Web 3.0 là gì?
Berners-Lee là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ này với cái tên Semantic Web, đây là thuật ngữ dùng để mô tả một trang web mà máy móc sẽ xử lý nội dung giống như con người. Hệ thống này được tạo ra nhằm mục đích trở thành một mạng internet mở, thông minh và tự chủ hơn.
Tuy nhiên, theo Forbes, Semantic Web đã không thành hiện thực vì một số lý do. Lý do chính là công nghệ AI gần như không thể thực hiện được. Làm thế nào mà máy móc có thể phân biệt được sự khác nhau giữa Jaguar (báo đốm) và Jaguar (hãng ô tô)? Cách duy nhất để phân biệt là đặt từ ngữ đấy vào ngữ cảnh được mô tả.
Theo CoinMarketCap, định nghĩa Web 3.0 có thể được mở rộng như sau: dữ liệu sẽ được kết nối với nhau theo cách phi tập trung, đây sẽ là một bước tiến vượt bậc so với thế hệ Internet hiện tại của chúng ta (Web 2.0), nơi dữ liệu chủ yếu được lưu trữ trong các kho lưu trữ tập trung.
Hơn nữa, người dùng và máy móc sẽ có thể tương tác với dữ liệu. Nhưng để điều này xảy ra, các chương trình cần hiểu thông tin cả về mặt khái niệm và ngữ cảnh. Với suy nghĩ này, hai nền tảng của Web 3.0 là Semantic Web và trí tuệ nhân tạo (AI).
Deep web là gì? Phần chìm của tảng băng trôi trong thế giới Internet
Lịch sử hình thành và phát triển của Web 3.0
Web 3.0 ra đời từ sự phát triển tự nhiên của các công cụ Web thế hệ cũ kết hợp với các công nghệ tiên tiến như AI và blockchain, cũng như sự kết nối giữa người dùng và việc sử dụng internet ngày càng tăng. Rõ ràng, Web 3.0 là một bản nâng cấp cho các tiền thân của nó: Web 1.0 và 2.0.
Web 1.0
(1989-2005)
Web 1.0, còn được gọi là web tĩnh, là mạng internet đầu tiên và đáng tin cậy nhất trong những năm 1990. Ở giai đoạn này, việc sử dụng web 1.0 để tìm kiếm thông tin còn hạn chế và hầu như không có sự tương tác của người dùng.
Web 1.0 không có các thuật toán để sàng lọc các trang internet, điều này khiến người dùng rất khó tìm thấy thông tin liên quan. Nói một cách đơn giản, nó giống như một đường cao tốc một chiều với lối đi nhỏ hẹp, nơi việc tạo nội dung được thực hiện bởi một số ít người được chọn và thông tin chủ yếu đến từ các thư mục. Tuy nhiên, người dùng phải trả chi phí cho mỗi trang muốn xem, nơi có các thư mục cho phép người dùng truy xuất một phần thông tin cụ thể.
Web 2.0
(2005- hiện tại)
Mạng xã hội, hay Web 2.0, đã khiến cho những người sử dụng Internet tương tác nhiều hơn nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ Web như Javascript, HTML5, CSS3, v.v., Những công nghệ mới này cho phép các công ty xây dựng nền tảng web tương tác như YouTube, Facebook, Wikipedia và nhiều hơn nữa.
Web 2.0 đã mở ra một thời đại mới, nơi mà người dùng tương tác trên mạng xã hội và sản xuất nội dung được phát triển mạnh mẽ. Bởi vì dữ liệu trên Web 2.0 có thể được phân phối và chia sẻ qua lại giữa các nền tảng và ứng dụng khác nhau.
Web 3.0
Web 3.0 là giai đoạn tiếp theo của quá trình phát triển web. Giai đoạn này, Internet sẽ trở nên thông minh hơn hoặc xử lý thông tin với trí thông minh gần giống con người thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).
Tim Berners-Lee đã nói rằng Semantic Web có nghĩa là giao diện "tự động" với hệ thống, con người và thiết bị gia đình. Như vậy, quá trình tạo nội dung và đưa ra quyết định sẽ có sự tham gia của cả con người và máy móc. Điều này sẽ cho phép tạo, phân phối nội dung phù hợp và thông minh nhất đến trực tiếp người dùng trên internet.
So sánh web 3.0 với web 1.0 và web 2.0
Những ưu điểm của Web 3.0
- Tăng cường liên kết thông tin
- Tìm kiếm thông tin hiệu quả
- Làm Marketing tốt hơn.
- Duyệt web hiệu quả hơn.
- Kết nối hiệu quả.
- Thay đổi tương tác của con người.
Những thách thức đối với Web 3.0
- Khả năng xử lý một lượng lớn dữ liệu: Internet có chứa hàng tỷ trang Web khác nhau. Ví dụ như SNOMED CT (một bộ danh pháp thuật ngữ lâm sàng điện tử được mã hóa), đã tập hợp hơn 400.000 khái niệm lâm sàng liên kết với khoảng 800.000 thuật ngữ mô tả cho các khái niệm đó. Tuy nhiên, công nghệ hiện nay vẫn chưa thể phân biệt được các thuật ngữ bị trùng lặp về mặt ngữ nghĩa.
Vậy nên, bất kỳ hệ thống nào có thể đọc tất cả dữ liệu này và hiểu ngữ cảnh, khái niệm của chúng sẽ phải có khả năng xử lý một lượng lớn dữ liệu.
- Khả năng xử lý những truy vấn mơ hồ: Những câu hỏi tìm kiếm của người dùng đôi khi không thực sự cụ thể và khá mơ hồ. Vì thế, công nghệ AI phải có khả năng xử lý những truy vấn mơ hồ.
- Khả năng xử lý tính không chắc chắn: Internet hiện nay không thể xử lý tri thức liên quan đến thông tin không hoàn hảo hoặc không xác định. Ví dụ, một bệnh nhân có thể biểu hiện một loạt các triệu chứng, tập hợp các triệu chứng này có thể ứng với nhiều loại bệnh khác nhau, mỗi chẩn đoán có một xác suất khác nhau. Trong trường hợp này, kỹ thuật suy luận xác suất thường được sử dụng để giải quyết tính không chắc chắn.
- Khả năng xử lý dữ liệu không nhất quán: Dữ liệu không nhất quán có thể dẫn đến mâu thuẫn logic và phân tích không đáng tin cậy.
- Khả năng xử lý dữ liệu sai lệch: Mặc dù AI có thể giúp lọc dữ liệu, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả dữ liệu được cung cấp bị làm sai có chủ đích và gây hiểu lầm cho người dùng? Hiện nay, kỹ thuật mật mã đang được sử dụng để ngăn chặn vấn đề này.
Ứng dụng của Web 3.0
Yêu cầu cơ bản đối với ứng dụng Web 3.0 là khả năng xử lý một lượng lớn dữ liệu thông tin, biến nó thành kiến thức thực tế và hữu ích cho người dùng. Tuy nhiên, các ứng dụng này vẫn đang ở giai đoạn đầu, có nghĩa là chúng còn rất nhiều chỗ để cải tiến và khác xa so với cách các ứng dụng Web 3.0 có thể hoạt động trong tương lai.
Một số công ty đang xây dựng hoặc chế tạo sản phẩm ứng dụng công nghệ Web 3.0 bao gồm Amazon, Apple và Google. Hai ví dụ về các ứng dụng sử dụng công nghệ Web 3.0 là Siri và Wolfram Alpha.
Siri
Trợ lý ảo Siri điều khiển bằng giọng nói của Apple ngày một cải tiến, trở nên thông minh hơn và thêm nhiều tính năng mới kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên mẫu iPhone 4S. Siri áp dụng công nghệ nhận dạng giọng nói, cùng với trí tuệ nhân tạo, để có thể thực hiện các lệnh phức tạp và cá nhân hóa.
Ngày nay, Siri và các trợ lý AI khác như Alexa của Amazon và Bixby của Samsung có thể hiểu các yêu cầu như "quán phở gần nhất ở đâu" hoặc "đặt lịch hẹn với Hùng lúc 8 giờ sáng mai" và ngay lập tức đưa ra thông tin hoặc chỉ dẫn phù hợp.
Wolfram Alpha
Wolfram Alpha là một “công cụ tìm kiếm tính toán”. Trái ngược với việc đề xuất cho bạn danh sách các trang web như các công cụ tìm kiếm, công cụ này sẽ giúp trả lời trực tiếp các câu hỏi của bạn bằng việc tính toán. Hãy thử tìm kiếm “Anh vs Brazil” trên cả Wolfram Alpha và Google để thấy sự khác biệt.
Google cung cấp kết quả về World Cup ngay cả khi bạn không đưa “bóng đá” vào làm từ khóa, vì đây là tìm kiếm phổ biến nhất. Mặt khác, Alpha sẽ cung cấp cho bạn một so sánh chi tiết về hai quốc gia, giống như bạn đã hỏi. Đó là sự khác biệt chính giữa Web 2.0 và 3.0.
Kết luận
Trong tương lai, Web 3.0 sẽ cung cấp trải nghiệm lướt web cá nhân hoá, trợ lý ảo thông minh và ngày càng giống con người hơn. Điều đầu tiên cần làm là cho phép người dùng khả năng sở hữu dữ liệu và tạo ra trải nghiệm tổng thể phong phú hơn.
Khi Web 3.0 xuất hiện, chúng ta sẽ thấy một hệ thống tương quan giữa các thiết bị máy tính, máy móc, thiết bị kỹ thuật số, các sự vật, động vật và cả con người. Các thiết bị gia dụng như lò nướng, máy hút bụi và tủ lạnh cho đến tất cả các loại phương tiện giao thông đều có khả năng truyền đạt dữ liệu mà không phụ thuộc vào sự tương tác của con người với máy tính hay giữa con người với nhau.
Bên cạnh đó, hệ thống này sẽ thúc đẩy các lĩnh vực kỹ thuật số mới như blockchain và tài sản kỹ thuật số, tạo tiền đề cho vô số “phép màu” công nghệ mới trong thế kỷ 21 này.
Bình luận của bạn