thang máy
Các quảng cáo chiêu hàng trong thang máy, hay còn gọi là elevator pitch là những quảng cáo kéo dài 30s hướng đến mục tiêu là những khách hàng tiềm năng mới, Về cơ bản, trong quảng cáo đó, bạn có thể cho họ biết bạn là ai và bạn làm gì trong khoảng thời gian đi cùng nhau trong thang máy.
Nếu bạn đã tạo được một value proposition cho doanh nghiệp ở trên thì có thể coi quảng cáo trong thang máy là một thứ tương tự như thế. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đó là value proposition là những gì bạn xây dựng trên giấy tờ, và không phải những gì trên đó cũng cần phải được truyền tải và đưa vào trong các quảng cáo tương tác cá nhân.
Trong các lần tương tác đầu tiên với khách hàng tiềm năng, bạn có thể đưa ra một tuyên bố ngắn gọn nhưng mạnh mẽ thể hiện rằng bạn là một đại lý thông thái, người hiểu rõ thị trường hơn bất kỳ ai. Đó là cách tốt nhất để gây ấn tượng với khách hàng và có được ấn tượng đầu tiên tốt.
Bước 7: Truyền tải thương hiệu bằng dấu ấn cá nhân
Sau khi đã xác định đối tượng mục tiêu muốn tiếp cận, những gì bạn muốn nói và cách bạn muốn tiếp cận, hãy nghĩ ra những ý tưởng thú vị (thậm chí là kỳ quặc) để thêm dấu ấn cá nhân vào những phương tiện truyền thông của mình. Có thể là trên danh thiếp, chữ ký email, tài khoản mạng xã hội, trang web hay các kênh tiếp thị khác, giúp bạn định vị bản thân trên thị trường và tạo ra sự khác biệt đối với đối thủ cạnh tranh.
Trên thực tế, người tiêu dùng thích làm việc với những thương hiệu biết cách cá nhân hóa hình ảnh của họ. Điều đó khiến cho thương hiệu trở nên gần gũi và thân thiện với người dùng hơn. Vì thế, hãy coi thương hiệu của mình như một con người với những đặc điểm, tính cách, sở thích, nỗi sợ hãi,... khác nhau và thể hiện điều đó trên các kênh tiếp thị. Chiến lược này sẽ khiến khách hàng muốn tìm hiểu và mua hàng từ bạn hơn.
Bước 8: Tạo một điểm nhấn khác biệt trong bộ nhận diện thương hiệu
Một bước quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho một đại lý bất động sản chính là việc tạo điểm nhấn trong thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của công ty. Điểm nhấn đó có thể đến từ màu sắc của đồng phục, phong cách ăn mặc, mũ hay kiểu tóc,... Nó có thể là bất cứ thứ gì, miễn sao nó thể hiện được sự tích cực và riêng biệt để thương hiệu của bạn trở nên dễ nhận biết và đáng nhớ trong mắt khách hàng.
Bước 9: Thiết kế và in ấn những ấn phẩm truyền thông cho thương hiệu
(Ảnh: Internet)
Mở rộng phạm vi tiếp cận cho thương hiệu trong khu vực là một chiến lược quan trọng trong kế hoạch phát triển của một đại lý bất động sản. So với bất kỳ lĩnh vực nào khác, bất động sản là một lĩnh vực cực kỳ coi trọng “khách hàng địa phương”. Vì bạn sẽ có xu hướng bán hàng cho những khách hàng sống quanh khu vực đó hơn bất kỳ nhóm khách hàng nào khác. Vì vậy, trong các sự kiện địa phương hoặc trong các buổi gặp gỡ khách hàng, hãy gửi tặng họ những vật phẩm như bút, móc khóa, sổ ghi chú,... có in tên, logo và thông tin liên hệ của bạn trên đó để mở rộng phạm vi tiếp cận của thương hiệu đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu đến nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Kết
Xây dựng thương hiệu là điều cần thiết đối với bất kỳ ai đang làm trong lĩnh vực bất động sản và quan tâm đến việc cải thiện chiến dịch marketing và quảng bá bất động sản cho doanh nghiệp của mình. Đó có thể là đại lý bất động sản, nhà môi giới cá nhân hay bộ phận marketing của các doanh nghiệp bất động sản lớn.
Việc đảm bảo tuân thủ các bước trên không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bạn rất dễ rơi vào tình trạng qusa tải và không thể làm tốt bất cứ bước nào. Vậy nên, điều quan trọng là hãy vạch ra chiến lược dài hạn và sau đó bắt tay vào thực hiện kế hoạch đó từng bước mỗi tuần.
Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng tất cả các chiến lược xây dựng thương hiệu bất động sản đều xoay quanh website. Bởi website có thể được coi là “ngôi nhà” của bạn trên Internet. Đó là nơi tạo ra hầu hết các luồng khách hàng tiềm năng và hoạt động kinh doanh. Hãy xây dựng thương hiệu, tìm cách tăng traffic cho website và tận hưởng những lợi ích mà hoạt động marketing có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh bất động sản của bạn.
Tô Linh - MarketingAI
Theo Placester
>> Có thể bạn quan tâm: 10 ý tưởng marketing giúp các đại lý bất động sản vừa và nhỏ “tìm chỗ đứng” trên thị trường
Bình luận của bạn