1. Các cáo buộc ban đầu của Cơ quan cạnh tranh và thị trường (CMA) về Unilever
CMA cho biết, họ đang có kế hoạch xem xét kỹ lưỡng các tuyên bố về môi trường của Unilever. Cơ quan không nêu bật nhãn hàng nào cụ thể, nhưng có chỉ ra nhóm sản phẩm có liên quan bao gồm sản phẩm nhà bếp và đồ vệ sinh cá nhân. Các nhãn hiệu có trong hạng mục này của thương hiệu bao gồm Cif, Dove và Domestos.
Theo đánh giá ban đầu, mối quan tâm và lo ngại từ cơ quan bao gồm:
- Một số tuyên bố được Unilever sử dụng khá mơ hồ và phổ biến, nó có thể đánh lừa người mua hàng về tác động môi trường từ các sản phẩm đó.
- Các tuyên bố về một số thành phần trong sản phẩm được nêu ra dường như đang phóng đại về mức độ tự nhiên của sản phẩm, điều này có thể gây hiểu lầm và thông tin không chính xác.
- Tuyên bố tập trung vào khía cạnh duy nhất của sản phẩm, và chỉ đề cập đến yếu tố thân thiện với môi trường.
- Một số tuyên bố về sản phẩm có khả năng tái chế không được rõ ràng, không chỉ rõ là toàn bộ, một phần hay chỉ bao bì mới có thể tái chế.
- Unilever sử dụng màu sắc và hình ảnh màu xanh lá có thể tạo ra ấn tượng về sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng thực tế, chưa chắc đã là vậy.
2. "Ngạc nhiên và thất vọng” là phản ứng đầu tiên của Unilever khi nhận được cáo buộc
Khi được hỏi về cuộc điều tra, người phát ngôn của Unilever cho biết rất “ngạc nhiên và thất vọng về thông báo của CMA” và sẽ “bác bỏ những tuyên bố này bằng bất kỳ cách nào”.
“Unilever cam kết đưa ra các tuyên bố có trách nhiệm về lợi ích của sản phẩm trên bao bì và lợi ích này phải minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, họ cũng đưa ra các quy trình để đảm bảo mọi tuyên bố của mình đều có thể được chứng minh.”
Họ cũng nhấn mạnh rằng, thương hiệu sử dụng nhãn tái chế trên bao bì (OPRL) để cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về cách vứt bỏ bao bì sau khi sử dụng sản phẩm. Họ đã ký kết sáng lập Hiệp ước Nhựa với Vương quốc Anh với mục đích “cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị bao bì bền vững để giải quyết các thách thức xung quanh vấn đề rác thải nhựa”.“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với CMA và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu, cũng như cung cấp các thông tin khi cần”, Unilever cho biết thêm.
3. Những tuyên bố và chia sẻ sau đó từ CMA
Giám đốc điều hành của CMA, Sarah Cardell cho biết: “Ngày càng có nhiều thương hiệu cố gắng góp phần bảo vệ môi trường, nhưng chúng tôi lo ngại người tiêu dùng sẽ không đủ thông thái để nhận ra họ đang bị lừa bởi những sản phẩm được gọi là "xanh"."
Khi được hỏi về các sản phẩm được giới thiệu là thân thiện với môi trường của Unilever, cô chia sẻ: "Chúng tôi sẽ đi sâu vào các tuyên bố này để xác định xem liệu nó có phù hợp hay không. Nếu phát hiện ra bất kỳ điều gì sai sót trong lời công bố của Unilever, chúng tôi sẽ đưa ra thông báo để đảm bảo quyền lợi cho người mua hàng."
CMA cho biết sẽ sử dụng quyền hạn thu thập thông tin của mình để tìm thêm bằng chứng nhằm tiến hành điều tra. Các kết quả tiềm năng có thể liên quan đến "việc đảm bảo các cam kết từ Unilever về thay đổi cách thức hoạt động, đưa công ty ra tòa, hoặc kết thúc vụ việc mà không cần thực hiện thêm bất kỳ hành động nào."
Vào tháng 1/2022, CMA đã tiến hành đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường trong lĩnh vực bán lẻ thời trang, nơi người tiêu dùng chi tiêu ước tính khoảng 54 tỷ bảng Anh mỗi năm. Sau đó, họ đã mở một cuộc điều tra về các tuyên bố môi trường của ASOS, Boohoo và George tại Asda. Tiếp đó, vào tháng 1/2023, họ mở rộng hoạt động các tuyên bố về môi trường trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG).
>>> Xem thêm: Unilever bắt tay TikTok, nỗ lực tiếp cận người tiêu dùng GenZ qua dự án toàn cầu #CleanTok
Thanh Thanh - MarketingAI
Theo Marketing week, Cosmeticsdesign-europe
Bình luận của bạn