Trung gian marketing là gì? Các ví dụ về trung gian marketing

25 Thg 11

Khi doanh nghiệp có một hệ thống trung gian marketing hoàn chỉnh sẽ nhanh chóng thúc đẩy được doanh số cũng như lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường. Để năng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, ngoài...

Khi doanh nghiệp có một hệ thống trung gian marketing hoàn chỉnh sẽ nhanh chóng thúc đẩy được doanh số cũng như lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường.

Để năng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, ngoài việc tạo ra những sản phẩm/dịch chất lượng, các doanh nghiệp còn cần lưu ý đến quá trình đưa sản phẩm/dịch vụ của mình đến tay người tiêu dùng. Quá trình này hình thành nên một hệ thống trung gian marketing. Vậy trung gian marketing là gì? Tại sao các doanh nghiệp cần xây dựng một trung gian marketing hiệu quả?

Hãy để MarketingAI giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm này thông qua bài viết dưới đây.

Trung gian marketing là gì? 

Trung gian marketing là hình thức các cá nhân, hay tổ chức cùng với các nhà sản xuất tham gia vào việc phân phối các sản phẩm và kết nối với người tiêu dùng.

Thông qua trung gian marketing, các cá nhân, tổ chức có thể tiến hành quảng bá và truyền thông về các sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng tới người tiêu dùng.

Để đạt hiệu quả về trung gian marketing, đòi hỏi các nhà sản xuất cần phải có những đặc điểm sau:

  • Sản phẩm tốt và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dùng.
  • Luôn có kế hoạch mở rộng và cải tiến danh mục sản phẩm của mình.
  • Có mối quan hệ tốt với nhà cung ứng nguyên liệu, trung gian tài chính,...
>>> Xem thêm: Marketing là gì? 9 đặc điểm cơ bản về marketing bạn nên biết

Vai trò của trung gian marketing

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang thay đổi nhanh chóng, người tiêu dùng sẽ ngày càng có nhiều hơn một sự lựa chọn. Điều này khiến cho họ trở nên khắt khe hơn mỗi khi đưa ra quyết định mua và đánh giá sản phẩm. Đó cũng là lý do khiến việc xây dựng hệ thống trung gian marketing lại trở nên cấp thiết hơn đối với các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Vậy trung gian marketing đóng vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp?

Giúp doanh nghiệp giảm chi phí bán hàng: Để có một mạng lưới phân phối của riêng mình, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn mạnh. Và điều này sẽ gây trở ngại rất lớn đối với các doanh nghiệp, bởi ngay cả đối với các tập đoàn đa quốc gia, họ cũng vẫn phải nhờ vào sức mạnh của các trung gian marketing. Các trung gian marketing sẽ giúp các doanh nghiệp tập trung nguồn lực của mình để khai thác tối đa hiệu quả, cũng như nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm.

Giảm bớt điểm tiếp xúc giữa nhà sản xuất và khách hàng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận với khách hàng mục tiêu: Nhờ mạng lưới phân phối rộng phủ khắp các vùng miền, khách hàng có thể dễ dàng mua được hàng hoá đó có bất kỳ trung gian marketing nào. 

Trung gian marketing là gì

Trung gian marketing là gì? Tại sao các doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống trung gian marketing?

Giúp đẩy nhanh việc tái đầu tư: Hệ thống trung gian marketing sẽ gián tiếp chia sẻ những rủi ro về sản phẩm với các nhà sản xuất. Do vậy, các nhà sản xuất có thể yên tâm huy động thêm vốn để thực hiện các chu kỳ sản xuất và tái đầu tư cho các chu kỳ tiếp theo.

Chia sẻ các thông tin về thị trường: Các nhà bán lẻ tại địa phương là những người hiểu rõ khách hàng của bạn nhất, họ biết rõ phong tục, tập quán ở nơi họ sống cũng những thói quen mua hàng của người tiêu dùng địa phương.

Cầu nối giữa cung và cầu: Các trung gian marketing đóng vai trò như một chuyên viên bán hàng cho doanh nghiệp: tư vấn, đưa ra các chương trình khuyến mãi và kích thích người mua tại điểm bán.

Nhờ có trung gian marketing, các doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng hay hạn chế các hoạt động kinh doanh của mình một cách linh hoạt và nhanh chóng.

>>> Xem thêm: B2B là gì? Bật mí 4 xu hướng marketing B2B trong năm 2021

Các trung gian marketing của doanh nghiệp bao gồm mấy loại

Trung gian phân phối sản phẩm

Trung gian phân phối sản phẩm sẽ bao gồm các nhà bán lẻ, nhà bán buôn, địa lý và các nhà môi giới,... Tại đây, các trung gian sẽ tạo cho doanh nghiệp những thuận lợi về địa điểm lưu trữ cũng như phạm vi tiếp cận với người tiêu dùng, bởi họ luôn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, trung gian phân phối sản phẩm còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian mua hàng cũng như những lợi ích khác.

Trung gian hỗ trợ hoạt động bán hàng

Các trung gian hỗ trợ hoạt động bán hàng sẽ bao gồm các công ty kinh doanh về kho bãi, bảo quản hàng hóa hay vận chuyển,.. Đây là nơi lưu trữ các sản phẩm của doanh nghiệp và đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Với loại trung gian này, doanh nghiệp có thể đảm bảo về tốc độ giao hàng, chi phí vận chuyển cũng như độ an toàn.

Các trang báo mạng và công ty truyền thông nổi tiếng
Các trang báo mạng và công ty truyền thông nổi tiếng

Các trang báo mạng và công ty truyền thông nổi tiếng các doanh nghiệp có thể cân nhắc để hợp tác

Các nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị

Các trung gian cung cấp các dịch vụ tiếp thị sẽ bao gồm các công ty truyền thông, công ty nghiên cứu, tư vấn và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp,... Với những công ty không đủ tiềm lực và quy mô, thông thường, họ sẽ phải thuê những công ty ngoài để hỗ trợ mình trong các chiến dịch truyền thông.

Trung gian liên quan đến tài chính

Để sử dụng các trung gian tài chính hiệu quả, doanh nghiệp cần phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra những chính sách phù hợp và thiết lập được mối quan hệ lâu dài với họ. Lựa chọn những đơn vị có uy tín để tránh những rủi ro không đáng có. Những trung gian liên quan đến tài chính có thể bạn quan tâm như ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng,...

Ví dụ về trung gian marketing

Trung gian marketing của Vinamilk

Các trung gian phân phối: Vinamilk có mạng lưới phân phối và bán hàng rộng khắp cả nước, đảm bảo cho việc đưa những sản phẩm của công ty đến tay người tiêu dùng, và hỗ trợ cho các chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp. Ngoài hệ thống phân phối nội địa mạnh mẽ với 250 nhà phân phối, 140.000 điểm bán lẻ ở 64 tỉnh thành trong nước, thương hiệu còn mở rộng xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Các trung gian vận chuyển: Hệ thống kho bãi của Vinamilk được đánh giá là tương đối lớn với hai xí nghiệp tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hãng còn đầu tư tới 300 xe tải nhỏ giúp cho nhà phân phối hỗ trợ trong vấn đề vận chuyển được diễn ra nhanh chóng. Mặt khác, hệ thống xe lạnh còn giúp Vinamilk luôn đảm bảo được chất lượng sữa. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của thương hiệu so với các đối thủ cùng ngành.

Các trung gian tài chính: Vinamilk được hỗ trợ vốn từ Bộ tài chính, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn từ cổ phiếu, trái phiếu,.. Đặc biệt, với lợi thế từ việc hỗ trợ vốn của nhà nước, doanh nghiệp cũng đảm bảo được rủi ro về tính thanh khoản cao.

Trung gian marketing của Vinfast

Vì là một sản phẩm đặc thù, do vậy Vinfast đã lựa chọn cho mình kênh phân phối một cấp là từ VinFast -> Nhà phân phối -> Khách hàng. Ngoài việc tuyển chọn khắt khe thì Vinfast cũng đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ các đại lý thuộc kênh phân phối của hãng. 

Ngoài ra, hãng cũng mời thêm các đơn vị đang bán các dòng xe khác như Toyota, Mazda, Honda,... tham gia vào hệ thống phân phối của mình để mở rộng mạng lưới phân phối của mình đến với người tiêu dùng trên toàn quốc.

Một chiến lược đặc biệt và hiệu quả của VinFast đó là thay vì tự thiết kế và quản trị một hệ thống phân phối, VinFast đã chọn cách hợp tác với GM (General Motors) nhằm thúc đẩy chiến lược xúc tiến thương mại cho cả dòng xe Chevrolet và VinFast tại thị trường Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ giúp hãng sở hữu một hệ thống kênh phân phối mạnh mẽ mà không tốn nhiều vốn, nhân lực và thời gian.

Vinfast lựa chọn hệ thống phân phối 1 cấp cho trung gian phân phối sản phẩm của thương hiệu

Vinfast lựa chọn hệ thống phân phối 1 cấp cho trung gian phân phối sản phẩm của thương hiệu

Trung gian marketing của Coca Cola

Trung gian bán buôn: Để trở thành một trung gian bán buôn của thương hiệu nước giải khát nổi tiếng Coca-Cola thì nhà phân phối đó phải đảm bảo đạt được mức doanh số nhất định do nhãn quyết định. Doanh số này sẽ tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng vùng cũng như những thoả thuận của cả hai bên. Ngoài ra, nhà phân phối cũng cần đảm bảo cung cấp đúng và đủ các thông tin đến các nhà bán lẻ và người tiêu dùng cuối cùng. Nếu hoạt động tốt, trung gian bán buôn sẽ được nhận hoa hồng tuỳ theo năng lực và có thể bị cắt giảm nếu như doanh số tháng hoặc quý đó không đạt.

Trung gian bán lẻ: Hệ thống trung gian bán lẻ của Coca-Cola tương đối phong phú và đa dạng. Không chỉ cung cấp nhiều chủng loại mặt hàng khác nhau, thương hiệu còn luôn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Trung gian marketing của Pepsi

Pepsi có xây dựng một hệ thống trung gian phân phối sản phẩm đa dạng thông qua việc hợp tác với các đại lý, siêu thị (BigC, Metro, Co.opmart,…), các cửa hàng ăn nhanh ( Lotteria, KFC và McDonald’s) và rạp chiếu phim,...

Hệ thống trung gian phân phối của Pepsi luôn được mở rộng để đảm bảo cho việc đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng trên mọi khu vực địa lý. Người tiêu dùng cũng có thể tiếp cận được với sản phẩm Pepsi một cách dễ dàng ở bất kỳ đâu.

Bitis có hệ thống trung gian phân phối sản phẩm rộng khắp các tỉnh thành trong nước

Bitis có hệ thống trung gian phân phối sản phẩm rộng khắp các tỉnh thành trong nước

Trung gian marketing của Bitis

Bitis sử dụng trung gian phân phối 3 cấp “Người sản xuất – Nhà bán buôn – Nhà bán lẻ – Người tiêu dùng”. Đây là một kênh phân phối phổ biến với các thương hiệu ở Việt Nam. Để xây dựng một hệ thống trung gian hiệu quả, bước đầu tiên, Bitis sẽ nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu thật kỹ lưỡng (mật độ dân cư, địa điểm địa lý, tuổi tác, nghề nghiệp,...) nhằm đảm bảo đưa ra những chiến lược về trưng bày và bày bán các sản phẩm. Ngoài ra, thương hiệu cũng tìm hiểu thêm về các đối thủ cạnh tranh khác trên cùng địa phương để đưa ra lựa chọn thích hợp.

Hiện nay, Bitis đã có 5 chi nhánh phân phối trực thuộc công ty trải khắp các miền, như: 

  • Chi nhánh Biti’s Miền Bắc 
  • Chi nhánh Biti’s Đà Nẵng 
  • Chi nhánh Biti’s Tây Nguyên 
  • Chi nhánh Biti’s Miền Nam 
  • Chi nhánh Biti’s Miền Tây

Để trở thành đại lý của thương hiệu Bitis, cơ sở kinh doanh của bạn cần đảm bảo các tiêu chí:

  • Về mặt bằng: Diện tích rộng trên 12m2 hoặc 4 m2 nếu là sạp trong chợ; kho hàng phải đảm bảo chứa được trên 1000 đôi, địa điểm gần chợ hay khu dân cư đông đúc.
  • Về tài chính: Phương thức thanh toán là 100% ngay sau khi nhận hàng (120 triệu đồng với các đại lý thuộc thành phố, thị xã và 80 triệu đồng với các đại lý thuộc các thị trấn, huyện)
  • Về nhân lực: Phải có ít nhất một nhân viên bán hàng thường xuyên.
  • Kinh nghiệm: Có kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực giày dép.

Kết luận

Trung gian marketing - yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp tối đa hoá các hoạt động Marketing trên thị trường. Hy vọng những thông tin vừa nêu trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hệ thống trung gian này.

Thanh Thanh - MarketingAI

>>> Có thể bạn quan tâm: Coca-Cola xây dựng mô hình tiếp thị mới để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.