- Gần 80% GenZ quan tâm đến K-Pop
- GenZ không ngại “vung tiền” để đu idol
- Thương hiệu cần làm gì để “đu trend” K-Pop cùng Gen Z?
- Hợp tác với idol K-Pop trở thành đại sứ thương hiệu
- Ra mắt phiên bản giới hạn kết hợp cùng K-Pop
- Tổ chức các sự kiện trải nghiệm K-Pop cho khách hàng
- Tận dụng mạng xã hội và bắt sóng các xu hướng viral
Gần 80% GenZ quan tâm đến K-Pop
Theo khảo sát hành vi đu idol K-Pop của GenZ từ Zlab vào tháng 3/2025, kết quả cho thấy K-Pop vẫn giữ vững sức hút mạnh mẽ đối với Gen Z. Cụ thể, 79,6% người tham gia khảo sát bày tỏ sự quan tâm đến K-Pop, bao gồm cả những fan trung thành trong fandom lẫn những người chỉ yêu thích mà không tham gia vào các cộng đồng hâm mộ. Trong khi đó, 20,4% còn lại khẳng định họ không có hứng thú với thể loại âm nhạc này.

Ảnh: ZLab
Trong kỷ nguyên số hóa, mạng xã hội đóng vai trò trung tâm trong việc giúp Gen Z tiếp cận với K-Pop. Nếu như trước đây, Facebook và YouTube là hai nền tảng phổ biến nhất để khám phá nội dung liên quan đến K-Pop, thì hiện nay, Gen Z đã có xu hướng tìm kiếm không gian riêng tư hơn, ít bị chi phối bởi thuật toán thương mại hóa. Các nền tảng như Twitter, TikTok và Tumblr trở thành những lựa chọn hàng đầu, cho phép họ kết nối với cộng đồng người hâm mộ một cách tự do và sâu sắc hơn.

Ảnh: ZLab
Vậy điều gì khiến K-Pop trở nên thu hút đối với GenZ Việt? Không chỉ đơn thuần là một thể loại âm nhạc, K-Pop còn là một nền văn hóa với sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc, hình ảnh, vũ đạo và câu chuyện nghệ sĩ. Trong đó:
- Âm nhạc là yếu tố quan trọng nhất, giữ vai trò then chốt trong việc thu hút người hâm mộ.
- Visual (ngoại hình của idol) và tính cách nghệ sĩ cũng là những yếu tố có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.
- Concept (ý tưởng hình ảnh, phong cách âm nhạc của nhóm nhạc) và vũ đạo được đánh giá cao nhưng không phải là yếu tố quyết định.
Điều này phản ánh sự đa dạng trong thị hiếu của Gen Z: có người yêu thích K-Pop vì giai điệu cuốn hút, có người là “fan” vì phong cách thời trang táo bạo, trong khi một số khác lại bị thu hút bởi thần thái và câu chuyện cá nhân của thần tượng.

Ảnh: ZLab
Không chỉ yêu thích K-Pop, GenZ còn sẵn sàng dành nhiều thời gian và công sức để theo đuổi niềm đam mê này. Một số fan thậm chí chấp nhận hy sinh những ưu tiên cá nhân để có thể gặp gỡ thần tượng của mình. Theo khảo sát: 38,9% Gen Z trong fandom cho biết họ sẵn sàng nghỉ học hoặc nghỉ làm để tham gia concert của thần tượng. Và 15,3% thậm chí chấp nhận bay ra nước ngoài để được tận mắt chứng kiến màn trình diễn của idol.
Những con số này cho thấy sự gắn kết mạnh mẽ giữa Gen Z và K-Pop không chỉ dừng lại ở việc nghe nhạc mà còn thể hiện qua những hành động cụ thể để có được trải nghiệm trực tiếp với thần tượng.
GenZ không ngại “vung tiền” để đu idol
K-Pop không chỉ đơn thuần là một thể loại âm nhạc mà đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của Gen Z. Điều này thể hiện rất rõ ở những con số khủng về chi tiêu mà thế hệ này sẵn sàng đầu tư cho việc đắm mình trong K-Pop.
Theo đó, Gen Z có xu hướng chi tiêu linh hoạt cho việc đu idol, với các khoản từ dưới 500.000 đồng đến 1 triệu đồng dành cho merchandise, streaming và các sự kiện nhỏ. Đối với những trải nghiệm có giá trị cao hơn như concert hay fan meeting, họ sẵn sàng đầu tư từ vài triệu đồng trở lên.

Ảnh: ZLab
- Merchandise là hạng mục chi tiêu phổ biến nhất, với 77,3% Gen Z sẵn sàng bỏ tiền. Đặc biệt, nhóm có mức chi tiêu trên 500.000 đồng thường mua sắm với tần suất cao hơn, chiếm 47,4%.
- Concert và fan meeting đứng thứ hai trong danh mục chi tiêu với 63,1% fan K-Pop và 57,6% Gen Z sẵn sàng đầu tư để tham gia.
Khi lựa chọn mua sắm các sản phẩm K-Pop, chất lượng và giá cả là những yếu tố khiến Gen Z quan tâm hàng đầu với:
- 77,9% Gen Z ưu tiên thiết kế, chất lượng và nội dung đi kèm (album, photobook...), cho thấy họ không chỉ mua vì sở thích mà còn quan tâm đến giá trị sản phẩm.
- 83,7% Gen Z bị ảnh hưởng bởi giá cả và khả năng tài chính, đặc biệt với những sản phẩm có nhiều phiên bản hoặc các đợt phát hành đặc biệt.

Ảnh: ZLab
Việc mua sắm sản phẩm K-Pop được GenZ thực hiện thông qua các nền tảng trực tuyến, phản ánh xu hướng tiêu dùng hiện đại. Theo đó, kết quả cuộc khảo sát từ Zlab đã chỉ ra:
- 77,9% chọn mua hàng trên mạng xã hội, khẳng định đây là kênh phổ biến nhất.
- 38,4% sử dụng sàn thương mại điện tử (TMĐT) để tìm kiếm sản phẩm.
- 37,2% mua từ website chính thức của công ty quản lý.
- 9,9% vẫn lựa chọn mua trực tiếp tại cửa hàng.
Thương hiệu cần làm gì để “đu trend” K-Pop cùng Gen Z?
Từ việc nắm bắt sở thích và hành vi tiêu dùng của GenZ, thương hiệu có thể tận dụng K-Pop như một cách hiệu quả kể kết nối sâu sắc với thế này.
Hợp tác với idol K-Pop trở thành đại sứ thương hiệu
“Chọn mặt gửi vàng” các thần tượng K-Pop cho vai trò đại sứ thương hiệu có thể coi là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để tiếp cận Gen Z. Lý do là bởi, thế hệ này không chỉ yêu thích âm nhạc mà còn có sự trung thành mạnh mẽ với thần tượng của mình, thường xuyên theo dõi và ủng hộ những sản phẩm mà idol quảng bá. Việc chọn đúng nhóm nhạc hoặc thần tượng K-Pop phù hợp làm đại sứ thương hiệu giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng độ nhận diện và tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ.
Điển hình là Shopee, nền tảng thương mại điện tử đã chọn BLACKPINK làm đại sứ thương hiệu khu vực, từ đó triển khai hàng loạt chiến dịch quảng bá hấp dẫn như TVC ấn tượng, minigame, livestream cùng thần tượng. Sự kết hợp này không chỉ giúp Shopee tăng độ phủ sóng mà còn khiến nền tảng này trở nên thân thuộc hơn với các fan K-Pop trẻ tuổi.
Ra mắt phiên bản giới hạn kết hợp cùng K-Pop
Các sản phẩm phiên bản giới hạn (limited edition) lấy cảm hứng từ K-Pop luôn có sức hút đặc biệt với Gen Z, bởi yếu tố độc quyền và thời gian bán giới hạn tạo ra hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out). Khi thương hiệu kết hợp với idol hoặc nhóm nhạc K-Pop để thiết kế sản phẩm mang dấu ấn riêng, điều này có thể tạo ra cú hích lớn về doanh số nhờ cộng đồng fan trung thành.
Chẳng hạn, OREO đã hợp tác cùng BLACKPINK để ra mắt phiên bản đặc biệt với màu hồng và đen đặc trưng, thu hút đông đảo người hâm mộ. Tương tự, Samsung cũng tận dụng sức ảnh hưởng của BTS để tung ra phiên bản Galaxy Z Flip Bora Purple với sắc tím mang tính biểu tượng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và khiến sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng trẻ.

Ảnh: ZLab
Tổ chức các sự kiện trải nghiệm K-Pop cho khách hàng
Để gắn kết với Gen Z, thương hiệu cần tạo ra các sự kiện trải nghiệm độc đáo, nơi người tiêu dùng không chỉ đơn thuần mua sản phẩm mà còn có cơ hội hòa mình vào không gian mang đậm tinh thần K-Pop. Những hoạt động như concert, fansign, pop-up store hay thử thách dance cover vừa giúp thương hiệu thu hút sự chú ý, vừa tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ cho đối tượng khách hàng trẻ.
Một ví dụ điển hình có thể kể tới đó là Samsung Unpacked Experience, nơi Samsung tổ chức các sự kiện để người dùng có thể trực tiếp khám phá và trải nghiệm sản phẩm mới, đồng thời tham gia vào các hoạt động tương tác với thần tượng. Đây là một cách tiếp cận thông minh giúp thương hiệu tạo dựng mối quan hệ bền chặt với người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ yêu thích K-Pop.

Ảnh: ZLab
Tận dụng mạng xã hội và bắt sóng các xu hướng viral
Gen Z là thế hệ sống “ăn ngủ” cùng mạng xã hội, do đó các thương hiệu muốn "đu trend" K-Pop cần biết cách khai thác TikTok, Instagram và YouTube để tạo ra các chiến dịch lan truyền mạnh mẽ. Một trong những chiến thuật phổ biến là triển khai các thử thách nhảy (dance challenge), filter K-Pop hoặc hashtag trending để khuyến khích người dùng tham gia.
Đơn cử như, Samsung cũng từng tạo hiệu ứng mạnh mẽ khi hợp tác với BLACKPINK để quảng bá Galaxy A bằng thử thách nhảy #danceAwesome, thu hút hàng triệu lượt tham gia trên TikTok. Bằng cách tận dụng mạng xã hội, thương hiệu có thể tạo ra cơ hội tương tác trực tiếp với khách hàng theo cách tự nhiên nhất, đồng thời tăng độ phủ sóng và nhận diện thương hiệu mạnh mẽ.
>>> Xem thêm: Xu hướng phát triển Fandom 2025 - Marketer cần phải làm gì?
Lời kết:
Xu hướng "đu idol" của Gen Z không chỉ dừng lại ở việc nghe nhạc hay theo dõi thần tượng, mà đã phát triển thành một nền văn hóa tiêu dùng sôi động và có sức ảnh hưởng lớn. Việc chi tiêu mạnh tay cho album, merchandise hay concert không chỉ thể hiện tình yêu với idol mà còn giúp Gen Z tìm thấy sự kết nối và ý nghĩa trong cộng đồng fandom. Tận dụng hiệu quả xu hướng này, thương hiệu có nhiều cách để mang tinh thần K-Pop vào trong các sản phẩm hoặc hoạt động tiếp thị của mình. Từ đó, xây dựng quan hệ thân thiết và chinh phục thành công nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng này.
Bình luận của bạn