Năm mới đến mang lại những cơ hội mới cho các nhà tiếp thị cải tiến các chiến lược cũ và ý tưởng pitching (quảng cáo chiêu hàng) chưa từng được đưa ra bàn luận trước đây. Nhưng có ý tưởng sáng tạo là một chuyện, làm sao để thực hiện chiến dịch social marketing và nhận được sự chấp thuận của cấp trên thì lại là một chuyện khác, đặc biệt, khi tác động của các sự kiện năm 2020 đối với hoạt động marketing nói chung vẫn còn tồn tại.
Một buổi pitching mạnh mẽ, bất kể hoàn cảnh nào, đều cần có sự chuẩn bị kỹ càng về ý tưởng và một kế hoạch để thực hiện. Bài viết này, sẽ hướng dẫn bạn điều đó theo 4 nội dung chính sau:
- Các chủ đề nội dung tiềm năng cho năm 2021
- Sử dụng dữ liệu mạng xã hội để chuẩn bị cho pitching
- Chứng minh cách ý tưởng của bạn hỗ trợ các mục tiêu kinh doanh
- Hoàn thiện và trình bày quảng cáo chiêu hàng để bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng của bạn
Ý tưởng lớn mang lại cảm hứng cho pitching trên mạng xã hội là gì?
Vào năm 2021, các thương hiệu có thể thận trọng hơn trong việc sáng tạo nội dung do ảnh hưởng của đại dịch và những lo ngại ngày càng tăng xung quanh việc sản xuất những nội dung không phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, bạn sẽ cần phải tìm cách nổi bật so với đối thủ trong không gian kỹ thuật số đang bão hòa này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn cần phải đổi mới hoàn toàn chiến lược thương hiệu và mạng xã hội của mình.
Một ý tưởng pitching tốt có thể lớn như một chiến dịch thực sự hoặc cũng có thể nhỏ như việc điều chỉnh cách thức giao tiếp với khán giả trên mạng xã hội. Hãy xem xét điều gì quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, đối tượng cụ thể của bạn và sử dụng điều đó để điều chỉnh những ý tưởng bạn đưa ra.
>> Xem thêm: Pitching là gì?
Theo báo cáo Chỉ số xã hội Sprout năm 2020, có ba lý do hàng đầu mà người tiêu dùng theo dõi các thương hiệu trên mạng xã hội:
- Tìm hiểu về các sản phẩm hoặc dịch vụ mới
- Cập nhật tin tức công ty
- Tìm hiểu về các chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá
Có đại dịch hay không, những lý do đó đều không bị ảnh hưởng.
Nếu đại dịch vẫn là mối quan tâm hàng đầu khiến bạn phải suy nghĩ lại về lịch truyền thông xã hội năm 2021, hãy cân nhắc đưa ra các ý tưởng với nội dung hỗ trợ và mang lại lợi ích cho người dùng của mình. Nghĩa là xây dựng nội dung làm nổi bật các biện pháp phòng ngừa mà thương hiệu đang thực hiện tại các cửa hàng hoặc đầu tư nhiều hơn vào chiến lược chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội của bạn. Theo Hubspot, “bốn chữ C” - community (tính cộng đồng), cleanliness (sạch sẽ), contactless (không tiếp xúc) và compassion (lòng trắc ẩn) - vẫn sẽ là nguyên tắc chính cho các thương hiệu, đặc biệt là những thương hiệu dựa vào tương tác trực tiếp.
Một lý do khác để người tiêu dùng theo dõi thương hiệu trên mạng xã hội còn là để giải trí. Trong một năm đầy căng thẳng như năm 2020 việc được xem các quảng cáo thú vị, vui nhộn chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với những nội dung đau buồn.
Số liệu thống kê và dữ liệu nói trên chỉ là những điểm khởi đầu cơ bản nhất mà bạn có thể sử dụng. Sau khi bạn đã có ý tưởng cụ thể, vững chắc hơn về thương hiệu, nếu dữ liệu của bên thứ ba phù hợp với ý tưởng của bạn, hãy nhúng số liệu thống kê có liên quan vào bài pitching. Đảm bảo rằng điều đó mang lại giá trị cho đối tượng mục tiêu của bạn và hãy thể hiện khao khát được thực hiện ý tưởng đó.
Có bằng chứng social nào về việc khán giả sẽ đào sâu ý tưởng của bạn không?
“Trends” là yếu tố quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho những ý tưởng mới, nhưng không phải xu hướng xã hội nào cũng hiệu quả với thương hiệu của bạn. Các công cụ Social listening (lắng nghe xã hội) có thể giúp bạn nắm bắt các xu hướng và nội dung cụ thể mà đối tượng mục tiêu của bạn đang quan tâm và tương tác nhiều nhất, điều này sẽ khơi dậy một ý tưởng xã hội đáng để theo đuổi.
Nếu bạn đã có ý tưởng trong đầu, social listening có thể giúp bạn xác nhận xem đó có phải là điều đáng theo đuổi hay không. Thiết lập truy vấn lắng nghe bằng cách sử dụng các từ khóa và cụm từ tìm kiếm có liên quan để tìm các câu hỏi thường gặp, dữ liệu nhân khẩu học và các thông tin định tính khác từ khán giả và ngành của bạn để tạo nội dung mới, hấp dẫn.
Việc lắng nghe cũng có thể đảm bảo rằng thương hiệu của bạn nắm rõ được bối cảnh chính trị và xã hội hiện tại. Việc không hiểu rõ những thông tin này có thể biến các chiến dịch hoặc nội dung từ có chủ đích tốt thành một cuộc khủng hoảng thương hiệu.
Dữ liệu cho bạn biết điều gì?
Một bài học quan trọng trong năm 2020 mà chúng ta rút ra được chính là không có gì là chắc chắn và các sự kiện luôn có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, thành công của marketing trong tương lai thường phụ thuộc vào kết quả trong quá khứ. Tìm hiểu kỹ dữ liệu xã hội có thể giúp bạn hiểu khán giả của mình ở mức độ sâu hơn và truyền cảm hứng cho những ý tưởng sáng tạo mới. Khi bạn đã thu thập được dữ liệu cần thiết, hãy sử dụng dữ liệu đó để tạo brief cho buổi pitching để trình bày cho đồng nghiệp hoặc khách hàng của bạn biết lý do tại sao ý tưởng của bạn lại thành công.
Thử thuyết trình về nội dung đó nhiều lần và ghi lại bất kỳ sự bất thường nào đã xảy ra. Nếu có một phần nội dung độc đáo khiến khán giả ấn tượng, đó có thể là điểm khởi đầu tốt cho ý tưởng chiến dịch tiếp theo của bạn. Nhưng nếu nội dung đó không phù hợp, hãy đánh giá lại, thậm chí ngừng sử dụng các loại nội dung, giọng điệu hoặc danh mục sáng tạo này.
Ngoài các chỉ số, hãy xem nhận xét trong các bài đăng phổ biến. Khán giả của bạn thực sự đang nói gì về thương hiệu? Những phản hồi này có thể ảnh hưởng đến hướng nội dung và cung cấp thêm ngữ cảnh cho các con số thô của bạn hay không?
Khi xây dựng nội dung pitching của mình, hãy gói gọn tất cả các điểm dữ liệu chính để chứng minh bằng chứng xã hội và truyền sự tự tin vào ý tưởng của bạn.
Ý tưởng này hỗ trợ mục tiêu tiếp thị và kinh doanh của bạn như thế nào?
Một trong những điều quan trọng nhất cần ghi nhớ khi quảng cáo ý tưởng mới hoặc chiến dịch tiếp thị trên mạng xã hội là: mục tiêu, mục tiêu và mục tiêu. Các mục tiêu giúp bạn có trách nhiệm hơn, hướng dẫn lập ngân sách và cung cấp thêm thông tin cho các quyết định dựa trên dữ liệu. Việc chứng minh cách kế hoạch xã hội của bạn có thể hỗ trợ các mục tiêu như thúc đẩy lưu lượng truy cập không trả tiền hoặc mang lại các khách hàng tiềm năng mới giúp đảm bảo sự tin tưởng từ những người lãnh đạo.
Trong trường hợp bạn không chắc chắn về cách đặt mục tiêu của mình, hãy sử dụng nguyên tắc SMART:
- Specific - Cụ thể: Các mục tiêu phải cụ thể, đơn giản và được xác định rõ ràng.
- Measurable - Có thể đo lường: Mục tiêu phải được gắn với các con số, có thể cân đo, đong đếm được. Lựa chọn các chỉ số chính hỗ trợ mục tiêu của bạn và đưa vào báo cáo.
- Atainable - Có thể đạt được: Mục tiêu có thể đạt được với các nguồn lực hiện có không?
- Realistic - Tính thực tế: Với nguồn lực hiện tại về thời gian, băng thông và ngân sách, mục tiêu của bạn có thực tế không?
- Time bound - Có thời hạn cụ thể: Mọi mục tiêu đều cần có thời gian cụ thể để thực hiện. Xác định thời gian hoàn thành mục tiêu để dễ dàng kiểm soát và đảm bảo bạn đang đi đúng hướng.
Hoàn thiện nội dung pitching bằng cách chứng minh ý tưởng của bạn sẽ có tác động như thế nào đến nỗ lực tiếp thị và kinh doanh trong hiện tại cũng như tương lai. Nếu bạn có thể cho thấy ý tưởng của bạn sẽ hỗ trợ các nỗ lực tiếp thị sản phẩm hoặc mang lại hiệu quả cho nhóm bán hàng, thì những người nắm bắt có nhiều khả năng bật đèn xanh cho bạn.
Bạn sẽ trình bày pitching như thế nào?
Cách bạn pitching một chiến dịch hoặc ý tưởng tiếp thị phụ thuộc vào quy trình kinh doanh, thương hiệu và nội bộ của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, việc trình bày ý tưởng của bạn có thể đơn giản như gửi email cho người quản lý, nhưng một cuộc họp trực tiếp hoặc cuộc họp trực tuyến có thể mang lại nhiều lợi ích hơn, vì chúng tạo ra một kết nối cá nhân hơn giữa bạn, đồng nghiệp và lãnh đạo. Mọi người thường phản hồi tốt nếu cảm thấy rằng họ đang được tham gia vào quá trình phát triển ý tưởng. Theo lời khuyên từ Harvard Business Review, một khi những người nghe bài pitching của bạn cảm thấy như một người cộng tác sáng tạo, tỷ lệ bị từ chối sẽ giảm đi.
Để quá trình pitching trở nên hấp dẫn, cho dù đó là ý tưởng đơn lẻ hay chiến dịch, bạn cần phải nêu được lý do tại sao điều này lại quan trọng và trình bày rõ ràng ý tưởng của bạn trước khi đi sâu vào chiến thuật. Đảm bảo những thông tin sau được đưa vào proposal:
- Ý tưởng lớn: Trình bày rõ ràng ý tưởng, nguồn cảm hứng đằng sau ý tưởng đó, điều gì khiến bạn hứng thú và dữ liệu hỗ trợ ý tưởng này.
- Tại sao điều này lại quan trọng: Trình bày ý tưởng bằng cách trả lời xem khán giả và thương hiệu của bạn sẽ được lợi như thế nào? Làm nổi bật điều này ngay từ đầu bài pitching.
- Mục tiêu: Ngoài kết quả về mặt tài chính, kết quả dự kiến mà bạn mong đợi sau khi đưa ra ý tưởng này là gì? Bạn sẽ đo lường ROI như thế nào?
- KPI: Có số liệu cụ thể nào bạn sẽ theo dõi không?
- Nguồn lực: Bạn sẽ cần bao nhiêu thời gian cho ý tưởng này? Nếu bộ phận social của bạn được chia thành nhiều vai trò khác nhau, hãy phân chia rõ trách nhiệm và những kỳ vọng đi kèm với mỗi vị trí đó.
- Ngân sách: Bạn có cần thêm các khoản đầu tư/nguồn lực nào không? Nếu có, hãy nêu cụ thể về cách thức, thời điểm và những gì bạn sẽ chi tiêu.
Pitching hoàn hảo
Không phải mọi ý tưởng đều mang lại thành công, nhưng với dữ liệu, thông tin chi tiết về khách hàng, trực giác tiếp thị của bạn cùng một kế hoạch tấn công vững chắc, bạn có thể tự tin rằng mình sẽ được lựa chọn và có được sự ủng hộ cần thiết để đưa ý tưởng tuyệt vời tiếp theo của bạn đến đời sống.
Lương Hạnh - MarketingAI Theo sproutsocial
>> Có thể bạn quan tâm: Bài học kinh nghiệm từ bậc thầy quảng bá hình ảnh quốc gia Hàn Quốc
Bình luận của bạn