- Những quan điểm trái chiều của doanh nghiệp Việt trước những chào mua hấp dẫn
- #1 Kiên quyết không bán mình - giữ thương hiệu Việt
- #2 Chấp nhận "gả" thương hiệu cho doanh nghiệp quốc tế
- Nên hay không việc "bán mình" trước những lời đề nghị triệu đô từ ông lớn quốc tế
- Góc nhìn từ những thương vụ mua bán thương hiệu Việt
- #1 Chạy theo lợi nhuận nhất thời có thể mất đi giá trị lâu dài
- #2 Hãy nghiên cứu kỹ về những lời đề nghị của doanh nghiệp quốc tế
- #3 Đôi khi việc bán đi lại là cách để bảo vệ thương hiệu và lợi ích của chủ sở hữu
Những quan điểm trái chiều của doanh nghiệp Việt trước những chào mua hấp dẫn
Để dễ dàng tiếp cận và chiếm thị phần khi bước vào Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp Quốc tế đã sử dụng chiến lược mua lại các doanh nghiệp Việt nhằm tận dụng những nguồn lực sẵn có về nhà xưởng, hệ thống phân phối & đặc biệt là thị phần. Với lợi thế áp đảo về nguồn vốn, công nghệ hiện đại cùng kinh nghiệm kinh doanh dày dặn, các thương hiệu quốc tế không khó để đưa ra mức giá mua hấp dẫn vào gây áp lực cạnh tranh lên các doanh nghiệp nội địa.
Trước những lời chào mua triệu đô, các thương hiệu Việt chia thành những nhóm quan điểm hoàn toàn trái ngược. Trong khi nhiều doanh nghiệp như: Tribeco, P/S hay Diana, Nguyễn Kim, Phúc Long, Kinh Đô,... lựa chọn bán mình cho doanh nghiệp ngoại, hay thậm chí chấp nhận trở thành "người làm thuê" cho con đẻ của chính mình. Thì cũng có những cái tên đã sẵn sàng từ chối bán lại và chấp nhận áp lực cạnh tranh cực lớn để bảo toàn một thương hiệu "của người Việt", tiêu biểu như Mỹ Hảo.
#1 Kiên quyết không bán mình - giữ thương hiệu Việt
Nói về quan điểm không bán mình cho doanh nghiệp ngoại phải kể đến Mỹ Hảo - thương hiệu Việt hơn 2 thập kỷ kiên quyết không bán mình mặc dù phải đối mặt với hàng loạt rủi ro lớn.Đây là thương hiệu nước rửa bát đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam và từng chiếm hơn 80% thị phần nhờ vào chất lượng ổn và mức giá hợp lý. Với tiềm năng đó, Mỹ Hảo cũng nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các ông lớn quốc tế - tiêu biểu là Unilever. Tuy nhiên, trước 2 lần đề nghị mua với mức giá lên tới 30 triệu USD của Unilever, ông Lương Vạn Vinh - Nhà sáng lập Mỹ Hảo vẫn giữ vững quan điểm không bán mình cho doanh nghiệp Ngoại. Ông chủ Mỹ Hảo đã từng chia sẻ lý do không bán thương hiệu vì mong muốn con cái kế nghiệp và đặc biệt là muốn giữ lại thương hiệu của người Việt. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ rằng việc bán lại doanh nghiệp nội địa cho quốc tế có thể khiến thị trường bị mất cân bằng. Theo ông, nếu ai cũng bán cho nước ngoài thì thị trường Việt Nam chẳng mấy chốc sẽ trở nên vắng bóng doanh nghiệp Việt, khi có doanh nghiệp nước ngoài sẽ nắm quyền kiểm soát thị trường.
Quyết định này cũng đã khiến cho thị phần của Mỹ Hảo sụt giảm nghiêm trọng, thương hiệu phải chịu áp lực cạnh tranh hoàn toàn không cân sức với các ông lớn quốc tế. Tuy nhiên, để khắc phục những tổn thất đó, Mỹ hảo đã tìm kiếm thị trường ngách, khôi phục và mở rộng kênh phân phối, đồng thời phát triển danh mục sản phẩm đa dạng, dần lấy lại chỗ đứng trên thị trường, thậm chí vươn ra thị trường nước ngoài.
Ngoài Mỹ Hảo, ông chủ của Sunhouse - Shark Phú cũng từng chia sẻ rằng việc không bán thương hiệu cho Elextrolux với giá 250 triệu USD là điều rất may mắn đối với thương hiệu này. Shark Phú chia sẻ rằng câu chuyện "Made in Vietnam" là điều mà mỗi doanh nghiệp, mỗi chủ doanh nghiệp cũng có khát khao đó:"Khi nhìn thấy một loạt thương hiệu nổi tiếng Việt Nam đều bán cho nước ngoài, tôi muốn giữ lại thương hiệu này".
#2 Chấp nhận "gả" thương hiệu cho doanh nghiệp quốc tế
Trái ngược với Mỹ Hảo hay Sunhouse, nhiều thương hiệu Việt đã quyết định gả mình cho doanh nghiệp quốc tế. Lý do bán thương hiệu vì con số trăm triệu USD chưa phải là tất cả cho các thương vụ đình đám này. Đằng sau đó còn nhiều nguyên nhân khác phải kể đến như:
- Doanh nghiệp không còn đủ năng lực phát triển, không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế
- Mục đích tận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp nước ngoài để phát triển kinh doanh
- Bán một phần doanh nghiệp để tập trung nguồn vốn vào một lĩnh vực nhất định.
- ...
Điển hình như trường hợp của P/S và Dạ Lan là hai thương vụ mua bán đầy phức tạp. P/S và Dạ Lan ban đầu vốn không định bán hoàn toàn cho doanh nghiệp quốc tế mà chỉ hợp tác dưới hình thức liên doanh sản xuất bao bì. Nhưng thương hiệu này đã không may mắc phải "bẫy" gia công rất tinh vi mà nhiều doanh nghiệp quốc tế đã sử dụng để thâu tóm doanh nghiệp Việt. Dẫn đến tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và buộc phải bán mình.
Còn đối với thương vụ Diana bán cho tập đoàn Unicharm của Nhật Bản đã được ông chủ của thương hiệu này giải thích rằng đây là bước đệm để thương hiệu có thể vươn tầm quốc tế. Nhà đồng sáng lập của Diana - ông Đỗ Anh Tú lại cho rằng việc bán thương hiệu cho doanh nghiệp quốc tế là một cơ hội để các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam có cơ hội xuất ngoại. Ông Tú chia sẻ: "Tôi thấy rằng, công ty đang phát triển gia nhập một đế chế để toàn cầu hóa là chuyện bình thường. Tôi chỉ nỗ lực làm sao để khi nhắc đến Diana, người tiêu dùng hiểu ngay đó là nhãn hiệu toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam".
Trong trường hợp của Kinh Đô, thương hiệu này lại quyết định bán đi thương hiệu bánh kẹo cho Mondelez nhằm tập trung toàn lực cho các mặt hàng tiềm năng khác như dầu ăn, kem, bơ thực vật,....
Nên hay không việc "bán mình" trước những lời đề nghị triệu đô từ ông lớn quốc tế
Không thể đánh giá được tính đúng sai giữa hai quan điểm giữ lại thương hiệu Việt hay bán lại cho doanh nghiệp quốc tế. Về cơ bản, việc bán đi thương hiệu cũng đồng nghĩa với giá trị thương hiệu Việt sẽ không còn mà rơi vào tầm kiểm soát của những ông lớn quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp của nhiều doanh nghiệp thì việc bán lại là con đường duy nhất để thương hiệu tiếp tục phát triển và bảo vệ lợi ích của các cổ đông, chủ sở hữu. Tại một số trường hợp khác, việc bán doanh nghiệp lại trở thành bước đệm giúp thương hiệu tận dụng nguồn lực quốc tế và phát triển mạnh hơn nữa.
Ví dụ đối với thương vụ của Diana, quyết định bán cũng là một bước ngoặt lớn giúp cho thương hiệu này có đà phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, nguồn lực lớn từ tập đoàn Unicharm cũng đã tạo động lực cho thương hiệu Diana tấn công các thị trường quốc tế thành công. Đặc biệt nhà sáng lập của Diana, ông Đỗ Anh Tú vẫn tiếp tục giữ chức vị chủ chốt của Diana trong suốt nhiều năm sau khi bán lại. Điều này đã giúp bảo vệ thương hiệu không bị xóa sổ như nhiều thương vụ mua bán khác.
Còn trong trường hợp của P/S hay Dạ Lan, các thương hiệu này đã rơi vào nguy cơ phá sản khi mắc bẫy "gia công" của của các tập đoàn lớn. Vì vậy, quyết định bán lại tại thời điểm này có lẽ là con đường duy nhất để chủ sở hữu và cổ đông có thể bảo toàn phần nào lợi ích kinh tế.
Ngoài ra, thương vụ mua bán của Phúc Long cho Masan cũng là một trong những quyết định bán lại gây tranh cãi nhất hiện nay. Phúc Long vốn là một thương hiệu trà sữa Việt Nam nổi bật bởi chất lượng và hương vị độc đáo. Tuy nhiên, sau khi bán đi thì các sản phẩm của Phúc Long nhận nhiều đánh giá về việc chất lượng đi xuống. Vì vậy để khẳng định thương vụ bán lại của Phúc Long có thực sự thành công hay không vẫn còn cần xem xét thêm trong thời gian tới.
Góc nhìn từ những thương vụ mua bán thương hiệu Việt
#1 Chạy theo lợi nhuận nhất thời có thể mất đi giá trị lâu dài
Đối với doanh nghiệp, không thể phủ nhận những lợi ích của việc bán lại đối với chủ doanh nghiệp, đặc biệt là lợi ích về mặt kinh tế rất lớn ngay tại thời điểm bán. Nhưng ở một khía cạnh khác, bán đi thương hiệu sẽ khiến cho khả năng khai thác thị trường của chủ doanh nghiệp về lâu dài gần như không còn nữa. Việc xây dựng lại một thương hiệu mới trên thị trường đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Đối với nền kinh tế và người tiêu dùng, các thương vụ bán thương hiệu nội địa cho doanh nghiệp quốc tế có thể dẫn đến sự mất cân bằng trên thị trường. Khi thị trường bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp quốc tế, họ sẽ có khả năng kiểm soát việc phân phối và mức giá của sản phẩm. Khi đó, người tiêu dùng có thể sẽ mất đi cơ hội mua sản phẩm phù hợp với túi tiền.
Điều này có thể thấy như trường hợp của Kinh Đô. Kinh Đô là thương hiệu Việt đã bán lại cho Mondelez và ký cam kết không gia nhập thị trường bánh kẹo trong một thời gian nhất định. Sau khi hết thời hạn, chủ cũ Kinh Đô đã quay lại thành lập nên - KIDO với tham vọng đối đầu với chính con đẻ của mình. Nhưng rõ ràng rất khó để một cái tên mới có thể cạnh tranh được với thương hiệu Kinh Đô Mondelez đã quá nổi bật trên thị trường.
>>> Xem thêm: Chiến lược marketing bánh trung thu Kinh Đô: Đẳng cấp của một "ông lớn"
#2 Hãy nghiên cứu kỹ về những lời đề nghị của doanh nghiệp quốc tế
Từ bài học của Dạ Lan, P/S,... có thể thấy được mối nguy hiểm tiềm tàng trong những lời đề nghị liên doanh hay hợp tác của các doanh nghiệp quốc tế, vì đây có thể là những cái "bẫy" thâu tóm khiến cho doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.
#3 Đôi khi việc bán đi lại là cách để bảo vệ thương hiệu và lợi ích của chủ sở hữu
Nhiều thương vụ mua bán không phải chỉ vì chạy theo những con số triệu USD hấp dẫn. Ở một góc nhìn khác, quyết định bán mình có thể giúp cho thương hiệu thoát khỏi tình trạng khó khăn, có được nguồn vốn đầu tư lớn hơn. Điển hình như trong trường hợp của P/S, nếu thương hiệu không đưa ra quyết định bán trong giai đó thì có lẽ cái tên P/S đã chẳng thể tồn tại và phát triển cho đến thời điểm hiện tại.
Đặc biệt là trong giai đoạn mở cửa hội nhập kinh tế, nguồn lực của các doanh nghiệp nội địa còn rất hạn chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại đã có sẵn những lợi thế về nguồn lực tài chính, công nghệ sản xuất, hệ thống phân phối,... trên thị trường quốc tế. Vì vậy, quyết định bán lại có thể là bàn đạp để thương hiệu Việt có thể tiếp cận tới thị trường quốc tế một cách dễ dàng hơn. Thương vụ của Diana là một trong những quyết định bán tương đối thành công, giúp đưa tên tuổi của Diana tới những thị trường lớn. Vì vậy, đôi khi bán thương hiệu cũng là một hình thức để bảo vệ sự tồn tại của thương hiệu, lợi ích của chủ sở hữu và cổ đông.
Lời kết
Dù vì lí do gì, việc để cho thương hiệu Việt rơi vào tay các doanh nghiệp quốc tế khác cũng sẽ phần nào làm mất đi giá trị vốn có và tác động đến nền kinh tế nước nhà. Vì vậy những nỗ lực gìn giữ thương hiệu Việt đều rất đáng trân trọng và ủng hộ.
Bình luận của bạn