Thế giới đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ, cùng với đó là sự ra đời của nhiều ngành khác nhau với sự trợ giúp rất lớn từ kỷ nguyên 4.0. Chính thế, nền kinh tế chia sẻ đang hiện hữu ở rất nhiều ngành nghề, rõ nhất là lĩnh vực vận chuyển, khi các hãng như Uber, Grab, Go-Jek... đã và đang đe dọa cực mạnh đến các thương hiệu taxi truyền thống. Gần đây, ngành khách sạn cũng đang phải đối mặt với thành quả của sự phát triển công nghệ, đó là những ứng dụng cho thuê nhà giá rẻ tiện lợi.
Vậy từ Luxstay một ứng dụng tiềm năng của Việt Nam, đến đại gia ngoại Airbnb. Những ứng dụng này đang đe dọa như thế nào đến cả một ngành khách sạn Việt Nam?
Luxstay - Ngôi sao đang lên của Việt Nam
Trước khi Airbnb tấn công vào thị trường Việt Nam, thì Luxstay là cái tên duy nhất hoạt động trong lĩnh vực cho thuê phòng, khách sạn trên ứng dụng. Năm 2016, Nguyễn Văn Dũng đã thành lập ra Luxstay dựa trên nền tảng trực tuyến kết nối với những chủ nhà, những người có nhu cầu thuê ngắn hạn, trong đó có khách du lịch hoặc những người muốn kinh doanh... Luxstay ngay lập tức nhận được khoản đầu tư khủng lên tới hàng triệu USD từ các quỹ như CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Genesia Ventures (Nhật Bản), ESP Ventures (Singapore), Founders Capital (Singapore) và Nextrans (Hàn Quốc).
Tiềm năng từ hãng là cực kỳ lớn khi mà đây dường như đang là một thị trường ngách còn bị bỏ ngỏ chưa nhận được nhiều sự chú ý. Trong Marketing thì điều nhanh nhất để thành công, chính là tìm kiếm những thị trường mới mà chưa ai "đặt chân" vào. Luxstay đã khá thông minh và nhạy bén, cộng hưởng với số tiền đầu tư khủng, chẳng mất nhiều thời gian, hãng đã nhanh chóng cán mốc 3000 chỗ ở là những Homestay, khách sạn, biệt thự cao cấp ở hầu hết các tỉnh thành có du lịch phát triển tại Việt Nam.
Luxstay đạt đến thành công lớn là nhờ cách nhìn nhận vấn đề thị trường, khi mà có thể thấy được rằng ngành bất động sản trong vòng 6 năm trở lại đây có sức mạnh cực kỳ lớn, khi mở rộng từ quy mô đến chất lượng. Thêm vào đó, ngành bất động sản được đánh giá là sẽ phát triển trong vài năm tới nữa ở các thành phố lớn, và những thành phố trọng điểm du lịch. Chính vì thế, đây là lợi thế đầu tiên để Luxstay có được nguồn lực đầy tiềm năng để phát triển hệ thống nhà ở, khách sạn cho thuê của mình. Tiếp đến, lợi thế là người đi tiên phong là điều mà Luxstay đã nhanh chân hơn các thương hiệu khác. Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào đủ lớn để dẫn dắt thị trường. Các hình thức cho thuê nhà, cho thuê homestay còn nhỏ lẻ và làm rời rạc. Luxstay ra đời có cơ hội xây dựng một ngành công nghiệp mới, đúng với mục tiêu tiên phong và trở thành số một như đã đề ra.
Luxstay cũng mạnh về các kênh truyền thông khi mới ra mắt, khi đặt những banner quảng cáo trên các site báo đối tượng là Gen Y và Gen Z như Kênh 14, Zing.vn, Saostar... Trên Youtube và Social Media, hãng cũng đặt những tài trợ cho những kênh lớn, như Top 5 lạ kỳ (1 triệu sub), Schannel.... Việc Branding khi mới ra mắt, giúp hãng có độ nhận diện cao trên mặt trận truyền thông, và hãng xứng đáng là một "kỳ lân" trong ngành khách sạn Việt Nam.
Airbnb - Đại gia ngoại lai xâm chiếm thị phần ngành khách sạn Việt
Nếu như Luxstay là thương hiệu đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này, thì Airbnb là cái tên sáng giá nhất hành tinh trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn. Sau 10 năm đi vào hoạt động, rất nhiều giai đoạn thăng trầm trải qua, thì hiện tại Airbnb được xem như một trong những khách sạn lớn nhất trên thế giới với giá trị định giá thời điểm tháng 3/2017 là 31 tỷ USD, tương đương thương hiệu Marriott International, dù không sở hữu bất kỳ phòng khách sạn nào.
Theo số liệu của Business Insider năm 2017, Airbnb đã đạt đến một cột mốc mới: 4 triệu danh sách lưu trú tại 191 quốc gia. Tới thời điểm đầu tháng 8 năm ngoái, startup này cho biết có hơn 2,5 triệu người sử dụng dịch vụ.
Từ giữ năm 2015, thì Airbnb nhận thấy tiềm năng của quốc gia 96 triệu dân này là cực kỳ lớn, cho nên hãng đã chính thức gia nhập vào Việt Nam, với tham vọng tranh thị phần. Đến nay, theo số liệu cung cấp bên lề sự kiện công bố Khảo sát khách sạn Việt Nam năm 2018 diễn ra vào tháng 7, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng này tại Hà Nội và TPHCM. Số lượng này bằng tổng số phòng của tất cả các khách sạn từ 2-4 sao của Tp.HCM, một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước. Theo số liệu từ Sở Du lịch Tp.HCM, hiện toàn thành phố có 341 khách sạn từ 2-4 sao, với 16.912 phòng.
Chẳng cần truyền thông quá mạnh, vì Airbnb đã có sức nổi nhất định từ trước khi vào Việt Nam. Cho nên, khi gia nhập thị trường, thì Airbnb nhận được sự quan tâm cực kỳ lớn từ đông đảo người trẻ , hãng cũng nắm được phần nào thị phần đặt phòng trong ngành khách sạn Việt Nam.
Ngành khách sạn Việt Nam đang thay đổi bộ mặt như thế nào?
Với sự phát triển cực mạnh của ngành du lịch với 15 triệu khách du lịch/ năm, và lượng tăng trưởng toàn ngành ở mức ấn tượng. Thì sức hút từ ngành dịch vụ du lịch cũng nhanh chóng lan rộng, tỏa ra nhiều thị trường ngách khác, và tạo ra động lực cho nhiều doanh nghiệp Startup nở rộ. Có thể chưa so sánh được với "ông lớn" Airbnb, nhưng những ứng dụng thuần Việt như Luxstay đang ngày càng được ưa chuộng, và tin tưởng sử dụng bởi sự am hiểu văn hóa bản địa, những chính sách khuyến mại cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Có thể thấy rõ, hiện nền kinh tế chia sẻ đã và đang nở rộ ở rất nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có cả ngành dịch vụ du lịch, khách sạn. Nó đang ảnh hưởng lớn đến cách mà các khách sạn truyền thống đang kinh doanh, nhờ tới sự phát triển của công nghệ, mà lối kinh doanh cộng sinh hiện nay được nhiều người hướng tới. Ngành du lịch đang tạo ra nhu cầu cực kỳ lớn, khách du lịch cũng có những sự thay đổi nhất định trong tư tưởng chọn nơi trú chân của mình trong những kỳ nghỉ du lịch. Dịch vụ chia sẻ phòng hiện đang đáp ứng những nhu cầu đó của khách hàng.
"Dịch vụ chia sẻ phòng đang phát triển rất nhanh và khó có thể kìm hãm được. Hiện tại, nhiều khách sạn từ 1-3 sao đang bị ảnh hưởng"
Ông Tào Văn Nghệ - chuyên gia trong ngành khách sạn Việt Nam
Là công ty kinh doanh home-sharing chính thức và đầu tiên tại Việt Nam, Luxstay cũng đã tận dụng triệt để lợi thế của kẻ dẫn đầu cũng như sự am hiểu về thị trường bản địa, nhanh chóng thâu tóm thị trường, đẩy mạnh tốc độ phát triển tập trung vào cốt lõi và giá trị trải nghiệm của sản phẩm. Từ đó, gây dựng nên một hệ sinh thái về dịch vụ lưu trú ngắn hạn chuyên biệt cho homestay của riêng mình. Dù Airbnb là một công ty ngoại, nhưng với kinh nghiệm và đã thống lĩnh ở 191 quốc gia khác nhau, thì khi gia nhập Việt nam, hãng này cùng với Luxstay đang tạo ra những bước thay đổi trong hành vi tiêu dùng của cả một ngành hàng. Chính vì vậy, khi chính thức có mặt trên thị trường, ngành công nghiệp Home-sharing Việt Nam đang có kịch bản khá giống với thị trường gọi xe nhanh. Khi mà nó đang gây nhiều tranh cãi với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành khách sạn Việt nam, đảo lộn những gì vốn có với những cách kinh doanh dựa vào công nghệ. Sẽ còn nhiều vụ thâu tóm, đầu tư từ các chuỗi khách sạn vào hãng chia sẻ nhà cho thuê trong thời gian tới, đưa home-sharing trở thành trào lưu, và ngành du lịch chắc chắn sẽ thay đổi chóng mặt trong vài năm nữa bởi sự phát triển của các nền tảng công nghệ hỗ trợ.
Kết luận
Có thể thấy được ngành khách sạn Việt Nam đang có bước chuyển mình rõ rệt, hành vi đặt phòng của khách hàng trong vài năm trở lại đây cũng dựa quá nhiều vào công nghệ. Chính vì thế, nếu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn truyền thông không tự mình thích nghi với sự biến đổi này, thì sẽ rất khó khăn trong tương lai trong việc dành thị phần cho mình. Hãy nhìn vào những gì mà Grab và Uber đã làm, nó thay đổi cả bộ mặt của một ngành, khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản, hay chuyển hướng kinh doanh. Hãy có cho mình những cái nhìn tổng quan tốt nhất về xu hướng của thị trường du lịch trong tương lai, để tránh những sai lầm không đáng có.
Xem thêm: Những gì Marketer ngành du lịch nên biết về xu hướng trải nghiệm của khách hàng
Thắng Nguyễn - MarketingAI
Bình luận của bạn