cover

VPS là gì? Doanh nghiệp cần biết những gì về máy chủ ảo?

Hiện nay, các doanh nghiệp cùng những mô hình cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ đều có xu hướng đưa hàng hóa lên internet để quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ. Để làm được điều này, các doanh...

Hiện nay, các doanh nghiệp cùng những mô hình cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ đều có xu hướng đưa hàng hóa lên internet để quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ. Để làm được điều này, các doanh nghiệp và cửa hàng hầu như không thể thiếu VPS. Vậy, VPS là gì? Và doanh nghiệp cần biết những gì về VPS? Hãy cùng Marketing AI tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

VPS là gì?

Máy chủ ảo VPS (Virtual Private Server) được tạo ra từ phương pháp phân chia một máy chủ vật lý thành các máy chủ ảo khác nhau. Các máy chủ này là những hệ thống hoàn toàn riêng biệt, sử dụng hệ điều hành riêng, có toàn quyền quản lý cao nhất (administrator/root). Vì vậy, sử dụng VPS giúp doanh nghiệp có khả năng chống lại các cuộc tấn công hack local.

VPS là gì? Doanh nghiệp cần biết những gì về máy chủ ảo? - Ảnh 1.

VPS là gì? Cách sử dụng VPS (Nguồn: hosting5k)

VPS chạy dưới dạng chia sẻ tài nguyên từ máy chủ vật lý gốc. Mỗi máy chủ ảo VPS có một phần CPU, dung lượng RAM, dung lượng ổ HDD, địa chỉ IP và hệ điều hành riêng. Doanh nghiệp cùng chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ có toàn quyền quản lý root và có thể khởi động lại bất cứ lúc nào.

VPS dùng để làm gì? VPS Hosting dùng để làm gì

Các doanh nghiệp, cửa hàng sở hữu website với lượng truy cập trung bình vượt giới hạn shared hosting, tuy nhiên chưa cần đến tài nguyên lớn của một server riêng thường chọn VPS. Dưới đây là những trường hợp ứng dụng VPS tiêu biểu.

Làm máy chủ game

Làm máy chủ game

VPS có thể để dùng làm máy chủ game (Nguồn: BK HOST)

Các nhà đầu tư và sản xuất game mong muốn thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày. Do đó cần có hệ thống máy chủ dung lượng lớn, mức độ xử lý khủng. VPS chính là lựa chọn hợp lý nhất để các nhà quản trị đầu tư cho sản phẩm game của họ.

Phát triển Platform

Công nghệ trên điện thoại thông minh/ máy tính bảng phát triển, kéo theo việc phát triển Platform như hệ điều hành, ứng dụng trên hệ điều hành cần có nơi để tập trung lưu trữ dữ liệu. Các dữ liệu thường được lưu trữ như: file setup, thông tin người dùng, hình ảnh, file lưu trữ, lịch sử giao dịch,... Platform cũng yêu cầu có nguồn server lớn để lưu trữ thông tin.

Lưu trữ dữ liệu

Các doanh nghiệp chuyên xử lý video, hình ảnh cũng thuộc nhóm cần sử dụng VPS. Đối với những doanh nghiệp này, họ lựa chọn các loại VPS có dung lượng lưu trữ lớn để thực hiện đầu tư hợp lý hơn, lại không cần sử dụng đến các thiết bị lưu trữ rời, gây khó kiểm soát và dễ hư hỏng.

Máy chủ cho hệ thống email của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp hiện nay thường có xu hướng sử dụng Email nội bộ, do đó cần có nguồn để quản lý gửi và nhận thư. Việc chạy các chương trình truyền thông trực tiếp và trực tuyến cũng cần có nguồn lưu trữ tốt. Dù không quá nhiều nhưng các loại dữ liệu lưu trữ này luôn cần nhập và truy xuất liên tục.

Chạy các chương trình truyền thông

Hiện nay thì các chương trình  truyền thông trực tuyến luôn cần những nguồn lưu trữ tốt vì dữ liệu luôn cần nhập và xuất liên tục để đảm bảo tính chính xác, nhanh nhạy.

Tạo các môi trường ảo để lập trình, phân tích virus, nghiên cứu

Ở nhiều doanh nghiệp đầu tư các sản phẩm khoa học như ứng dụng phần mềm và thiết kế website,... thì họ luôn cần những nơi để lưu trữ cho các sản phẩm thử nghiệm của mình. Bởi lẽ xây dựng server vật lý thì vô cùng tốn kém nên VPS hosting luôn được chú ý tới và sử dụng.

Lưu trữ tài liệu

Nhiều doanh nghiệp chuyên về xử lý video, hình ảnh là những đối tượng có nhu cầu sử dụng máy chủ ảo rất nhiều. Họ sử dụng hệ thống có dung lượng lưu trữ cao nhằm mục đích tiết kiệm chi phí, và cũng để tránh tình trạng hỏng hóc và phải kiểm soát.

Lưu trữ website

Mỗi ngày, các hệ thống website bán hàng, site thương mại điện tử, các trang web, diễn đàn,... đều có lượng truy cập lớn và cần sử dụng máy chủ lưu trữ ổn định. Vì vậy, thuê VPS giúp tiếp kiệm chi phí đầu tư máy chủ, chi phí nhân viên quản lý, địa điểm lắp đặt Data Center,... Thuê VPS giúp doanh nghiệp, cửa hàng sở hữu hệ thống máy chủ đầy đủ tính năng, mạnh mẽ, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng.

Ưu nhược điểm của máy chủ ảo là gì?

VPS hosting có thể là lựa chọn lý tưởng của các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, tuy nhiên trước khi lựa chọn thuê một máy chủ ảo VPS, nhà quản trị nên các nhắc các điểm mạnh và yếu dưới đây.

Ưu điểm

  • VPS hoạt động nhanh và đáng tin cậy hơn server shared hosting.
  • Sử dụng VPS, doanh nghiệp được đảm bảo về thông số server như bộ nhớ và sức mạnh vi xử lý, do đó sẽ hạn chế các vấn đề tài nguyên bị người khác dùng hết.
  • Khi lượng truy cập đột biến tăng cao, VPS hỗ trợ xử lý các vấn đề xảy ra, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến site của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp, mô hình kinh doanh nhỏ lẻ có quyền superuser (root) trên server.
  • Sử dụng VPS giúp gia tăng độ riêng tư, vì files và databases bị khóa khỏi hệ thống server của các người dùng khác.
  • Có VPS, doanh nghiệp cũng dễ dàng nâng cấp. Trong trường hợp website tăng trưởng, nhà quản trị chỉ cần nâng cấp gói hosting để nâng tài nguyên lên mà không phải tốn công chuyển dữ liệu hay chuyển server (RAM, CPU, disk space, bandwidth,...).

Nhược điểm

  • VPS đắt hơn shared hosting.
  • Nhà quản trị cần nhiều kiến thức kỹ thuật để quản lý được.
  • Cấu hình server không đúng có thể dẫn đến những lỗ hổng bảo mật.

Khi nào nên sử dụng VPS hosting

VPS hosting thông thường chỉ được lựa chọn khi website của doanh nghiệp tăng trượt vượt giới hạn gói shared hosting. Dù cho gói hosting mạnh nhất của gói share hosting cũng không thể giúp website hoạt động mượt mà hơn. CHính vì thế thì đây là thời điểm thích hợp để sử dụng VPS hosting vì nó là lựa chọn tốt hơn Dedicated hosting và shared hosting.

Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng gói vps hosting từ đầu để website của bạn mang lại hiệu quả tốt nhất. Ví dụ: khi website của bạn là website về thương mại điện tử thì luôn cần server mạnh để việc thanh toán nhanh nhạy và ổn định, an toàn. Việc sử dụng VPS không chỉ giúp hoạt động trên website trơn tru hơn mà nó còn giúp bảo mật tốt hơn và tránh đánh cắp thông tin.

Nếu bạn  thấy website của bạn có lượt truy cập đột biến vào tùy từng thời điểm như có sự kiện nào đó thì VPS hosting là thứ giúp bạn không gặp gián đoạn khi người dùng truy cập. Những server game và những website cần tài nguyên lớn cũng hoạt động hiệu quả hơn trên server ảo để hiệu năng tốt hơn.

Những loại VPS trên thị trường hiện nay

Khi mua máy chủ hoặc thuê máy chủ, doanh nghiệp thường được giới thiệu về Unmanaged VPS/ Dedicated hoặc Managed VPS/Dedicated. Đây cũng chính là hai loại VPS thông dụng trên thị trường hiện nay.

Managed VPS (VPS bao gồm quản trị)

Managed VPS là gì? Đây là hình thức cung cấp dịch vụ VPS kèm theo dịch vụ quản trị. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được cài đặt, tư vấn mọi thứ về VPS khi cần. Ngoài ra cũng được tối ưu hiệu suất, bảo mật cho VPS.

Quản trị VPS không hề dễ dàng, do đó Managed VPS có giá trị cao, với những bên không có kỹ năng quản trị nhưng cần sử dụng VPS thì Managed VPS là một lựa chọn sáng suốt.

Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp nào cũng tính giá VPS vào khung giá hiển thị bên ngoài, nhiều nhà cung cấp sẽ để phần tùy chọn dịch vụ quản trị VPS khi khách tiến hành đặt hàng.

Unmanaged VPS (VPS không bao gồm quản trị)

Hình thức này hay còn được gọi là thuê VPS không bao gồm quản trị. Lựa chọn Unmanaged VPS, các doanh nghiệp chỉ được đảm bảo VPS không bị downtime hoặc hỗ trợ các vấn đề xuất phát từ máy chủ chính.

Những việc như cài web server, cầu hình phần mềm, bảo mật,... doanh nghiệp mua/ thuê VPS đều phải tự xử lý và tự chịu trách nhiệm về các thiết lập của mình.

Cũng chính vì các lý do trên mà Unmanaged VPS có giá rẻ hơn, thậm chí rẻ bằng nửa Managed VPS. Và doanh nghiệp chỉ nên lựa chọn hình thức này khi đã có sự am hiểu về VPS.

So sánh VPS với các loại hosting phổ biến khác

Shared Hosting

Shared hosting thường dùng cho các website có lượng truy cập thấp. Khi khởi điểm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường lựa chọn giải pháp này, và chia sẻ server vật lý với khách hàng khác của công ty hosting. Điều đó cũng có nghĩa doanh nghiệp không có tài nguyên riêng mà website sẽ sử dụng tài nguyên của chính server như những bên mua/ thuê shared hosting khác.

vps hosting vs shared hosting

Sự khác nhau giữa Shared Hosting và VPS là gì (Nguồn: tuankhaiit)

Do đó, bộ nhớ và khả năng xử lý của website doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi những người dùng cùng server, đặc biệt là khi lượng truy cập tăng cao bất thường của những người dùng khác. Doanh nghiệp không chọn được hệ điều hành hay cài đặt các phần mềm riêng, tùy chỉnh riêng được. Tất cả những vấn đề liên quan đến server đều được xử lý bởi nhà cung cấp hosting thay vì doanh nghiệp được quyền từ quyết định.

Shared hosting giống như thuê chung một căn hộ với nhiều người khác. Còn VPS là một căn phòng riêng của doanh nghiệp, tại đó, doanh nghiệp được tự mình ra quyết định sửa đổi, sắp xếp,...

Cloud Hosting

Thay vì dùng duy nhất một server, chọn cloud hosting, doanh nghiệp sẽ sử dụng một cluster vận hành trên đám mây. Mỗi server trong một cluster chứa bản website mới nhất của doanh nghiệp. Khi một server ngưng hoạt động, cluster tự động chuyển hướng traffic sang server khác. Vì thế, cloud hosting không có thời gian downtime, bởi nó luôn có server trong cluster, giúp giải quyết yêu cầu từ khách truy cập.

Cloud Hosting vs VPS Hosting

Sự khác nhau giữa cloud hosting và hosting vps là gì (Nguồn: TECH Talk)

Cloud hosting và VPS hosting không có khác biệt quá lớn. Nhiều doanh nghiệp hosting cũng hỗ trợ VPS hosting trên nền tảng đám mây. Giải pháp này cũng được chọn sử dụng tại Hostinger, vì sự kết hợp giữa VPS và công nghệ đám mây mang lại lợi ích hiệu năng tốt nhất trên môi trường ảo hóa.

WordPress Hosting

Dịch vụ hosting đặc biệt này dành cho những doanh nghiệp sở hữu site WordPress vì nó được tối ưu riêng bằng những tính năng mà doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng khi dùng Wordpress. Cụ thể như việc cài đặt bằng một click, các plugin được cài sẵn, giao diện dòng lệnh trên WordPress. Các nhà cung cấp hosting cũng cung cấp WordPress hosting trong shared hosting bì server cũng được cấu hình hốt cho WordPress.

Doanh nghiệp có thể cài đặt WordPress trên trang máy chủ ảo, nhưng vẫn cần tự chỉnh server để phù hợp với WordPress. Đặc biệt, khi chọn VPS cho site WordPress, nhà quản trị cũng có thể thiết lập môi trường phù hợp với nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.

Hosting riêng

Hosting riêng là hình thức doanh nghiệp thuê riêng một server vật lý để làm việc. Khi website có lượng truy cập cao, hosting riêng sẽ là giải pháp an toàn và phù hợp nhất bởi tính linh hoạt và có thể tùy chỉnh riêng, server nhanh. Tuy nhiên, vấn đề giá cả lại khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn, mức giá hosting riêng tương đối cao, không phù hợp với đại đa số người dùng, đặc biệt những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ.

Không chỉ cho phép doanh nghiệp chọn và chỉnh cấu hình trên hệ điều hành, chỉnh các ứng dụng server, Hosting riêng còn làm được nhiều hơn thế. Phương thức này cho phép doanh nghiệp tùy chỉnh cả phần cứng, có thể chạy một server riêng on-site. Tuy nhiên, vì đây là hosting riêng của doanh nghiệp nên sẽ không được đảm bảo bởi đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp.

>>> Xem thêm: Hosting là gì

Lưu ý khi mua VPS hoặc thuê VPS

Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ máy chủ ảo cũng ra đời. Để chọn được VPS phù hợp với doanh nghiệp của mình, nhà quản trị cần nắm được các thông số cơ bản dưới đây.

RAM

RAM là bộ nhớ chính trong máy tính, khi máy chủ VPS của doanh nghiệp càng nhiều RAM thì khả năng truy xuất dữ liệu càng tốt. Khi sử dụng VPS, doanh nghiệp cần đến RAM để xử lý các vấn đề như đoạn mã PHP với phần mềm PHP, xử lý truy vấn nhập xuất database với MySQL, các ứng dụng nhỏ đi kèm, hỗ trợ đọc dữ liệu,...

Dịch vụ máy chủ ảo cho phép doanh nghiệp chọn mức RAM từ 512MB đến 16MB. Căn cứ vào lượng truy cập website và cách tối ưu VPS, doanh nghiệp sẽ chọn sử dụng RAM nhiều hay ít.

SWAP

Bộ nhớ ảo SWAP có công dụng chính là lưu lại các hành động xử lý cũ khi RAM đầy. SWAP là một không gian lưu trữ trên ổ cứng chứ không phải bộ nhớ độc lập. Tuy nhiên, không phải VPS nào cũng hỗ trợ SWAP.

Disk

Disk hay còn được gọi là ổ đĩa cứng/ ổ cứng. Đây là không gian lưu trữ các file cài đặt của hệ điều hành, các file của mã nguồn website lưu trên đó. Có hai loại ổ đĩa:

HDD (Hard Disk Drive): ổ đĩa này phổ biến hơn, thông thường các máy tính đều lựa chọn loại ổ đĩa này.

SSD (Solid State Drive): SSD hay còn gọi là ổ cứng bán dẫn. SSD dùng để lưu trữ dữ liệu, tuy nhiên tốc độ truy xuất của nó gấp 300 lần so với HDD.

Hầu hết VPS có SSD có chi phí giá thành cao hơn loại ổ HDD.

CPU Core

Lõi xử lý CPU được gọi là CPU Core. Số lượng core được chia cho các VPS và nó chỉ có số lượng nhất định trong mỗi dedicated server. Số core càng cao thì thường khả năng xử lý dữ liệu càng tốt.

Với các máy chủ ảo VPS trung bình, doanh nghiệp sẽ được chọn từ loại 1 core đến 3 cores.

Bandwidth/ Transfer

Bandwidth/ Transfer là băng thông, lưu lượng được phép truyền tải dữ liệu đi. Cụ thể, doanh nghiệp của bản sở hữu 1 file với dung lượng 1GB trên VPS, thì cứ 1 người tải sẽ mất 1 GB băng thông.

IP

IP (Internet Protocol) là số lượng địa chỉ IP mà nhà cung cấp dịch vụ VPS sẽ cấp cho doanh nghiệp khi mua hoặc thuê VPS. Các dãy địa chỉ IP được chọn một cách ngẫu nhiên.

Nếu doanh nghiệp chọn mua thêm nhiều IP khác nhau, dãy IP đó sẽ có chung một class A và B.

Lưu ý khi thuê vps là gì

Các điều cần lưu ý khi thuê VPS là gì

Tạm kết

Bài viết trên đã giải đáp những thắc mắc thường thấy của doanh nghiệp, xoay quanh VPS là gì, cần biết những gì về VPS để có thể lựa chọn và khai thác tối đa. Với nguồn kinh phí hạn chế, các doanh nghiệp không thể đầu tư cho máy chủ vật lý thì VPS là sự lựa chọn hoàn hảo, vì máy chủ ảo này vẫn đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu đặt ra.

Huyền Nguyễn - Marketing AI

Tổng hợp

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.