Theo dự báo của Statista, vào năm 2020, ngành F&B sẽ tạo ra tổng giá trị doanh thu đạt 76,5 tỷ USD. Con số này sẽ tăng lên mức 105,7 tỷ USD vào năm 2024. Tốc độ phát triển và khối lượng tiêu thụ của thị trường này sẽ khiến mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong giai đoạn trở lại sau cuộc khủng hoảng lớn COVID-19.
Để xây dựng lại cũng như mở rộng thị phần cho giai đoạn phát triển tiếp theo, các công ty F&B sẽ cần phải khai thác một số phương pháp tiếp cận và triển khai hiệu quả cao, nhằm tiếp cận gần hơn với nhóm khách hàng tiềm năng và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI phân tích 7 xu hướng số hiệu quả nhất sẽ giúp các doanh nghiệp F&B có được nhiều khách hàng hơn vào năm 2020.
1. Hoàn thiện website một cách chỉn chu nhất
Với tốc độ phát triển của Digital Marketing và xu hướng trực tuyến của người dùng hiện nay, mặt tiền của các nhà hàng, quán cafe,... không còn là “bộ mặt” duy nhất của thương hiệu. 88% người tiêu dùng có thói quen tìm hiểu thông tin về sản phẩm/ dịch vụ trên Internet. Điều đó nhấn mạnh vào một sự thật rằng, mọi người đang đánh giá cao độ uy tín của một thương hiệu dựa trên website của họ.
Không chỉ đơn thuần là một website chứa đầy đủ thông tin, website cho các nhà hàng, quán cafe phải thể hiện được tính chuyên nghiệp cũng như bản sắc của thương hiệu, đồng thời bao gồm đầy đủ các chức năng và mang lại trải nghiệm thân thiện với người dùng. Đặc biệt, khả năng điều hướng trang web phải được thể hiện một cách trực quan để người dùng có thể dễ dàng truy cập vào menu, thời gian hoạt động và địa chỉ của quán. Một lưu ý nhỏ không thể bỏ qua đó là việc hầu hết người dùng hiện nay đều đang sử dụng smartphone để tìm kiếm thông tin, bất kể là đang ở nhà, trên xe hơi, hay đang làm việc,... chính vì thế, website của bạn cần phải được tối ưu hóa cho thiết bị di động.
Website Cộng Cà Phê thể hiện đúng tinh thần và bản sắc Cafe Việt (Nguồn: Cộng Cà Phê)
Cuối cùng, nhưng quan trọng không kém, chính là việc đầu tư vào những bức ảnh có tư duy thẩm mỹ cao, thể hiện được không gian nhà hàng, các món ăn và đội ngũ nhân viên. Những món ăn ngon miệng, hấp dẫn cùng hình ảnh đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, đáng tin cậy sẽ giúp cho các khách hàng tiềm năng có được cảm giác thân thiết, an tâm ngay cả trước khi ghé thăm nhà hàng của bạn.
Hình ảnh đẹp mắt và ấn tượng đến từ thương hiệu Cộng Cà Phê (Nguồn: Cộng Cà Phê)
Lời khuyên nhỏ dành cho những ai đang có ý định startup trong ngành F&B năm nay, đó là: Năm 2020 sẽ tiếp tục là năm chứng kiến sự phát triển của xu hướng thực phẩm & đồ uống hữu cơ, thuần chay và mang tính bền vững. Chính vì thế, các thương hiệu nên đề cao những giá trị này đạt được vị thế tốt hơn trên thị trường, đồng thời hưởng lợi tối đa từ việc người dân đang ra sức nâng cao nhận thức về môi trường và sức khỏe toàn cầu.
Từ ý tưởng ra chiến lược thực tế, các thương hiệu cần xây dựng những nội dung xung quanh:
- Thành phần của các sản phẩm hữu cơ/ thuần chay/ không gây dị ứng
- Lợi ích về môi trường và xã hội mà thương hiệu đem lại trong quá trình sản xuất
- Các giá trị và động cơ sản xuất thể hiện được trách nhiệm với môi trường và xã hội
Không khó để thấy các thương hiệu F&B Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng xu thế này như thế nào. Đơn cử như việc The Coffee House quyết tâm theo đuổi xu thế Go Green, với việc thay thế toàn bộ ống hút nhựa bằng ống hút sinh học kể từ T9/2019, đã trở thành một trong những thương hiệu tiên phong trong xu hướng này tại thị trường Việt Nam.
Chiến dịch Go Green của The Coffee House tiên phong trong xu hướng "xanh" của ngành F&B (Nguồn: The Coffee House)
2. Tập trung vào Local SEO
Một trong những bước quan trọng nhất trong chiến lược Digital Marketing cho ngành nhà hàng đó là phải hoàn thiện việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về tầm quan trọng của SEO trong hành vi nghiên cứu của người dùng. Nhưng đối với một nhà hàng, quán cafe có địa điểm kinh doanh cụ thể, điều mà các thương hiệu cần làm tốt ở đây cần rõ hơn là Local SEO.
Cho dù khách hàng là người dân địa phương hay khách du lịch, thì các thương hiệu cũng cần đảm bảo rằng chiến lược SEO sẽ biến website trở thành một điểm truy cập đáng tin cậy trong khu vực (có thể là quận, thành phố,...). Xu hướng tìm kiếm “ở gần tôi” đang gia tăng nhanh chóng và nếu biết cách tận dụng, các thương hiệu sẽ đẩy nhanh quá trình tiếp cận và chuyển đổi hơn bao giờ hết!
- Tạo một blog trên chính website với đầy đủ các nội dung hấp dẫn và có liên quan
- Đảm bảo mọi nội dung trên website đều sử dụng local keywords (các từ khóa địa phương) và các hình thức mã hóa SEO khác (các dữ liệu được nhúng trong hình ảnh, video, tiêu đề,...)
- Tận dụng tối đa internal links (đến các trang khác trên website) và external links (đến các trang web liên kết, nguồn dữ liệu,...)
- Tạo tài khoản trên Google My Business
- Đảm bảo thông tin liên hệ và địa chỉ được nhắc tới nhiều lần và dễ tìm
Hồ sơ doanh nghiệp tiêu chuẩn trên Google My Business (Nguồn: Top4 Insights)
Nói thêm một chút về Google My Business (GMB). Đây là kênh truyền thông mà không ít các doanh nghiệp bỏ qua, dù nó là sự lựa chọn lý tưởng cho các thương hiệu trong lĩnh vực này và là một trong những xu hướng số “nóng sốt” nhất trong ngành F&B.
- 64% người tiêu dùng đã sử dụng GMB để tìm địa chỉ hoặc số điện thoại của một thương hiệu địa phương. (Nguồn: BrightLocal)
- 56% hành động (action) tạo ra trên GMB là lượt truy cập đến từ trang web. (Nguồn: BrightLocal)
- Mỗi tháng, trung bình một thương hiệu nhận được 59 hành động từ GMB. (Nguồn: BrightLocal)
GMB sẽ giúp các thương hiệu:
- Cải thiện khả năng hiển thị thông qua Local SEO
- Mở rộng tiếp cận với khách hàng tiềm năng mới
- Thấu hiểu hành vi khách hàng
(Nguồn: UOB)
Doanh nghiệp có thể tối ưu hồ sơ của mình trên GMB qua các cách sau:
- Hình ảnh: Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, có mối liên hệ chặt chẽ giữa số lượng ảnh trên GMB và hiệu suất tìm kiếm; Các doanh nghiệp có nhiều ảnh hơn sẽ có nhiều lượt tìm kiếm hơn và trên Google Maps, nhà hàng cũng xuất hiện trong các tìm kiếm trực tiếp.
- Tận dụng các tính năng của GMB: Tập trung vào các tính năng bổ sung như Quản lý bài đánh giá, Thông tin chi tiết, Đặt chỗ, Bài đăng, Hỏi và Đáp,... Tạo Bài đăng ưu đãi (Cập nhật, Sự kiện, Ưu đãi hoặc Sản phẩm) để thu hút khán giả chia sẻ tin tức, ưu đãi và sản phẩm.
- Thêm các thông tin nâng cao: Như mã cửa hàng, nhãn, vị trí quảng cáo Google,… giúp khách hàng mới tìm thấy thương hiệu dễ dàng hơn.
>> Xem thêm: Top 5 chiến lược truyền thông xã hội cho các doanh nghiệp “đa địa điểm” (multi-location)
3. Thu hút người theo dõi trên mạng xã hội
Mạng xã hội đang là một trong những kênh tiếp thị sinh lời nhất cho lĩnh vực F&B. Nghiên cứu cho thấy:
- Các doanh nghiệp F&B là những thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trên Twitter - với 32% thị phần tweet. (Nguồn: LinkedIn)
- Các bài đăng thương hiệu trên mạng xã hội là nguồn cảm hứng bữa ăn cho 19% người dùng. (Nguồn: Global Web Index)
- 6 trong số 10 thương hiệu phổ biến nhất trên Facebook thuộc lĩnh vực F&B. (Nguồn: Unmetric)
Người dùng Instagram, Twitter và Facebook đặc biệt yêu thích các thương hiệu F&B. Điều đó cho thấy đây là một trong những kênh hiệu quả nhất để tận dụng trong một chiến lược Digital Marketing cho ngành F&B, cả về chi phí lẫn hiệu quả.
Thiết kế ấn tượng cho hình ảnh Instagram của Starbucks nhân dịp Trung thu (Nguồn: Starbucks Vietnam)
Một số cách mà các thương hiệu có thể kết hợp truyền thông xã hội vào chiến lược số:
- Đưa sản phẩm vào các bài đăng có bối cảnh cụ thể: Từ việc sáng tạo lại các công thức nấu ăn phổ biến đến việc nhấn mạnh lợi ích về sức khỏe và môi trường trong quy trình sản xuất, các thương hiệu hãy tạo các bài đăng và chiến dịch kết hợp sản phẩm vào trong các cuộc thảo luận có liên quan đến đối tượng mục tiêu.
- Khuyến khích nội dung do người dùng tạo (UGC): Đẩy mạnh các nội dung liên quan đến trải nghiệm của khách hàng được chia sẻ trên trang cá nhân, story,... bằng các bức ảnh, video đánh giá,... và tag tên thương hiệu vào. Chiến thuật này sẽ giúp tăng cường các luồng nội dung liên tục đến từ khách hàng, xây dựng mối quan hệ với thương hiệu và thu hút khách hàng tiềm năng mới.
- Tận dụng lợi thế của quảng cáo trả phí đang phát triển: Sử dụng thuật toán nhắm mục tiêu của từng nền tảng xã hội để tạo ra các ý tưởng sáng tạo mới lạ, tối ưu hóa ngân sách marketing và thu hút các lead chất lượng cao cho kênh bán hàng này.
- Hình thành quan hệ đối tác: Cân nhắc việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các thương hiệu có cùng tầm nhìn, mục đích,... và những influencer phù hợp với hình ảnh thương hiệu. Các chiến dịch cộng tác trên mạng xã hội không chỉ cho khách hàng thấy góc nhìn đa chiều về sản phẩm mà còn gia tăng lượng follwer trên trang chủ.
- Tổ chức các cuộc thi/giveaway: Tận dụng các hình thức marketing miễn phí thông qua việc tổ chức cuộc thi/ giveaway tặng quà, mở rộng phạm vi tiếp cận bằng cách khuyến khích người dùng like, share và comment bài đăng.
Cách trình bày bài viết hấp dẫn của McDonald's Vietnam (Nguồn: McDonald's Vietnam)
4. Sử dụng Influencer Marketing
Influencer Marketing - xu hướng Marketing mới nhưng cực kỳ hiệu quả, đặc biệt trong ngành F&B - khi đa phần người dùng thích nghe đánh giá từ những người nổi tiếng, có độ tin cậy cao. Các influencer với nhiều cấp độ ảnh hưởng khác nhau sẽ có từ hàng nghìn đến hàng triệu người theo dõi. Người theo dõi càng nhiều thì chi phí càng cao, có thể là những suất ăn miễn phí hoặc một hợp đồng trả phí chuyên nghiệp.
Trong ngành F&B, các food blogger, vlogger có lẽ là một trong những influencer có tầm ảnh hưởng và độ uy tín cao nhất. Nội dung educate hoặc mang tính giải trí của họ mang đến cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp F&B tăng độ nhận diện và giữ chân khách hàng, cũng như có được khách hàng mới.
Top food blogger Việt (Nguồn: mfvietnam)
Thống kê cho thấy:
- 79% người dùng tin tưởng các các blog ẩm thực (Nguồn: Stella Rising)
- Các blogger về đồ ăn có số lượng người theo dõi nhiều gấp 4 lần blogger ở bất kỳ ngành nào. (Nguồn: Stella Rising)
- 81% khách hàng (và 89% thế hệ trẻ) muốn biết thêm về các bài viết, clip hướng dẫn nấu ăn và các cảnh hậu trường của các clip đó! (Nguồn: Nielsen)
- Gần 50% người trưởng thành xem các video về đồ ăn trên YouTube. (Nguồn: Think With Google)
- Sự quan tâm đến các video dạy nấu ăn đã tăng vọt 110% trong năm 2018. (Nguồn: Think With Google)
- 86% thế hệ trẻ chuyển sang YouTube để xem các clip hướng dẫn chuẩn bị bữa ăn. (Nguồn: Think With Google)
- Những người yêu thích ẩm thực hàng năm luôn là tệp khán giả trung thành — đối tượng giúp tăng trưởng 280% lượng đăng ký các kênh ẩm thực qua từng năm. (Nguồn: Think With Google)
- Các clip về ẩm thực đã tạo ra gần 41 tỷ lượt xem trên YouTube. (Nguồn: Tubular Insights)
Vậy thì, còn ngại ngần gì mà không hợp tác với các blogger/ vlogger đồ ăn để:
- Giới thiệu sản phẩm của thương hiệu đến với khán giả mới và thu hút lượng người theo dõi lớn hơn
- Hướng dẫn khán giả cách sử dụng và tính linh hoạt của sản phẩm
- Gia tăng niềm tin của khách hàng vào chất lượng sản phẩm
(Nguồn: Ninh Tito)
6. Tận dụng các đánh giá trực tuyến kết hợp với Referral Marketing
Có lẽ F&B là một trong những ngành nhận được nhiều feedback nhất từ khách hàng. Điều đó có nghĩa rằng, các đánh giá trực tuyến ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin và hành trình chuyển đổi của khách hàng. Điều đó được thể hiện qua các con số thống kê sau:
- 91% người dùng nói rằng các đánh giá tích cực sẽ khiến họ có khả năng mua hàng cao hơn. (Nguồn: BrightLocal)
- Nhìn chung, đánh giá trực tuyến được xem là nguồn thông tin đáng tin cậy thứ hai đối với người dùng. (Nguồn: BrightLocal)
- Có tới 97% những người đọc đánh giá cũng sẽ đọc câu trả lời của thương hiệu về các đánh giá đó. (Nguồn: BrightLocal)
- 76% người dùng tin tưởng các đánh giá trực tuyến giống như lời giới thiệu từ bạn bè và gia đình của họ. (Nguồn: BrightLocal)
Người tiêu dùng luôn có xu hướng đánh giá cao các reviews trực tuyến (Nguồn: brandsvietnam)
Khách hàng ngày càng trở nên thông minh và nhanh nhạy và điều đó khiến các thương nhiều ngày càng khó khăn hơn trong hành trình chinh phục và làm thỏa mãn khách hàng. Hãy nhớ rằng, chúng ta đều cần niềm tin và sự yên tâm mỗi khi quyết định đầu tư vào một sản phẩm, dịch vụ hay bất kỳ trải nghiệm ăn uống nào. Do đó, các thương hiệu cần khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm trên mạng xã hội, website, Google,... và nhớ phản hồi lại các đánh giá đó để cho thấy mức độ tín nhiệm của khách hàng đối với thương hiệu.
7. Xây dựng mạng lưới với các doanh nghiệp trong khu vực
Một chiến lược Digital Marketing cho các nhà hàng/ quán cafe sẽ được tối ưu nếu các thương hiệu biết cách kết hợp với các chủ doanh nghiệp SMBs khác trong khu vực. Hãy tạo mối quan hệ với các doanh nghiệp khác ngành có thể bổ trợ cho bạn (chứ không phải một nhà hàng/ quán cafe khác). Cách thức hợp tác có thể là đăng các bài viết trên blog của nhau, giới thiệu dịch vụ/ sản phẩm... của nhau.
Ví dụ: Hợp tác với một khách sạn trong khu vực và xem liệu họ có muốn giới thiệu nhà hàng của bạn cho khách du lịch không? Nếu có, đừng quên giảm giá cho tất cả các khách hàng được giới thiệu qua khách sạn.
(Nguồn: site.google)
Ngoài ra, bạn có thể hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ khác và giảm giá cho các bữa ăn liên quan đến công việc, chẳng hạn như giảm giá cho các cuộc gặp, họp nhóm, bữa tiệc sau giờ làm cho một đơn vị doanh nghiệp nào đó chẳng hạn. Điều quan trọng là cung cấp giá trị cho các doanh nghiệp đó và đổi lại, bạn có được nhiều khách hàng hơn và tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trong cộng đồng gần đó.
Kết
Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là duy trì mức độ tương tác trực tuyến cao. Dù là sử dụng phương pháp nào, các doanh nghiệp F&B cũng cần hiểu rằng, tính nhất quán và lâu dài trong thị trường số luôn phải được duy trì. Hãy luôn coi rằng, việc quản lý danh tiếng thương hiệu luôn là “trụ cột” trong một chiến lược Digital Marketing, kể cả trong những thời điểm khó khăn như hiện nay.
Tô Linh - MarketingAI
Theo Digitalagencynetwork
>> Có thể bạn quan tâm: Top 25 thống kê cho chiến lược email mobile trên toàn thế giới
Bình luận của bạn