cover

Thị trường trà sữa Việt Nam đổi chiều sau nửa thập kỷ: Brands Việt lên ngôi nhờ xu hướng tiêu thụ mới

11 Thg 09

Sau gần một thập kỷ bùng nổ tại Việt Nam, Trà sữa - Thị trường được định giá hơn 8500 tỷ đồng đang có những sự chuyển mình rõ rệt. Thay thế cho những tên tuổi trà sữa Đài Loan "hot trend" một thời, thương hiệu Việt bất ngờ lên ngôi với những định vị mới về Trà sữa đậm vị, nguồn nguyên liệu tự nhiên. Sự chuyển dịch đặc biệt này đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh của thị trường trà sữa trong thời gian vừa qua và sắp tới.

Thị trường trà sữa Việt Nam đổi chiều sau nửa thập kỷ thống trị bởi các thương hiệu ngoại

Gần một thập kỷ trước, thị trường trà sữa tại Việt Nam bước vào thời kỳ hoàng kim với sự bùng nổ mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại quốc đình đám như: DingTea, GongCha, TocoToco,... Cơn sốt trà sữa Đài Loan nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường từ năm 2017, khiến giới trẻ mê mẩn bởi những ly trà sữa mang đậm hương vị sữa béo ngậy.

Chỉ trong khoảng 3 năm từ 2016 - 2018, các cửa hàng trà sữa mang thương hiệu ngoại này đã mọc lên dày đặc tại các thành phố lớn. Nhiều tuyến đường lớn tại Hà Nội và TP. HCM nhanh chóng bị phủ kín bởi các cửa hàng trà sữa khi cứ vài trăm mét lại có tới 2-3 quán cùng cạnh tranh. Cũng trong 3 năm này, doanh thu của các chuỗi trà sữa ngoại liên tục tăng lên gấp đôi theo từng năm, cho thấy tốc độ phát triển đáng gờm của thị trường 8500 tỷ này. Phúc Long trở thành thương hiệu Việt hiếm hoi có sức cạnh tranh cùng các hãng trà sữa ngoại.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, thị trường trà sữa dường như đã đạt tới đỉnh bão hòa, mức độ tăng trưởng của các thương hiệu trà sữa ngoại có phần chững lại. Và hơn hết là xu hướng thưởng thức trà sữa của người tiêu dùng bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt hơn. Những thương hiệu trà sữa ngoại với hương vị quá giống nhau không còn tạo nên sự hứng thú đối với người tiêu dùng Việt. Họ bắt đầu mong muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới, những hương vị mới, các loại trà sữa có hương vị độc đáo hơn.

Sự chuyển dịch quan trọng này đã làm thay đổi đáng kể cục diện của các thương hiệu trà sữa trong và ngoài nước trên thị trường Việt Nam. Những tên tuổi sừng sỏ một thời như TocoToco, Gong Cha, Ding Tea,... đều cho thấy sự sụt giảm rõ rệt về tầm ảnh hưởng, doanh thu cũng như mức độ nhận diện thương hiệu trong giai đoạn từ 2019. Đặc biệt là năm 2023 vừa qua, Toco lỗ hơn 112 tỷ đồng - mức lỗ lớn nhất của doanh nghiệp, đối thủ cùng thời Ding Tea cũng giảm tới 35% doanh thu so với năm 2022.

Thời kỳ tăng trưởng thần tốc của các thương hiệu trà sữa ngoại

Thời kỳ tăng trưởng thần tốc của các thương hiệu trà sữa ngoại, trà sữa Đài Loan - Nguồn ảnh: CafeF

Sự trỗi dậy của các thương hiệu Việt

Trong khi đó, các thương hiệu nội địa Việt lại đang cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ trong 2 năm qua. Những cái tên quen thuộc như Phê La, Katinat, La Boong,... bất ngờ nổi lên với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng giữa một thị trường trà sữa tưởng chừng như đã đạt đỉnh bão hòa.

Tân binh Phê La với khoảng 23 chi nhánh nhưng doanh thu lên tới 300 tỷ đồng trong năm 2023 và luôn duy trì tình trạng quá tải đơn hàng mỗi ngày, Katinat mở rộng từ Sài Gòn ra Hà Nội và khiến giới trẻ mê mẩn bởi những chiến lược độc đáo, La Boong - Một thương hiệu đã có gần 100 cửa hàng chỉ sau khoảng hơn 1 năm phát triển,... Hay Phúc Long cũng là cái tên duy nhất phát triển bền bỉ trên thị trường trà sữa ngay từ những ngày đầu tiên tới nay mà không bị sụt giảm quá nhiều. Bên cạnh doanh thu, sức ảnh hưởng của các thương hiệu này với người trẻ cũng rất ấn tượng, liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội cùng các chiến dịch truyền thông hấp dẫn.

Từ sự chuyển dịch đó, có thể thấy rõ bức tranh toàn cảnh của thị trường trà sữa Việt Nam đã thay đổi hơn trước rất nhiều. Đặc biệt là về xu hướng tiêu thụ trà sữa nói riêng và đồ uống nói chung của người tiêu dùng Việt Nam.

Xu hướng tiêu thụ trà sữa mới của người tiêu dùng Việt Nam

#1. Sự thay đổi về khẩu vị - Trà đậm vị trở thành xu thế

Theo thời gian có thể thấy khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể như trước đây những ly trà sữa Đài Loan chiếm ưu thế bởi hương vị béo ngậy thì hiện nay trà sữa đậm vị mới là cái tên chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trẻ. Trên thực tế trà sữa đậm vị đã được xuất hiện từ khá lâu cùng với thương hiệu Phúc Long. Khái niệm này được sử dụng để chỉ những loại trà sữa có tỷ lệ trà đậm đặc bên trong sản phẩm cao, khiến cho hương vị của sản phẩm trở nên đậm đà, chát nhẹ kết hợp với chút béo ngậy của sữa, người dùng sẽ thưởng thức có thể cảm nhận rõ hương vị của trà hơn so với các loại trà sữa trước đây.

Tuy nhiên khái niệm về trà sữa đậm vị chỉ thực sự trở nên phổ biến kể từ khi có sự xuất hiện của thương hiệu Phê La. Với định vị về trà sữa đậm vị & hương vị nguyên bản, Phê La đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng. Họ bị thu hút bởi tính chất “đậm” “nguyên bản” - những tính từ mang lại cảm giác về một sản phẩm có chất lượng cao hơn. Đặc biệt, khi định vị về trà - một thức uống thanh mát, được nhấn mạnh trong sản phẩm, cũng phần nào khiến cho người dùng có cảm giác “healthy” hơn khi sử dụng trà sữa. Mặt khác, xét về hương vị, so với các loại trà sữa Đài Loan trước đây thì trà sữa đậm vị có phần dễ uống mang lại cảm giác mới lạ và không bị ngấy.

Từ đây, việc thưởng thức các loại trà cũng như trà sữa đậm vị trở thành một hot trend mới được đông đảo người tiêu dùng hưởng ứng. Có thể thấy rõ xu hướng này qua sự phát triển của một số thương hiệu mang định vị về trà sữa đậm vị như Phê La, La Boong, Phúc Long, Lasimi,.... Mặc dù mới trong giai đoạn đầu bùng nổ, nhưng nhìn chung trà sữa đậm vị đang có tiềm năng phát triển bền vững trong dài hạn khá tốt, bởi hương vị thơm ngon, dễ uống.

Thị trường trà sữa Việt Nam

Trà sữa đậm vị mới là cái tên chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trẻ

#2. Sự ưu ái với sản phẩm có nguyên liệu thiên nhiên, đặc sản Việt Nam

Bên cạnh sự thay đổi về khẩu vị thì xu hướng tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng Việt Nam đối với trà sữa cũng như các loại sản phẩm khác đang có chiều hướng thay đổi rõ rệt. Nhu cầu sử dụng các loại trà sữa có nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên ngày càng gia tăng, bởi nó mang lại một cảm giác chất lượng hơn cho người tiêu dùng. Đây là một lợi thế rất lớn cho các thương hiệu trà sữa Việt Nam khi có thể tiếp cận được với nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, đặc biệt là các loại đặc sản từ các tỉnh thành của Việt Nam.

Một ví dụ tiêu biểu nhất phải kể đến chính là câu chuyện về định vị Trà Ô Long Đà Lạt đặc sản của Phê La - Định vị thương hiệu độc đáo đã giúp nhãn hàng này tạo dựng một vị thế đặc trưng, riêng biệt trên thị trường trà sữa trong suốt những năm vừa qua. Ngoài ra có thể kể đến một số thương hiệu khác cũng khai thác hiệu quả xu hướng này như La Boong với trà Tây Nguyên.

Việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nguồn đặc sản tự nhiên của đất nước không chỉ mang lại cảm giác an toàn, chất lượng cho sản phẩm. Mà còn đặc biệt ghi điểm khi người tiêu dùng Việt Nam luôn dành sự ưu ái cho các sản phẩm có nguồn gốc từ nước nhà.

#3. Khi thị trường trà sữa đạt mức bão hòa, sự khác biệt trở thành lựa chọn ưu tiên

Một lý do khác dẫn tới sự thay đổi về xu hướng tiêu thụ trà sữa của người tiêu dùng đó là mong muốn trải nghiệm những sản phẩm mới, hương vị mới. Giữa một thị trường Trà sữa bão hòa có quá nhiều thương hiệu mà hương vị giống nhau người tiêu dùng sẽ luôn có xu hướng bị thu hút và trải nghiệm với những sản phẩm có hương vị độc đáo hơn, không riêng gì trà sữa đậm vị. Vì vậy, trong tương lai có thể trà sữa đậm vị cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng mới, bởi khẩu vị của người tiêu dùng vẫn sẽ luôn có sự xoay vòng và thay đổi theo thời gian.

Do đó, để có thể giữ nhiệt cho thương hiệu trên thị trường Trà sữa đầy khốc liệt này, nhãn hàng vừa phải có những chiến lược định vị độc đáo khác biệt như Phê La. Nhưng đồng thời cũng phải nắm bắt được sự chuyển biến trong khẩu vị, cách thức tiêu thụ của người tiêu dùng để có thể đưa ra được các chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp.

>>>Bạn có thể quan tâm: Phê La - Tân binh khủng long tăng trưởng thần tốc nhờ chiến lược định vị khác biệt

Lời kết: 

Như vậy, có thể thấy được thị trường trà sữa Việt Nam đã có sự thay đổi không nhỏ về bối cảnh của các thương hiệu, cũng như insight của người tiêu dùng. Thương hiệu Việt đang dần cho thấy ưu thế khác biệt nhờ vào cách phảt triển sản phẩm độc đáo, bám sát mong muốn của người tiêu dùng và tận dụng tốt những lợi thế của một thương hiệu nội địa. Đặc biệt, sự biến đổi về khẩu vị, xu hướng tiêu dùng của người dân đang vừa tạo ra những cơ hội phát triển mới, vừa là thách thức đòi hỏi các thương hiệu cần có sự linh động, nhạy bén trong quá trình phát triển sản phẩm. 

Tham khảo: CafeF

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.